Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Các loại vua của mọi thời

Vài dòng về cuốn Quỷ Vương 
Đặng Thiên Sơn

Tiểu thuyết Quỷ Vương của Vũ Ngọc Tiến là sự tiếp nối cuốn “Sóng hận sông Lô” (NXB Hội Nhà Văn- 2013), nhằm thử nghiệm loại hình tiểu thuyết giáo trình (Lesson Novel) trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử về thời Lê (Sóng hận sông Lô- Quỷ Vương- Kẻ sĩ thời mạt).

Lần này tác giả có sự đổi mới về cấu trúc, cách kể và ngôi thứ người kể chuyện. Nó được viết theo bút pháp đồng hiện nên cùng lúc xuất hiện hai mạch cốt truyện hiện tại và quá khứ đan xen nhau tái hiện theo diễn biến của bi kịch hôn nhân trong cuộc tình tay ba giữa Thùy Dung với Thế Quyền (chồng nàng) Hiếu Dân (nhà sử học, người yêu của nàng từ thủa ấu thơ) ở thì hiện tại và cuộc tình ngang trái giữa nàng nô tỳ Lệ Thanh với chàng nho sinh Bùi Trụ ở thì quá khứ trong lịch sử thời Lê sơ. Cặp đôi Thùy Dung- Hiếu Dân chính là kiếp luân sinh của Lệ Thanh- Bùi Trụ ngày xưa.

Trân trọng giới thiệu chương 4 của tiểu thuyết (từ trang 73 đến trang 111, bản in vừa xuất bản).

Vương quốc Bil- Kel

Thế Quyền bảo cậu lái xe Giàng A Phú nhắn với Đại Uy sai người lo bữa ăn tối để anh sẽ nghỉ lại ở tầng 9 trong tòa nhà của tập đoàn Bil- Kel. Uy gọi điện lại hỏi Quyền: 

- Có cần báo trước cho chị Xuân không, hở anh?

- Không cần đâu, hôm nay anh muốn yên tĩnh một mình.

- Vâng em sẽ bảo tạp vụ lo liệu chu đáo, anh yên tâm.

- Nói tránh với mấy cô tạp vụ của Bil- Kel là chú ở lại làm việc tối để không ai biết anh nghỉ đêm ở đó.

- Chắc anh mệt mỏi căng thẳng chuẩn bị cho đại hội, lại thêm vụ án mạng của bà Thơ đang điều tra phức tạp quá! Mấy câu hỏi ất ơ của thằng cha phóng viên Quang Huy dưới Hà Nội lên hôm họp báo làm em cũng thấy gờn gợn, nhắc lũ Tùng xoăn phải đề phòng.

- Việc ấy để bàn sau, không tiện nói qua điện thoại đâu. Bữa tối bảo họ làm cho anh đơn giản thôi. Mệt lắm, chẳng thiết ăn uống gì…

- Vâng em hiểu.

Những lúc căng thẳng phải làm việc thêm buổi tối, Quyền không muốn ăn ở nhà hàng. Đám chủ doanh nghiệp trong tỉnh K thường rất thính tai, nhanh mắt ào ngay đến là hỏng việc, lỡ hết kế hoạch. Tầng 9 tòa nhà trụ sở của Bil- Kel như hoàng cung bí ẩn trong vương quốc của anh. Ở đó, anh có cả đội quân ngự lâm người dân tộc giỏi võ thuật, tuyệt đối trung thành do Giàng A Phú chỉ huy canh phòng cẩn mật hết đêm. Ở đó, anh có thể triệu tập bộ tứ trụ triều đình Uy- Khang- Xuân- Tùng bất kể nửa đêm gà gáy hay mưa bão mù trời. Họ chia sẻ, bàn bạc với anh không chỉ những việc làm ăn của tập đoàn Bil- Kel mà cả những việc hệ trọng ở chốn cung đình tỉnh K. Quyền ngồi trầm tư điểm mặt từng người trong số họ, nhất là Khang và Xuân. Ở tỉnh K, ai lên ai xuống hay ai tốt ai xấu, người này làm quân bài dự phòng chiến lược, kẻ kia làm con tốt thí đều từ miệng Khang tham mưu cho ta tất cả. Có kẻ độc miệng bảo rằng ở vương quốc Bil- Kel có hai khai quốc công thần: Khang là Hữu thừa tướng, còn Xuân là Tả thừa tướng thì đã sao đâu. Họ nói đúng đấy chứ. Tập đoàn này từ lúc manh nha chỉ là công ty nhỏ buôn bán theo đường tiểu ngạch trên biên giới phía Bắc, kết hợp đổi tiền Việt Nam đồng sang tiên Nhân Dân tệ cho khách buôn hoặc khách vãng lai ngoài chợ đen; nếu không có Khang làm quân sư cho chú Uy mọi đường đi nước bước thì làm sao công ty phát triển, có vị thế trên thương trường lẫy lừng cả nước trên sàn chứng khoán như hôm nay. Ta quý Khang ở chỗ nó vốn là thằng nhà văn, nhà báo nửa mùa dám bỏ cơ quan theo chú Uy lên đây làm ăn nên nó có đầu óc tổng hợp, giúp ta soạn các báo cáo tổng kết, diễn văn trong hội nghị rất trau truốt cứ như thôi miên người nghe. Xuân thì khỏi nói, thiên hạ trầm trồ gọi nàng là Xuân Tây Thi là thật chứ có bỡn đâu. Với sắc đẹp ấy, tài ứng xử mau lẹ và sự trải đời suốt những năm bơ vơ nơi đất khách quê người, chạy hàng ở chợ Đôm 5 bên “Mát”, Xuân gõ cửa nào cũng lọt, muốn “bắn rụng” ai là người đó phải “chết” chỉ bằng một cái liếc mắt đưa tình. Chẳng thế mà Ông Cụ chỉ gặp vài lần, nghe người đẹp ỏn ẻn nũng nịu đưa tình đã vội trìu mến nhận em làm con nuôi. Một tháng đôi lần em lên giường với Ông Cụ rồi làm kênh thông tin tuyệt vời truyền mật chỉ của Ông Cụ để ta thăng tiến hay củng cố quyền lực và để chú Uy nhận những dự án ngon ăn, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các cuộc thanh tra. Kỳ tích của Xuân đáng được dựng bia, tạc tượng ở tòa nhà Bil- Kel là em đã bắn rụng A Trương và A Hứa, hai gã trùm đầy quyền lực ở bên kia biên giới. Từ khi bắt đầu mở cửa biên giới năm 1990, người Tầu buôn bán với Việt Nam có bài bản, thống nhất chỉ đạo từ trên xuống dưới. Họ lập ra hai Cục Biên mậu ở tỉnh Quảng Tây và Vân Nam quản lý chặt chẽ các hợp đồng mua bán cả chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế lẫn tiểu ngạch qua các lối mòn trên đường biên. Biên mậu Vân Nam có hai nhiệm vụ: buôn bán với Việt Nam gọi là “Tuây duê mao y” do cục trưởng Hứa Văn phụ trách; còn buôn bán với Miến Điện gọi là “Tuây mien mao y” do người khác làm Cục phó phụ trách. Biên mậu Quảng Tây chỉ buôn bán với Việt Nam, nhưng cũng chia ra: “Xa vận mao y” có nghĩa buôn bán trên đất liền do Cục trưởng Lâm Phi Hùng phụ trách; còn “Hải vận mao y” là buôn bán trên biển do Cục phó Trương Lợi Sinh phụ trách. Hàng xuất sang Việt Nam đa phần là thứ phẩm, lại được Chính phủ trợ giá nên có nhiều mặt hàng bán rẻ như cho. Hàng nhập từ Viêt Nam về thì từ lưu lượng đến chủng loại và giá cả, cái gì hoặc lúc nào nâng hay dìm giá đều có chỉ đạo kịp thời từ trên xuống. Các lão bản ở những tỉnh nằm sâu trong nước họ, nếu muốn làm ăn với Việt Nam đều phải thông qua Biên mậu. Nắm được Hứa Văn, Trương Lợi Sinh là khai thác được hai mỏ vàng vô tận. Ở tuyến Vân Nam, Bil- Kel độc quyền nhập về phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất và thiết bị công nghiệp; hàng xuất đi chủ yếu là khoáng sản thô. Ở tuyến Quảng Tây, Bil- Kel nhường hẳn việc buôn bán trên đất liền cho các đầu nậu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, chỉ tập trung khai thác luồng hàng trên biển do A Trương bên kia biên giới phụ trách. Chi nhánh phía Nam của tập đoàn nhập về nguyên liệu cho ngành dệt may, da giầy và xuất đi nông hải sản, quặng Ti-tan sơ tuyển của miền Trung. Xuân chỉ cần lên giường với A Hứa, A Trương một đêm là hôm sau có ngay hợp đồng béo bở, ăn chia sòng phẳng với hai gã Tầu khựa tham lam, háo sắc thông qua tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông hay Thụy Sĩ…

Quyền vươn vai, ngả người dựa lưng vào chiếc ghế bành gỗ quý, có tay vịn đầu rồng khoan khoái thở nhẹ. Anh mơ màng ngước nhìn lên trần nhà, chợt muốn có Xuân, định lấy máy gọi rồi lại thôi. Bỗng nhiên Quyền nhớ lại cái đêm khánh thành cao ốc 9 tầng, trụ sở doanh nghiệp Bil- Kel. Khách khứa khắp nơi trong nước đổ về, toàn những chính khách cỡ bự, đại gia có máu mặt. Tan tiệc, họ đều được bố trí nghỉ lại ở khách sạn năm sao bên hồ trung tâm của thành phố K. Khách sạn ấy cũng do Bil- Kel đầu tư xây dựng, khai thác được hai năm, chuyên đón khách Tầu sang K buôn bán hoặc du lịch, lợi nhuận sau thuế mỗi năm hơn trăm tỷ, nộp ngân sách còn nhiều hơn mỏ đồng liên doanh với nước ngoài. Xuân đã đặc cách sang tài vụ tạm ứng 5.000 USD, cử Tùng xoăn đưa A Hứa, A Trương về Hà Nội bao hai cô người mẫu chân dài còn “gin” chưa bóc tem để tháp tùng hai ông khách quý đi Tuần Châu xả láng ba ngày. Đêm ấy trong căn phòng tầng 9 này, em nằm khỏa thân trên giường, rúc đầu vào nách Quyền cười rinh ríc, nói:

- Anh yêu, tiếp khách cả ngày mệt nhoài liệu còn sức với em không?

- Với em lúc nào, ở đâu anh cũng khỏe, nhưng mình trò chuyện đề ga cho nóng máy đã, phải không cưng.

- Em nói điều này anh có tin không?

- Lại chuyện gì nữa thế, nhưng em nói thì anh tin.

- Tiền Nhân Dân tệ em kiếm được cho tập đoàn từ A Hứa, A Trương mấy năm qua xếp đống lại đủ cao bằng tòa nhà này chứ bỡn.

- Em có bốc đồng quá không? Chắc chiều nay nàng Tây Thi của anh cụng ly với hai gã Tầu khựa hơi bị nhiều.

- Ứ… Em nói thật chứ không đùa đâu. Này nhé, em tính thử cho anh coi: Báo chí vừa đăng tin bên đó theo lệnh Chủ tịch họ Tập, người ta khám nhà một ông tướng tham ô, từng làm Phó chủ tịch quân ủy trung ương, chở đi hơn ba chục tấn tiền, chất đầy dăm xe tải lớn… Nhưng đó là tiền mệnh giá to. Còn số Nhân Dân tệ em kiếm được nếu đổi ra toàn tiền hào, tiền một đồng chất lại thử xem, cao to bằng nhà 9 tầng này là cái chắc.

- Thế thì anh chịu rồi, tin em sái cổ, hihi… Giờ thì em chiều anh đi, nhanh lên!...

Sau phút ân ái, hai người hả hê nằm bên nhau chuyện trò đến sáng. Có lúc Xuân ứa nước mắt vì tủi thân, kể lại với Quyền mỗi lần miễn cưỡng quan hệ với A Hứa, A Trương, nàng thường tự an ủi rằng cái chữ “ệ” trong quan hệ ô nhục đó đồng âm với chữ “ệ” của đồng Nhân Dân tệ ta mang về cho người ta yêu mỗi ngày một nhiều lên. Đơn giản vậy thôi. Quyền nghe Xuân nói bỗng thấy đắng đót trong lòng. Anh ôm chặt lấy bạn tình, nhìn sâu vào mắt nàng không nói nên lời… Đêm nay nhớ lại, Quyền cảm thấy thương Xuân vô cùng, anh với máy gọi cho nàng. Máy tắt rất nhanh. Lát sau anh nghe Xuân gọi lại: “Đêm nay không được rồi, anh yêu! Em bận… Ông Cụ vừa xong hiệp một, chắc mệt nên uống thuốc đặc hiệu và chợp mắt một lúc chờ hiệp hai. Em phải tắt máy vào nhà vệ sinh mới dám gọi cho anh đây… Thôi cố nhịn, mai em sẽ đền.” Quyền vùng đứng dậy, đi lại trong phòng như điên, cố ghìm cơn nghiện sex. Anh châm lửa hút thuốc. Hết nửa điếu thấy tâm tĩnh lại, liền lấy máy gọi cho Khang. Chừng nửa giờ sau Khang đã có mặt, ăn vận chỉnh tề như đi họp ở Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh K. Quyền ngắm nhìn Khang khẽ bật cười, nheo mắt chỉ tay xuống ghế, bảo:

- Ngồi đi, ông Ủy viên ban chấp hành “Hội vẽ nhăng viết cuội” tỉnh ta, haha!…

- Anh lại diễu em rồi. Cái chức đểu kiêm nhiệm ở Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh em đâu có hám. Làm Chánh văn phòng tập đoàn Bil- Kel em cũng đủ mệt. Anh muốn thì em phải nhận thôi.

- Đùa tí cho vui. Sắp đến Đại hội Tỉnh đảng bộ, các đoàn thể trong hệ thống chính trị phải đại hội trước theo đúng bài tổ chức. Anh cho cậu sang kiêm nhiệm bên ấy thêm oách cũng tốt chứ có bận bịu gì đâu.

- Nhưng em đang điên đây này.

- Sao thế?

- Cái thằng lái xe họ Giàng của anh láo toét. Em đến gặp anh mà nó cũng đòi khám xét xem có dao, có súng hay máy ghi âm trong người, hỏi có tức không?

- Chú đừng chấp. Nó người dân tộc nên thật thà, máy móc. Quy định là thế, nhưng với chú thì phải tùy nghi, để mai anh nhắc nhở nó. Thôi ta vào việc nhé!

- Em cũng định báo cáo anh vụ thằng Thu, cháu nội bà Thơ và vụ thằng phóng viên Quang Huy đang có mặt ở K.

- Nó lên lâu chưa?

- Khoảng 10h00 sáng nay anh ạ! Giờ ấy có mặt ở K chắc nó phải đi xe máy suốt đêm qua. Tùng xoăn báo lại cho em đã cử người theo chân nó đi bản Phìn, bản Chiềng và nhà mấy con mụ ngồi lê đôi mách trong khu phố cũ.

- Thế còn thằng Thu?

- Gọn êm rồi anh ơi!

- Chú nói gọn là gọn thế nào?

- Lúc đầu Hùng xoăn chỉ tính sai người về thị xã Y rủ rê nó lên đây cho tiền ăn chơi, hút hít rồi lựa thời cơ mở két của bà Thơ chôm cặp tài liệu thôi. Sau có lẽ vì ông mãnh con ngáo đá nên giết cả bà nội, xong việc thì hoảng loạn lấy xăng ở xe máy tưới khắp phòng khách châm lửa đốt nhà hòng phi tang. Ngay đêm đó, người của Tùng xoăn dẫn đường đưa nó vượt biên ở đường mòn trên bản Phìn. Nào ngờ được vài hôm nó khóc lóc đòi về nước đầu thú. Tùng xoăn phải thân chinh sang bên đó thuê một con điếm người Việt làm tình xong, lựa lúc nó ngủ say chích thuốc quá liều chết ngay tại trận…

- Lỡ con điếm ấy bị công an nước bạn bắt thì làm thế nào?

- Bên đó người Việt mình bị lừa sang làm điếm có đầy, công an chẳng thèm quản. Tùng xoăn cũng đã cẩn thận thuê bọn chăn dắt người Tầu đẩy con điếm ấy dạt sang vòm khác ở khá xa thị trấn vùng biên, anh đừng lo.

- Với tay phóng viên Quang Huy thì chú bảo cậu Tùng xoăn cẩn thận, chỉ bí mật theo dõi, chớ vội động tay động chân với cánh nhà báo là to chuyện đấy.

- Còn một tin rất vui em thông báo với anh đây. Tấm bằng Tiến sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh cái trường Mẽo rởm Southern California University của anh em đã làm xong, vừa nhận được từ Mỹ gửi về hôm qua. Người quen của em bên đó làm rất chu đáo, ngày nhập học cách đây 3 năm, ngày cấp bằng vào tháng tư năm nay, trùng khít với thời gian anh đi công tác ở California 10 ngày, ai thắc mắc đã có Visa, hộ chiếu của anh đối chứng. Ở tỉnh K, ai có thể sánh với anh về thành tích cống hiến? Về tiêu chuẩn hóa cán bộ anh cũng có thừa, đã tốt nghiệp đại học bằng đỏ ngành Địa chất kiến tạo trường MGU nổi tiếng bên Nga năm 1991, giờ lại thêm bằng Tiến sĩ của Mỹ nữa thì thôi rồi lượm ơi! Có Ông Cụ làm chỗ dựa, kỳ đại hội lần này anh lên làm vua tỉnh K là cái chắc, tịnh không có đối thủ cạnh tranh.

- Cám ơn chú em! Chuyện này chỉ tôi biết, chú biết và giời biết. Bài nói chuyện chiều nay ở trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, chú viết sẵn cho anh rất hay. Không ngờ chỉ có mấy trang tư liệu lịch sử của ông mọt sách Hiếu Dân, in từ máy tính của Thùy Dung mà chú chế tác thành bài nói chuyện có tầm tư tưởng hết chê. Đợi khi giới truyền thông đưa tin về buổi nói chuyện, anh lại phải nhờ chú em mông má thêm rồi gà cho một trường đại học ở Hà Nội mời về nói chuyện. Đã đến lúc phải đánh tiếng dần với Trung ương cho thiên hạ biết Thế Quyền là ai…

Tiễn Khang ra về, Quyền vẫn còn lâng lâng cảm giác sung sướng như vừa mới ở trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh K về. Bên tai anh còn nghe vẳng tiếng vỗ tay rào rào của đám sinh viên và lời nói nịnh của ông Hiệu trưởng, tâng bốc bài phát biểu của đồng chí Quyền như một công trình nghiên cứu lịch sử, hàm chứa một tư tưởng lớn cho sự nghiệp đổi mới của ngành Giáo dục- Đào tạo nước nhà. Thật ra, tất cả đều là tư tưởng của anh chàng Hiếu Dân, người tình cũ của vợ mình. Anh ta đang nghiên cứu đề tài “Lịch sử 100 năm thời Lê sơ”, nghe đâu có cả ông ngoại cu Bil giúp đỡ. Dân viết được đoạn nào tâm đắc là gửi qua mail cho Dung đọc. Hôm nọ mình tranh thủ ghé qua nhà thăm Dung xem cái bệnh viêm tuyến lệ quái ác của nàng có đỡ được phần nào hay chưa. Dung đang ngủ trưa li bì nên mình ái ngại nhìn nàng đến xót xa, không dám đánh thức nàng dậy. Thấy máy tính trên bàn vẫn đang mở, mình ngó vào màn hình lướt qua cảm thấy hay hay liền cóp vào USB đưa cho Khang, bảo nó tham khảo viết thành bài nói chuyên cho sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm. Thằng Khang quân sư quạt mo này không hổ danh văn sĩ cấp tỉnh. Nó cóp thêm mấy ý trong bài viết của ông nhà văn họ Vũ đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ rồi chế tác thành bài nói chuyện cực hay, mình đọc cũng khoái tai nữa là lũ trẻ trường Sư phạm. Quyền nhắm mắt, mơ màng tưởng tượng ra cảnh anh thuyết trình…

Các bạn sinh viên thân mến! Hôm nay tôi đến đây nói chuyện chỉ với tư cách một người bạn lớn tuổi tâm huyết với nền học nước nhà. Sinh viên Sư phạm là cỗ máy cái trong sự nghiệp trồng người của đất nước. Tỉnh K ta có giầu mạnh lên, sánh vai với Sài Gòn, Hà Nội, một phần lớn trông vào công học tập của các bạn. Một nền giáo dục có mạnh được quyết định ở ba yếu tố: sách, trường và người. Về yếu tố trường, tôi thay mặt lãnh đạo tỉnh đảm bảo với các bạn trong nhiệm kỳ tới sẽ nỗ lực hết sức để nâng cấp hoàn thiện trang thiết bị, cảnh quan môi trường sư phạm. Về yếu tố người, tôi mong đợi ở cả người dạy và người học cùng phấn đấu hết mình, đổi mới cách dạy và học. Người dạy phải biết đánh thức tiềm năng cho người học, tránh lối dạy thầy đọc trò chép như hiện nay. Người học phải biết động não, chủ động tư duy trong cách học chứ không thụ động dạy sao biết vậy. Cụ Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác khi xưa từng nói: “Đọc sách hiểu đã khó, nhưng lý rộng ra ngoài sách lại càng khó hơn.” Cái gọi là lý rộng ra ngoài sách ấy đương nhiên là khó, nhưng tôi tin các bạn sẽ làm được và nếu các thầy khi dạy biết cách khơi gợi cho trò sẽ mau đạt tới cái đích của sự học như lời cụ Lê Hữu Trác khi xưa. Về yếu tố sách đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, làm nóng nghị trường Quốc hội và các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh nhà. Lâu nay sách giáo khoa phổ thông nước ta viết các môn khoa học tự nhiên thì quá tham lam kiến thức, nặng tính hàn lâm; còn với các môn khoa học xã hội thì quá khô khan, nhàm chán thậm chí sai lạc. Tôi không muốn làm mất thời giờ của các bạn, chỉ đơn cử ra một môn Sử. Tại sao trong các sách giáo khoa phổ thông khi ta mở ra chỉ thấy toàn là đánh nhau, hết đánh giặc ngoại xâm lại đến các cuộc khởi nghĩa nông dân, trang sách sử nào cũng loảng xoảng gươm đao? Một dân tộc chỉ biết có đánh nhau làm sao có thể tồn tại và phát triển rực rỡ suốt bốn ngàn năm văn hiến. Trong lĩnh vực kinh tế, nước ta là một nước nông nghiệp. Lịch sử văn minh nhân loại bắt đầu từ những dòng sông: người Hán có văn minh sông Hoàng Hà, Dương Tử; người Ấn có văn minh sông Hằng; người A Rập có văn minh sông Nin; còn người Việt có văn minh sông Hồng. Có câu “nơi tụ thủy ắt quần nhân” là thế. Chữ Nhân trong sách cổ mang hình tượng ngã ba sông cũng vì lẽ đó. Lại nói nền văn minh sông Hồng của dân tộc Việt còn gọi là văn minh lúa nước hay có nhà khảo cổ còn gọi là văn minh sông nước vì ông tìm thấy nhiều ngôi mộ cổ ở đồng bằng sông Hồng có tục lệ “thuyền táng”. Vì vậy, về mặt lịch sử kinh tế, sách giáo khoa phổ thông phải dành một số trang đủ kỹ, dạy cho học sinh biết về những chính sách khuyến nông qua các triều vua, đặc biệt là đê điều và hệ thống kênh mương nội đồng vì đó là công sức dồn đọng hàng nghìn năm của tổ tiên chúng ta để lại cho đời sau. Trước khi đến đây trò chuyện cùng các bạn, tôi đã đọc và có thể kể ra vài câu chuyện thú vị trong lịch sử ngành thủy lợi nước nhà: 

Câu chuyện thứ nhất là vua Lê Đại Hành. Ông xuất thân nông dân nghèo khổ miền Hoan- Ái, bố dỡ đó mẹ xó chùa, gia nhập lực lượng cát cứ Sứ quân Trần Lãm, rồi khi Đinh Bộ Lĩnh lên thay nhờ lập công xuất sắc trở thành Thập đạo tướng quân dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng. Sau khi ông lên làm vua, về kinh tế là vị vua trọng nông. Không chỉ nhà vua tự mình cày tịch điền đầu xuân mà ông còn bắt các quan đầu tỉnh cũng cày tịch điền ở địa hạt mình cai quản. Trong quy hoạch thủy lợi, ông cho đào kênh Xước và kênh Sắt từ núi Đồng Cổ chảy về sông Bà Hòa, tiếp nước vào sông Lam. Mạng lưới sông nước đó đã phân lưu bớt lũ thượng nguồn của sông Chu, sông Mã, sông Lam chảy ra biển theo nhiều ngả, giảm áp lực lũ cho vùng đồng bằng Thanh- Nghệ. Xưa nay, các nhà sử học đã bỏ trống lịch sử kinh tế như nông nghiệp, thủy lợi, giao thông. Sử quan thời nào cũng chỉ ca ngợi những chiến thắng quân sự, ca ngợi những huy hoàng chính trị để phò chính thống đã đành một nhẽ. Nhưng người viết sách giáo khoa lịch sử cho các thế hệ học trò không thể đi theo lối mòn cũ rích ấy. Theo thiển nghĩ của tôi, có thể nói ở tầm quy hoạch quốc gia thì Lê Hoàn xứng đáng được tôn vinh là ông tổ của ngành thủy lợi. Thật đáng tiếc khi hậu thế biết rất nhiều về võ công của ông, nhưng ít ai biết hoặc biết rất thiếu xót về thủy lợi thời Lê Hoàn. Xin hỏi thầy hiệu trưởng và các thầy cô khoa Sử, có thấy trang sách giáo khoa nào đề cập việc Lê Hoàn làm thủy lợi không?

Thời Lý kéo dài 215 năm với 8 triều vua được các đời sau đánh giá là vương triều khởi đầu cho sự điều hành đất nước ở quy mô hành chính chặt chẽ tập trung quyền lực về trung ương nên các chính sách kinh tế về khuyến nông, khuyến công, khuyến thương cũng rất bài bản. Nhờ đó công tác thủy lợi ở tầm vĩ mô cũng đi vào nề nếp, để lại nhiều di sản có giá trị cho đời sau. Năm 1077, vua Lý Nhân Tông sai đắp đê quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử trước đó. Đê dài 67.380 bộ tương đương 30 km bây giờ. Về mặt thủy lợi, đó là con đê ngăn không cho nước lũ sông cầu tràn vào vùng đất trũng Từ Sơn, nhưng về mặt quân sự nó còn là gợi ý cho Lý thường kiệt lập phòng tuyến chống quân xâm lược, bảo vệ kinh thành Thăng Long. Năm 1108, vua Lý Nhân Tông lại xuống chiếu sai đắp đê Cơ Xá là một công trình lớn kéo dài từ Nhật Tân- Yên Phụ đến tận Yên Duyên nhằm ngăn lũ, bảo vệ hoàng thành và các phố chợ ở kinh đô. Về mặt khơi thông hay đào đắp hệ thống kênh mương nội đồng được nhà Lý quan tâm ngay từ thời vua Lý Thái Tổ. Năm 1009, ông sai quân và dân Hoan- Ái đào đắp kênh từ cửa Chi Long qua núi Đích Sơn đến sông Vũ Lũng. Năm 1029, triều vua Lý Thái Tông tiếp tục sự nghiệp này đã cho đào sông nối thông nguồn nước từ sông Mã sang sông Bưởi, qua vùng Đãn Nãi dân đang đói khổ vì khô hạn thuộc huyện Vĩnh Lộc- Thanh Hóa nên vua mới lấy tên đất đặt cho sông đào. Năm 1051, vua Lý Thái Tông lại cho đào kênh Lẫm, đời sau gọi là sông Thần Phù ở huyện Yên Hồ- Ninh Bình. Năm 1089, đời vua Lý Cao Tông cho đào sông Bình Lỗ , từ Lãnh Kinh thông với bến Bình Than để phục vụ đi lại và tưới tiêu vùng Thái Nguyên… Kể ra vài việc như thế để biết các triều vua Lý quan tâm rất nhiều đến thủy lợi, nhưng sách giáo khoa chỉ đề cao vua Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long, Thái úy Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm, còn những việc cụ thể như làm thủy lợi rất mờ nhạt, kể như không nói, quả là thiếu sót không nhỏ!...

Thời Trần có một điều thú vị là tổ tiên của vị vua đầu triều mấy đời làm thuyền chài nên từ vua tới quan rất giỏi việc sông nước, am tường cặn kẽ giá trị của các con sông và hệ thống kênh mương nối hai hệ thống sông Hồng với sông Thái Bình trong nông nghiệp, giao thương và trong đánh trận. Lần đầu tiên trong quản trị đất nước, triều đình đặt ra chức quan hà đê Chánh, Phó sứ ở các địa phương. Từ năm 1225 trở đi việc đắp đê Đinh Nhĩ ở Thanh Hóa đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc của người Việt về kỹ thuật trị thủy các dòng sông. Có những người như Nguyễn Bang Cốc chỉ là hoạn quan, nhưng có công lớn chỉ huy đào kênh Trầm, kênh Hào từ phủ Thanh Hóa vào đến Diễn Châu, khơi vét hai lần sông Tô Lịch ở kinh thành đã được vua Trần Thái Tông đặc cách phong thưởng làm Phụ quốc Thượng hầu. Các thầy và các bạn sinh viên thử nghĩ coi, câu chuyện thủy lợi thời Trần hay như thế, nhưng sách giáo khoa chỉ tập trung dành phần lớn ca ngợi ba lần chiến thắng giặc Nguyên- Mông. Sao các nhà viết sách không dành một số trang đáng kể nói về thủy lợi hay Phật giáo Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử của vua Trần Nhân Tông? Sách giáo khoa và cả các giáo trình Sư phạm đề cập đến nó quá sơ sài? Thật tiếc, không tin các bạn cứ mở mà xem!...

Thời Lê, đặc biệt là 100 năm thời Lê sơ đã để lại di sản rất lớn về kinh tế nông nghiệp bằng những câu chuyện lý thú trong phát triển nông tang, canh cửi, nhất là thủy lợi. Ở tỉnh K mấy chục năm qua, ai cũng biết thầy giáo Hạnh dạy Sử như kể chuyện hút hồn người nghe, học sinh quên cả tiếng trống hết giờ, vẫn muốn nghe tiếp. Thầy Hạnh đã dành cả đời mình nghiên cứu thời Lê sơ và người trò cũ tiếp bước thầy là sử gia Bùi Hiếu Dân đang triển khai đề tài nghiên cứu “Lịch sử 100 năm thời Lê sơ” có nhiều bổ sung chính xác và hấp dẫn cho những thiếu xót tôi vừa nêu trong sách giáo khoa môn Sử. Vì thế, tôi không làm mất thêm thì giờ của các thầy cô, các bạn sinh viên nữa. Các bạn hãy tìm đọc công trình nghiên cứu này. Tôi chỉ muốn nói vài lời cuối rằng các thế hệ học trò hãy yêu lấy môn Sử. Trạng nguyên Thân Nhân Trung từng nói: “Nước có quốc sử, nhà có tộc phả. Làm người không biết đến tổ tông, không rành quốc sử thì khác chi loài cầm thú vậy”. Từ yêu môn Sử thầy trò cùng nhau đổi mới cách dạy và học ở tất cả các môn khác; còn các nhà quản lý ngành Giáo dục- Đào tạo hãy dũng cảm xóa đi làm lại từ đầu Chương trình và sách giáo khoa phổ thông… 




Nhà văn Vũ Ngọc Tiến nhiều lần xuống đường từ năm 2011 đến nay (kể cả 1/5/2016)

Quyền thấy trong người nao nao, bộn lên niềm vui khó tả, xen lẫn kiêu hãnh. Mấy câu kết ấy là anh đã tính kỹ, cố ý tự thêm vào bài viết của Khang thay cho mấy câu khẩu hiệu sáo rỗng thường gặp ở các bài diễn thuyết của quan chức. Anh đã cố tình tỏ ra cho mọi người, nhất là Thùy Dung biết mình cao thượng và anh chứ không phải ai khác đã dùng uy tín để PR cho công trình nghiên cứu lịch sử của Hiếu Dân, người tình cũ của vợ. Quyền nghĩ, là thằng đàn ông từng trải phải biết ghen vừa mức, đúng lúc, đúng chỗ thì vợ và kẻ tình địch mới nể sợ. Ta PR cho đề tài của Dân ở nơi anh ta mong muốn nhất, cho đối tượng anh ta cần đến nhất hỏi còn gì sánh với sự chơi đẹp ấy? Thế nhưng ta cũng ngầm đánh động cho anh chàng mọt sách rằng ta biết hết mối quan hệ của hai người, đừng có đi xa thêm nữa. Mặt khác, nếu ông ngoại cu Bil nghe thấy hẳn cũng mát lòng hởi dạ về chàng rể quý… Quyền liếc nhìn đồng hồ, mới 11h00 đêm, Dung chắc chưa ngủ. Anh lấy máy gọi cho vợ:

- Dung đấy à, các con đã ngủ say chưa, còn mắt em thế nào rồi?

- Mắt em đỡ nhiều rồi anh ạ! Dùng thuốc đặc trị, kết hợp cả nhân điện nữa nên có vẻ khá dần, tròng mắt đỡ cay, đuôi mắt chỉ thỉnh thoảng mới rớm lệ.

- Thế các con hôm nay thế nào?

- Bé Kel ăn ngoan, tối ngủ đúng giờ. Cu Bil được cô giáo khen chữ đẹp, vừa đạt điểm 10 môn toán, lại khoe đang tập văn nghệ chào mừng ngày lễ 20 năm tách tỉnh và tái lập trường điểm của thành phố.

- Em có xem TV phát buổi anh nói chuyện ở trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh không?

- Có, em không ngờ anh diễn thuyết hay và hùng hồn lắm.

- Họ có phát đi nguyên văn đoạn kết của anh không?

- Có anh ạ! Chắc ông ngoại cu Bil sẽ rất vui, anh Dân cũng gọi điện cho em, nhờ chuyển lời cám ơn anh đấy.

- Thôi em ngủ đi, giữ sức khỏe mai còn tập thiền sớm…

Quyền tắt máy, đi về phía cửa sổ, phóng tầm mắt ra bầu trời đêm. Gió thu man mát. Ánh điện nhấp nháy trên các tấm biển quảng cáo. Không gian bốn bề tĩnh lặng. Nhưng anh biết tỉnh K, vương quốc bé nhỏ vùng biên từ nay đến ngày đại hội vẫn còn những đợt sóng ngầm giữa các phe nhóm quyền lực. Anh có Ông Cụ thì người khác biết đâu tìm được ô dù còn to hơn. Ở xứ mình đến cái chức cán bộ đáy như Trưởng thôn cũng có khối kẻ tranh giành đấu đá, đi đêm quà cáp với các bề trên nữa là những chức cao hơn. Tuy nhiên các cuộc đi thăm hỏi, động viên nông dân bản Phìn, công nhân nhà máy truyển quặng đồng hay diễn thuyết với học sinh, sinh viên những ngày gần đây của mình không uổng phí, cũng là cách lấy điểm với dân, đánh bóng tên tuổi trên phương tiện truyền thông. Dẫu sao ở K mà được Ông Cụ chống lưng là ta mười phần chắc đến bẩy, tám phần. Có tay nhà báo khá nổi tiếng đưa ra thuyết “4 ệ” là hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ kể cũng hay, nhưng còn một cái “ệ” khác nữa của các doanh nhân tỷ phú bà có lẽ tay nhà báo kia cũng biết, chỉ không dám viết ra thôi. Đó là chữ “ệ” ta nghe được từ trong nỗi niềm chua xót của em Xuân vào cái đêm khó quên sau khi khánh thành tòa nhà Bil- Kel. Giờ thì ta muốn “ệ” với em cũng đành nhịn vậy. Ta biết sau lần bị thằng Vinh lừa sạch cả tình lẫn tiền ở “Mát” năm nào, em chỉ thề sống thề chết yêu có mình ta, nếu có lên giường “ệ” với ai là để ra “đô”, ra đất, ra quyền lực cho ta trước đã rồi mới cho em, cho tập đoàn. Một thứ tình ái có giao kèo hẳn hoi như thời ở bên “Mát” vậy. Hồi ấy ta đã sớm phát hiện ra mô hình thiết chế xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đều giống nhau cả, cùng đẻ ra lệ “thủ kho to hơn thủ trưởng”. Khi ông Go-rơ-ba-chốp mà dân làm ăn người Việt bên đó vẫn quen mồm gọi tắt là vua “Chốp” phát động cuộc cải tổ thì ngay lập tức vương quốc của ông trở nên hỗn loạn, giá cả phi mã, hàng hóa khan hiếm nên các loại thủ kho càng có dịp tác yêu tác quái. Chính vào lúc đó ta đã gặp Xuân. Em đã giúp ta tìm ra hai mỏ vàng là hai thằng Nga ngố thủ kho vòng bi 203 và những thỏi nikel. Ta muốn Xuân “ệ” với hai thằng ấy và bản giao kèo tình ái giữa ta với em khởi đầu từ đó cho đến tận bây giờ. Nước mình có vô thiên lủng các tỷ phú bà đi lên từ chữ “ệ” kỳ diệu. Thật tội cho anh chàng Hiếu Dân bao năm gắn bó với đề tài “Lịch sử 100 năm thời Lê sơ” vẫn nghèo kiết lỗ đít. Nếu Dân chuyển sang làm đề tài “Lịch sử các doanh nghiêp, doanh nhân đi lên từ chữ Ệ” rồi thêm mắm thêm muối cho các tình tiết câu chuyện thật ly kỳ, mô tả cái “Ệ” cho thật mùi mẫn mà đăng nhiều kỳ trên báo lá cải hay in thành sách liên kết với nhà xuất bản chắc hẳn Dân sẽ bán đắt như tôm tươi, tiền vào như nước. Đời có nhiều anh gàn nên mới là cuộc đời chăng?...

Đêm chìm vào sâu. Xa xa phía rừng nguyên sinh tiếng chim bắt cô trói cột kêu thảng thốt giữa màn đêm huyền bí. Những chú nai vàng ra bờ suối uống nước, ngơ ngác nhìn rừng cây cổ thụ vào mùa trút lá khô rơi. Bất giác Quyền nôn nao nhớ thời xa vắng, nhớ ngày còn trẻ bên Xuân nơi nước Nga tuyết trắng. Nó là kỷ niệm khó phai, cũng là cội nguồn của vương quốc Bil- Kel hôm nay. Bil- Kel là tên ghép của con trai và con gái anh. Con trai Lê Quý Vương, ở nhà gọi yêu là Cu Bil cũng là âm tiết đầu của tên ông chủ tập đoàn công nghệ thông tin Microsoft. Bill Gates là người sáng lập ra tập đoàn này. Ông đã bỏ học giữa chừng ở đại học Harvard để thành lập công ty phần mềm và nhanh chóng trở thành tỷ phú, nhiều năm liền đứng trong Top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes. Quyền rất sùng bái Bill Gates nên anh đã gọi yêu con trai là Bil, những mong sau này nó nối nghiệp cha và chú Uy, chí ít cũng phải đứng trong Top 10 các tỷ phú ở châu Á hay khối Asean. Kel là âm tiết cuối của tên bà Thủ tướng Đức. Sự lớn mạnh của nền kinh tế Đức và vai trò cá nhân nổi bật của người đàn bà vừa có uy vừa khôn khéo trên chính trường châu Âu cũng như toàn cầu đã khiến bà Angela Merkel liên tục giữ vững ngôi đầu trong Top 10 phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Ở nhà, Quyền thường hay nựng yêu con gái Lê Thùy Dương sau này khôn lớn sẽ học Luật và sẽ bắt đầu sự nghiệp bằng công tác đoàn thanh niên tỉnh K, giống như bà Merkel đã từng là Bí thư đoàn thanh niên ở Đông Berlin, khi bức tường ngăn cách Đông- Tây của thành phố này chưa sụp đổ. Vì vậy anh gọi nó là bé Kel. Nhớ hôm Quyền ngồi với Uy và Xuân, ba người chụm đầu bàn bạc, chọn cái tên mới cho tập đoàn, anh nói:

- Mọi người thử nghĩ đi. Tên cũ là “Công ty cổ phần thương mại- xây lắp- dịch vụ và đầu tư Loan Uy” nghe quê quá, lại khó đọc, khó nhớ. Nó chỉ phù hợp khi còn là công ty bé, làm ăn cò con trên đường biên. Khi nó lớn mạnh thành tập đoàn nghe đã chướng, giờ sắp lên sàn chứng khoán cần tên tắt cho mã giao dịch cũng khó viết, chưa nói ta cũng đang mở rộng giao thương quốc tế và khánh thành nhà 9 tầng làm trụ sở rất cần một tên mới cho tập đoàn.

- Em cũng thấy chướng mà khó tìm tên mới để đặt lắm- Uy nói.

- Hay chú sợ mất cái tên Loan Uy của hai vợ chồng chú?- Quyền trừng mắt cắt lời.

Uy nghe anh trai mình nói vậy ngồi im, mặt đần ra như ngỗng ỉa. Xuân cũng cau mày đăm chiêu, nghĩ mãi không ra tên mới phù hợp. Quyền thấy mình lỡ lời, nhìn em trai thương hại, nói lảng:

- Giá có thằng Khang quân sư ở nhà thì hay biết mấy, nhưng nó lại đi Sài Gòn, Hà Nội mời khách dự khánh thành nhà 9 tầng mất rồi.

- Hay là ta đặt tên ghép hai cháu thành Bil- Kel Group, nghe rất tây và giàu ý nghĩa.

- Không được. Tên ấy lộ quá. Tôi là quan chức đang tránh tiếng công ty sân sau.

Quyền lại gắt làm Uy thêm bối rối. Xuân liếc nhìn hai người tủm tỉm cười, suy nghĩ hồi lâu mới lên tiếng:

- Tên ấy hay phết, anh Quyền ạ! Nó giàu ý nghĩa và cũng có cách giải thích với thiên hạ, không sợ những đứa thối mồm dị nghị đâu.

- Giải thích thế nào, em nói nghe thử coi?

- Anh Uy và chị Loan lấy nhau đã lâu nhưng không có con. Chị Loan đi chữa nhiều nơi vẫn không khỏi. Hồi làm tiệc thôi nôi cho bé Kel, anh Quyền bế cháu Kel trao tận tay anh Uy, chị Loan rồi quay ra tuyên bố với tất cả quan khách rằng, từ nay nó sẽ là con nuôi của anh chị ấy cơ mà. Em nhớ, mọi người đứng dậy vỗ tay rầm trời. Có người còn nói lớn, ông Quyền cho nốt cu Bil rồi bà Dung đẻ thêm hai đứa khác thay xuất chú em, không hề phạm quy đâu mà sợ, haha…

- Hay… hay… quá hay!... - Quyền đập tay xuống bàn tán thưởng rồi nói tiếp- Em Xuân Tây Thi thế mà có lúc nhiều mưu không kém gì Khang quân sư.

- Em còn thấy cái tên Bil- Kel Group ẩn chứa một kỷ niệm sâu sắc thời anh em mình bên “Mát” mua vét vòng bi 203, nikel, còn anh Uy ở Hà Nội lo nhận hàng đem đi tiêu thụ ngoài chợ giời cơ. Hai anh thấy em nói có đúng không? Một kỷ niệm thủa hàn vi chỉ ba anh em mình biết, ghi nhớ suốt đời chứ bỡn…

Ba người cùng cười, thở phào nhẹ nhõm, duyệt ngay tên mới cho tập đoàn. Ngày khánh thành tòa nhà 9 tầng, công bố tên mới Bil- Kel Group, trước mặt mấy trăm quan khách, vợ chồng Loan- Uy dắt theo hai đứa con nuôi đứng trên bục cao vẫy chào mọi người. Ông Cụ và phu nhân tới dự, cụ bà còn ôm hai bó hoa lên tặng cu Bil và bé Kel. Những ngày sau đó, trên bảng điện tử của sàn giao dịch chứng khoán tận thủ đô Hà Nội, mã giao dịch BKG luôn hiện sáng màu xanh, giá trị cổ phiếu tăng nhanh đến chóng mặt. Lúc này đây ngồi nhớ lại, quả thật Quyền không hề nghĩ ra ý nghĩa tuyệt vời của tên Bil- Kel Group. Bil nếu bỏ đi chữ “L” đúng là mặt hàng vòng bi 203 năm nào mua về một vốn bốn lời; còn Kel rõ là những thỏi nikel độc chiêu của anh em Quyền khiến Uy phải ngỡ ngàng vì hàng của anh trai chưa về, người mua đã tranh nhau đặt chỗ xí phần. Nghĩ mà thương Xuân, ái ngại cho em chẳng chịu lấy chồng. Nhớ ngày mới về nước, Quyền tổ chức cuộc gặp có hai anh em trong nhà, Xuân và thêm Khang nữa là bốn người. Cả hội quyết tâm về K gây dựng sự nghiệp. Uy giới thiệu Khang là bạn thân, tốt nghiệp khoa Văn đại học Tổng hợp, đang làm ở một tờ báo, ti toe viết được dăm ba cái truyện ngắn, vẫn thường giúp em trai mình đi bỏ mối hàng từ Nga gửi về hoặc mua hàng từ Hà Nội gửi đi. Nó đang nghèo rớt, sẵn sàng bỏ biên chế đi theo Uy lên K làm ăn đổi đời nghe còn có lý. Nhưng còn Xuân? Em về nước dắt theo đứa con gái 4 tuổi, xinh như mộng, mang họ mẹ. Tiền lãi được chia của em tích cóp mấy năm Uy vẫn giữ hộ, ghi chép rành mạch từng món, không hổ danh là sinh viên tốt nghiệp khoa Kế toán, trường đại học Kinh tế quốc dân. Với số tiền, vàng và ngoại tệ ấy, đủ cho em về thành phố cảng Hải Phòng mua nhà, tậu xe, lấy chồng ở quê yên ổn làm ăn đâu có khó. Nhưng Xuân một mực đòi theo Quyền lên K khiến anh nổi cáu mắng mỏ thậm tệ, em vẫn quyết không đổi ý. Tính Quyền thích sòng phẳng, anh yêu cầu trừ Khang không có vốn góp ra, mỗi người giữ lại một nửa tiền, vàng, ngoại tệ để phòng thân, còn một nửa góp vốn lập công ty cổ phần lời ăn lỗ chịu. Uy là đứa có tình với bạn, xin với anh trai cho Khang một khoản không nhỏ để hùn vốn với công ty, lời lãi chia theo tỷ lệ đóng góp. Xong xuôi, cả hội kéo nhau lên quán lão Tuân chuyên trị món cá hồ, gà nướng ở gần lối rẽ vào Phủ Tây Hồ. No say, Quyền định đưa mẹ con Xuân về khách sạn Tôm trên đường Trúc Bạch. Khang biết ý, bế cháu Tường Vi đi chơi rồi mang về nhà dỗ cho nó ngủ. Con bé cũng ngoan, quen phải xa mẹ từ lúc ở bên “Mát” nên suốt đêm không khóc quấy gì. Đêm ấy, làm tình xong hai đứa khỏa thân ôm nhau trên giường tâm sự đến sáng. Quyền nhắc lại bản giao kèo bên “Mát” nói: “Chúng mình mãi vẫn chỉ là bạn nửa nhân ngãi, non vợ chồng thôi, em ạ!” Xuân ôm chặt lấy anh khóc rưng rức, nghẹn ngào nói: “Em biết thân biết phận mình lắm chứ. Anh đừng lo. Đời có bao nhiêu thứ cay đắng mặn chát em nếm đủ cả, chẳng thiết lấy chồng, cũng chẳng muốn có con với anh. Em đã triệt sản từ bên “Mát” rồi. Với em có một bé Tường Vi xinh đẹp là đủ mãn nguyện một đời đàn bà rồi, anh ạ!” Quyền nghe cũng thấy xót xa thay cho Xuân. Anh vỗ về, an ủi bạn tình. Họ xoắn vào nhau quên trời quên đất và anh hiểu rằng Xuân sẽ không sai lời…

Bỗng nhiên ký ức xa xưa hiện về. Quyền như sống lại những ngày ở Đôm 5 bên “Mát”. Hình ảnh Xuân năm ấy chừng 19 tuổi, đẹp lộng lẫy, mang bầu dăm tháng vẫn thon gọn. Em xăng xái đóng gói hàng gửi đi địa chỉ đã hẹn, nhận hàng mới từ tỉnh xa mang về, đon đả chào mời khách mua đang lượn lờ trước mặt. Đôm tiếng Nga có nghĩa là ngôi nhà. Chợ Đôm 5 là tòa nhà số 5, đường U-lia-nô-va ở “Mát” chuyên dành cho lưu học sinh nước ngoài, cao 7 tầng, có 600 buồng, do Viện hàn lâm khoa học Nga quản lý. Nơi đó trước năm 1975 là địa chỉ ước mơ của bao chàng trai cô gái Việt Nam. Được đi du học là thoát khỏi chiến tranh và khi về vừa có bằng cấp vừa có chút tài sản nên mới có câu ca: “Con ơi nhớ lấy lời cha- Một năm xuất ngoại bằng 30 năm kéo cày”. Lương mỗi tháng sinh viên do nước bạn cấp 90 rup, còn nghiên cứu sinh 120 rup. Nếu sống tằn tiện, mỗi năm họ có thể để dành chừng vài trăm rup để mua hàng gửi về cứu đói gia đình hoặc làm vốn khi về nước, xin việc và cưới vợ. Giá cả một số mặt hàng người Việt ta ưa chuộng khá ổn định: máy ảnh Kiev 120 rup, bàn là điện 7 rup, radio- quay đĩa Ri-gon-da 120 rup, xe đạp thể thao Sport 40 rup, quạt tai voi 10 rup… Tính ra sau 5 năm học, một người khéo tiết kiệm có thể mua được ngần ấy thứ kể trên. Phụ nữ khéo chi tiêu hơn còn có thể sắm thêm chiếc máy khâu Min-xcơ 35 rup và ít bát đĩa, bàn ghế gấp. Đôm 5 chỉ dần dần biến thành chợ Đôm 5 của người Việt từ sau 30/4 năm 1975. Nước Nga hồi đó rất khan hiếm hàng tiêu dùng nhãn mác ở các nước tư bản, nhất là hàng của Nhật. Các viên chức có máu mặt hay sinh viên Nga con nhà khá giả được đeo đồng hồ Seiko, orrient, citizel và nếu ô tô Volga, Lada của họ gắn chiếc casette- stereo của Nhật nữa thì có thể vênh váo với bạn bè về sự sành điệu của mình. Quyền nghe nói, một chiếc đồng hồ Seiko mua ở phố Hàng Ngang giá 150 đồng, mang sang “Mát” bán lấy tiền rup rồi mua gửi về nước 200 cuộn phim đen trắng có thể thu về 3.000 đồng, lãi 20 lần. Nhưng nguồn cung do những người dân Sài gòn túng đói bán ra chợ giời lấy tiền độ nhật qua ngày, theo chân con buôn đưa về Hà Nội lâu dần cũng hết. Thị trường bên “Mát” lắng đi một dạo lại nổi lên nhu cầu mới. Các cô cậu choai choai thích diện quần bò, váy bò, áo phông nhãn mác Tây Âu, Bắc Mỹ. Các cô thiếu nữ ưa dùng son bôi môi, nước hoa Pháp, Ý. Các mệnh phụ phu nhân thì thích bộ đồ Ki-mô-nô của Nhật mặc trong nhà hay lúc đi ngủ cho ra vẻ đài các. Nguồn cung lúc này chuyển sang Băng Cốc do cán bộ ngoại giao có hộ chiếu đỏ, công chức tầm trung cao cấp ở các bộ ngành, trí thức văn nghệ sĩ… đi công tác mua về kiếm chút lãi bù vào tiền quà cáp cho vợ con hoặc biếu xén cấp trên. Hàng mua về đổ hết cho các tiệm buôn phố Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hà Trung. Từ đây họ bán lại cho lưu học sinh, nghiên cứu sinh và đông nhất là hàng vạn công nhân đi xuất khẩu lao động. Thị trường “Mát” ngập đầy hàng hóa nhãn mác tư bản, nhưng thật ra đều là hàng nhái của người Thái bán cân, bán mớ ở chợ Bò Bê ngoại ô Băng Cốc. Tên đó cũng là do một bà bán quần bò, váy bò ở phố Hà Trung vui mồm đặt cho dễ nhớ chứ người Thái gọi là chợ Cầu vì quanh chợ có 3 cái cầu bắc qua con sông thoát nước phía Tây thành phố, giống như sông Kim Ngưu, Tô Lịch ở Hà Nội vậy. Quyền nhớ rất rõ, năm anh đi du học 1987 là cao trào buôn quần bò, váy bò, son bôi môi Thái nên lợi nhuận từng mặt hàng anh mang ra sân bay có Uy đi theo hộ tống chờ xuất cảnh vẫn còn hằn sâu trong óc. Tiền Việt sau cơn bão “Giá- Lương- Tiền” năm đó bắt đầu lao dốc. Tỷ giá hối đoái lúc anh ra sân bay là 1 USD đổi 16,5 rup, tương đương 6.100 đồng Việt Nam. Lợi nhuận chuyến hàng lần đầu tập nghề đi buôn của anh em Quyền và Uy nhẩm tính cũng không tồi: Váy bò 10 bộ, quần bò 20 chiếc, mua ở phố Hà Trung; áo phông có hoa nhũ đen 100 chiếc, mua ở phố Hàng Gai; son bôi môi Thái nâu và hồng 50 lố, mỗi lố 12 thỏi mua ở phố Hàng Đào… Tính ra anh em Quyền phải bỏ vốn khoảng năm, sáu trăm đô, nhờ có Uy khéo làm việc với an ninh sân bay, anh mang đi trót lọt sang “Mát” bán được hơn ba mươi ngàn rup, cỡ hai ngàn đô. Đi buôn mà tiền lãi thu được gần gấp đôi số vốn bỏ ra là một tỷ suất lãi ròng vô cùng lý tưởng. Nhưng Quyền vẫn chưa thỏa mãn, muốn hàng về phải lãi nhiều hơn thế. Phiền nỗi người Việt ở “Mát” quá đông, kể cả số công nhân lao động mới sang năm 1987 dễ đến một vạn người. Dân Nga vốn hiền lành, tử tế vẫn phải bực mình rủa thầm vì đi đâu họ cũng gặp bọn đầu đen chen chúc xếp hàng vét sạch các vật dụng sinh hoạt thiết yếu của họ như nồi nhôm, chậu nhôm, nồi áp xuất, bàn ghế gấp, bát đĩa bằng nhựa đại loại là chổi cùn rế rách vơ hết… Những thứ đó cồng kềnh, phải đóng công-tơ-nơ gửi về nước bằng đường thủy nên có khi hai hay ba người gom hàng lại mới đủ một “công” mà vận đơn lại chỉ có thể đứng tên một người. Đã xảy ra không ít vụ lừa đảo cướp hàng của nhau dẫn đến án mạng giữa con trai hai ông nhà văn nổi tiếng. Quyền chân ướt chân ráo sang đến nơi, bán hàng xong, trong túi cộng cả vốn lẫn lãi có hơn ba mươi ngàn rup thời đó không nhỏ. Anh lo mất ăn mất ngủ vì ôm một cục tiền không mua được hàng. Vả lại, anh muốn nghiên cứu tìm một vài mặt hàng lãi suất cao, gọn nhẹ có thể gửi máy bay hay thuê người xách tay về Hà Nội để quay vòng thật nhanh. Bao năm rồi Quyền vẫn nghĩ lúc đó ông trời đã cho anh gặp Xuân. Thằng Vinh sang MGU trước Quyền 3 năm làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Trắc địa. Hắn hơn mình cỡ chục tuổi, là tay lão luyện tình trường, buôn hàng có sừng có mỏ. Người ở Liên đoàn địa chất nơi hắn công tác đồn thậm xưng lên rằng, thằng Vinh đi công tác ở đâu, vạch chim đái vào gốc tre cũng có đứa mang bầu. Ở nhà máy Liên hợp dệt may ngoại ô “Mát” có khoảng 300 chị em lao động xuất khẩu người Việt, hắn tăm được một cô người Hải Phòng đẹp như hoa hậu họ Bùi vừa mới đăng quang trong cuộc thi sắc đẹp đầu tiên của báo Tiền Phong. Xuân bỏ việc ở nhà máy, theo Vinh về sống bất hợp pháp trong ký túc xá, đêm làm tình còn ngày đi gom hàng ở chợ Đôm 5 cho “chồng” chuẩn bị đóng 2 chiếc “công” chở hàng về nước, vận đơn mang tên của Vinh. Trong đó có 1 “công” là hàng của Xuân và mấy đứa bạn cùng làm ở nhà máy tích cóp suốt gần 2 năm mới có. Em cứ ngỡ sắp được cùng “chồng” về nước, chấm dứt những ngày buồn bán sức lao động chỉ được nhận 7 phần lương, còn 3 phần Nhà nước thu để trả nợ cho Liên Xô các khoản viện trợ từ hồi chiến tranh chưa trả hết bằng nông lâm hải sản. Nào ngờ em bị thằng Vinh lừa sạch cả tình lẫn tiền, lại còn mang nợ số hàng của bạn bè gửi trong “công” của Xuân nhờ Vinh mang về trao cho gia đình họ. Quyền gặp Xuân trong lúc mang bầu cháu Tường Vi được 4 tháng, bơ vơ không tiền, không chỗ ở tạm, bạn bè hắt hủi và nghi ngờ thúc nợ, chỉ muốn cắn lưỡi tự tử cho rảnh nợ. Anh nổi máu anh hùng cứu mỹ nhân, bao bọc che chở em ở ký túc xá, trả bớt vài món nợ nóng đang bị bạn em dọa sẽ thuê người xử tội thừa sống thiếu chết. Nhờ thời gian chạy hàng cho Vinh ở chợ Đôm 5, em dò hỏi được tin trong nước đang khát vòng bi 203 và những thỏi nikel đóng khuôn 5 kg mỗi thỏi. Quyền còn nhớ rõ hôm đó đi chợ Đôm 5 về, mặt em tươi như đóa hoa Tường Vi, hớn hở khoe:

- Em dò hỏi được hai mặt hàng độc, rất gọn và lãi lớn lắm.

- Hàng gì thế hở em?

- Vòng bi 203 và các thỏi nikel.

- Em nói rõ hơn xem nào!

- Ở Hà Nội các nhà máy sản xuất quạt trần và những tiệm sửa xe máy cũ của Nhật đang rất khát vòng bi 203. Một vòng bi bên này mua 3 đô, về nước bán được 15 đô. Mỗi hộp bánh bích quy có thể chứa 100 vòng bi 203. Ta chỉ cần thuê nhân viên Đại sứ quán có hộ chiếu miễn trừ ngoại giao 100 đô mang giúp 1 hộp là về nước kiếm được hơn 1.000 đô, nhanh và gọn để quay vòng vì người mang hàng về sẽ nhận 50 đô tiếp tục mang tiền sang cho ta mua hàng tiếp.

- Thế còn hàng nikel?

- Loại này phức tạp và chậm quay vòng, nhưng lãi cao vì ta có thể mua hàng khối lượng lớn. 100 thỏi nikel chỉ to bằng cái tủ lạnh xa-ra-tov, nhưng nặng nửa tấn. Mỗi “công” ta đóng 200 thỏi, ngụy trang thêm các loại hàng cồng kềnh như chậu nhôm, nồi nhôm, bàn ghế gấp… Loại hàng này không cần xếp hàng mua vét từng cái mà ta mua lại của bọn công nhân chỗ nhà máy cũ của em, cho nó hưởng lãi gấp đôi cũng chẳng đáng là bao. Về nước đã có gia đình em ở Hải Phòng ra nhận, đút tiền cho cảng vụ 100 đô mỗi công. Anh Uy sẽ đến tận nhà em nhận hàng mang đi tiêu thụ, vứt lại cho các cụ ở nhà đống hàng cồng kềnh cũng đủ sướng rơn, anh ạ!

- Như thế thời gian quay vòng phải mất 3 tháng mới có chuyến tàu đi Việt Nam. Lại còn khả năng tiêu thụ, lãi xuất có ngon không?

- Em đã hỏi kỹ nguồn tin ở Đại sứ quán, nikel là mặt hàng đưa vào hợp kim dùng trong dân sinh và quốc phòng sản xuất vũ khí nên trong nước ta và cả bên Tầu đều rất khát mà Nga thì nhiều vô thiên lủng. Một tấn nikel bên này mua 3.000 đô, sau 3 tháng về nước bán 8.500 đô, trừ mọi chi phí cỡ 500 đô, ta vẫn còn lãi 4.000 đô ngon sớt. Nếu bán được sang bên Tầu lãi còn gấp rưỡi cơ, anh xem có hấp dẫn không?

- Tuyệt quá! Anh sẽ viết thư bảo Uy đang học năm thứ nhất khoa Kế toán trường đại học Kinh tế quốc dân nghiên cứu kỹ các mối tiêu thụ trong nước. Trước hết nhắm vào vòng bi 203 để quay vòng thật nhanh, tích lũy vốn. Đủ mạnh rồi ta tính tiếp loại hàng nikel vì 3 tháng mới có một chuyến cơ mà. Loại này thậm chí Uy có thể bán qua đường mòn biên giới sang Tầu vì hồi còn trẻ, các cụ nhà anh lợi dụng bên đó cách mạng văn hóa, dân đói rạc nên vẫn thường đi đường mòn vượt biên, mang gạo sang đổi lấy len và bật lửa cối kiếm lời lớn lắm. Thị trường Hà Nội chú Uy có thêm thằng bạn tên Khang, thông thạo mọi ngõ ngách thủ đô như con ma xó, chắc chắn sẽ dò ra nguồn tiêu thụ tận gốc.

- Mai ở Đại sứ quán có người bay về Hà Nội. Anh viết thư ngay đi, em sẽ nhờ người ta chuyển giúp. Em đã mua sẵn ở Đôm 5 được 10 vòng bi 203 và 1 thỏi nikel gửi kèm theo thư, biếu họ 20 đô để trao tận tay anh Uy làm mẫu chào hàng.

- Em thật chu đáo, tính sẵn cả hàng mẫu thì cực tốt, còn gì hơn nữa!

Quyền sung sướng ôm chầm lấy Xuân, hôn như mưa lên mặt, lên bờ vai và bộ ngực nón nà. Anh bế thốc Xuân lên giường quên trời quên đất, quên cả mọi tính toán làm ăn, mưu toan tranh đoạt ở đời. Chỉ có anh và Xuân xoắn chặt vào nhau đi đến tận cùng của sự yêu. Ngoài kia tuyết rơi trắng xóa, lạnh buốt thấu xương, nhưng quả tim anh nóng rực, tràn trề hạnh phúc…

Lúc đầu khởi sự, vốn ít nên hai đứa chỉ tập trung vào vòng bi 203, mỗi lần mua bán cò con 50 vòng, đóng trong hộp bích quy, lèn thêm một mớ dây may-xo đun nước cho chặt hộp. Sau nâng dần mỗi hộp 100 vòng rồi 2 hộp, 3 hộp. Khi vốn đã lớn anh và Xuân mới lao vào thử nghiệm mặt hàng nikel, lãi lớn và ngon ăn đến không ngờ. Hàng khan hiếm dần vì nhiều người cũng đã dò ra mối tiêu thụ trong nước, tranh cướp với Xuân để mua hàng. Em phải lượn lờ hàng tháng ròng ở các nhà máy Liên hợp luyện kim, tìm nguồn hàng tận gốc là các thủ kho. Thật may em đã làm thân được với thằng Igor thủ kho vòng bi các loại và thằng Sa-vich thủ kho nikel. Một đêm em thủ thỉ tâm sự:

- Anh ơi, bọn Nga ngố đứa nào cũng uống rượu như uống nước lã và rất máu gái, nhất là gái Việt. Rượu lúa mới em không thiếu, nhưng còn chuyện ấy thì phải thế nào, hở anh?

- Tùy em thế nào cũng được.

- Thế thì hỏi anh làm gì- em sụt sùi khóc nói tiếp- Hay anh không tin em?...

- Nếu phải lên giường với chúng nó để độc chiếm nguồn hàng em tự quyết định. Anh không cấm cản, cũng không trách mọc em đâu. Chúng mình đã có giao kèo từ đầu rồi. Ở “Mát” ta sống như vợ chồng, nhưng không được có con. Về nước ta ăn chia sòng phẳng rồi mỗi đứa một phương, nếu có gặp lại nhau thì đối xử tử tế như hai người bạn cũ, thế thôi…

Xuân đã khóc rất nhiều, nhưng em hiểu và tự biết phải làm gì. Mỗi lần em lên giường với Igor hay Sa-vich là có đủ hàng cần mua, giá rẻ như bùn, thậm chí có thể chịu lại một phần tiền. Cứ thế anh phất nhanh, trở thành đại gia trong giới người Việt ở “Mát” còn gọi là “Soái Nga”. Quyền tốt nghiệp bằng đỏ trường MGU nhờ mấy bức tranh sơn mài biếu các thầy và một tập tài liệu anh khoắng được của một vị chuyên gia đầu ngành địa chất kiến tạo học trong nước, đang nghiên cứu về sự có mặt của chuyển động Katazia Hoa Á ở Bắc Việt Nam, tuổi Mezozoi. Loại tài liệu cực giá trị này các giáo sư Nga cũng mù tịt, khát khao có nó nên luận văn của anh quả thực xuất sắc dưới bàn tay nhào nặn giúp của các thầy Nga. Đó cũng là năm vua “Ăn Xin”, tên gọi đểu của người Việt bên “Mát” chỉ Bô-rit En-sil trở mặt hạ bệ vua “Chốp”, nước Nga trở nên hỗn loạn chưa từng có. Chợ Đôm 5 đi vào thoái trào, nhiều người chuyển hướng sang hành nghề phân kim từ đủ các loại phụ tùng máy móc, linh kiện điện tử, thậm chí cả hộp số xe tăng, máy bay có chứa vàng, bạch kim mua được của bọn ăn cắp người Nga. Thú vị nhất là họ mua được cả đống huân chương Lê Nin vì mỗi tấm phân kim được 5 chỉ vàng, còn các lão thành cách mạng về hưu lại đang túng đói phải bán đi thứ quý giá nhất trong đời hoạt động của mình. Các “Soái Nga” cũng chuyển hướng theo cách riêng của kẻ lắm tiền. Người có vốn lớn xoay sang đầu tư nhà máy sản xuất mì ăn liền. Thiết bị và công nghệ nhập từ Nhật hay Hàn Quốc. Nguyên liệu nhập từng tầu 10 ngàn tấn bột sắn củ của Việt Nam trộn với bột mỳ của Nga. Gia vị chế biến từ nguyên liệu tại chỗ cho hợp với khẩu vị dân nga vốn rất dễ tính nên hàng sản xuất ra bán đắt như tôm tươi, lợi nhuận vô kể vì công nhân người Việt là những người đi xuất khẩu lao động, hết hạn ở lại đang trốn chui trốn lủi, làm việc trong xưởng như bầy nô lệ. Các “Soái Nga” hạng vừa cỡ như Quyền chuyển hướng về nước làm ăn, kinh doanh bất động sản hoặc buôn bán ở biên giới, Việt- Lào, Việt- Miên, Việt- Trung…

Quyền nhớ, sau cuộc họp bàn ở Hà Nội, bốn người cùng dắt nhau lên K vừa mới tách khỏi tỉnh lớn, mua nhà lập trụ sở “Công ty cổ phần thương mại- xây lắp- dịch vụ và đầu tư Loan Uy”. Hạng mục kinh doanh đăng ký rộng như vậy để chờ cơ hội phát triển về sau, còn lúc đầu chỉ tập trung ở hai mảng: mảng đổi tiền chợ đen do Xuân phụ trách. Mảng khinh doanh xuất nhập khẩu do Uy và Khang phụ trách. Khởi đầu công ty chủ yếu nhập vải các loại cung cấp cho các chủ hàng ở chợ vải Ninh hiệp, ngoại thành Hà Nội do Uy phụ trách; còn Khang phụ trách nhập phân bón, thuốc trừ sâu đưa về chợ Thổ Tang- Vĩnh Phúc tiêu thụ. Riêng với Quyền, mọi người thống nhất cử anh sang ngạch công chức Nhà nước để làm bệ đỡ cho công ty lâu dài. Ngày đầu ra mắt Ông Cụ xin việc, anh trăn trở cả đêm, suy tính kỹ mọi nhẽ mà khi đến nhà tim vẫn đập thình thịch. Người khác đến nhà Ông Cụ giỏi lắm có vài tút thuốc “ba số” hay chai rượu ngoại, kèm chiếc phong bì 100 đô nên cụ bà tiếp đón rất sơ sài. Quyền biết đàn bà nào làm vợ sếp đều có máu tham nên anh không tiếc tiền mua 1kg sâm Cao ly, đóng trong hộp sắt đã rút chân không và phong bì 5000 đô, được cụ bà niềm nở săn đón như con cháu trong nhà lâu ngày mới gặp. Bước đường công danh của anh có Ông Cụ làm bệ phóng bay lên như diều gặp gió. Khi tỉnh K có chủ trương xây dựng thành phố mới, Ông Cụ lại có thêm em Xuân làm con nuôi nên công ty của bốn người nhanh chóng lớn mạnh ở các mảng kinh doanh bất động sản, khai thác mỏ, xây dựng cầu đường… Ngày đổi tên tập đoàn, đưa mã giao dịch BKG lên sàn giao dịch chứng khoán, Quyền cứ như người đi lại trong mơ. Giấc mơ quyền và tiền đang thành hiện thực. Anh đang làm vua ở vương quốc Bil- Kel, sẽ còn làm vua ở vương quốc tỉnh K. Lắm lúc Quyền nghĩ, có lẽ khi về già, mình sẽ viết hồi ký, hấp dẫn và bán chạy chẳng thua gì hồi ký của ông Chủ tịch tập đoàn Deawoo xứ Hàn đang là cuốn sách besler bậc nhất trên thế giới. Chẳng ai như Hiếu Dân vẫn đang miệt mài nghiên cứu “Lịch sử 100 năm thời Lê sơ” bởi trong thiết chế xã hội này ai sẽ cho in, ai sẽ công nhận và sử dụng nó vào giáo trình trường Sư phạm hay sách giáo khoa phổ thông? Nghĩ mà thương hại thay cho anh chàng mọt sách, người tình một thủa của Thùy Dung!... 


-----------

Tại HN, sách bán tại Nhà sách Đông Tây, 62 Nguyễn Chí Thanh. Hoặc có thể liên hệ với Đặng Thiên Sơn ĐT: 0935660031, hoặc Như Loan 0946971248. 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: