Nhàn Đàm
MTG - Nếu lấy mức độ ô nhiễm môi trường do tác động tổng hợp của các hoạt động phát triển kinh tế gây ra, thì một sự thật là Việt Nam đã thực sự đánh đổi môi trường vì kinh tế từ nhiều năm trở lại đây mà không hề hay biết.
Một sự ngẫu nhiên mang nhiều ý nghĩa vừa diễn ra là việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên thế giới (trong đó có Việt Nam), và Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam cũng công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 trong hai ngày sát nhau là 28.9 và 29.9. Hai bản báo cáo về tình trạng môi trường Việt Nam được đưa ra liền sát nhau sẽ cho chúng ta thấy được ở một mức độ nhất định toàn cảnh của vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm.
Nguyên tắc “không đánh đổi môi trường vì kinh tế” đã được Thủ tướng tuyên bố và được xem như phương châm không thể xâm phạm trong quá trình phát triển kinh tế kể từ sau sự kiện Formosa, trong đó đặt ưu tiên bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Nhưng rất tiếc, nó mới chỉ dừng lại ở việc xem xét các dự án kinh tế có nguy cơ tác động đến môi trường một cách trực tiếp và gây ra hậu quả ngay lập tức mà thôi. Nếu lấy mức độ ô nhiễm môi trường do tác động tổng hợp của các hoạt động phát triển kinh tế gây ra, thì một sự thật là Việt Nam đã đánh đổi môi trường vì kinh tế từ nhiều năm trở lại đây.
Điểm chung giữa bản báo cáo tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên thế giới của WHO với báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, là việc chất lượng môi trường (đặc biệt là môi trường khí) của Việt Nam đang có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Báo cáo của WHO cho thấy, ở khu vực Đông Nam Á – Tây Thái Bình Dương, thì Việt Nam là một trong ba quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí nặng nề nhất bên cạnh Trung Quốc và Malaysia (theo CafeF).
Trong khi đó, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang ở mức báo động, đặc biệt là tại các đô thị lớn, trong khi mức độ ô nhiễm tại các khu vực nông thôn cũng đang gia tăng chóng mặt. Cụ thể, nồng độ khí độc NO2 trong không khí tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hạ Long đã vượt ngưỡng cho phép (NO2 là loại khí rất độc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, có thể gây tử vong hoặc ung thư) (theo The Saigon Times).
Trên thực tế, những số liệu trên không phải là một điều gì quá bất ngờ, đặc biệt là với người dân đang sinh sống và làm việc tại các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay. Theo số liệu của trung tâm quan trắc môi trường, thì ngay từ thời điểm năm 2013, Hà Nội đã có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và 1 ngày chất lượng không khí ở mức nguy hại. Ở những khu vực đông dân cư, nồng độ bụi và một số chất độc hại khác có thời điểm cao hơn mức cho phép gấp 7 lần (theo Songkhoe). Thực trạng này đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội có đến 72% hộ gia đình mắc bệnh do ô nhiễm không khí liên quan đến hô hấp, trong đó quận cao nhất tỷ lệ này lên đến 91,4% (quận Hoàng Mai) và thấp nhất là 55% (quận Tây Hồ).
Ở các đô thị lớn tình hình môi trường đã tồi tệ như vậy, ở các vùng nông thôn cũng không khá hơn là bao. Báo cáo của WHO đưa ra cảnh báo rằng ô nhiễm không khí tại các khu vực nông thôn đang nghiêm trọng hơn so với suy nghĩ thông thường rất nhiều lần. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Việt Nam cũng đang xác nhận lời cảnh báo này, khi khá nhiều vùng nông thôn đang rơi vào tình trạng ô nhiễm cục bộ do các hoạt động làng nghề hay khu công nghiệp xen kẽ với khu dân cư. Ô nhiễm môi trường không khí tại các khu vực nông thôn chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn…
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia cũng chỉ ra, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam phần lớn là do các hoạt động phát triển kinh tế tích tụ lại gây ra. Chủ yếu là các khu công nghiệp lớn có vị trí lân cận các đô thị, phần lớn thuộc các lĩnh vực có nguy cơ gây tác động xấu với môi trường như các nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch, các ngành sản xuất sử dụng nhiều hóa chất độc hại… Ngoài ra cũng xuất phát từ quá trình xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và giao thông đô thị làm tăng lượng bụi, các khí thải do các phương tiện giao thông gây ra. Điều tương tự cũng diễn ra đối với môi trường nước với điển hình là các sự việc của Formosa Hà Tĩnh và nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang.
Có thể thấy, điều quan trọng nhất rút ra từ báo cáo môi trường của WHO và báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường lần này, là việc Việt Nam đã không chú ý và coi trọng đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường trong suốt nhiều năm tập trung vào phát triển kinh tế vừa qua. Phải đến khi thảm họa môi trường hủy diệt biển của bốn tỉnh miền Trung do Formosa gây ra vừa qua thì yếu tố môi trường mới thực sự được nhìn nhận trong quá trình phát triển.
Thông điệp “không đánh đổi môi trường vì kinh tế” đã được Chính phủ đưa ra như một nguyên tắc thép và một lằn ranh không thể vượt qua trong tương lai; nhưng thực tế phạm vi áp dụng của nguyên tắc “không đánh đổi” này mới chỉ được áp dụng đối với các dự án xét duyệt mới, hoặc các dự án đã đi vào hoạt động nhưng có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường ở mức độ tương tự như Formosa đã gây ra (mà trường hợp nhà máy giấy Lee & Man là một điển hình).
Nguyên tắc đó trên thực tế chưa được áp dụng đối với trước hết là các dự án đầu tư mới không có nguy cơ môi trường trước mắt và nghiêm trọng (nhưng có nguy cơ tích tụ về lâu dài), và đặc biệt là với các ngành sản xuất truyền thống thuộc diện có nguy cơ môi trường cao trong nền kinh tế nhiều năm qua. Đó là các nhà máy nhiệt điện, xi măng, luyện kim, hóa chất… các ngành sản xuất này không gây ra những tác động lớn ngay lập tức với môi trường như thảm họa của Formosa, nhưng về lâu dài hệ quả tích tụ lại sẽ dẫn đến nguy cơ môi trường rất lớn mà thực tế đã phát tác ở thời điểm hiện tại.
Nếu cứ tiếp tục duy trì cách thức phát triển kinh tế như những năm qua và hiện nay, thì môi trường sẽ bị hủy hoại nặng nề dù không xảy ra một thảm họa môi trường nào tương tự Formosa. Nguyên tắc “không đánh đổi môi trường vì kinh tế” vì thế cần được hiểu theo một hàm nghĩa rộng hơn, không chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn các thảm họa môi trường như Formosa, mà còn là quản lý phát triển kinh tế theo một mô hình mới với hướng lành mạnh và bền vững hơn. Vì một thực tế là chúng ta đã đánh đổi môi trường vì kinh tế từ hàng chục năm qua rồi, và giờ là lúc sửa chữa điều đó.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét