Nguyễn Sơn một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng của Hoa Kì gặp gã tại một quán cơm thuần Việt gần phố đi bộ, Sài Gòn, kể gã nghe về cuộc đời của ông Phong, một nhà tư sản giàu có hàng đầu của Sài Gòn trước năm 1975, chủ của nhiều toà nhà đồ sộ trên Đại lộ Nguyễn Huệ. Sau năm 1975, không biết chỉ vì đống tài sản quá lớn mà ông bị nghi là phản động để rồi bị bắt giam rồi bị nhốt trong hầm tối suốt nhiều năm hay không? Những ngày đầu bị nhốt một mình trong hầm tối không một chút ánh sáng nào ông đau đớn và buồn bực không chịu nổi, ông quyết định sẽ tự tử.
Nhưng rồi khi chuẩn bị giã biệt cuộc đời ông ngồi nhớ lại những người thân yêu của mình mà mình sẽ vĩnh viễn chia tay.
Tự dưng những thước phim về mối tình của ông với vợ như được quay chậm lại nhưng thú vị nhất là nó tự động sàng lọc những gì không vui mà chỉ hiển hiện những gì hạnh phúc dâng trào. Từng chi tiết một, từng ánh mắt, lời thủ thỉ...Ông bàng hoàng nhận ra một sự thật rằng, khi trong đầu ông quay chậm lại những thước phim của tình yêu ấy ông cảm thấy như chính mình đang sống với những khoảnh khắc đã qua ấy và ông không còn bị cái tức giận, cái tù túng, cái đêm đen hành hạ nữa.
Ông nói với bác sĩ Sơn khi ông qua được Mỹ sau cả chục năm tù ngục rằng, chính những thước phim quay chậm lại về các cuộc tình của ông đã giúp ông có được nguồn năng lượng nào đó chuyển bóng tối thành ánh sáng để sống sót sau từng ấy năm đày ải.
Gã nghĩ, ông Phong vô tình đã nhập thiền , và môn phái thiền này có tên là “Nhập vào quá khứ tình yêu tươi đẹp”.
Qúa khứ không mất đi nếu nó tươi đẹp. Và đó lại thêm là một bí ẩn nữa của Thời gian ngoài cái bí ẩn Tĩnh lặng mà gã từng đề cập phần trên.
Einstein trước khi mất đã buồn bã than rằng:Ta sẽ chết không yên lòng nếu không biết được phép mầu nhiệm Chúa đã tạo ra Vũ trụ thế nào.
Điều đó có nghĩa người nắm bắt được toàn bộ khoa học của nhân loại vẫn lớ ngớ không biết được vũ trụ đã được tạo ra thế nào, nhưng bằng cảm nhận thiên tài , người gần với thế giới người trời nhất không hề tin rằng vũ trụ được tạo ra bởi một vụ nổ Big Bang nào đó. Ông đã dự cảm rằng con người sẽ đến lúc nào đó có thể đuổi theo kịp quá khứ nếu có được tốc độ vượt tốc độ ánh sáng 300.000 km/s. Vậy thì tốc độ hơn tốc độ ánh sáng sẽ là bao nhiêu để con người cưỡi lên trên phi thuyền có tốc độ ấy đuổi kịp quá khứ đang trôi phía mù tít thiên hà?
Chỉ khi quay lại quá khứ, trở về điểm xuất phát với những dấu tích của nó con người mới có thể biết chính xác nhất điều kì diệu, bí ẩn nhất của vũ trụ đó là vũ trụ được tạo ra thế nào.
Einstein bằng tất cả dự cảm thiên tài bùng cháy trước khi giã biệt cõi đời đã cảm thấy hơi thở của quá khứ thật sự nóng hổi phía sau và ông nhắn gửi cho đời sau cái câu hỏi cuối cùng nhưng vô cùng bí ẩn, vô cùng mênh mông là “làm cách nào đuổi kịp quá khứ?”.
Thấy chưa, gã đã bảo rồi, Thời gian luôn là bí ẩn lớn nhất mà Tạo hoá đánh đố giống người mà. Qúa khứ cứ tưởng là mất đi, hê, Einstein nói, đếch phải, quá khứ vẫn tồn tại trong không gian . Đây này, Einstein còn quả quyết: Thời gian cũng chính là một chiều của Không gian.
Bể cái đầu chưa?
Vậy ra Không gian không hề chỉ có ba chiều như bao lâu nay bao nhiêu người nghĩ mà còn chiều thứ tư nữa đó là...Thời gian.
Còn nữa, trước khi chết, nhà bác học vĩ đại nhất thế giới mà một mình ông có thể cân bằng với tất tần tật các nhà bác học thế giới cộng lại còn nói: Mơ ước của đời tôi là được thâm nhập vào chiều thứ tư ấy.
Chiều thứ tư mà ở thế kỉ 20 Einstein mơ vọng phải chăng chính là cái không gian thiền mà các đạo sĩ phương Đông đã thâm nhập từ vài ngàn năm trước để tạo ra năng lượng chưa biết đâu là giới hạn của nó?
Ối giời ơi, nếu gần gần đúng vậy thôi thì gã, một sinh linh nhỏ nhoi giữa trời đất này chỉ còn biết thở than kêu giời mà thôi.
Vậy là gã bắt đầu nhen nhóm niềm tin rằng con người có khả năng vô biên thậm chí đồng nhất với Tạo hoá nếu xử dụng hết công suất của bộ não với 15, 16 tỷ noron thần kinh khi dùng khí kích hoạt trong Không gian chiều thứ tư- Không gian thiền định.
Ai đó sẽ cho gã lảm nhảm. Ô hay thà lảm nha, lảm nhảm một điều mông lung nào đó mà bằng cái dự cảm dở hơi, biết đâu còn có một cái đích của Tuệ giác, còn hơn cả đời thin thít chỉ nhìn thấy bàn chân của mình chổng ngửa cùng bàn chân của một cô nàng nào đó lật úp là cùng.
Mọi ý nghĩ, tư duy, sáng tạo cả đời của Einstein luôn gắn với bài toán Năng lượng. Năng lượng. Năng lượng. Năng lượng. Đến cuối đời ông vẫn day đi day lại bài ca Năng lượng ấy có nghĩa là ông không muốn dừng lại ở công thức vĩ đại: E=mc2.
Phương Tây xưa nay luôn ấn định rằng Năng lượng là cái gì chính xác đong đếm được và được tạo ra bởi những va đập, tương tác của vật chất chứ tuyệt nhiên không có gì huyền bí cả.
Phương Đông từ xa xưa đã cho rằng chủ thể của Năng lượng và sự vô biên của nó chính là Khí một vật chất không dễ nắm bắt.
Chúng ta đã được thấy rõ những phong ba, bão tố, nghiêng trời lệch đất đều do sự chuyển dịch của Khí và bắt nguồn từ Khí như thế nào.
Vậy thì Năng lượng được tạo nên bởi cỗ máy Khí tàng hình có thể sinh ra một con tàu có tốc độ vượt tốc độ ánh sáng phải chăng chỉ có được khi chính con người-một tiểu vũ trụ đồng nhất Khí trời, Khí đất, Khí người rồi vận... Khí như Tạo hoá vận Khí: Vô cực sinh Thái cực. Thái cực chính là Khí. Thái cực sinh sinh Lưỡng nghi và cứ thế hình thành Vũ trụ theo Kinh dịch của Bách Việt từ 5000 năm trước.
Thôi, vu vơ quá rồi, lộn xộn quá rồi.
Gã, chỉ là một kẻ tầm thường nên chính mình bắt đầu cảm thấy sợ hãi trước cái mớ vu vơ, lộn xộn ấy.
Những gì gã có thể làm được cho mình đó chỉ là nạp khí trong lành vào cơ thể mình để thêm năng lượng mà vui sống, mà bớt bệnh tật, mà thấy có vẻ thông thái hơn trong tư duy sáng tạo, mà cái cảm xúc có vẻ đầy đặn hơn.
Thế thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét