Mức độ phóng xạ ở Thái Bình Dương đang nhanh chóng quay lại mức bình thường cách đây 5 năm, sau thảm họa nguyên tử Fukushima ở Nhật Bản, theo một nghiên cứu được công bố hôm nay 04/07/2016.
Các nhà khoa học đã xem xét mức phóng xạ cesium lấy từ ngoài khơi vùng duyên hải nước Nhật và dọc theo Thái Bình Dương đến tận Bắc Mỹ. Chất cesium có trong chất thải của các lò phản ứng hạt nhân vốn dễ tan trong nước, rất lý tưởng để đo lường phóng xạ ở đại dương.
Ngày 11/03/2011, động đất ở cấp độ 9 kèm theo sóng thần đã phá hủy vùng Tohoku, làm gần 19.000 người chết và bị thương. Thiên tai này gây ra tai nạn nghiêm trọng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima, làm đại dương bị ô nhiễm phóng xạ chưa từng thấy, cao gấp hàng chục triệu lần. Những ngày sau đó, nước biển dùng để làm nguội các lò phản ứng đã nhiễm phóng xạ, rồi phát tán theo các giòng hải lưu.
Năm năm sau, bản báo cáo của Ủy ban khoa học nghiên cứu đại dương tập hợp nhiều chuyên gia quốc tế cho biết các chất phóng xạ đã lan đến tận bờ biển nước Mỹ. Tuy nhiên, phối hợp các dữ liệu từ 20 công trình nghiên cứu cho thấy mức phóng xạ ở Thái Bình Dương đang nhanh chóng hạ xuống.
Chẳng hạn, năm 2011 gần phân nửa mẫu vật cá ở ven biển gần Fukushima chứa lượng phóng xạ ở mức nguy hiểm. Đến 2015, số lượng này chỉ còn 1%.
Nhưng bên cạnh đó, đáy biển và các cảng gần nhà máy điện Fukushima vẫn còn bị nhiễm độc nặng từ tai nạn hạt nhân tệ hại nhất thế giới kể từ thảm họa Tchernobyl năm 1986 ; và báo cáo cho rằng cần phải tiếp tục giám sát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét