Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 20)


Lời Ai Điếu
Lời Ai Điếu
Lại kể tiếp về những năm tháng cuối cùng của tôi ở Đài Truyền hình. Tôi tiếp tục làm những phim ở ngoài trời để tránh phải vào đấu đá ở trường quay. Nhưng với chính sách hoang tưởng của những người kiêu căng sau chiến thắng 1975 như cải tạo tư sản Sài Gòn, tiến nhanh tiến mạnh lên CNXH, sáp nhập tỉnh, xây dựng các huyện trong cả nước thành 500 pháo đài XHCN, kể cả tham vọng làm bom nguyên tử, dời thủ đô lên Tây Nguyên làm bá chủ vùng Đông Nam Á của TBT Lê Duẩn vv… vv… đất nước đã đi vào ngõ cụt. Chưa bao giờ cán bộ và nhân dân Hà Nội khốn khổ như thế. Và tất nhiên là các địa phương còn khốn khổ hơn. Viết cuốn sách 1000 trang cũng không thể nói hết về sự đói khát của nhân dân thời đó, tức từ năm 1975 đến cuối năm 1980, đến 1981 khi tôi rời Hà Nội vô Nam. Nghe nói sau đó còn tệ hơn.
Một buổi sáng, tôi đèo cái can nhựa sau xe máy đi mua dầu hỏa theo tem phiếu để nấu ăn bằng bếp dầu (thứ bếp thịnh hành thời đó). Khi tôi dừng xe ở chợ Mơ để mua gói thuốc lá chợ đen giá cao, tôi thấy một chị công nhân nhà máy dệt 8-3 mặt xanh xao, người gầy ốm đang ngồi xụt xịt khóc. Lúc đó chị đi làm ca đêm về, tôi hỏi: “Sao chị không về nhà đi?” Chị không trả lời ngay mà vẫn khóc, gặng hỏi mãi chị mới kể cho biết người chồng đã ốm suốt cả tuần nay, anh chỉ thèm có một bát cháo thịt. Cho thuốc gì anh cũng không uống, chỉ nói: cho bát cháo thịt là khỏi ngay! Chị không đủ tiền mua 1kg thịt của “con phe” (thời đó những người bán thịt rong bị gọi là con phe). Chị năn nỉ một “con phe” bán cho 100 gram vì không đủ tiền mua cả 1 kg, và chị sẽ trả cao hơn giá bán (chẳng hạn 10 đồng/kg, chị trả 11 đồng). Nhưng con phe đã không bán mà còn chửi té tát vào mặt chị: không có tiền thì ăn máu L… đừng hỏi mua thịt! Chị tủi thân quá, thương chồng nên khóc…
Thời đó những công nhân đi làm ca đêm và những người không có thời gian đi xếp hàng phải bán tem phiếu cho “con phe”. Con phe móc ngoặc với mậu dịch viên để mua được thịt ngon bằng tem phiếu, sau ra ngoài bán lại cho người dân giá cao kiếm chênh lệch. Và đó là nguồn sống của chính họ. Nghe chuyện chị kể, tôi an ủi chị đừng khóc nữa và cứ ngồi yên đó, tôi sẽ đem về cho 100 gram thịt. Nói xong tôi phóng xe lên cửa hàng thực phẩm tận chợ Cửa Nam, nơi bà chị gái thứ hai làm cán bộ mậu dịch ở đó để có được 100 gram thịt nạc. Tôi vẫn còn nhớ rõ sự sung sướng của chị ngày ấy và đó là việc có ích nhất là tôi làm được trong cả đời cầm bút của mình. Có phải thế không, hỡi bạn đọc vĩ đại của tôi!
Tình hình kinh tế đất nước ngày một bi đát vào những năm 1978-1979-1980… trong khi đó hai đứa con trai của tôi đang độ tuổi lớn. Một đứa 7 tuổi, một đứa 9 tuổi. Vợ tôi lương giáo viên cấp 2 ít ỏi. Tôi lương phóng viên bậc thấp, không chức không quyền chẳng có bổng lộc gì nên gia đình càng ngày càng túng thiếu. Vợ tôi ngày nghỉ phải nhảy tàu về Cẩm Giàng, nơi cô ta dạy học trước đây để đem mì sợi, thứ bột mì được kéo thành sợi bán vào tiêu chuẩn lương thực hàng tháng của cán bộ công nhân viên nhà nước để đổi lấy gạo ở các chợ quê. Đổi như thế lợi hơn nhiều, vì ở nhà quê bà con mò được con cua con ốc, nấu thành canh ăn với mì sợi thay bún rất lạ miệng, rất ngon. Hàng ngày vợ tôi ngoài công việc ở cơ quan là cắm đầu vào đan len thuê để kiếm thêm chút tiền mua gạo cho hai thằng con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Tướng Qua từ ngày được đeo lon tướng, tuy chức vụ vẫn là cục trưởng nhưng hàm thì ngang thứ trưởng nên có xe riêng, được lãnh sổ mua hàng ở cửa hàng cao cấp Tôn Đản. Bà thím tôi vì thương vợ chồng tôi lương ít nên mỗi lần đi mua sắm ở Tôn Đản đều hẹn vợ tôi lên nhà và cho đi theo. Cái gì bà mua thì mua, còn lại cho vợ tôi mua. Vợ tôi mua những thứ linh tinh ở cái “chợ của vua quan” đó, đem ra “chợ của nhân dân anh hùng” là vỉa hè bán kiếm chút chênh lệch, thêm thắt vào cuộc sống khó khăn của gia đình. Nhìn vợ tôi ngồi ở vỉa hè, bán những thứ mà “bọn tư bản giãy chết” vứt đi không hết ấy mà phải “ân huệ” lắm mới được bước chân vào “chợ vua quan” Tôn Đản mua ra… tôi ngán đến tận cổ cái Chủ nghĩa xã hội ưu việt mà tôi đang phải sống. Tôi bắt đầu nẩy sinh ra tư tưởng rời bỏ Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên để vào Nam. Cụ thể hơn là vào Đồng bằng sông Cửu Long mà những lần tôi đi công tác đã được thấy tận mắt cảnh trên bến dưới thuyền, “gạo trắng nước trong” và tính tình cở mở, vô tư của đồng bào Nam Bộ. Một lần, đi máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi phải dành xuất ăn nhẹ được phát trên máy bay (có một khúc bánh mì kẹp thịt, một cái bánh ngọt, một gói đường nhỏ để uống trà …) mang về làm quà của bố sau một chuyến đi công tác dài ngày cho hai thằng con trai đang đói khát ở nhà. Nhìn hai thằng chia nhau mẩu bánh mì và cái bánh ngọt, còn gói đường nhỏ cũng chia nhau… tôi không còn do dự gì nữa cho sự ra đi của mình.
Hồi đó, Hà Nội cũng nở rộ chuyện tiếu lâm. Ở các quán nước, được gọi là quán “trà xụp” ở vỉa hè, đâu đâu cũng được nghe tiếu lâm. Chuyện tiếu lâm chủ yếu mang chủ đề chính trị-xã hội. Những chuyện thời đó mà ai cũng biết như: nhà 5 tầng không hố xí, bạn học của anh Ba (Lê Duẩn)… Có điều đáng chú ý là chuyện về TBT Lê Duẩn chiếm vị trí số 1. Có lẽ vì dân Hà Nội quá đói khổ lúc đó, lại luôn phải nghe những lý thuyết hoang đường như “làm chủ tập thể” và những lời hứa hão huyền “mỗi nhà đều có TV, tủ lạnh” của TBT từ sau cơn bốc đồng chiến thắng 30.4.1975 nên các “sĩ phu Bắc Hà” tập trung sáng tác giai thoại về ông ta. Tạm kể mấy giai thoại “ai cũng biết” thời đó, để đời sau… biết những câu chuyện không “chính sử” này.
Chuyện kể rằng: có một ngôi nhà tập thể ở Hà Nội được xây tới 5 tầng lầu. Khi xây xong công ty xây dựng mời khách đến khánh thành và tham quan. Quan khách thắc mắc: vì sao tầng 1 lại không có hố xí? Giải thích: vì tầng 1 bố trí làm nhà trẻ cho các cháu mẫu giáo, các cháu ỉa bô không cần hố xí. Đến tầng 2 khách lại thắc mắc vì sao không có hố xí? Giải thích: tầng 2 giành cho sinh viên ở, sinh viên nó ăn gì mà ỉa! Tầng 3 được giải thích là để bố trí cho các nhà văn, nhà báo ở. Họ quen ỉa vào mồm nhau rồi nên không cần hố xí. Tầng 4 được giải thích là bố trí cho các hộ độc thân, và họ ỉa ở cơ quan rồi. Tầng 5 là để bố trí cho các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước ở, họ quen ỉa lên đầu nhân dân rồi nên cũng không cần đến hố xí.
Chuyện thứ hai: có một hôm, một anh chàng đến số 6 phố Hoàng Diệu (nhà riêng Lê Duẩn), xin gặp đồng chí TBT. Bảo vệ hỏi: anh quan hệ với TBT như thế nào? Anh chàng kia trả lời: Bạn học cũ! Anh ta liền bị còng tay ngay vì đồng chí Lê Duẩn có đi học bao giờ đâu mà có bạn học!
Chuyện thứ ba: có một nhóm phản động, hàng đêm đem cả bị vứt vào số 6 Hoàng Diệu. Công an mang về điều tra thì thấy toàn là sâm nhung quế phụ. Đem xét nghiệm thỉ thấy đây là thuốc bổ thứ thiệt không phải hàng giả. Công an bố trí bắt được nhóm người vứt đồ vào nhà TBT, tra hỏi mãi chúng mới nói thật là, tổ chức phản động nước ngoài cốt làm thế để TBT Lê Duẩn sống mãi, để phá hoại đất nước Việt Nam!
Tôi từng đọc sách Marx thấy ông ta nói: giai đoạn cuối cùng của mỗi một hình thái xã hội bao giờ cũng là những tấn hài kịch của nó. Người ta cười để vui vẻ giã từ quá khứ. Tôi càng nghe nhiều giai thoại ở Hà Nội lúc đó, ý chí đi Nam của tôi càng tăng. Cảnh túng bấn đói khổ của thời bao cấp lúc đó không riêng gì của gia đình tôi. Nhưng với tôi còn cộng thêm những mâu thuẫn về cách sống, lối sống của tôi với ông bố tôi. Những phát biểu về các vấn đề chính trị của tôi khác với quan điểm của nhiều người trong gia tộc nên tôi thấy quyết định ra đi là đúng nhất. Thấy tôi làm đơn đi khỏi Đài truyền hình trung ương, lại đi về một nơi là Đài phát thanh tỉnh Tiền Giang mà không phải là TP HCM, các bạn bè và đồng nghiệp ở Hà Nội đều rất ngạc nhiên. Vì lúc đó Đài truyền hình trung ương là một cơ quan sáng giá vào loại bậc nhất ở Hà Nội. Truyền hình là phương tiện truyền thông hấp dẫn và thời thượng lúc đó. Các bà vợ, cô chiêu cậu ấm, các ông lớn ở Hà Nội lúc đó đều mê truyền hình. Ông Trần Lâm, chủ nhiệm Ủy ban phát thanh và Truyền hình Việt Nam luôn nhận được điện thoại từ các vị Bộ chính trị, Ban bí thư… là truyền hình ở nhà họ bị trục trặc, cần phải sửa chữa ngay. Chả thế mà Đài TH có cả một đội ngũ kỹ sư giỏi, đứng đầu là ông Trịnh Lý Thản luôn tất bật đi xử lý các sự cố kỹ thuật ở các nhà quan lớn. Phóng viên, biên tập viên của Đài Truyền hình trung ương lúc đó có giá lắm. Hội nghị nào mà truyền hình chưa đến thì dù báo chí đã đến đủ nhưng vẫn chưa khai mạc được. Ai cũng muốn lên truyền hình. Vấn nạn xin xỏ, mè nheo, làm tiền của các nhà báo truyền hình đã nẩy nở từ những ngày đó, mở đầu cho sự tha hóa của báo chí quốc doanh cho đến bây giờ. Đương làm việc ở cơ quan sáng giá như thế giữa thủ đô mà tôi lại xin về một tỉnh lẻ thì bạn bè thắc mắc là phải. Có người bạn thân hỏi tôi đã nghĩ kỹ chưa? Tôi đã trả lời anh bạn tôi là đã nghĩ kỹ lắm rồi. Tôi đã thấy có bệnh viện ở Hà Nội còn đem cả xe cứu thương gắn chữ thập đỏ chạy vào Nam mua gạo… thì còn gì để nói! Thấy ông viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật Đường Hồng Dật phải nuôi lợn trên căn nhà tận gác tư chật hẹp của gia đình ông thì có gì để mà nói nữa! Cái thìa trong cửa hàng café mậu dịch phải đục thủng lỗ để khách hàng khỏi lấy cắp thì có gì mà luyến tiếc nữa! Chỉ có một người ủng hộ việc ra đi của tôi là nhà báo Trần Minh Tân. Anh nói: cậu vô Đồng bằng sông Cửu Long là đúng lắm. Đó là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước. Nước này muốn sống được phải dựa vào đồng bằng Nam Bộ. Đó là vùng đất mới, còn nhiều vấn đề phải viết, có rất nhiều đề tài để viết. Chúng ta là người cầm bút thì nơi nào có đề tài, nơi đó là nơi phải đến. Anh còn gợi ý tôi cụ tể: người ta có bài hát “Dáng đứng Bến Tre” nổi tiếng. Vậy thì bây giờ “Dáng đi Bến Tre” là gì? Phải trả lời câu hỏi đó. Phải viết một bài với cái “tít” như thế. Anh Tân quả là một nhà báo bậc thầy. Sau này, nhân kỷ niệm 10 năm đất nước thống nhất 1985, tôi đã viết bài báo nhan đề như thế, đăng trang nhất báo Đại đoàn kết, được đồng chí bí thư tỉnh ủy Hai Chung đem bài đó ra đọc trong một phiên họp toàn thể của Đảng bộ Bến Tre. Lúc đó, đồng chí Hai Trung chưa biết tác giả là ai.
Lúc tôi lên đường anh Minh Tân lại vỗ vai tôi dặn: ở nước ta ở nơi đâu cũng có nạn cục bộ địa phương, điển hình là tỉnh Hải Hưng của tôi. Hai tỉnh Hải Dương và Hưng yên khi sáp nhập lại đánh nhau quanh năm. Vì thế mà bây giờ mới có tên là tỉnh “Hải Hùng”! Cậu vô trong đó, chỉ làm khách, không làm chủ, tập trung viết (ý anh nói không nên tham gia tranh chấp gì). Tôi đã làm theo đúng lời căn dặn của người bạn vong niên Trần Minh Tân suốt hơn 30 năm sống ở đất Nam Bộ.
Tuy nhiên cuộc ra đi của gia đình tôi vẫn gây bất ngờ, gây một cú sốc cho cả dòng họ, vì tôi là “đích tôn”. Bà thím thứ ba của tôi (bà Ba) người mà tôi rất kính trọng về tư duy chính trị (mà lại không phải là nhà chính trị), lúc chia tay đã nắm lấy tay vợ tôi căn dặn rất thiết tha: chị nhớ chị là dâu trưởng, lại có hai đứa con trai, đi đâu thì đi nhưng phải nhớ dắt con về! Thì ra bà đã nhìn thấy trước sự phá sản của CNXH, sự phá sản của cái gọi là “ngày mai đây tất cả sẽ chung, tất cả sẽ là vui và ánh sáng” (Tố Hữu). Bà đã nhìn thấy trước sự tranh chấp gia sản ở chính gia đình tôi và dòng họ của tôi về cái gia tài gần 2000 mét vuông đất và ngôi nhà ngói vào loại to nhất làng Hoàng Mai, nay là quận Hoàng Mai, nội thành Hà Nội!
Khi tiễn gia đình tôi lên tàu ở ga Hàng Cỏ để vô nam, cả tướng Qua và nhiều người đã có mặt. Đó là một buổi sáng u ám trong cuộc đời tôi.
(Còn tiếp)
Đọc những phần khác ở trang Lời Ai Điếu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: