Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Sự tiến hóa từ người thành khỉ


CHÚC MỪNG ĐỘI TUYỂN U19 VIỆT NAM ĐƯỢC VÀO CHUNG KẾT 
WORLD CUP U20 THẾ GIỚI NĂM TỚI!

Con người đang tiến hóa thành...


Cách đây khoảng một năm, ghé thăm Facebook, thấy ai đó vẽ cái sơ đồ tiến hóa từ: con khỉ -> con hơi người -> con người -> em cong cong đẹp vô cùng, đến -> con heo, ha..ha..ha…, ‘hắn’ mới nghĩ: ‘tại sao con heo?’, tại vì uống bia nhiều quá nên bụng phệ!, còn tham nhũng nhiều quá nên mặt dày cả tấc!; hắn lại nghĩ thêm: ‘chả phải Chéo Phì muốn… diệt Bá Kiến, thì Bá Kiến ngày đẻ ra càng nhiều đấy sao!’, nên con người ‘hại điện’ ngày nay không tiến hóa thành Lão Trư mới là lạ!
Nhưng không muốn bắt chước, thiết nghĩ con người tiến hóa thành con khỉ thì vui hơn!, vì thế, hắn suy nghĩ từ: 1) Thuyết điều kiện - Conditionalism, 2) Xuất hiện cách đây khoảng 2600 năm, và 3) Hắn đã đủ tiến hóa…, bằng cách kể lại một số chuyện ‘chém gió’ xưa nay trong các lần hắn đi uống cà phê ở Sài Gòn…



1
Thuyết điều kiện - Conditionalism…
Có một cái lý thuyết gọi là ‘Thuyết điều kiện’ hay ‘Chủ nghĩa điều kiện’. Không mất thì giờ để tìm hiểu kỹ là nó xuất hiện từ khi nào, chỉ biết là từ trên có được giới thiệu rất ngắn trong các cuốn ‘Từ điển Phật học’*, ‘Từ điển Thần học’*, trong một số sách nghiên cứu triết của Pháp/Đức, thậm chí là trong một số nghiên cứu có tính chất học thuật của chủ nghĩa Marx (vd, nói về quan điểm ‘di truyền’ của Hippocrat, Aristot, tk 5TCN), suy ra là nó có cách đây trên 2600 năm!... Về mặt ‘thuyết tiến hóa’ thì nó được nhắc khá kỹ vào thời Darwin (1809-1882), Engels (1820-1895); về mặt ‘sinh lý thần kinh’ và thực nghiệm thì từ này xuất hiện mạnh vào thời nhà bác học Pavlov (1849-1936) với các cụm từ mà ta đã khá quen thuộc như ‘phản xạ có điều kiện’, ‘phản xạ vô điều kiện’; cụ thể hơn là vào năm 1960-1975, trong các cuốn giáo trình tiếng Anh (thời Ngô Đình Diệm) hay sau đó là giáo trình ‘English For Today’ có giới thiệu một món ngữ pháp là ‘Mệnh đề IF-WILL’ (nếu…sẽ) mà được gọi là ‘Câu điều kiện’ hay ‘Bàng thái cách’ (Conditional sentences, Subjunctive Mood)… Đặc biệt là theo nghĩa sinh học (‘thuyết di truyền’ của Mendel*, 1822-1884), nghe nói là có các cuộc tranh cãi từ những năm 1930 ở bên Nga của hai trường phái được gọi là duy vật và duy tâm là: ‘cái tự thân là quyết định, hay ‘môi trường là quyết định’?, mà bùng nổ dữ dội vào thời đoạn 1975-1985, đại khái là vậy…
*
Vì cuộc tranh cãi này mà đến khoảng đầu những năm 2000 có xuất một cụm từ rất hay, đó là ‘chủ nghĩa duy ý chí’ hay là ‘chủ nghĩa duy tâm cực đoan’… Qua đây, một số bạn đọc có thể thấy rằng nói về ‘duy tâm’ không hẳn là nói về thần thánh!, mà về cái ‘đại tôi’, như một anh chàng trẻ trâu Paven trong cuốn ‘Thép đã tôi thế đấy’ - tuyên bố với mẹ là 30 năm sau (kể từ 1917) thì chủ nghĩa gì đó sẽ thắng lợi trên hầu hết thế giới, và anh ta có thể đưa mẹ đi nghỉ mát ở vùng núi thiên đường là Alpes của Thụy Sĩ!, hay như chàng Ulyanov trong cuốn ‘Cách mạng khoa học kỹ thuật’ (NXB Sự thật, 1975-80) - tuyên bố rằng 50-60 năm sau (kể từ 1917) thì chủ nghĩa gì đó sẽ thắng lợi trên toàn thế giới!, hay như tay ‘Muyên tảo’ tuyên bố là 15 năm sau (kể từ 1949) thì Tê Cu sẽ vượt qua Anh, và 30 năm sau sẽ vượt qua Mẽo!, nhưng đã 67 năm trôi qua, y cũng chả vượt qua nổi, ha..ha..ha... Trên thực tế thì cái khát vọng ‘duy ý chí’ của anh chàng trẻ trâu nói trên đã dẫn đến cuộc sụp đổ của một đế quốc… vĩ đại vào năm 1991, hay cái khát vọng ‘duy tâm chủ quan’ của tay ‘Muyên tảo’ nói trên đã dẫn đến một đế quốc ‘trỗi dậy phi hòa bình’ mà gần đây có một số người hay gọi đùa là ‘đế quốc Bỗng Điên’ - đang chạy lót tót theo sau cái vụ lên mặt trăng mà Mẽo đã mần từ năm 1969!; chưa nói đến việc hai cái ‘khát vọng’ này đã cực mâu thuẫn mà đã dẫn đến cuộc chiến tranh giữa họ vào năm 1969, trong đó, một bên tuyên bố bên kia là ‘tên Sa-hoàng-mới’, còn bên còn lại tuyên bố là bên tồng chí của miềng là ‘tên Gian-hùng-mới’!, ha..ha..ha…
*
Nói dễ hiểu, ‘thuyết điều kiện’ hay ‘thuyết môi trường’ cho rằng ‘môi trường bên ngoài’ (hay những thứ ‘trùng trùng duyên khởi’, ‘vô lượng kiếp’…) quyết định đến 99% cái mà ta ‘sẽ là’. Cũng cần nói rằng, ‘những cái đã tự có’ như mặt trời, trái đất hay ô-xi…, ví dụ như ‘nếu có đứng trên mặt đất thì ta mới tư duy được’ thì không cần nhắc đến, vì nó đã là ‘điều kiện mặc nhiên’ rồi! Vậy thì ‘thuyết môi trường’ nói trên chỉ xét đến các ‘điều kiện ngẫu nhiên’!, ví dụ như nếu ông cha nhà thờ không ngẫu nhiên bước ra cổng, nghe tiếng khóc ‘oe oe oe’, rồi nhặt được một cậu bé đỏ hỏn hòn hon mà mang vào, thì thế giới sẽ không có nhà toán học Diderot (1713-1784); nếu không có bà vợ Mileva Maric bị bệnh trầm cảm, hay cái em điệp-viên-Nga-cẳng-dài-20-tuổi thì Einstein không nghĩ ra được ‘thuyết tương đối’; nếu Đặng Thái Sơn không qua Nga học nhạc thì sẽ không đạt giải nhất Piano quốc tế (giải Chopin) năm 1980; nếu Ngô Bảo Châu không qua Pháp học thì sẽ không đạt cái giải Toán học quốc tế Fields năm 2010; nếu Nguyễn Thanh Việt không dzọt qua Mẽo (năm 1975) thì anh sẽ không có cái giải Pulitzer 2016; hay lý thú hơn, nếu ông Moha
met không có hứa hẹn là sau khi (đàn ông) ném bom liều chết - nếu chết thì lên thiên đường sẽ được 72 em múp mùm mụp phục vụ từ A đến Z - thì sẽ không có lực lượng Hồi giáo IS!... Và tiếc thay, sau 3 ngày được 72 người đẹp phục vụ thì ai đó sẽ xuống địa ngục liền liền, vì:
-Một em đã chịu nổi chưa mà đòi mần đến 72 em!
Ha..ha..ha…

2
Xuất hiện cách đây khoảng 2600 năm…
Hắn có nước da hơi ngăm đen, tóc hơi quăn, mắt đen và sáng, cặp lông mày hơi sâu róm, tướng thông minh, lanh lẹ, nhưng có điều là hắn rất thật thà - thường nói thật, yêu thật, tình bạn, tình nghĩa hàng xóm/công ty… chung thủy, nói chung là hắn nói từ trong ‘tâm’ nói ra, ‘không nói không, có nói có’, ‘yêu nói yêu, ghét nói ghét’, hắn không biết GATO (ghen ăn tức ở), NATO (chém gió, ‘no actions, talk only’) hay TROLL (dìm hàng), nhất là không biết chửi bới hay ‘ném đá’ là cái giề!:
-Hắn đúng là con người!
*
Hắn đầu thai vào cái thời Napoleon (1808-1873), thời mà người ta đã ‘sáo tạng’ ra cái phong cách quỳ dưới chân người đẹp - với trong tay có đóa hoa hồng hay chiếc nhẫn cưới - để van xin tình yêu, như Napoleon đã từng gửi thư dặn dò kỹ Josephine là ‘em nhớ ba ngày trước khi anh về không được tắm nghen’ và đã từng vô số lần quỳ xì xụp dưới chân nàng để cầu xin được mần… chuyện ấy ấy:
-Con người hiện đại đã chuyển từ tư thế đứng thẳng qua tư thế ‘khom lưng quỳ gối’!
Nay lại đầu thai qua xứ rùa X, mà một hôm xem ti-vi, hắn thấy có vị lãnh đạo X nọ ưỡn ngực giơ một tay ra, còn người dân thì cong lưng khúm núm, dùng hai tay cầm lấy tay y, lắc lắc, nâng lấy nâng để; trông bộ mặt của gã X có vẻ hiu hiu tự đắc, khoan khoái… vô cùng - giống như kẻ ‘trí tệ đỉnh cao’ gặp dân ‘trí tệ đỉnh thấp’ vậy!, hắn thầm nghĩ ‘ủa, tại sao người ta không giáo dục dân khi gặp lãnh đạo thì cứ đứng thẳng người, chỉ cần bắt một tay mà thôi, vì lãnh đạo cũng chỉ là dân, chứ y đâu có đến từ… Sao Hỏa!:
-Con người hiện đại đã chuyển từ tư thế đứng thẳng qua tư thế ‘nâng cần’!
Rồi vi hành qua công viên Hoàng Văn Thụ (Sài Gòn), gần cổng Quân khu 7, từ đường Phổ Quang rẽ về hướng Sân bay Tân Sơn Nhất, bỗng hắn thấy có 2-anh-áo-vàng, đưa cái dùi cui ra chặn, 2-em-sinh-viên hỏi: ‘cái gì thế anh?’, ‘rẽ phải không bật siêu-nhan, không có giấy tờ à!, nhốt xe!’. Nghe thế, một em sản hồn rút ra tờ trăm ngàn xanh lè, anh áo vàng nhận; em còn lại cũng lật đật rút ra tờ trăm ngàn, anh áo vàng nhận; thế là chỉ trong một sát-na, do sáng thức dậy ra cổng gặp đàn bà hay sao ấy, mà 2 thiên thần bé nhỏ của hắn mất tiêu hai trăm ngàn đồng!, tội nghiệp:
-Con người hiện đại đã chuyển từ tư thế đứng thẳng qua tư thế anh hùng Lương Sơn Bạc hành nghề ‘mãi lộ’! (Ha..ha..ha…)
*
Tại một bữa tiệc ‘thôi nôi’, có một anh chàng kể cho hắn nghe:
-Ở bên Campuchia, người dân vẫn còn rất thật thà, không có chuyện ‘nói thách’, ‘lừa đối’… đâu nghen, ở mấy cái chợ ở Pnom Penh, bán giá thế nào thì nói thế đấy, tiệm nào bán giá cũng như nhau… Tôi mới coi một cái phim tư liệu - nói về một nàng Tây xinh đẹp, đi nghiên cứu các đền đài ở quanh khu Angkor Wat, thấy từ người dân, già làng trưởng bản, đến các hướng dẫn viên du lịch… đều rất thành thật, hướng dẫn tận tình, không dụ khị khách du lịch, không đòi tiền thêm bớt nhì nhằng… Còn bên ở Lào ấy à, ai qua đó dựng xe máy mà khóa lại thì bị người dân ở đây coi như là xúc phạm họ, vì ở đó người ta không có ăn cắp, ăn trộm… Ở bên Thái cũng vậy, cấp ‘cơ sở’ còn rất tốt, vd, kẹt xe cả ngàn chiếc, thế mà người dân vẫn bình tĩnh, im lặng, chờ đợi, không có chửi bới ‘đ…má, đ…mẹ’, không có bóp còi inh ỏi...
Còn chuyện ở bên Malaysia, Indonesia, nhất là ở Singapore, thì hắn xin ‘bái phục’, nên hỏi: ‘Singpore thì sao?’, anh ta trả lời:
-Tại một cửa tiệm tạp hóa gọi là ‘seven-eleven’ gì gì đó, đi mua mấy cái sim gọi quốc tế, hai người của tôi cứ xầm xập tiến lên phía trước quầy, lựa đủ thứ, đổi đi đổi lại cả… buổi; nhưng khi quay lại đàng sau lưng, tôi bỗng kinh hoàng khi thấy có 4-5 người đang im lặng xếp hàng - im lặng như những pho tượng Phật, tôi ngạc nhiên tự hỏi: ‘chả lẽ những người dân ở đây là thiền sư hết sao!’...
Qua mấy chuyện này, hắn đã không sai khi ‘Like’ một câu bình luận của Lưu Á Châu về ‘vụ khủng bố ngày 11/9’* (bên Mỹ): ‘Nếu tinh thần một dân tộc không vững vàng tới một mức nhất định nào đó, sẽ không thể có những hành động như kể ở trên được. Khi đối diện với cái chết, vẫn bình tĩnh như không, tuy chưa được là thánh cũng gần tới bậc thánh nhân rồi!’…
*
Ngoài ra, ghé vào một quán cà phê trên hẽm Phan Đình Giót, thấy hai bên đường có nhiều xe ô-tô đắt tiền đậu khá lịch sự, hắn khen ‘có phát triển đấy chứ!’, rồi lại động tâm: ‘thế thì cớ sao lại có nhiều người cằn nhằn?, chắc là phải có một cái gì đó!’…; lúc sau tính tiền, có một em Tàu mặc váy ngắn bước ra, nói tiếng Anh ‘rẹt rẹt’, nói tiếng Việt ‘rét rét’, hắn ghi nhận! Và mới hôm qua ở Chợ Lớn, có một anh chàng cung cấp một lô tiếng Việt ‘đang xài’ ở xứ Quảng (có cách đây trên ngàn năm!), như: cái nà/bùng, cái chồ, cái nớ, ngử đam!, câu mâu, rù rài/thủng thỉnh, qua…* (chưa nói đến mấy chữ lạ như Đắk Wer, Đray Sáp, Cư M’Gar…), rồi hỏi: Đố ông biết ‘mi qua đây qua nói cái ni xíu’ là gì?’, làm tên sư tổ Hán-Việt đứng gần đó bỏ chạy về… Tàu mất!, híc..híc… Nói chung ý anh ta là ‘tiếng Việt đã có rồi’, rồi các nhà nghiên cứu Hán-Nôm, Hán-Việt, Anh-Việt, Pháp-Việt, Nhật-Việt… gì gì đó mới nghiên cứu ngôn ngữ tương đương sau!... Hơn nữa, ngoài cái trống đồng Ngọc Lũ mà ta đã biết, việc mới đào được cái trống đồng Đông Sơn có niên đại 2000-2500 năm ở Thanh Hóa vào ngày 25/9/2016* càng chứng minh điều đó!...
Qua mấy vụ thực tế này, hắn sực nhớ là có tay ‘tí suyễn’ Đoàn Gì Gì Giang bỗng nổ về ‘học tiếng Hán để trong sáng tiếng Việt’ (!), hay cái ‘Bộ dục giáo’ bỗng chảnh về  ‘học tiếng Tàu và nói tùm lum về ‘ngôn ngữ thứ hai, ngoại ngữ thứ nhất’ (!) gì gì đó, làm bàn dân thiên hạ náo động cả lên!..., mà có vô số chuyện vô bổ tương tự của không ít ‘lão đạnh’ trong… mấy chục năm nay, thế thì dân không rất cằn nhằn mới là lạ!
Và để có chuyện mà về chém gió với con-người-thật-sự thời cổ đại, nên tại bữa ‘thôi nôi’ nói trên, hắn mới hỏi: ‘Ở đây có ai biết tiếng Tàu không?’, ‘có’, ‘biết cái gì?’:
-Chỉ biết câu 'hảo sư cù, lăng lủng chẻo'.
Ha..ha..ha…

3
Hắn đã đủ tiến hóa…
Hắn lại nhớ từ gần đến xa, từ vụ bão lụt mới đây ở miền Trung và miền Bắc làm cho cả trăm ngàn ngôi nhà của dân bị ảnh hưởng, vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung (rồi lan ra cả nước!) làm ảnh hưởng đến mấy triệu dân, đến vụ kẻ lạ chặn dòng sông Mekong làm cho mười mấy triệu dân miền Tây với nạn kiệt nước (và hạn hán)…, rồi dòm lên ti-vi chiếu mấy cảnh này, hắn thấy có ông trên… Sao Hỏa nào đó - phát biểu mà mặt cứ tỉnh bơ như không có gì!; điều này làm hắn nhớ lại có ai đó nói là ‘con người sống quan trọng nhất là có những giọt nước mắt’, vì sao?, vì ‘nước mắt là kết tinh của tình yêu’, thế mà!
Ngoài ra, hắn còn nhớ lại truyện ‘Guilliver du ký’* có nói về 2 dân tộc, vì cãi nhau là phải đập cái trứng phía ‘đầu nhỏ hay đầu to?’, thế nên đánh nhau chí tử, tức là ‘cục đại và cục tiểu’ í mừ, rồi nghĩ về cuộc chiến tranh ở Syria phần nào là do… Nga và Mỹ, té ra ‘ế thức hị’ có nghĩa là thế!, ha..ha..ha…
*
Hắn lại lan man quay về vụ ‘thuyết điều kiện’… ‘Thuyết môi trường’ rất hấp dẫn, vì xem ti-vi, nghe nói cách đây khoảng 40 ngàn năm đã có loài người ở Châu Phi* (African Origin); và khoảng 20 ngàn năm trước, việc tạo thành các vùng đất bồi đắp từ dãy Trường Sơn đã tạo ra ‘nền văn minh lúa nước’ cùng với (các) dân tộc Việt Thường ở miền Bắc VN (từ Lào Cai đến cuối miệt Hà Tĩnh!), việc tạo thành các cánh đồng ‘lúa mì’ bạt ngàn từ các cơn bão cát sa mạc từ phía bắc dãy Himalaya đã tạo ra ‘nền văn minh Hoa Hạ’ (và lưu ý rằng 2 nền văn minh này chả có bà con gì với nhau, mà nếu có thì xác suất cũng bằng 0!, wikipedia)… Càng hấp dẫn hơn khi thuyết này cũng chỉ ra rằng ‘tạo hóa’ quyết định tất cả, vì nó có lập luận rất thuyết phục rằng, do ‘thời thế’ mà nếu không xuất hiện ông Copernic (1473-1543) này thì sẽ xuất hiện ông Copernic khác, nếu không xuất hiện ông Napoleon này thì sẽ xuất hiện ông Napoleon khác, nếu không xuất hiện ông Nguyễn Huệ này thì sẽ xuất hiện ông Nguyễn Huệ khác, nếu không xuất hiện tên Lê Chiêu Thống này thì sẽ xuất hiện tên Lê Chiêu Thống khác, nếu không xuất hiện tên ‘bá chủ Bỗng Điên’ này thì sẽ xuất hiện tên ‘bá chủ Bỗng Điên’ khác…
Và, cái ngụy luận chứng ‘anh hùng tạo thời thế’ sẽ dẫn ra chuyện ‘sùng bái cá nhân’ nếu có ai đó quá cực đoan khi cho rằng ông X nào đó đã làm nên lịch sử! - mà đáng lẽ nên nói là ‘Nhậm Ngã Hành* phải nhớ ơn người dân’ thì y nói ngược lại là ‘người dân phải nhớ ơn Nhậm Ngã Hành’ - kẻ luôn đi đôi với câu ‘muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ’, và là kẻ phong kiến hơn cả phong kiến!, híc..híc… Thật vậy, người Tàu có câu ‘mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’, hay Nguyễn Trãi có câu ‘thời nào cũng có ‘hào kiệt’, quả là chí lý!, vì theo thuyết này - theo các ví dụ trên về Ngô Bảo Châu, Đặng Thái Sơn, Nguyễn Thanh Việt, nhà toán học Diderot - thì chính ‘thời thế mới tạo nên anh hùng’!; và cũng theo nghĩa này thì anh hùng chả tạo nên cái... mịa gì ghê gớm lắm!

…Đang trong cơn mơ suy nghĩ, bỗng nghe vô số tiếng ‘khọt khẹt’, ‘khọt khẹt’, ‘khọt khẹt’…, hắn choàng tỉnh dậy, té ra là dân khỉ đang chạy ra đón và hô vang: ‘Đại vương đã về: đã về!, đã về!, đã về!’, rồi:
-Đại vương muốn nằm!
-Muốn nằm! Muốn nằm! Muốn nằm!
Dòm ra thì hắn thấy mình đang ở Hoa Quả Sơn, Thủy Liêm Động, sao vậy? Vì sau khi làm một chuyến Tôn-Ngộ-Không-vi-hành vào cái xã hội ‘hại điện’, hắn đã đủ tiến hóa!, nên về lại bến xưa.
Hắn về với ‘động cơ gì?’, và ‘để làm gì?’ - MC Tạ Bích Loan hỏi. Không hiểu nên không trả lời!, nhưng hắn thầm nghĩ:
-Về để làm cái con… khỉ.

(HẾT)
---------
Chú dẫn:
  1. Bình luận về ‘vụ khủng bố ngày 11/9’ (Lưu Á Châu), xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2016/08/848-toi-khen-luu-chau-thu-gian.html
  2. Cái nà/bùng = vùng đất bồi thấp/cao ven sông; cái chồ = cái gác; cái nớ = cái kia; ngử đam = kinh phụ nữ; câu mâu = (ăn nói) mâu thuẫn; rù rài, thủng thỉnh = từ từ; qua = tôi…, một cách tương ứng.
  3. Đào được trống đồng Đông Sơn có niên đại 2000-2500 năm: Ngày 25-9, gia đình ông Trịnh Văn Loán… trong lúc đào đất làm móng nhà đã phát hiện một chiếc trống đồng… có đường kính 59cm, chiều cao 43cm. Mặt dưới để trống, mặt trên có trang trí sao 12 cánh đắp nổi, không có tượng cóc trang trí ở rìa mặt trống, các hoa văn, họa tiết vẫn tinh xảo. Qua đó khẳng định là trống đồng Đông Sơn loại I, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm. Khi chiếc trống được đào lên thì một phần bề mặt trống đã bị vỡ, phần chân trống cũng vỡ nhiều chỗ… (baohaiquan.vn)
  4. ‘Định luật Mendel’ hay ‘Quy tắc Mendel’ mô tả quá trình di truyền các đặc tính biểu hiện bên ngoài, được xác định bởi một gen duy nhất. Quy tắc này được đặt theo tên của người phát hiện ra chúng Gregor Mendel… vào năm 1866… Do phát hiện thêm nhiều hiện tượng di truyền khác, thí dụ như hiện tượng liên kết di truyền nên hợp từ ‘định luật Mendel’ dùng trước đây được chuyển thành hợp từ chính xác hơn ‘Quy tắc Mendel’ trong các công bố khoa học và sách giao khoa mới. (vi.wikipedia.org)
  5. ‘Guilliver du ký’, nói về một anh chàng lạc vào một hòn đảo với người tí hon, rồi với người khổng lồ, và anh có tham gia vào cuộc chiến tranh ‘ế thực hị’ ở đó, xem phim: http://xemvtv.net/xem-phim/gulliver-du-ky/56U5WW.html
  6. Nguồn gốc châu Phi gần đây của người hiện đại: Trong ‘Cổ nhân loại học’, nguồn gốc châu Phi gần đây của người hiện đại, hoặc lý thuyết ‘rời khỏi châu Phi’ (OOA, Out Of Africa), là mô hình được chấp nhận rộng rãi nhất về nguồn gốc địa lý và các dòng di cư sớm của loài người hiện đại về giải phẫu. Trên báo chí đại chúng lý thuyết này được gọi là ‘rời khỏi châu Phi’, còn các chuyên gia trong lĩnh vực này gọi là ‘giả thuyết nguồn gốc duy nhất gần đây’ (RSOH, recent single-origin hypothesis), ‘giả thuyết thay thế’, hay ‘mô hình nguồn gốc châu Phi gần đây’ (RAO, Recent African Origin). Ban đầu khái niệm này là suy đoán, và trong những năm 1980 nó được chứng thực bởi các nghiên cứu di truyền mà hiện nay gọi là ADN ty thể, kết hợp với các bằng chứng dựa trên nhân loại học hình thể của các mẫu vật cổ xưa… (vi.wikipedia.org)
  7. Nhậm Ngã Hành (trong truyện ‘Tiếu ngạo giang hồ’ của Kim Dung) là Giáo chủ ma giáo, một tên rất cực đoan ‘cái tôi’ nên được gọi là ‘Ngã Hành’!; y sở hữu môn võ công cực ác ‘Hấp tinh đại pháp’ và món thuốc cực độc ‘Tam thi não thần đan’…
  8. ‘Thuyết điều kiện’ (Từ điển Phật học): Worldly condition: Điều kiện trần thế; Prime condition: Điều kiện tiên khởi; Condition of liberation: Giải Thoát Tướng; Condition beyond disturbance: Không tịch; Condition of visibility: Kiến Tướng; Conditional cause: Nội Duyên; Conditioned/Compounded: Hữu lậu; Conditioned arising: Thuyết Duyên Khởi; Conditioned Bhutatathata: Chân Như Tùy Duyên; Conditioned dharmas: Pháp hữu vi; Conditioned things: Pháp hữu vi; Conditioning power: Năng Duyên; Conditioned world: Thế giới hữu vi... (phapluan.net)
  9. ‘Thuyết điều kiện’ (Từ điển Thần học): Conditional: Với/bao hàm điều kiện; Conditional conferral: ban (bí tích) với điều kiện (đk 845); Conditional immortality: thuyết bất tử với điều kiện (nếu chết lành); Conditionalism: Điều kiện chủ nghĩa; Conditioned reflex: Phản xạ có điều kiện… (thsedessapientiae.net)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: