Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

NĂM GÀ ĐINH DẬU, NGHĨ VỀ "KÊ MINH THẬP SÁCH"


Nguyễn Khắc Mai - Chinh Minh


Kê Minh Thập Sách, nghĩa là Mười Chính Sách (dâng) Lúc Gà Gáy Sáng,tương truyền là của Nguyễn Cơ Bích Châu, một vị phi hậu của vua Trần Duệ Tông (1336-1377).

Theo Truyền Ký Tân Phả của Đoàn Thị Điểm: Bà “là con gái nhà quan,tính cách cứng cỏi, tư dung tươi đẹp, thông hiểu âm luật Lê viên, theo đòi văn từ nghệ phố, vua Trần Duệ tông nghe tiếng cho tuyển vào cung.” Nhân thấy chính sự triều Trần, sau khi Dương Nhật Lễ tiếm quyền, ngày càng suy kém, Bà liền thảo bài “Kê Minh Thập Sách" dâng lên.(Kê Minh, tên một bài thơ trong Kinh Thi, nói về một bà hậu, nghe gà gáy sáng liền khuyên nhà vua trở dậy đi dự phiên chầu.Tên bài thơ về sau được dùng để nói việc vợ khuyên chồng lo việc quốc gia).

Các nhà nghiên cứu Kê Minh Thập sách như Vũ Ngọc Khánh, Chương Thâu, Hữu Ngọc…đều khẳng định tiếng gà gáy là hình tượng của sự thức tỉnh. Hữu Ngọc trong một bài viết đăng trên Le Courrier du Vietnam có nhan đề “Tiếng gà gáy vọng về qua nhiều thế kỹ”. Liệu tiếng “Kê minh” đã vang vọng từ bảy thế kỷ nay, có làm thức tỉnh điều gì trong chúng ta, khi bước vào thời kỳ mới của công cuộc chấn hưng và phát triển đất nước hay không? Quả thật mỗi điều là một minh triết. Nó không phải là tư duy duy lý,mà là những chân lý giản đơn, có tính khái quát, phổ cập rât cao. Chúng giống như những công thức, mà mỗi thời đều có thể đem dùng trong những bài toán cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hóa, dân sinh của thời đại mình, 

Mở đầu, Bà nêu lại một phương châm phòng ngừa từ xa “cư an tư nguy” - ở vào thời yên phải tính lúc nguy, gây nền trị từ khi chưa loạn.

Thập sách của Bà dâng lên gồm bốn chính sách về chính trị, hành chính, hai chính sách về văn hóa, giáo dục, tư tưởng, và bốn chính sách quân sự. Chúng tôi mạo muội gọi là những Minh Triết Trị Nước An Dân

Ở hàng đầu, Bà nêu lên vấn đề có tính nguyên tắc, đạo lý của mọi đường lối chính trị. Đó là đạo lý tôn dân. Bà nói “Phù Quốc bản, hà bạo khử tắc Dân tâm tự an”. Có nghĩa là nâng lên, đề cao gốc nước. Gốc nước, chính là người dân. Trong truyền thống đạo trị nước của Việt Nam từ ngàn xưa, nguyên lý “Quốc dĩ dân vi bản” - Nước lấy dân làm gốc bao giờ cũng được coi như nguyên lý số một. Mà để làm được điều đó thì hàng đầu lại là phải bỏ đi mọi hà khắc bạo ngược trong mọi ứng xử. Từ luật pháp, đên chính sách cụ thể cho đên phương thức, phương châm phương pháp để điều hành xã hội trong mọi mối quan hệ dù ở cấp vĩ mô hay ở cơ sở. Tự nhiên ta nhớ tới một mong ước lớn lao của Nguyễn Trãi:"Sinh đời thái bình ai cũng được ở yên. Gặp thuở thánh minh ai cũng được thỏa sống”. Và “Làm sao trong thôn cùng xóm vắng không còn lời hờn giận oán sầu”. Ta không thể không thử hỏi cái lý tưởng nhân văn ấy, ngày nay ta hành xử thế nào. Bà còn chỉ ra ba vấn đề lớn nữa, là 
(i) Loại bỏ phiền nhiễu để kỷ cương không rối loạn.

(ii) Thải loại bọn quan lại tham nhũng để giảm bớt sự chài vét của dân.

(iv) Đè nén lũ lông quyền để trừ lũ sâu mọt hại dân. Những tệ nạn phiền nhiễu, tham nhũng,lộng quyền đang hoành hành làm băng hoại xã hội hôm nay. Bà dùng chữ rất chuẩn. Với phiền nhiểu thì phải loại bỏ. Với quan lại tham những thi thải, đuổi. Không như ta bây giờ, tham những cấp dưới thì đưa lên cấp trên,cho chức tước cao hơn! Còn với lũ lộng quyền thì đè nén, bọn này có kẻ ỷ công trạng, có kẻ nhiều quyền lực, kể cả quyền lực kinh tế, nên chỉ có thể dùng pháp luật để đè nén, ngăn ngừa,hạn chế. Tham nhũng và lộng quyền đang phá hoại đất nước, xã hội,đang chà đạp lên Dân, lên kỷ cương pháp luật.

Về Văn hóa, Bà nêu hai điều. Một là:”Chấn hưng nho phong để cho ánh đuốc (văn hóa) như mặt trời mặt trăng soi sáng khắp nơi.” Nho phong không chỉ là học hành, còn là vấn đề nhân cách. Một mách bảo sáng suốt cho công việc văn hóa giáo dục hôm nay! Hai là “Hãy cầu lời nói thẳng, khiến cho cổng thành và đường ngôn luận cùng rộng mở.” Lời nói thẳng nghĩa là phê bình, phản biện liên quan với việc mở rộng giao thương và con đường ngôn luận để mở mang trí tuệ, phát triển nhân cách xây dựng xã hội, quả thật là những dự báo thiên tài, một tư duy rất thời sự, hiện đại.

Vế Quân sự, Bà chỉ ra bốn lãnh vực. Kén quân cốt người khỏe mạnh rồi mới tính đến dáng vóc.Tuyển tướng phải chọn người thao lược sau mới tính thế gia.Vũ khí phải bền chắc.Trận pháp phải chỉnh tề.Riêng tư tưởng “tuyển tướng phải người thao lược”. Đó là sự khôn ngoan muôn đời, không chỉ trong quân sự, mà nó phổ biến ở mọi lãnh vực.Riêng việc chỉ chọn người cùng phe cách, chọn người nhà chứ không phải người tài, và ở hầu hết các lĩnh vực không có người thao lược có tầm vóc tổng công trình sư đang là vấn nạn của đất nước tại buổi “kim nhật, kim thì”, thì tiếng gà báo thức xuyên thế kỹ thật rất có nhiều nghĩa cảnh báo.

Không phải ngẩu nhiên mà Lê Thánh Tông đã ca ngợi Bà, truy tôn Bà với mỹ tự: Chế Thắng Phu Nhân (Vị Phu nhân của mọi chiến thắng). Trong sách sử nước ta và của Trung hoa, như Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, hay trong Từ Hải của Trung quốc, “chế thắng” được định nghĩa là, người chế định ra được mưu lược để giành thắng lợi.

Quả thật Kê Minh Thập Sách là những tư tưởng chiến lược,mà bất cứ ai hiểu được,cảm nhận được, và biết tìm mọi cách đẻ đưa vào thực tiễn hành động, sẽ bảo đảm được thắng lợi.

Hồn thiêng của Tổ tiên và Văn hóa Việt đang chỉ cho ta hãy bước vào thời buổi này với một tầm nhìn, một trí tuệ,một quyết chí mạnh mẽ,sáng suốt, đem cái minh triết ấy để giải quyết cho bằng được những bài toán đật ra cho Dân, cho Nước trong thời đại mới. Những ai đang điều hành đất nước,những trí thức đang tìm cách hiến kế, đổi mới thể chế, chính sách, luật pháp,chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức… hôm nay, nên tìm đọc và ngẫm nghĩ về Mười chính sách mà chúng tôi gọi là Minh Triết trị nước an dân của Kê Minh Thập sách.
N.K.M


Chinh Minh

Năm con gà 2017, nhớ về người xưa !

Tiếng gà báo sáng.

Tại xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh , tỉnh Hà Tĩnh , có ngôi đền hơn 600 năm tuổi thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu cung phi của vua Trần Duệ Tông (1336 - 1377 ).

Trước cửa đền có đôi câu đối :
KÊ MINH THẬP SÁCH TRÍ TUỆ THÁNH HIỀN TRUYỀN LƯU PHÙ ĐẤT VIỆT
CHẾ THẮNG PHU NHÂN ƠN MẸ DÀI LÂU GÌN GIỮ ĐẤT PHƯƠNG NAM .

Bên trong có tấm bia đã ghi lại 10 kế sách cho các minh quân trị quốc và chống giặc ngoại xâm .

1. Luôn giữ gốc nước, bỏ lòng tàn bạo thì lòng dân được yên.
2.Giữ nếp xưa , bỏ phiền nhiễu thì kỷ cương không rối .
3. Đe kẻ lộng quyền để trừ bọn sâu mọt .
4.Thải bọn nhũng để trừ bọn đục khoét của dân .
5. Mong chấn hưng văn hoá , khiến lửa đuốc sáng soi cùng mặt trời .
6. Xin cầu lời nói thẳng, để người người được bàn bạc khắp nơi nơi.
7. Tuyển quân trước cốt dũng lực, sau mới kể thân hình .
8. Kén tướng nên trọng thao lược chớ để con ông cháu cha .
9. Khí giới cần sắc bén chứ đừng chuộng hoa hoè .
10. Trận pháp, cốt chỉnh tề đâu cần múa khéo .

Đó là những kế sách của cung phi dâng lên vua sau 3 trận đánh thắng quân Nguyên thì bắt đầu suy thoái 10 điều nói trên để cứu vãn tình thế nhà Trần. Đây là lời cảnh tỉnh nhà vua phải thay đổi, nếu không sẽ sụp đổ.

"Cầu ngôn" cầu người nói thẳng, quan không được kéo bè đảng (lợi ích nhóm) tham nhũng, khai dân trí, khoan sức dân, quân đội phải chọn tướng tài không được chọn con ông cháu cha ......

Soi chiếu 10 điều trên vào tình hình Việt Nam ngày nay thì đi ngược với Kê Minh Thập Sách của bà Nguyễn Thị Bích Châu có từ hơn 600 năm qua.

Mong rằng năm con gà này sẽ có sự thay đổi bước ngoặt cho dân tộc Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam sẽ mở ra trang lịch sử mới cho chính mình.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: