CHÚNG TÔI BỊ PHÂN TÁN BỞI CƠN GIÓ
Nắng nóng đến mức chúng tôi phải hoá thành nửa người nửa cá. Chúng tôi nhìn con suối xanh mướt, thèm thuồng và tranh nhau lao xuống.
Trong ánh vảy bạc, chỉ mái tóc vẫn còn màu nâu, nàng bơi vào vòng tay tôi, nũng nịu: “Mọi người nói chúng ta giống nhau. Kìa, ánh vảy của chàng cũng lấp lánh.” Nàng nói vậy, vì tôi là nhà văn, và giấc mơ trở thành nhà văn luôn ám ảnh nàng.
Hãy cẩn thận về những gì bạn muốn, văn chương không phải cái để bật ra dễ dàng như trong cổ tích.
“Có gì trong quyển sách em đang viết vậy?” Tôi hỏi nàng.
“Ồ, chàng biết không, nó thiêu đốt chúng ta.”
Hoá ra trong cuốn sách của nàng có câu chuyện người đàn bà bị phụ tình. Dù nàng đã rắc lông chim công làm dấu nhưng anh ta vẫn không quay lại. Nỗi uất hận khiến người đàn bà ấy mang một con cá đến lén thả vào bể nước trong nhà người tình xưa, với lời nguyền những đứa con của anh ta đẻ ra sẽ hoá thành cá. Chỉ như vậy mới có thể chuộc hết tội lỗi anh ta đã gây ra cho nàng.
Nhưng người vợ của anh ta biết, nên cô ta lén cho vào bể nước một ít nước thải từ nhà máy luyện thép ở gần nhà. Khi con cá chết, nổi lên lềnh phềnh, đứa con gái của anh ta thò ngón tay út thử chạm nhẹ vào con cá. Đứa con gái nói: “Mẹ ơi, con cá đã hết là cá rồi. Nó đã thành một thanh sắt, chìm xuống đáy bể.” Mẹ nói: “Làm gì còn cổ tích mà sắt biến thành cá. Gươm đao muôn đời là gươm đao. Chắc cha con muốn giấu chuyện cá chết mà thôi.”
“Gâu gâu.” Đứa con gái của anh ta nhại giọng chó sủa, gọi con cá. Sau tiếng sủa, thanh sắt lại trở thành con cá, nổi lên. Một con ếch khổng lồ hiện ra, đứng bên thành bể nước. Con ếch đội chiếc vương miện bằng vàng và khoác chiếc áo choàng đỏ thẫm, mỉm cười: “Đây vẫn là con cá, bằng sắt hay thép gì cũng vẫn là con cá.” Và con ếch há miệng, từ miệng con ếch bước ra là nàng, hai mắt nhắm chặt như đang ngấm nỗi đau phụ tình.
Tôi cảm thấy xương của mình cũng bắt đầu lạnh. Sao câu chuyện của nàng lại thành ra như vậy?
Con ếch ngậm miệng, nuốt nàng trở lại. Đứa con gái la lên: “Không được nuốt, đó là một nhà văn.” Con ếch cười: “Bạn nên nói với nàng đừng làm nhà văn nữa nếu nàng nhìn con cá đang hoá thành thanh sắt chìm xuống bể mà vẫn cứ mơ mộng chuyện phụ tình.” Đứa con gái lấy hết sức lực, dùng ngón tay út của mình chọc mạnh vào đôi mắt của con ếch. Trước khi ngã xuống, con ếch cố ôm lấy đứa con gái. Nhưng đứa con gái đã lấy tiếp ra khẩu súng và bắn vào ngực con ếch hai mươi mốt phát đại bác vang trời. Vua ếch ngã nhào, vương miện lật đổ, áo choàng đỏ rách tơi tả, rít lên hơi thở cuối cùng trước khi chìm xuống vũng bùn mà nó gọi là vũng áng. Khi chết, nó há cái miệng khổng lồ vẫn dùng để nuốt giấc mơ của nàng.
Nàng khóc khi biết mình không thể thành một nhà văn, chỉ vì nàng không thể cảm thấy nỗi đau của con cá, dù đó chính là lời nguyền trong câu chuyện của nàng. Nàng hay quên nhiều thứ khi viêt. Nàng nói khi ở trong trại viết nàng có nghĩ đến nỗi đau của con cá, nhưng không ai chịu tin, kể cả con ếch. Nàng hay ậm ừ cho đến khi ý nghĩ tan ra và tâm trí nàng trống rỗng, khiến cho con ếch chổng mông và con người vỡ mộng.
Người vợ của anh ta gần như khóc, vì cô ta biết không phải nàng, mà chính đứa con gái của cô ta, cuối cùng phải hoá thành một nhà văn.
“Là nhà văn,” người vợ của anh ta nói, “suốt đời con sẽ phải tự liếm vết thương của mình. Mãi mãi, không bao giờ cầm máu...”
MỘT CUỘC CHIẾN
Khi con cá bước ra khỏi chiếc xe bọc thép màu trắng của sóng biển, nó bị bắn chết ngay lập tức. Con cá chỉ kịp kêu: “Chết tôi rồi,” và ngã nhào xuống đường.
Các nhân viên pháp y xuất hiện, ngao ngán nhìn mớ thịt xương nhầy nhụa. Nhân viên pháp y 1: “Tôi nghĩ nó giống con mèo. Bạn có nhin thấy hàng ria mép không?” Nhân viên pháp y 2: “Không, tôi nhìn thấy chiếc mũ trên hàng ria mép, đó là con người.” Nhân viên pháp y 3: “Chúng ta phải lau chiếc xe tăng màu trắng như sóng biển này sạch hết các vết máu cá. Và chúng ta sẽ trả lời là con cá bị bệnh.”
Sau đó, một tay bắn tỉa xuất hiện, nổ súng vào mớ thịt xương, làm mọi thứ nát tan thêm lần nữa.
Vẫn chưa ai biết lý do vì sao con cá bị bắn?
Cảnh sát xuất hiện, nấp ở xung quanh, có lẽ chờ thêm quân tiếp viện. Khi có thêm quân, cảnh sát bắt đầu gọi loa, kêu gọi người bắn tỉa ra đầu hàng. Người bắn tỉa rất tức giận, vì anh ta chỉ bắn vào đống thịt xương chứ không bắn con cá. Cha của con cá thậm chí còn cãi nhau với mẹ của nó, vì ông biết con của ông chết oan và mọi thứ đang đi vào bế tắc. Các phóng viên truyền hình và đám đông xuất hiện, nấp vào những gì họ cảm thấy còn an toàn.
Sáng hôm sau các bức ảnh về con cá bùng nổ trên báo, làm cho đám đông nhanh chóng tan rã thành một mớ hỗn độn như đống thịt xương đẫm máu của con cá. Điều này làm cảnh sát phải tiếp tục gọi loa nhằm giữ gìn trật tự.
Một ông sư xuát hiện, nâng cao khẩu hiệu: “Cần phải tìm ra kẻ đã giết con cá.” Tất nhiên ông nhanh chóng bị bắn chết. Cái chết của ông sư có tiếng vang còn hơn cả tiếng gọi loa của cảnh sát, làm cho mọi người hoảng sợ.
Có lẽ kẻ bắn con cá đã cảm thấy an toàn, vì bên cạnh đống thịt xương bây giờ đã xuất hiện một con khỉ, với nòng súng còn bốc khói. Một chiếc xe cảnh sát bị đốt vì đám đông tức giận khi con cá chết. Từ chiếc xe bị đốt, khói bốc lên thành đám mây bụi kim loại. Đám mây bằng thép. Khi khói tan, người bắn tỉa bước ra khỏi chiếc xe và tìm dấu vết con khỉ để hòng buộc tội. Nhưng không có gì.
Sau đó cảnh sát dẫn đám đông đi đến một nhà tù trên chiếc xe bị đốt. Cảnh sát vẫn hát vang bài hát về một tên cướp biển nào đó. Nhưng vì không có tên cướp biển nên bài hát cũng không có lời. Cảnh sát cũng không có môi, và lưỡi của họ đã bắt đầu tan chảy.
Người bắn tỉa vẫn đang đi tới đi lui bên ngoài nhà tù, khiến cho mọi người ở phòng đợi khá lo lắng. “Cho tôi xem khẩu hiệu,” người bắn tỉa nói với ông sư và giật lấy câu khẩu hiệu, xé tan. Ông sư quên mất rằng mình đã bị bắn, khoan thai bước vào nhà tù.
Mọi thứ cứ rối mù làm mọi người cuốn theo: anh cảnh sát, người bắn tỉa, câu khẩu hiệu, cái chết của ông sư... Họ quên mất con khỉ và tên cướp biển. Dường như não của mọi người đã tan chảy, tràn ra lênh láng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét