Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Ông Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979


Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, súng đã bất ngờ nổ đỏ dọc một rẻo đất hẹp ở biên giới phía bắc khi chúng ta vừa mới ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhà cầm quyền Trung Quốc muốn chúng ta cảm nhận được sức nặng của một tỷ người đến cỡ nào. Trước sự ngoan cường của người Việt, 3 tuần sau Trung Quốc đã phải rút quân về nước.
Thiếu tướng Lê Mã Lương có nhận định rằng sau 1975, Tổng bí thư Lê Duẩn là người đầu tiên khẳng định Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam, trong khi đó, nhiều tướng tá vẫn tin rằng khả năng này ít xảy ra. Sự nhận thức về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh của ông Lê Duẩn bắt đầu từ thời điểm nào, thưa ông?

Ông Lê Kiên Thành: Đấy là thời điểm xa hơn đấy rất nhiều, chắc từ những năm đầu thập niên 1960. Trong một chuyến đi thăm Trung Quốc, trong cuộc tiếp Mao Trạch Đông hỏi Việt Nam có bao nhiêu dân, ông Lê Duẩn trả lời là 30 triệu. Sau đó, Mao Trạch Đông hỏi về dân số của Lào, Campuchia, Thái Lan. Khi đó, Mao Trạch Đông nói “Thế thì ít quá, tôi sẽ dẫn 400 triệu bần nông xuống làm cách mạng ở Đông Nam Á”. Hồi đó dân số Trung Quốc vào khoảng 700 triệu.

Sau này có lúc Trung Quốc muốn đưa 200 xe ô tô tải giúp chúng ta chở hàng vào miền Nam với điều kiện lái xe là người Trung Quốc. Ông Ba kiên quyết không nhận cái xe nào. Giữa cuộc họp, ông đập bàn nói rằng thà không có còn hơn đưa sinh mệnh của đất nước vào sự nguy hiểm.

Thực ra, trong suốt cả cuộc kháng chiến, Trung Quốc ủng hộ mình bao nhiêu thì họ cũng luôn nghĩ về lợi ích của họ bấy nhiêu. Thế nhưng thiếu sự ủng hộ của họ, chúng ta cũng không chiến thắng được.
Ông Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979
Ông Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979
Ông Lê Kiên Thành.
 Liệu có phải sự cảnh giác từ rất sớm đó góp phần khiến ông Lê Duẩn bị đánh giá là quá quyết liệt trong mối quan hệ với Trung Quốc thời kỳ sau 1975?

Ông Lê Kiên Thành: Ông ấy quyết liệt đủ đến độ để họ không thể hiện dã tâm từ đầu. Nhưng cũng ít đến độ họ vẫn phải tiếp tục ủng hộ mình. Nhiều người nói là vì ông găng quá nên xảy ra cuộc chiến. Nhưng tôi nghĩ điều đó sai.

Nếu nhìn về lịch sử từ xưa đến nay sẽ rõ. Cho nên đừng mơ hồ chuyện đó.

Có một hình ảnh rất hay là bầy sư tử khi ngủ, nó luôn quay về phía mà nó nghĩ là có kẻ thù mạnh hơn. Sư tử là kẻ mạnh nhất trong khu rừng mà còn cảnh giác đến độ như vậy huống hồ chúng ta.

Năm 1979, đất nước chúng ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh có 4 năm. Với chúng ta bây giờ bốn năm là một khoảnh khắc. Còn đối với một dân tộc vừa đi ra khỏi một cuộc chiến tranh hàng chục năm, trên người đầy vết thương, đầy tang tóc...bốn năm đó thực sự đáng giá.

Thế nhưng, súng đã nổ trên một rẻo đất hẹp ở biên giới phía Bắc. Trong tất cả lịch sử chiến tranh của đất nước chưa bao giờ có chuyện như thế. Nước Mỹ mang 500.000 ngàn quân nhưng phải trải qua một thời gian rất dài, trong một không gian rất rộng gồm cả miền Nam.

Nhà cầm quyền Trung Quốc muốn chúng ta cảm nhận được sức nặng của một tỷ người đến cỡ nào. Nhưng chúng ta đã chứng tỏ cho họ thấy điều đó là vô nghĩa. Từ biên giới vào có mười mấy cây số nhưng 1 tháng sau họ mới đặt chân được vào thành phố Lạng Sơn. Đó là điều ngay cả người Trung Quốc cũng không nghĩ tới.

Sau này, tướng tá Trung Quốc đều nói với phương Tây rằng họ không tưởng tượng được tổn thất có thể khủng khiếp như thế. Hồi đó, chúng ta chỉ có một sư đoàn đóng ở biên giới, còn lại là dân quân, tự vệ, bộ đội địa phương. Trong khi đó Trung Quốc sử dụng tới 600.000 quân, tức là 60 sư đoàn.
Ông Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979
Hình ảnh thị xã Cao Bằng bị quân Trung Quốc bắn phá tan hoang do nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường ghi lại. Khi đó, ông là cán bộ phòng biên tập ảnh của Nhà xuất bản Văn hóa được tăng cường lên biên giới phía Bắc cuối năm 1978. Từ lúc chiến sự xảy ra đến đầu tháng 3/1979, ông theo chân công an vũ trang đi khắp chiến trường Cao Bằng, ghi lại những hình ảnh chân thực của cuộc chiến 38 năm trước bằng một chiếc máy ảnh và 20 cuộn phim. Ảnh tư liệu

.Một số tài liệu nói rằng, trong cả hai chuyến thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng bí thư năm 1975 và 1977, ông Lê Duẩn đều rút ngắn thời gian và không tổ chức tiệc đáp lễ như truyền thống?

Ông Lê Kiên Thành: Đó là thông tin sai, tất cả những chuyến thăm ấy đều trọn vẹn.

Thật ra đến năm 1976 hoặc trước đó, ông có gặp Đặng Tiểu Bình và hai người vẫn nói chuyện với nhau vẫn rất tình cảm. Chính Đặng Tiểu Bình là người nêu vấn đề là chuyện mấy hòn đảo đừng nói của ai vội, đấy là vấn đề lịch sử mà chúng ta đều phải bình tĩnh nhìn nhận.

Đặng Tiểu Bình với ông Ba có những mối quan hệ cá nhân rất khăng khít. Sau này, khi Đặng Tiểu Bình bị cách mạng văn hoá vùi dập, mỗi lần đi thăm Trung Quốc, ông vẫn tìm cách liên lạc với Đặng Tiểu Bình.

Cho nên, chuyện năm 1979 đối với ông Ba là một sự phản bội cá nhân của tình cảm giữa hai người bạn.

Giai đoạn 1978, ông Đặng Tiểu Bình đi thăm nhiều nước và tuyên bố sẽ dạy cho Việt Nam một bài học. Khi đó, ông Lê Duẩn nghĩ gì?

Ông Lê Kiên Thành: Về mặt cá nhân thì tôi không rõ, nhưng hai con người đó cũng là hai con người có trách nhiệm với hai Tổ quốc. Chắc là họ cũng chỉ nghĩ nhiều về Tổ quốc hơn là nghĩ về cá nhân. Đặng Tiểu Bình sẽ nghĩ là làm thế nào cho Trung Quốc tốt nhất và ông Lê Duẩn sẽ nghĩ làm thế nào cho Việt Nam tốt nhất. Đối với những con người ở vị trí đó, cái cá nhân như chúng ta vẫn nói là thứ gì đó rất khác.

Nhưng tôi thấy một lần ông đọc báo Nhân Dân và khi thấy vẽ tranh biếm hoạ đả kích Đặng Tiểu Bình thì ông ấy nhăn mặt nói: “Ba không bao giờ muốn người ta đả kích nhằm vào cá nhân như vậy”. Cái đó một phần vì ông là bạn của Đặng Tiểu Bình.

Từ 1977, những văn kiện gửi cho quân khu Quảng Châu nhấn mạnh tinh thần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Tại sao đến thời điểm đó, vẫn có rất ít người dự đoán được thời điểm Trung Quốc tấn công Việt Nam?

Ông Lê Kiên Thành: Trước chiến tranh nổ ra, có mời thư ký của ông Nguyễn Duy Trinh đến nói chuyện với cán bộ về tình hình và các khả năng. Ông nói hết tình hình, khả năng như nào, logic thì nó sẽ thế nào.

Vậy, những động thái từ phía Việt Nam để chuẩn bị cho một cuộc chiến ở phía Bắc thực ra đã bắt đầu từ thời điểm nào?

Ông Lê Kiên Thành: Có lẽ từ khi chúng ta giúp Campuchia tiêu diệt chế độ Polpot. Chúng ta vẫn nghĩ rằng chiến tranh nếu nổ ra chắc vẫn còn xa. Còn gần đến cỡ đó thì ít người nghĩ đến thật.

Chỉ hai tuần sau Tết, ngày  17/2, Trung Quốc bất ngờ nổ súng trên toàn tuyến biên giới phía Bắc?

Ông Lê Kiên Thành: Thật ra, ngày đó là ngày cưới của tôi. Tối hôm đó tôi cưới thì sáng Trung Quốc nổ súng đánh biên giới. Tối hôm đó vẫn rất bình thường. Sau này, có người nói sao đánh nhau lại còn cưới. Nhưng họ không hiểu rằng trong cuộc kháng chiến, có rất nhiều đám cưới trên chiến hào, trong hầm trú bom.

Bởi vì, cuộc kháng chiến của mình dài quá, nhiều trẻ em sinh ra trong tiếng bom nổ. Nếu chúng ta không tạo ra được cuộc sống bình thường trong cuộc chiến đấu này, chúng ta không thể duy trì cuộc chiến tranh dài đến thế.

Đấy cũng là lý do để sau này tôi muốn con tôi cháu tôi nhớ rằng cha mẹ, ông bà đã làm đám cưới trong một ngày trên biên giới phía bắc, tiếng súng của sự dã man và phản bội đã vang lên.

Tổng bí thư Lê Duẩn có tham dự đám cưới của con trai mình không?

Ông Lê Kiên Thành: Có chứ. Có cả ông Trường Chinh và nhiều thành viên Bộ Chính trị. Lãnh đạo đơn vị tôi cũng có mặt ở đó. Họ căng thẳng lắm khi nghe Trung Quốc đánh trên toàn tuyến. Nhưng khi đến đám cưới mọi người nói chuyện bình thường, nét mặt các ông lãnh đạo bình thường. Ở các ông già toát lên một sự tự tin ghê gớm.

Ừ thì cuộc chiến xảy ra sớm nhưng là điều mình nghĩ từ 10-20 năm. Thực tế đã xảy ra như thế. Một tháng sau người Trung Quốc mới đặt chân đến thị xã Lạng Sơn, cách biên giới có 12 km. Nếu đi bình thường chỉ mất 20 phút nhưng Trung Quốc với từng ấy quân lính, từng ấy xe tăng thì một tháng sau mới chiếm được thị xã nhỏ bé của mình. Đừng nghĩ sẽ đi đâu xa.

Ông Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979
Xác xe tăng Trung Quốc bị bắn gục tại bản Sẩy (Hòa An, Cao Bằng). Bộ đội bám trụ từng hốc suối, bìa rừng, đánh bật quân Trung Quốc lùi dần về phía đường biên. Báo Quân đội nhân dân số Thứ Sáu, ngày 23/2/1979 đăng "Trong 5 ngày (từ 17 đến 21/2), quân dân các tỉnh biên giới diệt 12.000 địch, diệt và đánh thiệt hại nặng 14 tiểu đoàn, bắn cháy, phá hủy 140 xe tăng, xe thiết giáp, thu nhiều súng và đồ dùng quân sự". Ảnh tư liệu.

Sau khi Trung Quốc rút, ông Lê Duẩn là người quyết định không truy kích. Quyết định đó được đưa ra như thế nào?

Ông Lê Kiên Thành: Thực ra cái mình muốn nhất là Trung Quốc không đánh. Nhưng điều đó lại xảy ra rồi. Giết thêm 1-2 vạn quân nữa thì không có ý nghĩa, chỉ thêm nhiều người Trung Quốc căm thù người mình.

Cũng chính ông Lê Duẩn khi miền Nam giải phóng, có người đã xin xử bắn một số người kẻ ác phía hàng ngũ Việt Nam cộng hoà, ông không đồng ý. Những người ấy ác thật, họ mổ bụng, họ tra tấn đồng chí của mình thật. Trong chiến tranh, người ta có thể chấp nhận cái chết, nhưng trong hoà bình thì lại không thể chấp nhận được.

Còn ý kiến cho rằng Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới là để thử khả năng phòng ngự của Việt Nam và khả năng Liên Xô sẽ giúp đỡ Việt Nam như thế nào?

Ông Lê Kiên Thành: Tôi không nghĩ Trung Quốc thử. Hiệp định Việt Nam ký với Liên Xô diễn ra là sau 17/2. Người Việt Nam đều hiểu chúng ta trông đợi nhất vào chính chúng ta thôi, khó có thể trông đợi người nào khác.

Tôi cũng không nghĩ Trung Quốc đánh để thử Liên Xô, vì đó là một trò chơi quá đắt tiền, quá mạo hiểm và quá dã man. Họ có những mưu đồ khác. Sâu xa nếu mà được là phải rút được quân Việt Nam ra khỏi Campuchia để cứu Pol Pot, nhưng điều đó không thực hiện được. Thứ hai là Trung Quốc muốn chứng tỏ điều Trung Quốc làm được mà Mỹ không làm được. Cuối cùng thì Trung Quốc cũng không làm được.

Ông Lê Duẩn có lường được rằng cuộc chiến tranh biên giới sẽ kéo dài đến 10 năm sau mới kết thúc không?

Ông Lê Kiên Thành: Ngay cả bây giờ, Trung Quốc vẫn muốn người Việt Nam không thích ông Lê Duẩn chỉ vì một vấn đề là ông ấy đại diện cho một ý chí của những người muốn cảnh giác với Trung Quốc.

Tôi lên biên giới, vào Mục Nam Quan (sau này đổi thành Hữu Nghị Quan), họ treo ảnh các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc, trừ ông Lê Duẩn. Và tôi lại cảm thấy tự hào kinh khủng vì có một người ba hay thật, người mà đến khi chết vẫn nghĩ giữ nguyên vẹn đất nước Việt Nam này, không mua bán, không mặc cả. Nếu là anh em thì hoà thuận, còn không thì chết chúng tôi cũng giữ đất nước này.

Quốc Việt thực hiện

(VNN)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: