Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

(Nhân đọc cuốn BẢN LĨNH VĂN HÓA của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, NXB Tri Thức-2014)


ToNhuanVyCách đây chừng 8 năm, phần lớn những bài viết trong tập sách “Bản lĩnh văn hóa”, ở dạng bản thảo, chúng tôi đã được tiếp cận. Thời điểm đó, chúng tôi, với tư cách bằng hữu đã đề nghị tác giả cho ấn hành. Qua trao đổi, anh Vỹ có nhiều băn khoăn.
Trước đó, với công việc tổ chức bản thảo, chúng tôi tiến hành xuất bản bộ sách khá đồ sộ “Những người lao động sáng tạo của thế kỷ XX”. Nhóm chủ biên sách gồm: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Hoàng Hưng, Nguyễn Thụy Kha. Nội dung chủ yếu của bộ sách là tôn vinh hơn 100 nghệ sỹ và nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ XX. Có một nhân vật khi đưa vào bộ sách có trở ngại, đó là nhà văn Nhất Linh. Nhiều nhà xuất bản không duyệt khi đưa Nhất Linh đứng trong hàng ngũ những nhà văn hàng đầu của thế kỷ.
Chúng tôi đã trình bày ý kiến của mình với nhà văn Nguyễn Đình Thi, lúc đó là chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã nói, đại ý: Nhất Linh hoàn toàn xứng đáng. Ông là linh hồn của Tự lực văn đoàn. Và ảnh hưởng của Tự lực văn đoàn đối với sự phát triển của Văn học Việt Nam là rất lớn. Nếu Nhất Linh có sai lầm thì ông đã đổi bằng cả mạng sống của mình.
Chúng tôi đã chuyển ý kiến của ông Nguyễn Đình Thi đến Ban biên tập của Nhà xuất bản Lao Động. Lúc đó chị Hồng Hạnh trưởng ban đã nhiệt tình ủng hộ và nhà văn Nhất Linh đã có tên trong bộ sách. Bộ sách ra đời gồm 6 tập, tập đầu in năm 1999, tập cuối in năm 2002.
Chúng tôi đưa trường hợp này trao đổi với anh Vỹ như là một gợi ý về việc vận động những người có uy tín, có “tiếng nói” để cuốn “Bản lĩnh văn hóa” của anh được xuất bản. Nhưng tập sách cũng không được xuất bản vào thời điểm đó.
Nếu “Bản lĩnh văn hóa” trình làng cách đây gần một thập kỷ thì giá trị đối với cuộc sống sẽ cao hơn. Nhưng không sao, dù muộn còn hơn không.
Với 18 bài (các bài báo và tiểu luận), phần lớn là ngắn, thậm chí có bài rất ngắn, lời lẽ điềm đạm, ý rõ ràng, không có chỗ nào lắt léo, Tô Nhuận Vỹ đã thể hiện dứt khoát bản lĩnh văn hóa của mình. Văn học Việt Nam nhất thiết phải được đổi mới, nhất thiết phải được dân chủ trong sáng tạo.
Qua tập sách, người đọc thấy, ở Tô Nhuận Vỹ, ý thức đổi mới văn học, ý thức dân chủ trong văn nghệ, ý thức tôn vinh những giá trị thực của văn nghệ, ý thức ‘chiêu oan” cho những đồng nghiệp, ý thức chia sẻ với những người cùng quan điểm (về cả 2 phía), ý thức đấu tranh vì tiến bộ của văn nghệ, ý thức đấu tranh về việc chèn ép, mất dân chủ trong văn nghệ… đã thành hệ thống trong hệ tư tưởng của anh trong suốt mấy thập kỷ qua.
– “Với Phạm Quỳnh, tôi nghĩ, với nhiều lý do chính đáng, đã đến lúc nhà nước, ở đây là Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, cần kết luận và vinh danh chính thức sự đóng góp lớn lao cho văn hóa dân tộc của ông.” (trang 20) 
– “Chúng tôi chỉ biết tri ân vô cùng người đã có sáng kiến học cách “đầu tư chiều sâu” của Hội văn học Liên Xô và đốc thúc quyết liệt thực hiện sáng kiến này. Người có sáng kiến và thực hiện quyết liệt sáng kiến đó là anh Trần Độ.” (trang 22)
Phạm Quỳnh là ai, Trần Độ là ai, nhà văn cả nước biết, những người hoạt động văn hóa biết, trí thức cả nước biết. Công khai ở “luồng chính thống” đề nghị vinh danh học giả Phạm Quỳnh và tri ân Trần Độ phần nào nói lên bản lĩnh của tác giả tập sách. Đó chỉ là những dẫn chứng bất kỳ, độc giả có thể thấy rất nhiều trường hợp tương tự trong tập sách: Trường hợp “bảo vệ” Phùng Quán; trường hợp chia sẻ nỗi đau của Nguyên Ngọc; muốn làm minh bạch trường hợp của Trần Dần, Lê Đạt về giải thưởng nhà nước..
Với đội ngũ đông đảo các nhà văn Việt Nam hiện nay, làm được những điều đó không chỉ có Tô Nhuận Vỹ. Một loạt những nhà văn khác như Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên, Thanh Thảo… đều có những đóng góp đáng kể trong việc giữ vững bản lĩnh văn hóa của người nghệ sỹ. Từ đó, họ có những đóng góp nhất định cho sự phát triển văn học nghệ thuật, cho cá tính sáng tạo, cho dân chủ trong sáng tạo của nghệ sỹ nước ta.
Tuy nhiên, nói một cách công bằng, Tô Nhuận Vỹ với sự kiên trì trong suốt một thời gian khá dài và rất cần mẫn “chiến đấu” cho hệ tư tưởng của mình đã tự khẳng định cái riêng của anh.
Nếu nói đến sự nổi lên hàng đầu trong mong muốn đổi mới văn nghệ, trong việc đối đầu với những trì trệ, bảo thủ, áp chế thì Tô Nhuận Vỹ không bằng một số nhà văn khác. Trong những người tử tế nổi bật có , chẳng hạn, Nguyên Ngọc. Nhưng xét về tính hiêu quả thì Tô Nhuận Vỹ là trường hợp đáng được ghi nhận.
Sở dĩ được như vậy là nhờ ông có một nét riêng để bảo vệ hệ tư tưởng của mình; đó là luôn luôn tìm cách đối thoại: “Mà trong lẽ phải có người có ta” (Nguyễn Du).
Tô Nhuận Vỹ đối thoại qua thư, đối thoại qua trao đổi, đối thoại tay đôi, đối thoại qua diễn đàn… Anh đối thoại với cả hai phía.
Trong tập sách được đề cập, độc giả có thể gặp rất nhiều những cuộc đối thoại ấy. Thế nhưng trong thực tế, rất nhiều trường hợp anh bị “đánh” từ cả hai phía.
Một lần, chúng tôi nghe một người bạn biết nhiều văn nghệ nói: “Tô Nhuận Vỹ là người của Hữu Ước!”. Ô hay, Hữu Ước thì có liên quan gì? (Ý của anh bạn ấy là Tô Nhuận Vỹ làm việc cho an ninh để theo dõi văn nghệ). Lại nữa, có một dạo Tô Nhuận Vỹ đi lại Mỹ-Việt Nam như con thoi , liền bị xì xào là người của CIA (!)
Chúng tôi biết Tô Nhuận Vỹ đã lâu, đọc những trang như là “tuyên ngôn” về bản lĩnh văn hóa của anh lại chảng thấy Hữu Ước, cũng chẳng thấy CIA!
Chỉ thấy bản lĩnh của một nhà văn đương đại Việt Nam-như nhiều bạn bè, đồng nghiệp của anh: đấu tranh cho sự đổi mới của văn nghệ. 
Tô Nhuận Vỹ hay đi Mỹ vì nhiều lý do. Do vậy, có thể nói anh là một trong ít những nhà văn trong nước sống trên đất nước Mỹ nhiều ngày. Điều kiện đó đã giúp anh tiếp xúc với nhiều nhà văn Việt Nam ở hải ngoại. Và chính ở đây, bản lĩnh văn hóa của anh được thử thách.
Nhiểu người trong chúng ta đều biết, một số nhà văn hải ngoại quyết liệt vì hận thù đã xem những nhà văn cộng sản như những tấm bia để nhả đạn.
Trong “Bản lĩnh văn hóa”, Tô Nhuận Vỹ đã kể lại một số trường hợp ghê gớm về lòng hận thù của những nhà văn đó. Đặc biệt là chuyến đi Mỹ với Nguyễn Quang Thiều, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa…(Xem bài “Con đường Văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ: con đường từ trái tim”).
Tuy nhiên, những nhà văn tử tế, lương thiện ở hải ngoại cũng không phải ít. Tô Nhuận Vỹ đã vận động bằng đối thoại thích hợp để văn học Việt Nam có thể hòa nhập. Tô Nhuận Vỹ đã cùng với nhiều nhà văn tâm huyết khác đã đưa văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ bằng con đường từ trái tim.
Nhiều năm kiên trì, Tô Nhuận Vỹ cùng với nhiều đồng nghiệp đã làm “cầu nối giữa hai bờ đối nghịch” (trang 115), cũng là góp phần vào việc giữ gìn an ninh quốc gia.
Những bài viết của Tô Nhuận Vỹ trong tập sách, một mặt khẳng định bản lĩnh văn hóa của mình, mặt khác cũng phần nào khẳng đinh bản lĩnh văn hóa của một số đồng nghiệp.
Nghệ sĩ là người của công chúng. Tác phẩm nghệ thuật nói chung có đặc trưng là sự đa biến trong tiếp nhận. Do đó, cả sản phẩm lẫn bản lĩnh văn hóa của người nghệ sỹ dù ít, dù nhiều đều có tác động đến công chúng.
Một số người cho rằng văn học nghệ thuật không đòi hỏi người nghệ sỹ phải có trách nhiệm công dân về phương diện chính trị. Sự tồn tại chủ yếu của người nghệ sỹ là tác phẩm nghệ thuật. Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều (đã trở thành “An Nam đệ nhất thư”), trong khi Nguyễn Du không phải là một “công dân tích cực” ở phương diện chính trị. Ở một thứ bậc khác, Hàn Mặc Tử, Đoàn Chuẩn … chỉ có thơ tình và tình ca, tác phẩm của họ cũng sống mãi với thời gian. Ngay cả những trường hợp như vậy thì tâm hồn của người nghệ sỹ, bản lĩnh văn hóa của người nghệ sỹ, theo thời gian, vẫn sống mãi trong lòng dân tộc mình, nhân dân mình.
Nghệ sỹ Tô Nhuận Vỹ sở dĩ được khẳng định vì tâm hồn anh luôn thuộc về dân tộc và nhân dân Việt Nam.
Với Tô Nhuận Vỹ, bản lĩnh văn hóa của anh được thể hiện chẳng những ở CÁI thể hiện mà còn ở CÁCH thể hiện.
“Tôi vừa đọc lại bài bác viết trên Talawas, thấy bác rỉ rả mưa Huế mà hay. Hay lắm. Hình như cái này là đúng cách của bác nhất đây. Nên ngoài cái sự hay, lại thấy một Tô Nhuận Vỹ rất hiện diện” – (Nguyễn Trọng Tạo).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: