Chúng tôi sẽ tuần tự cập nhập, mong được các bạn đọc theo dõi. Cảm ơn.
Chương 10
Văn nghệ sau Nghị quyết 05
Suy nghĩ mãi tôi mới quyết định đặt cho chương 4 của tập sách này cái tên “Hậu 05”. Nó vừa hài hước, vừa dí dỏm lại vừa đúng với nghĩa đen: Những sự kiện xảy ra sau khi có Nghị quyết 05. Hài hước ở chỗ người ta vừa thông qua xong Nghị quyết, các cấp các ngành theo thông lệ đang tổ chức quán triệt nghị quyết, thậm chí có nơi nghị quyết chưa tới thì đã có những ý kiến (rất đáng buồn là có cả ý kiến của các cơ quan, các cá nhân có trách nhiệm) muốn phủ nhận những quan điểm cơ bản của Nghị quyết. Thậm chí có người còn dám đổ thừa: Sau Nghị quyết 05 văn nghệ có những biểu hiện lệch lạc.
Sự thật là như thế nào?
Sự thật là giới văn hóa văn nghệ hết sức tán thành “đổi mới” chờ đợi “đổi mới”, coi “đổi mới” như một cái gì của chính bản thân mình. Chính vì nhận “đổi mới” là của mình, cho nên khi thấy xuất hiện những khó khăn thì nhiều anh chị em văn nghệ lo ngại, sợ phong trào “đổi mới” vừa khơi lên đã bị chặn lại. Do đó, xuất hiện một tâm trạng e dè, ngần ngại, lan rộng trong anh em là một tình hình rất đáng quan tâm.
Ban Văn hóa Văn nghệ phải đi sâu để làm rõ thực chất vấn đề. Không cần khó khăn lắm cũng có thể nhận biết trong quá trình đổi mới xuất hiện không ít những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, gây nhiễu tình hình. Có một số ý kiến cho rằng dường như một số sai sót trong hoạt động văn nghệ vừa qua là sự cản trở “đổi mới”, phá hoại “đổi mới”. Tôi thấy cần nhấn mạnh và khẳng định: lực cản chính của phong trào “đổi mới”, không phải là tranh “cóc bắn mạng nhện”, là truyện ngắn “Phẩm tiết”, càng không phải là báo “Văn nghệ”... Sự cản trở lớn đối với đổi mới chính là tư tưởng bảo thủ, trì trệ và chủ nghĩa cơ hội.
Đánh giá những thành tựu của văn hóa văn nghệ trong hai năm 1987 - 1988, phải đặt trong khung cảnh “đổi mới” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ.
Bình tĩnh xem xét một cách sòng phẳng và công tâm, ta nhận thấy phong trào văn nghệ đã xuất hiện nhiều hiện tượng mới rất đáng phấn khởi.
Hoạt động văn hóa văn nghệ đang trở về với đời sống đích thực của nó, nó đi vào cuộc sống bình thường, nó đi vào các tâm tư, số phận từng người, xúc động đến mọi người. Nhiều văn nghệ sĩ có ý thức sâu sắc đối với lương tri con người, đến đạo đức xã hội. Có điều đáng vui là nhân dân ta rất chờ đón văn nghệ, các đồng chí lãnh đạo cũng hết sức quan tâm đến văn nghệ. Khen hay chê cũng đều do quan tâm cả. Điều đó là đáng phấn khởi vì nó khác trạng thái văn nghệ bị thờ ơ trước đây. Đó là dấu hiệu nói lên văn nghệ gắn bó với xã hội và được xã hội đón nhận như người bạn tâm tình của mình. Đây là nhân tố để thúc đẩy văn nghệ tiến lên trên con đường đổi mới. Về mặt lý luận phê bình, văn nghệ cũng xuất hiện rõ xu thế dân chủ hóa, phê bình, lý luận cũng gắn bó với đời sống, với công chúng, và công chúng quan tâm hơn tới phê bình, lý luận. Có tranh luận, có đối thoại, không phải chỉ một chiều. Tuy trong từng bài có thể có vài chữ, vài câu ý kiến chưa chỉnh, nhưng nói chung cũng có khởi sắc Xuất hiện nhiều ý kiến mới mẻ trong khi lý giải các hiện tượng nghệ thuật. Đáng tiếc là cái đà này sớm bị chắn lại, để hiện tượng lý luận phê bình công thức và quy chụp lại bao trùm không khí văn nghệ.
Theo hướng ấy, hoạt động văn nghệ có tác động chung đến đời sống xã hội và như vậy là hoạt động văn nghệ góp phần tạo ra không khí dân chủ trong xã hội, có tác dụng thức tỉnh và nhắc nhở lương tri của xã hội. Đấy cũng là trách nhiệm của văn nghệ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI.
Đi sâu hơn, chúng ta thấy đã xuất hiện những hiện tượng mới mẻ: tác phẩm mới, tác giả mới, phong cách mới, ngôn ngữ mới, hoạt động mới sôi nổi. Ngoài Báo Văn nghệ ở Trung ương, báo Văn nghệ ở địa phương cũng có nhiều cái mới. Các nhà xuất bản cũng xuất bản nhiều tác phẩm mới, đành rằng chưa có tác phẩm kiệt xuất, nhưng rõ ràng văn nghệ có “ngôn ngữ mới”, gọi “khởi sắc” là rất đúng. Đây là mặt chủ yếu trong đời sống văn hóa văn nghệ, nét chủ yếu của diện mạo văn nghệ trong hai năm qua. Cần khẳng định và làm rõ hơn nữa nhận định này.
Nhưng cũng có một cách nhận định khác, tuy là buộc phải thừa nhận vừa qua văn nghệ có khởi sắc, nhưng tiếp đó lại liệt kê đủ thứ khuyết điểm lệch lạc, tô đậm thêm, đẩy những lệch lạc ấy đến mức nghiêm trọng “chết người” như là: bôi đen, kích động làm mất lòng tin, kêu gọi chống đối và nổi dậy, nghĩa là dùng một loạt khái niệm đã quen dùng trước đây để báo động văn nghệ đang phát triển “nguy hiểm”. Nhận định như vậy là sai lạc hẳn diện mạo thực của văn nghệ và muốn trở lại như cũ. Hoạt động văn hóa văn nghệ có thiếu sót, đương nhiên, nhưng mặt chủ yếu là thành tựu, là có đổi mới, là văn nghệ tích cực thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội VI.
Vậy văn nghệ có khuyết điểm lệch lạc không?
Có những thiếu sót và lệch lạc thật, nhưng cần phân tích cho rõ nhẽ. Điều đáng chú ý là, hiện nay đứng trước bất cứ hiện tượng nào mới xuất hiện cũng đều có ít nhất là hai cách đánh giá. Đó là sự phân cực ra hai loại ý kiến, xuất phát từ hai quan điểm đánh giá khác nhau. Ví dụ, có người nói: xem báo Văn nghệ ngày nay thì đám “nhân văn” xưa phải gọi bằng cụ. Đây cũng là một loại ý kiến cực đoan, theo họ, thì dường như mấy bài văn nghệ có thể gây nguy cơ cho đất nước. Hội đồng tư tưởng khi họp đã bác bỏ ý kiến này.
Đúng là trong văn nghệ, tức là nói trong sáng tác và lý luận, phê bình, thời gian qua có những khuyết điểm và lệch lạc. Nhưng cũng còn nhiều điều cần làm cho sáng rõ. Không thể hồ đồ lấy tất cả các ý kiến nhận xét những khuyết điểm và lệch lạc khác nhau cộng lại thì sẽ đi tới một bức tranh sổ toẹt tất cả những gì có trong văn nghệ thời gian qua. Và như thế không có gì là đổi mới, và tất cả dấu hiệu về sự đổi mới đều là hư hỏng hết. Thực chất đó là sự bóp méo và xuyên tạc sự thật. Vì vậy, vẫn phải tiếp tục làm rõ cái gì là khuyết điểm, cái gì là lệch lạc. Mọi người đều nói có khuyết điểm và lệch lạc. Nhưng một sự kiện, một tác phẩm, một chi tiết trong tác phẩm, có người cho là lệch lạc, có người cho là không, mà lại là một giá trị, có người khác lại cho là còn tiếp tục thảo luận. Vân cần lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của tôi là cần tôn trọng những ý kiến của nhiều người, nhưng như nhiều đồng chí đã nói có khi ý kiến đông người chưa phải là chân lý. Có một số vấn đề cần tiếp tục làm cho sáng rõ. Chưa làm sáng rõ được là một khuyết điểm. Cần làm sáng rõ là làm sáng rõ thực chất vấn đề đó là gì. Bản chất của sự thảo luận vấn đề đó là cái gì.
Đó là vấn đề mối quan hệ chính trị - văn nghệ.
Ngày nay không còn ai phân vân gì về mối quan hệ này. Ai cũng thừa nhận: chính trị là giường cột của đất nước, văn nghệ cũng như các lĩnh vực khác đều phải hoạt động phù hợp với đường lối chính trị của Đảng, đội ngũ tiên phong lãnh đạo đất nước đi lên. Trên báo có bàn về vấn đề này là cốt làm cho rõ thêm, sáng thêm thôi. Ngay đồng chí Nguyễn Đình Thi cũng đã nghĩ không nên nói “văn nghệ phục vụ chính trị” mà nói “văn nghệ phục vụ cách mạng”. Hoặc đồng chí Huy Du nói: “Không nên nói “Đảng lãnh đạo văn nghệ”, mà nói “Văn nghệ dưới sự lãnh đạo của Đảng” để tránh những hiểu lầm không cần thiết”.
Bản chất vấn đề ở đây không phải là công nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa văn nghệ, mà tìm cách phân tích để chỉ rõ mối quan hệ chức năng giữa Đảng và văn nghệ mà thôi.
Cũng nên tránh lối đọc sách kiểu suy diễn như xem Ngô Thị Vinh Hoa là văn nghệ, còn Quang Trung và Nguyễn Ánh là quyền lực, để đi tới chỗ quy kết là truyện “Phẩm tiết” nói “Quyền lực bị khuất phục trước văn nghệ”. Câu chuyện này làm ta nhớ đến vụ án “Hắc mẫu đơn thi” đời vua Càn Long nhà Thanh. Càn Long là ông vua kém văn chương nhưng lại rất thích cho mọi người biết mình không những là đấng minh quân mà còn là người có tài thơ phú - Thẩm Đức Tiềm là một vị đại thần, vốn là một nhà thơ lớn đương thời, thường được Càn Long nhờ làm thơ hộ. Khi đã 80 tuổi, về hưu, Thẩm Đức Tiềm vẫn được Càn Long nhờ làm thơ giúp để khoe với mọi người. Một lần Càn Long tuần du phương Nam , nhớ đến Thẩm Đức Tiềm liền ghé vào thăm nhà và viếng mộ viên Đại thần cũ. Tình cờ Càn Long tìm thấy một tập thơ của Thẩm Đức Tiềm, mở ra xem thấy còn nhiều bài thơ chưa công bố. Đặc biệt có những bài thơ Thẩm Đức Tiềm làm thay cho Càn Long trước đây cũng được chép trong tập thơ này, phía dưới còn chú thêm ba chữ “Đại đế tác” (làm thay vua). Xem xong Càn Long thẹn quá hóa giận, căm ghét Thẩm Đức Tiềm biết những bài thơ này của nhà vua đã được in và phát hành mà vẫn ghi lại trong thi tập của mình, lại còn đề “làm thay vua”.
Đang lúc căm giận trong lòng nhưng phải lặng yên, chưa tìm được cách xử trí, Càn Long thấy bài thơ “Hắc mẫu đơn thi” với hai câu:
“Đoạn chu phi chính sắc
Dị chủng diệc xưng vương”.
Ngài bèn nổi giận, đùng đùng quát lớn: “Tên đại nghịch bất đạo này giỏi thật. Hắn dám nói trẫm đã cướp ngôi Thiên tử của họ Chu lại còn chửi trẫm là dị chủng nữa”.
Từ xưa hoa mẫu đơn vẫn được coi là vua các loại hoa và có mầu đỏ. Hoa mẫu đơn mầu đen là đã bị mất đi màu đỏ, coi như là dị chủng. Nhưng Càn Long lại cho chữ Chu ở đây là chỉ nhà Minh vì thủy tổ triều Minh là Chu Nguyên Chương. Còn câu thứ hai, chữ “dị chủng” đã ám chỉ nhà Thanh, coi khinh người Mãn Châu là giống man rợ.
Càn Long tức giận hạ chỉ quật mồ, phá bia của Thẩm Đức Tiềm, kéo xác chết ra khỏi quan tài. Con cháu họ Thẩm đều bị đày đến Hắc Long Giang để xung quân, chỉ giữ lại một đứa cháu nội 5 tuổi để nối dõi tông đường.
Hiểu văn chương chữ nghĩa như vậy quả là nguy hiểm, nhất là thơ chữ Hán, một thứ chữ có nhiều nghĩa, phán theo nghĩa nào cũng được.
Chẳng riêng thơ chữ Hán, văn chương chữ Việt ta ngày nay tuy đơn giản hơn nhưng qua sự suy diễn của một vài vị “quan” có chức, có quyền thì cũng có nhiều nghĩa không kém, đôi khi trở thành những nghĩa chết người. Bản thân tôi đã từng thấy không ít trường hợp chỉ căn cứ từ những câu, những chữ, những hình vẽ, những nết nhạc nào đó trong tác phẩm để biến thành những cái gì đó có tính chất chống đối. Vì như cái vỏ bao thuốc lá Tam Thanh chẳng hạn, người ta vẽ cái cửa động hẳn hoi, việc rõ ràng và đơn giản thế, vậy mà cũng có người thì thầm là vẽ ông nọ, ông kia, ám chỉ thế này thế khác, thì có khổ cho người ta không. Tuy nhiên, cũng có những tác giả tỏ ra sơ hở khi dùng ngôn từ, ví dụ nói: Bá quyền chính trị so với bá quyền văn nghệ, khiến người ta hiểu lầm có sự tranh chấp quyền lực ở đây. Đó là thiếu sót cần rút kinh nghiệm.
Vấn đề thứ hai là phủ định quá khứ
Không ai phủ định quá khứ cả. Tôi đã đọc kỹ các tác phẩm nhưng không hề thấy tác phẩm nào gợi lên ý này. Rõ ràng văn nghệ trong 40 năm qua đã được Đảng đánh giá cao với những giá trị không ai có thể chối cãi. Nhưng cũng rất rõ ràng là văn nghệ trong 40 năm qua cũng có chỗ yếu kém, cũng có nhược điểm, khuyết điểm. Vậy xem lại những yếu kém và khuyết điểm là một việc cần thiết. Chỉ có tự phê bình, tự phê phán mới có thể có sự đổi mới.
Tại sao có ý kiến báo động ầm ĩ lên rằng phủ định quá khứ, phủ định sạch trơn, phủ định văn nghệ để phủ định cách mạng, phủ định sự lãnh đạo của Đảng. Đó là sự cố ý không đi vào thực chất của vấn đề, không phải là nhiệt huyết đòi đổi mới mà là một sự cố ý không tốt đẹp. Các nhà văn có những ý kiến xúc động, tự kiểm tra lại mình để đổi mới được mạnh hơn, tốt hơn. Đó là những cảm xúc đáng hoan nghênh. Nó không hề mảy may có tác dụng phủ định bất cứ một cái gì. Tuy nhiên, ở đây cũng lại có sơ hở như anh Nguyễn Minh Châu viết: “Lời ai điếu cho thời kỳ văn nghệ minh họa”. Tôi nói rõ là sơ hở về ngôn từ, chứ không phải chủ ý.
Tóm lại, hoạt động văn nghệ vừa qua có lệch lạc do quá trớn chứ không phải kích động chống lãnh đạo để làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Và cần nhấn mạnh lần nữa là: không phải có những lệch lạc trong văn nghệ đã cản trở “đổi mới”, mà “bảo thủ, trì trệ và cơ hội chủ nghĩa” mới là lực cản “đổi mới” hiện thời. Vấn đề là có thực tâm thúc đẩy tiếp tục đổi mới hay không.
Tháng 12 năm 1988, trong một cuộc thảo luận nhân một năm ra đời Nghị quyết 05, tôi đã phát biểu:
Một xã hội phải có kỷ cương, trật tự. Mỗi lĩnh vực trong cuộc sống xã hội cũng phải có kỷ cương, trật tự. Dân chủ cũng phải có kỷ cương, trật tự. Nhưng lại phải nói thêm: đó là kỷ cương dân chủ chứ không phải kỷ cương thiếu dân chủ hay kỷ cương mất dân chủ. Chỉ có một kỷ cương dân chủ mới đảm bảo được kỷ cương chặt chẽ, mới có kỷ cương tự giác và bền vững. Điều này trùng hợp với những lý lẽ về “Ý Đảng lòng dân”. Ý Đảng có hợp lòng dân, dân mới gần Đảng, nghe Đảng. Và nếu mọi ý Đảng đều thấy lòng dân trong đó thì dân mới tích cực thực hiện ý Đảng, mới có kỷ cương tốt đẹp. Cũng như dân chủ và sự tập trung, chỉ có một sự tập trung trên cơ sở dân chủ, sự tập trung ấy mới mạnh mẽ và hiệu quả, và tự nhiên là sự dân chủ có tập trung. Không bao giờ nên tách ra và đối lập dân chủ và kỷ luật, dân chủ và tập trung.
Có người chỉ thích bất cứ ở đâu cũng có trạng thái yên ổn, êm ả, và coi như thế là tốt đẹp, là ổn định. Họ không thích bất cứ một sự bàn bạc có ý kiến khác nhau, bất cứ một sự bàn bạc có tranh cãi, bất cứ một sự chất vấn nào, một sự nói khác nào, nhất là đối với cấp dưới. Họ không chịu được bất cứ một sự “phạm thượng” nào. Họ khăng khăng cho rằng: đã là cấp trên thì bao giờ cũng đúng, bao giờ cũng phải(!). Đó không phải là trạng thái dân chủ. Có dân chủ mới có tự do và bình đẳng, và có bình đẳng mới có dân chủ.
Vì vậy muốn có tự do sáng tác phải có dân chủ và phải có sự dân chủ hóa sâu sắc và hoàn toàn.
Trước đó, để bảo đảm thực hiện chính sách tự do sáng tác, có lần tôi nêu van đề “định hướng rộng”. Sau đó có nhiều ý kiến bàn bạc, có ý kiến cho rằng đề ra “định hướng rộng” là một sai lầm, là vẽ đường cho hươu chạy, là khuyến khích những người viết và nói ba láp, là tạo ra những hậu quả lộn xộn, v.v... Lại có ý kiến cho là chỉ nói “định hướng rộng” không thì không đủ, cần phân tích sâu hơn. Có thể trong sáng tác thì phải “định hướng rộng”, nhưng trong sự phổ biến truyền bá tác phẩm, trong điều hành hoạt động văn hóa văn nghệ phải có những xử lý cụ thể, nghĩa là cũng phải có “định hướng hẹp” nữa, định hướng cụ thể, thậm chí cho một hành vi, một sự việc phải kết hợp “định hướng rộng” và “định hướng hẹp”.
Tôi nghĩ ý kiến sau là ý kiến bổ sung đúng và hợp lý.
Khi tôi nói định hướng là tôi muốn nói lên một tư tưởng, đó là tư tưởng của chính sách tự do sáng tác. Tư tưởng đó muốn nói lên lãnh đạo văn nghệ thì cần phải dành phạm vi rộng cho sự sáng tạo, dành chỗ rộng để phát huy sức tưởng tượng, để phát huy sự đa dạng về phong cách, và như vậy cũng là phù hợp với tư tưởng của Lênin.
Lênin nói: “Không thể chối cãi rằng trong sự nghiệp này tuyệt đối cần phải bảo đảm một phạm vi hết sức rộng rãi cho sáng kiến riêng, cho những thiên hướng cá nhân, cho suy nghĩ và tư tưởng, cho hình thức và nội dung”. (Lênin - “Tổ chức Đảng và văn học Đảng”).
“Định hướng rộng” chưa phải là một ý kiến về thể lệ, quy định. Tôi vẫn cho rằng để thực hiện chính sách tự do sáng tác phải có tư tưởng “định hướng rộng”. Khi ta nói “định hướng” là ta nói về sự lãnh đạo. Chúng ta đã chứng kiến, mỗi giai đoạn cách mạng, sự định hướng của Đảng vừa chỉ phương hướng, vừa khơi nguồn cho sức sáng tạo của văn nghệ. Và như vậy rõ ràng là văn nghệ không thể không có sự lãnh đạo của Đảng.
Tôi cho rằng có một vài sự lầm lẫn như sau: Có đồng chí quan niệm là Đảng lãnh đạo văn nghệ là Đảng phải luôn luôn có ý kiến chỉ dẫn, góp ý kiến với văn nghệ sĩ. Không luôn phát hiện sai lầm, khuyết điểm để lập tức có ý kiến “giúp đỡ” văn nghệ thì không phải là lãnh đạo văn nghệ. Có người cho rằng phát hiện càng nhiều vấn đề về quan điểm, chỉ ra cho hết “nguy cơ” của các quan điểm, thì càng có chính trị cao, càng có khả năng lãnh đạo sâu sắc và nhạy bén. Mà Đảng ở đây có khi là những đảng viên không hiểu hoặc hiểu rất ít về nghệ thuật nhưng lại buộc phải có ý kiến về bất cứ tác phẩm nào, thuộc loại hình nghệ thuật nào.
Trước đây đã có lúc có tình trạng một cá nhân nào đó phát biểu ý kiến nào đó và cứ tự nhân danh đường lối của Đảng hoặc nhân danh Đảng. Tiếc thay có khi ý kiến đó không đúng mà cũng khó có người, khó có tổ chức Đảng dám đính chính lại.
Ngày nay trong không khí tự do dân chủ và công khai, những ý kiến “nhân danh Đảng” sẽ dễ dàng được công luận của nhân dân kiểm tra. Điều này có thể hạn chế bớt những sự lạm dụng. Sự công khai có triển khai làm rõ trắng đen nhiều việc và ngăn ngừa được những người cơ hội hay lợi dụng “không khí bí mật” để truyền đạt những cái gọi là “tin tức nội bộ”, “chỉ thị nội bộ” để hù dọa mọi người.
Cũng trong buổi nói chuyện này, tôi phát biểu cả vấn đề phê bình, cũng là vấn đề nổi cộm lên sau Nghị quyết 05. Khi tác phẩm ra đời, thì ai cũng có quyền thích hoặc không thích toàn bộ tác phẩm, thích hoặc không thích một vài đoạn, một vài bộ phận. Mà có ý kiến phê bình thì có quyền phát biểu trên báo chí, trong các cuộc hội thảo, thậm chí cả trong lúc “trà dư, tửu hậu”, nhưng ai đó đừng nên nghĩ rằng ý kiến mình là “đúng nhất thế giới” và không chịu lắng nghe người có ý kiến khác mình. Không bao giờ nên cho là tác giả kém hơn mình và có động cơ xấu. Nếu tác giả hoặc bất cứ ai có hành vi xấu, đã có cơ quan an ninh công an. Do đó, phải có quan điểm của chính sách tự do sáng tác, nghĩa là phải chấp nhận sự phong phú, đa dạng trong văn nghệ. Phong phú đa dạng thì có sự khác nhau, thậm chí có khi nghịch nhau. Tuyệt đối không bao giờ nêu ý kiến phê bình trở thành ý kiến cấm đoán, thậm chí trở thành chỉ thị cấm đoán. Ta đã từng có những trường hợp một tác phẩm nào đó chỉ vì có một đồng chí lãnh đạo quan trọng nào đó không thích và có vài ý kiến phân tích chê trách, thế là lập tức tác phẩm đó không được tồn tại “dưới ánh sáng mặt trời” nữa. Muốn có tự do phê bình thì tác phẩm phải được tự do tiếp xúc với công chúng. Nếu không có tiếp xúc thì ai biết đâu mà phê bình! Không bao giờ nên có sự phê bình “bắc nồi chõ nghe hơi”, tức là người không được đọc, không xem tác phẩm cũng cứ phê bình vì “nghe nói có vấn đề”. Phê bình là một bộ phận của bản thân đời sống văn nghệ. Các nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật, không bao giờ nên giận và ác cảm với những lời phê bình. Tất nhiên là phải có những trường hợp cấm đoán. Nhưng cấm là cấm những tác phẩm phạm luật. Sự cấm đoán đó phải có lý do buộc tội, có cáo trạng: tác phẩm phạm điều khoản nào, của luật nào? Và tác giả hoặc nhóm tác giả có quyền bào chữa, trình bày. Sự cấm đoán phải được công khai, phải do cơ quan có chức năng pháp lý ra lệnh cấm. Lệnh cấm phải có văn bản và người ký văn bản phải chịu trách nhiệm về lệnh của mình trước công chúng và trước cả lịch sử. Khi lệnh bị chứng minh là sai, thì phải có sự sửa đổi. Thực hiện pháp luật là phải theo luật và lệ, thủ tục tố tụng. Vì luật còn phải ngăn ngừa và cấm đoán những hành vi phạm luật có hại cho xã hội, cho quyền công dân và quyền của nghệ sĩ.
Không bao giờ lầm lẫn giữa phê bình và luật pháp. Chỗ nào chưa có luật ta phải tích cực xây dựng luật. Trong khi chưa có luật, xin thử nêu mấy nguyên tắc:
- Cấm phải có lý do,
- Cấm phải có văn bản,
- Người cấm phải chịu trách nhiệm về lệnh cấm của mình bằng chữ ký,
- Lệnh cấm phải công khai, phải do các cơ quan có chức năng pháp lý thực hiện.
Ta thường thấy là trong văn hóa văn nghệ có cái công chúng thích thì một bộ phận lãnh đạo không thích, ngược lại cái một bộ phận lãnh đạo thích thì công chúng lại thờ ơ. Tất nhiên cũng đã có những tác phẩm được công nhận cả trong cán bộ lãnh đạo cũng như trong công chúng rộng rãi. Nhưng hình như những tác phẩm như vậy chưa có nhiều.
Trần Độ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét