Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Đúng là loại "quan khốn nạn"!


Cần sa thải ngay quan chức mà vô văn hóa!

Chỉ trong tháng kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, dư luận và báo chí chịu 2 cú sốc liên tiếp khi các quan chức liên tiếp ăn nói lỗ mãng như chưa từng có văn hóa.

Trong khi Chủ tịch Hà Nội ngay trong ngày nghỉ đã lịch sự gọi điện thoại trò chuyện với nhà báo viết thư cho mình, thì cấp dưới của ông lại thể hiện “phông văn hóa” thấp không thể nào tin nổi.
Đầu tiên là vụ phóng viên báo Tiền Phong đã gọi điện cho ông Trần Anh Tú - Phó Tổng Giám đốc Cty Đường sắt Hà Nội (nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị) để biết ý kiến của ông về dự án “xe bus nhanh” tiêu tốn tiền thuế mà nhiều năm vẫn dậm chân tại chỗ.
Nhưng thật bất ngờ, ông Tú đã đối đáp với phóng viên bằng thứ ngôn ngữ thiếu văn hóa. Xin trích dẫn nguyên văn:
"Khi phóng viên đặt câu hỏi về hiệu quả của dự án, ông Tú nói: “Không hiệu quả không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?”
Và với câu hỏi của PV về nguy cơ ùn tắc trên tuyến đường xe buýt nhanh đi qua, ông Tú nói: “Ùn tắc không phải việc của chúng mày. Chúng mày là cơ quan báo chứ không phải cơ quan thẩm định, không phải là cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Mày ăn nói lung tung”.
Trước đó là vụ việc phóng viên báo Một Thế Giới gọi điện thoại cho ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội. Sau khi nghe giới thiệu là phóng viên, người đàn ông này buông ngay câu nói: “Làm sao?”.
Phóng viên nhắc lại việc thực hiện 2 dự án đường dây điện 500KV và 220KV được cấp chồng lấn lên khu nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Quốc Oai, khi chưa nói hết lời, thì ông Thăng buông tiếp câu hỏi: “Thì làm sao?”.
Sau đó ông Thăng bắn một tràng:“Mày bảo Giám đốc Sở Công Thương là nói không đúng với lại Chủ tịch hả? Tao sẽ làm cho nó ra chuyện. Cái việc của tao nói là việc của tao chứ không phải báo chí bình luận được những cái lời như thế, nhá”. 
Phóng viên đề nghị ông Thăng không nên xưng mày tao thì ông tiếp tục: “Nhưng mà nói trên báo chí mà động đến Giám đốc Sở Công Thương í, mày còn nói tồi tệ hơn như thế, nhá. Tao nói để mày biết như thế đấy”.
can sa thai ngay quan chuc ma vo van hoa
Ông Trần Anh Tú và ông Lê Hồng Thăng.
Ngay bây giờ mà lôi 2 ông quan chức trên lên mổ xẻ là “vô văn hóa” thì có lẽ… hơi thừa. Vô văn hóa là quá rõ, không cần bàn luận thêm!
Xét ở một góc độ nào đó, đây là biểu hiện của “phông văn hóa” không cao. Nếu xem “chính khách” “quan chức” là một nghề, thì 2 ông quan chức của Hà Nội coi như đã thất bại về mặt nghề nghiệp.
Làm chính khách, quan chức, việc đầu tiên không được quên là mình thể hiện, phát ngôn trên vị trí, chức danh của mình chứ không phải trên danh nghĩa cá nhân. Vậy nên, lời nói hay hành động đều phải giữ gìn.
Còn nếu ai muốn thoải mái, muốn tự do mà nói năng, phát ngôn bỗ bã, thế nào cũng được, thì cứ theo kiểu ông Đinh La Thăng: “Muốn tự do thì đừng làm quan chức”.
Một số tình huống, các vị quan chức sau khi trót thô lỗ đã quay ra biện bạch: Do áp lực công việc, làm việc “vì cái chung”, “cống hiến”  mà báo chí cứ săm soi.
Quan chức là người ăn lương do dân trả và việc của quan chức là phải sống đúng với cái áo “cán bộ” đang khoác trên người. Còn báo chí là “tai mắt” của nhân dân, nên săm soi chính là công việc của báo chí.
Trong trường hợp quan chức nào cảm thấy bức bối quá, không thể mang nổi “cái áo”, không diễn nổi vai diễn của mình thì tốt nhất nên cởi bỏ ra mà làm người thường, sẽ không còn bị săm soi nữa.
Có quan chức nào dám dũng cảm rũ áo không?
Đối nghịch với sự thô lỗ của 2 quan chức là sự lịch sự, nhã nhặn và thế hiện một phông văn hóa rất cao của người đứng đầu thành phố.
Đó là việc nhận được bức thư “hiến kế” cho giao thông Hà Nội của nhà báo Nguyễn Thành Vĩnh - Báo Nhà báo và Công luận, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ động tìm số điện thoại, gọi điện để nói chuyện trực tiếp. Mặc dù hôm đó là ngày nghỉ.
Trong cuộc điện thoại, chủ tịch thành phố đã trao đổi với nhà báo luôn một số biện pháp xử lý vấn đề của ông. Ông còn hẹn sẽ lập hộp thư điện tử riêng để nhận thư góp ý của các phóng viên và người dân.
Nhà báo Nguyễn Thành Vĩnh nói rằng, sự lịch sự, cầu thị của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã làm anh thấy có động lực hơn trong việc cống hiến thật nhiều cho thành phố. Anh tin nhiều người cũng có cùng suy nghĩ như mình.
Hà Nội đang trong quá trình rũ bỏ tấm áo trì trệ, và chúng ta cần nhiều hơn những cán bộ gần dân, gần dư luận, gần công việc như ông Nguyễn Đức Chung. Và đương nhiên, cũng cần loại bỏ dần những cán bộ có thái độ trịch thượng, “ăn cơm dân” mà cứ nghĩ mình là “bố đời” như 2 ông quan chức nêu trên. 

Không có nhận xét nào: