Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

một mẩu nhỏ (biển Đông) của Thái Bình Dương..

Trái đất một vòng tròn

Năm nay là năm 2016.
Tròn 30 năm cái gọi là “đổi mới”.
*
Tôi muốn làm một cuốn sách về 30 năm đổi mới gọi là ấy. Đã bắt tay vào làm mà cuối cùng bỏ cuộc.
Tôi đã đi gặp một số người, để hỏi họ về những gì thúc ép trong những năm trước đổi mới, về những gì đã xảy ra ngay sau đổi mới, và hậu quả của cái đổi mới ấy với hiện trạng ngày nay, và ngày mai. Những người tôi gặp không nhiều lắm. Bởi tôi chỉ cố gắng gặp những người ở giai đoạn đổi mới nổ ra họ đang ở lứa tuổi trung niên, hiểu đời, hiểu người. Và tôi cũng chỉ chọn những người con ông cháu cha, tức là  những người có điều kiện gặp ông nọ bà kia, hay ít ra được nghe chuyện này chuyện nọ chưa bị tam sao thất bản.
Điều kỳ lạ là, những người ấy, nay ở độ tuổi trên dưới 80, đều không quan tâm nhiều đến đổi mới, cái mà họ cho là chẳng qua đâm đầu vào tường rồi ôm đầu máu mà quay ra, họ quan tâm nhiều hơn đến sự kết thúc.
Họ sốt ruột lắm rồi, quỹ thời gian của họ không còn mấy.
*
Mới có một sự kiện mà giới trẻ Việt Nam không mấy ai để ý. Đó là lần đầu tiên, sau hàng chục năm, ba thành viên cốt cán của Guns N’ Roses là Axl, Slash và Duff McKagan đã chơi nhạc cùng nhau tại liên hoan Coachella.
McKagan chơi một cây bass màu trắng để tưởng nhớ đến Prince, người vừa qua đời trước đó vài ngày. Slash đã chơi bản “Wish you were here” của Pink Floyd trước khi Axl ngồi vào piano và chơi bài November Rain danh tiếng. Video music của bài hát này làm mưa làm gió ở Hà Nội những năm đầu 1990.
Đấy là quãng thời gian tất cả mọi người hào hứng với mở cửa, hội nhập. Những làn gió mới thổi vào. Những lứa du học sinh đầu tiên bắt đầu bén rễ ở các nước phương tây, lúc đó còn gọi là các nước tư bản.
*
Năm 1985 là năm đặc biệt. Năm đó Việt Nam đổi tiền. Một năm sau đó là Đổi Mới. Sau mấy chục năm chiến tranh Bắc Nam, chưa kịp nghỉ ngơi là đánh nhau với Pol Pot, rồi đánh nhau với Đặng Tiểu Bình. Xung đột biên giới kéo dài đến sau Đổi Mới vài năm mới kết thúc.
Miền bắc Việt Nam lúc đó còn tồi tệ hơn Bắc Hàn bây giờ nhiều lần. Đóng cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đóng cửa với bọn tư bản phương tây, đóng cửa với các nước Asean thù địch, đóng cửa với Trung Quốc tất nhiên. Trên truyền thông nhà nước, Trung Quốc lúc đó là bè lũ bành trướng bá quyền Bắc Kinh, Thái Lan là bọn dung dưỡng các phe Khmer chống đối chính quyền thân Việt Nam, ông hoàng Sihanouk là kẻ thù, kẻ thù ấy lại được hết Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh nuôi dưỡng. Lãnh đạo Phương tây là bọn đế quốc chó chết, Reagan và Thatcher bị lên án và bị vẽ tranh biếm họa suốt ngày trên báo Nhân Dân.
Mọi tư tưởng phương tây đều là độc hại và bị cấm đoán. Văn hóa đại chúng Hongkong như phim chưởng là đồi bại. Thế nhưng có những thứ len lỏi từ miền nam xa xôi lên tận miền bắc u tối theo một cách rất kì lạ. Tôi vẫn nhớ khi mới vào lớp 6, lúc đổi mới chưa hình thành và miền bắc hoàn toàn tăm tối, bọn trẻ con đứng ở hành lang trường, thì một bạn tên Đông đã nói một câu về sau tôi mới biết là Freud: “Mọi phát minh lớn của các thiên tài, chẳng qua là do sĩ gái”. Bạn Đông này sau đó do tôi chuyển lớp chuyển trường nên không bao giờ gặp lại, chỉ lâu lâu nghe chuyện, vậy mà sau 30 năm đổi mới, hôm nọ nhìn thấy bạn trên Internet, nay đã nổi tiếng lắm rồi với vai trò phiên dịch gia cho các tủ lạnh, nhìn bạn trên internet mà nhận ra ngay lập tức bạn Đông “sĩ gái luận” của ngày xưa.
*
Donald Trump có rất nhiều người đẹp vây quanh. Người thì làm bồ. Người thì làm vợ. Cuộc chia tay nào của ông tỷ phú có mái tóc vàng nhân tạo này cũng là một trận mưa tiền. Quả là đáng mặt tỷ phú chơi bạo tay. Báo Mỹ nói về cái biệt thự riêng của ông ấy, có bể bơi, nhưng chỉ có bà vợ đầu của ông ấy bơi suốt ngày mà không mặc gì, còn ông thì suốt ngày cày sân golf. Ông ấy có một túi tiền mặt, hôm nào vui thì rút các tờ 100 ra bo cho nhân viên tá lả.
Mới đây giáo sư Robert Reich, tác giả của cuốn sách bán chạy Saving Capitalism và đã từng làm việc cho Carter, Bush và Clinton, nói Donald Trump là Plutocrat. Plutocracy (bọn Tàu dịch là Kim quyền chính trị 金權政治) là chế độ mà bọn siêu giàu nắm quyền lực. Đây là một biến thể của Oligarchy, thường được dịch là chế độ quả đầu, quả nghĩa là một mình, như là vua tự xưng là “quả nhân – 寡人”.
Nếu như Reich mà biết về Việt Nam, liệu ông ấy có dùng từ Kleptocracy không? Bọn Tàu dịch Kleptocracy là “Thiết đạo thống trị 竊盜統治”. Thiết là ăn trộm còn đạo là ăn cắp. Thiết là kiểu ăn trộm ăn từ trong ăn ra, như sâu mọt đục khoét từ bên trong hạt gạo.
Trump có nhiều người đẹp vây quanh, nhưng cũng như tất cả các đàn ông mê gái khác, với ông hẳn “con cá to nhất là con cá nhảy ra khỏi lưới”. Có một người đẹp đã chê Trump mà bỏ đi với Nicolas Sarkozy. Tay này về sau làm tổng thống Pháp.
Trump đang có cơ hội trở thành tổng thống, điều này rất có thể nếu như Clinton không vượt qua được vụ bê bối sử dụng private email server lúc còn làm ngoại trưởng. Mới đây, ngay trong kỳ nghỉ lễ Ngày Độc Lập, Hillary Clinton đã bị FBI gọi lên thẩm vấn suốt 3 tiếng rưỡi đồng hồ.
Trump thi đấu thành tổng thống, theo lý thuyết của bạn Đông, hẳn là do sĩ gái. Sĩ gái nên cay cú với cô nàng bỏ mình mà đi với thằng tổng thống Pháp, nên quyết làm tổng thống Mỹ một phen.
*
Tướng Lưu Á Châu có nói các thiết chế nhà nước Hoa Kỳ được thiết kế rất thông minh, nên một kẻ kém cỏi cũng làm tổng thống Mỹ vẫn có thể làm tốt.
Với bản năng sĩ gái của mình, khi làm tổng tống Hoa Kỳ, hẳn Trump sẽ làm và làm được nhưng ngược lại những gì thằng tình địch kia nó nói. Sarkozy khi làm tổng thống Pháp đã tuyên bố: “Ý tưởng về thị trường toàn năng luôn luôn đúng đã kết thúc”. Trump, là một người của Cộng hòa, đại diện cho các giá trị bảo thủ của Mỹ, lại là tỷ phú, cũng sẽ tin tưởng rằng vai trò của nhà nước cần phải thu nhỏ tối đa, trả lại quyền lực cho khu vực tư nhân, mà với phương pháp tranh cử dân túy Trump đã đánh đồng “tư nhân” với số đông người Mỹ bình dân da trắng đang giận dữ vì thua cuộc trong một trật tự thế giới mới, toàn cầu hóa và đại đồng.
Trật tự thế giới “mới” ấy có vẻ như đang bị một lực đẩy vô hình, mà mới đây là Brexit, kéo trở về trật tự thế giới cũ, thế giới sau chiến tranh thế giới thứ hai.
*
Hai lãnh đạo phương tây mà Việt Nam ra rả chửi hồi chưa mở cửa, tổng thống Mỹ Reagan và thủ tướng Anh Thatcher, lại chính là hai nhân vật thúc đẩy tạo nên trật tự thế giới mới.
Giống như Trump, lúc còn trẻ Ronald Reagan là người của Đảng Dân Chủ, rồi cũng bỏ qua bên Cộng Hòa. Nhưng khác Trump về xuất thân. Trump con nhà giàu, và có lẽ là hơi trọc phú, còn Reagan là nhà nghèo, lập thân bằng nghề diễn viên, rồi làm lãnh đạo công đoàn diễn viên, rồi làm phát ngôn nhân cho Cộng Hòa, rồi bằng tài diễn thuyết nổi lên như ngôi sao của Đảng, rồi trở thành tổng thống già mà gân nhất lịch sử hiện đại Hoa Kỳ.  Reagan và Clinton là hai tổng thống rời Nhà Trắng với thành tích (kinh tế và ngoại giao) tốt đẹp lẫy lừng nhất trong các tổng thống Mỹ thời hiện đại.
Tư duy của Reagan khá giản dị, mạch lạc và nhất quán, không khác gì các vị tướng Sparta. Ông bảo: “Trong cơn khủng hoảng hiện nay, chính phủ không phải là giải pháp cho các vấn đề. Chính chính phủ mới là vấn đề”. Ông cũng rất đơn giản xếp hạng các nước cộng sản vào chung một nhóm và gọi Liên Xô là đế chế ác quỷ (evil empire). Điều này rất khác với Obama, nếu các bạn thật sự quan tâm đến những gì Obama làm, chứ không phải chỉ đọc bài diễn văn Obama diễn cốt để vuốt ve finger-f*ck các bạn ở Hà Nội.
Khi Reagan bắt đầu làm tổng thống, kinh tế Mỹ rất tệ hại, thất nghiệp lạm phát đều rất bê bối. Reagan ủng hộ kinh tế học trọng cung, một lý thuyết khá hiện đại vào thời điểm đó. Một lý thuyết hơi trái cựa với kinh tế học của Keynes, khi nó cố gắng giảm thiểu vai trò của nhà nước, đề cao sức mạnh thị trường bằng cách đầu tư, tăng cường hiệu suất của bên cung, thúc đẩy tăng trưởng mà tránh được lạm phát. Còn lý thuyết của Keynes là lý thuyết được chính thức thu nhận và cổ súy ở Việt Nam rất mạnh sau đổi mới. Lý thuyết này ủng hộ vai trò của nhà nước và tất nhiên nó sẽ là công cụ lý luận rất tốt cho việc đổ hàng núi tiền vào đầu tư công để kích thích tăng trưởng, bất chấp chất lượng tăng trưởng cũng như các hệ lụy về tài chính và tiền tệ như chúng ta đã thấy suốt mấy chục năm nay. Nó cũng là lý thuyết tốt để tô màu cho cái gọi là thành tựu đổi mới và là giấy chứng sinh cho cái chế độ Kleptocracy ở Việt Nam mà đến nay chưa ai dám gọi tên.
Người lên tổng thống Pháp vào cùng thời gian này (1981) là Mitterrand, một người xu hướng chủ nghĩa xã hội, đã quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng, tăng cường chi tiêu chính phủ, tăng số lượng công chức do nhà nước trả lương, chỉ sau 2 năm đã phải làm ngược lại, thực thi chính sách chi tiêu khắc khổ.
Đây là lúc Reagan và Thatcher quay lưng lại với Keynes. Họ cổ súy kinh tế học trọng cung, tư nhân hóa, giảm thuế, giảm các quy định rào cản gia nhập ngành, thúc đẩy cái mà bây giờ chúng ta gọi là toàn cầu hóa, hình thành một trật tự thế giới mới. Trong quá trình đấy, Reagan, cùng Thatcher và The Pope người Ba Lan, đã đẩy Liên Xô xuống vực.
Khi bức tường Berlin tưởng còn đứng vững như cả thiên niên kỷ nữa, đứng trước bức tường này Reagan kêu gọi và thách đố tổng bí thư Liên Xô Govbachev dỡ bỏ bức tường (tear down this wall!).
Năm (05) tháng sau khi Reagan rời Nhà Trắng, bức tường bị xô đổ. Hơn hai năm sau, Liên Xô tan rã. Việt Nam lúc này không còn sức để chửi bới Reagan và Thatcher, lại càng không đủ cả dũng khí để gọi Trung Quốc, lúc này là chỗ bấu víu lớn nhất của chế độ, là bọn bành trướng Bắc Kinh nữa.
Đó cũng là lúc ở Hà Nội người ta bắt đầu nghe New Kids on The Block, Take That, Michael Jackson. Còn chúng tôi bắt đầu bỏ AC/DC, Beatles …để nghe Queen, Metallica, Guns N’ Roses, và tất nhiên là Nirvana vạn đại.
Các công ty tư nhân bắt đầu ra đời. Tôi vẫn còn nhớ như in biểu tượng của hãng Kenwood được dựng trên mặt tiền của Ga Hà Nội, cách đó mấy trăm mét là trụ sở của công ty tư nhân của con rể TBT ĐM, tên công ty là Đổi Mới. Bọn trẻ con chúng tôi mỗi lần vào ăn trưa ké với các ông anh vẫn gọi đùa là công ty Đồi Mồi.
Trước đó, sách lý thuyết kinh tế phương tây bắt đầu được nhóm anh Hóa dịch và truyền bá âm thầm ở Hà Nội suốt những năm trước và sau đổi mới lúc này bắt đầu có tác dụng. Để tránh đối đầu với thuyết Mác Lê, những lý thuyết kinh tế phương tây được goi với tên lý thuyết kinh tế mới.  Gọi là mới, dù nó rất là cổ như Ricardo, như Adam Smith. Đây là những viên gạch lót đường đầu tiên để Keynes đường hoàng bước vào Việt Nam bằng thảm đỏ.

*
Năm 1975, Thatcher, người của đảng Tory, trở lãnh đạo phe đối lập. Giai đoạn này Thatcher bắt đầu có xu hướng theo trường phái Hayek và thay đổi quan điểm. Phe của Thatcher cho rằng nền kinh tế kiểu Keynes sẽ làm suy yếu nước Anh. Cũng thời gian này bà đưa ra các quan điểm tấn công Liên Xô, một thể chế coi thường ý kiến nhân dân. “Họ đặt súng ở trước miếng bơ”.
Năm 1975, Harold Wilson thuộc đảng Lao Động, trở thành thủ tướng Anh lần thứ hai. Ông tổ chức cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về việc trở thành thành viện của Châu Âu. Cuộc trưng cầu ấy có 62% dân Anh đồng ý tham gia. Đây là cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc cuối cùng của nước Anh trước khi có cầu dân ý mới đây, hơn một nửa đòi thoát Âu hay còn gọi là Brexit.
Năm 1979 Thatcher trở thành thủ tướng Anh. Và thực thi các chính sách kinh tế trọng cung của mình: chính phủ nhỏ, thuế thấp, tự do thị trường với việc dỡ bỏ tối đa các quy định ràng buộc doanh nghiệp thuộc khối tư nhân.
Eduardo Porter viết trên New York Times rằng chính những cơn giận dữ của người dân lao động ở Anh và Mỹ, bị toàn cầu hóa  gạt qua bên lề, bị những chính trị gia dân túy cánh hữu (Boris Johnson và Donald Trump) bẻ lái, đang phá hủy thành tựu mà hai lãnh đạo cánh hữu khác là Thatcher và Reagan khởi xướng và được các đàn em của họ như Blair và Clinton xây dựng (Clinton bên Dân Chủ nhưng trong hai nhiệm kỳ của mình đã khéo léo chen vào phía cánh hữu. Reich nói Clinton là chính trị gia tài năng nhất trong thế hệ của mình chắc muốn đề cao việc lèo lái các chính sách kinh tế chính trị như một tay cánh hữu, dù là người của Đảng Dân Chủ).
Nền kinh tế toàn cầu hóa rất là tốt, tốt cho cả khối tư nhân lẫn nhà nước. Nhưng mặt trái của nó chính là bất bình đẳng xã hội và ô nhiễm môi trường. Đấy là cơ hội lớn cho các chính trị gia dân túy cánh hữu.
Còn ở ta, vấn đề cũng tương tự đâu khác gì, chỉ có điều đây là cơ hội lớn cho các chính trị gia dân túy, là đảng viên nhưng không phải cánh tả, cán bộ nhưng mà giàu và là giàu Kleptocrat.
*
Gustave Le Bon nói rằng hiện nay các chủng tộc chỉ còn là các chủng tộc lịch sử. Tức là các chủng tộc không chỉ hình thành từ nòi giống xa xưa, mà còn do các cuộc di dân, xâm chiếm.
Mỗi con người hiện đại, về mặt cơ thể, chứa đựng đặc tính di truyền của hàng trăm ngàn tổ tiên của hàng ngàn năm trước đó. Về măt tâm lý, bao gồm tính cách, tư duy, tình cảm cũng vậy. Những người chết thì nhiều hơn những người đang sống. Do đó những gì đang chi phối con người hiện đại về vô thức là do những người đã chết.
Le Bon cho rằng chỉ có dân Anh là phát triển đến độ chín của tâm lý. Họ mạnh mẽ, điềm đạm và sâu sắc trong suy nghĩ, tình cảm và hành động. Kiến thức, công nghệ là cái rất dễ chuyển từ nơi này qua nơi khác, từ chủng tộc này qua chủng tộc khác. Nhưng tính cách thì không. Mà tính cách con người chỉ thể hiện được đặc tính nổi bật của nó ở các hoàn cảnh đặc biệt. Những người khổng lồ trong Cách Mạng Pháp, họ chỉ là các công chức mẫn cán bình thường nếu như không có Cách Mạng. Ở Việt Nam cũng vậy, nếu không có cách mạng thì ai rửa bát vẫn rửa, ai bán cháo phổi giảng đường vẫn bán, ai hoạn lợn vẫn hoạn, vân vân và vân vân.
Le Bon cho rằng người Anh họ biết kiềm chế cảm xúc với những gì trước mắt, dù đó là lợi ích lớn đến mấy, để nghĩ đến những thứ lâu dài. Vì tính cách như vậy nên người Anh có xu hướng đề cao tự do cá nhân và hạn chế tối thiểu vai trò nhà nước. Anh và Mỹ đều phát triển cực kỳ vì tự do cá nhân là động lực cho vô vàn sáng kiến, từ khoa học công nghệ đến các tổ chức xã hội. Khác hẳn với Lục Địa, nhất là Pháp, khi hầu hết người dân quen chờ đợi nhà nước thay cha mẹ làm mọi thứ cho họ.  Việt Nam có lẽ còn tệ hơn nữa, nếu nhìn theo cách của Le Bon.
Với Le Bon, thật là dễ hiểu tại sao chính phủ Anh và Mỹ luôn phải nghe theo ý kiến của dân chúng, cái mà ở ta có người mỉa mai là ý kiến của đám đông (ngu dốt) như trong vụ Brexit. Ngoài việc họ đề cao cá nhân, thì ứng xử của người dân, về vô thức nó còn phản ánh tâm thức của rất nhiều thế hệ tổ tiên đã chết.
*
Trong bài viết “A tale of Two Parties” mới đây, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman, so sánh Đảng Cộng Hòa của Mỹ với Chủ nghĩa cộng sản ở giai đoạn trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Krugman nói Đảng Cộng Hòa đang suy yếu khi càng ngày càng ít đảng viên tin vào các giá trị cốt lõi và truyền thống của Đảng. Các nhân vật cứng cựa của Đảng cộng hòa dễ dàng bị những người như Donald Trump lật đổ vì Đảng này đã bị rỗng đến tận gốc.
So sánh với phe cộng sản trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Không ai (ở phương tây) nhận ra phe cộng sản suy yếu trầm trọng đến mức nào.
Họ có súng, có xe tăng, có cả bom nguyên tử, nhưng chẳng còn ai, kể cả đảng viên, tin vào ý thức hệ của đảng nữa.
*
Và thế là Đổi Mới đã được 30 năm.
Chẳng còn ai tin vào cái gì nữa. Nhưng có vẻ như cũng chẳng có ai nhận ra cái gì. Và cũng sẽ không có cái gọi là đổi mới lần hai.
Từ khi các thương gia và các nhà truyền giáo phương tây phát hiện ra Đông Dương (đầu 1600) đến khi họ đặt chân đến miền trung Việt Nam ngày nay (165x) có vẻ như Việt nam vẫn tiếp tục nằm ở phần rìa của thế giới, bị kẹp giữa một phần rìa xa xôi (bán đảo Đông Dương) của lục địa Châu Á  và một mẩu nhỏ (biển Đông) của Thái Bình Dương.
Trong lúc đó trật tự thế giới dường như sắp đổi thay một lần nữa.
Blgo 5 Xu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: