Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

ANH SEN RỖ HAI BÀ

..

Truyện ngắn của HG

Làng Vân là một làng nghèo, từng có thâm niên hàng trăm năm bên bờ sông Cái. Một làng tồn tại lâu như thế mà chả có danh tiếng gì. Đền thờ miếu mạo cũng gọi là có, nhưng hết sức sơ sài.
Về sau này có chủ trương bảo tồn bảo tàng, xét về quy mô chả có cái nào đủ tiêu chuẩn để tôn tạo,  để cấp “bằng chứng nhận di sản lịch sử” hay “văn hóa”.
 Danh nhân, danh tướng không có đã đành, mà dân trí nói chung lại dưới tầm cây na, cây ổi.
Lanh quanh chỉ có một hai ông giáo làng, gõ đầu trẻ, gọi là lớp trí thức của làng thời bấy giờ.
Phần đông chân chì, hạt bột, cổ cày vai bừa..
Một nơi không xa kinh kỳ Hà Nội là mấy, mà tăm tối bao nhiêu năm, kể cũng cực kỳ vô lý.
Nhưng hình như điều đó dân làng cũng chẳng ai bận tâm. Người ta lo cái ăn cái mặc hàng ngày còn chưa xong, lấy đâu ra thời giờ, công sức để ý đến chuyện sang hèn, đua tranh với thiên hạ?
Thời đó trong làng chưa có nhiều đồ nhựa, bền và tốt như bây giờ. Tất cả đồ dùng cho sinh hoạt mọi nhà hầu hết đều bằng tre. Từ cái rá đãi gạo, cái nong cái nia phơi thóc, đến cái quạt mát cầm tay, toàn làm bằng tre cả.
Ngay cả đến cái giường nằm, cái chõng ngồi xơi nước cũng bằng tre nốt. Chưa kể đến cặp gậy đôi, cái néo đập lúa, cái bắp cày, cái chổi bừa ..Không thứ nào không cần có tre góp mặt.
Mà làng Vân tre lại rất sẵn. Bốn bề làng, trừ một phía giáp cánh đồng là lũy tre dày đan kín. Ngay cả lối đi trong làng họa hoằn mới có một cây gạo, cây bàng xen kẽ, còn ngoài ra những tre là tre.
Người bấy giờ chưa đông, chưa nhiều như bây giờ nên phần đa vườn nhà ai cũng rộng. Cây trái chưa biết thâm canh, chưa nhiều chủng loại, lèo tèo vài thứ rông rài. Vườn nhiều nhà gần như bỏ hoang, lạp tạp những thứ cây không mấy giá trị. Cũng có nhà cày bừa trông ngô trồng đậu trong vườn. Nhưng bóng tre cớm nắng, cây lên èo uột chả mấy năng suất. Chủ yếu trồng dăm ba cây mít. Thứ cây tán nó rộng, có khi choán cả nửa sào đất,  chủ yếu lấy quả ăn chơi, chứ bán hơi bị khó vì chợ thì xa, dân làng thì nghèo. Chả có mấy người sẵn tiền trong bọc. Một loại cây khác nữa cũng hay được trồng hồi đó là cây chuối. Quả của nó chín thì ăn quả, xanh thì xào nấu làm canh, thay rau. Những năm mất mùa hoặc đê vỡ còn thay cả cơm, đến là tiện dụng.
Bây giờ nếu ai có dịp qua lại vùng này, có những thứ cây không còn nữa. Thậm chí người ta không thể hình dung ra nó đã từng có mặt và tồn tại hàng trăm năm trước. Cây mít, cây tre là một ví dụ. Chỉ còn cây chuối là vẫn còn, được trồng hẳn từng vùng trong các trang trại cùng với nhiều giống cây khác. Nhưng đó là chuyện của sau này..

Thời cô Tân đang thời con gái, tre ở làng Vân vẫn còn nhiều. Vẫn còn là nguồn thu đáng kể của nhiều nhà trong làng. Ngay nhà cô cũng có hơn hai chục khóm. Mỗi khóm có đến hàng trăm cây. Những cây tre óng ả, chen chúc nhau thẳng như có người uốn. Đó là nguồn lợi bố cô được thừa kế từ đời các cụ, ông bà để lại. Cứ năm năm một lần lại có người đến mua hết cả vườn tre. Họ thuê người vác ra sông, kết thành bè mang về tận Hà Nội Hải Phòng.
Bấy giờ làm gì có xe ô tô để chở? Đến xe bò xe cải tiến cũng không! Toàn là nhờ vào sức người.
Những ngày này, người ta đến chặt tre, khuân chuyển đi trong xóm cứ ồn ã, náo nhiệt như ngày hội. Cây tre đánh võng đu đưa trên vai. Vai trái, vai phải bên nào cũng đỏ bầm, chai đi, nhưng người ta vẫn rất vui. Vô tư lắm, không hay quạu cọ, nổi khùng như  những người buôn bán thời bây giờ.
Rồi anh rồi ả, hát đối hát đáp, chòng ghẹo nhau như tất cả đang được sống ở thiên đường.
Những ngày khác, năm khác tre vườn nhà cô Tân được mang ra chợ. Có một bãi hàng tre cho kẻ bán người mua chọn lựa, mặc cả, trả tiền cho nhau.
Đó là chợ Cầu. Một cái chợ bên kia con sông đào đổ ra sông cái ( không rõ có từ bao giờ, hình như là có từ thời thực dân, phong kiến ). Muốn vào chợ phải qua một cái cầu cũng làm bằng tre bắc qua con sông này. Vì thế chợ có tên là chợ Cầu.

Từ nhà cô Tân xuống chợ non chục cây số. Phải qua hai cánh đồng, một khúc đê, lên xuống hai cái dốc. Chỉ đi bộ thôi từ nhà đến chợ đã mệt, đằng này vắt vưởng ít nhất là hai cây tre bó lại thì biết vất vả như thể nào rồi?
Nhưng cô không thấy mệt, cũng chẳng thấy cực, thấy buồn, lại thấy phấn khích, hăng hái là đằng khác.“Con gái mười bảy, bẻ gãy sừng trâu” Cô Tân chỉ thấy thinh thích. Thoát ra khỏi cái không khí u u, ang ang của làng quê nghèo, ra chợ cô thấy cái gì cũng mới, cũng đáng yêu.
Cô đặt vác tre xuống bãi ở góc chợ, để mẹ cô bán sao thì bán. Nhoăn nhoắt, cô đi về hàng bún ốc, dù trong túi chưa có đồng nào.
Mẹ cô bảo: “Con gái không nên giữ tiền trong người, nhiều sự nguy lắm. Chỉ tổ làm sự chú ý của bọn ma cô, móc túi”.
Ôi dào nói đến bọn đấy, cô không muốn nghĩ nhiều. Chỉ tổ nhức đầu, hơn nữa cô chẳng thấy có gì phải sợ. Cô đến chỗ này theo thói quen mọi khi. Nơi có anh chàng không đẹp trai lắm, nhưng không đến nỗi xấu. Anh này mồm lôi công, kiểu mồm nói có người nghe, làm nghề hoạn lợn. Một nghề mà sau này người ta cho là nghề mọn, xâu xấu, nhưng thời bấy giờ lại có nhiều người trọng vọng vì kiếm ra được đồng tiền.
Ở cái xứ mà nghề ngỗng hiếm hoi, có bất cứ nghề gì cũng là tốt rồi. Chê làm gì? Chê làm sao khi mà tất cả chỉ có mỗi một nghề “chổng mông”, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời? Suốt từ lúc sinh ra, cho đến khi nhắm mắt, không chừa một ai thoát ra khỏi cảnh chân lấm, tay bùn.
Người ấy có đôi mắt rất lạ. mắt to đàng hoàng, nhưng chỉ nhìn he hé, cách nhìn sâu vào bên trong, giấu kín cảm xúc riêng của chính mình. Kiểu mắt của người đa mưu, túc trí. Đúng ra kiểu người này phải làm việc bàn giấy, hay ông thầy dạy học. Không hiểu vì sao lại làm nghề này?
Lòng trắc ẩn của cô gái mới lớn khiến cô chú ý, dù chẳng biết anh ta là ai, quê quán nơi nao?
Nhưng cái làm cô chú ý nhất là cái xe đạp của anh thợ hoạn. Đó là cái xe độc nhất vô nhị ở vùng quê nghèo này. Khung và vành xe làm bằng đuya ra, lốp xe hai mầu đen trắng có xuất xứ từ bên Pháp. Nó bằng tài sản của một gia đình trung lưu thời bấy giờ.

Hai người quen nhau bởi cái giây phút gặp gỡ trên cầu vào chợ. Suýt nữa thì cái ngọn tre cô vác trên vai đâm thẳng vào cái vành xe của anh. (may mà chuyện đó không xảy ra, nếu không đã xảy ra nạn lớn rồi ).
“Đi đứng thế nào thế?” Anh quát to. Cô gái hoảng hồn né sang một bên. Chút nữa thì cả cô lẫn vác tre rơi xuống con sông đào!
Vẻ hoảng hốt của cô làm anh chàng ái ngại. Anh dịu giọng: “ Cô không sao thì tốt rồi..Tôi mạn phép đi trước”.
Tới lúc vào chợ cô lại bất ngờ gặp lại con người ấy. Cô đã định tránh mặt. Người kia tiến lại gần: “Tôi ban nãy có hơi nóng, cô cảm phiền cho nha!”. Khác với giọng khê khê nồng nồng của dân vùng đất bãi, giọng anh chàng trầm vang như tiếng chuông chiều, làm cô cảm động. Anh hỏi han quê quán, rồi hai người quen nhau. Anh theo cô về làng.

Về cái làng Vân có lũy tre xõa tóc, ao hồ liên chi hồ điệp, anh không khỏi sửng sốt. Anh đi nhiều nơi gặp gỡ nhiều người vì cái nghề thợ hoạn của anh vốn là nghề “thân cư thiên di”, phải đi nhiều nơi mới kiếm được tiền.
Rồi cái gì phải đến đã đến. Cô phải lòng anh lúc nào không hay. Ông bố nghiện rượu của cô hễ thấy anh đến là rung râu, sáng mắt như được gặp quý nhân. Ngày ngày anh đạp xe đi thiến lợn rong trong vùng, chiều tối mới về. Hôm thì mang về xâu thịt, hôm mớ cá tươi. Hàng xóm phát ghen với nhà cô vớ được “ông khách sộp”.

Chuyện đời xưa nay, ngày vui thường không dài..
 Nửa năm sau, anh thợ hoạn mất dạng không có tăm hơi. Người ta đồn anh dính dáng đến một “hội kín” gì đó, bị nhà chức trách đưa biệt tích lên vùng rừng xanh núi đỏ.
Cũng là lúc cô Tân mang một mầm mống, sinh linh bé nhỏ trong lòng. Cô cực kỳ hoang mang.
Thời đó “khắc phục hậu quả” không đơn giản như thời sau này. Cô đã tính đến chuyện bỏ làng ra đi, muốn đến đâu thì đến. May mà phút lưỡng lự bên bờ sông Cái đã cứu cô thoát nước làm liều.
Tháng sáu nước lên, sông cái cuồn cuộn, mênh mang nhìn không tới bờ bên kia. Nhảy xuống đấy rồi chỉ còn nước xuôi ra cửa bể, không thể lên bờ..
   Con người ta bất luận hoàn cảnh thế nào, sinh mệnh cũng đều quý giá. Người ta chỉ có một lần duy nhất nơi thế gian này. Nếu cô dại dột nhảy xuống dòng sông năm ấy, sinh mệnh quý báu đã không còn. Dù có đầu thai kiếp khác chắc gì đã được làm người, khi không biết quý trọng sinh mạng tạo hóa đã ban cho?
 
Cũng còn may, nhờ tục ngữ có câu:“Ở ống thì dài..” Cha mẹ cô nhận lời sắp xếp cho cô một đám khác. Đám này ước ao theo đuổi cô từ lâu, bị cô năm lần bảy lượt chối từ. Nhà anh ta đã nghèo, người lại xấu. Cô từng chê anh ta “Mười phần thì bảy phần khỉ, chỉ có ba phần người”. Đã thấp lùn thì chớ, lại lưng gù, mặt rỗ, răng vẩu. Đứng gần mồm hôi đến buồn nôn.
Trăm sự tại giời, “ghét của nào trời trao của đó”, ở hoàn cảnh này cô Tân đành phải chấp thuận, chứ biết tính làm sao?
Anh “Sen rỗ”, tên cúng cơm của vị hôn thê còn thêm một điều kiện: Hai người sẽ chả có cưới treo gì. Cả hai sẽ xuống thuyền, từ nay làm nghề chài lưới dưới sông, cách xa miệng tiếng người đời.
Cô dần quên bóng hình anh thợ hoạn. Sát cánh cùng anh Sen rỗ, nay đây mai đó trôi nổi sông nước cho đến ngày lên tới đầu nguồn..

**
Anh Sen rỗ tỉnh giấc đúng cữ. Tầm hai giờ một lần. Vớ cái tích đựng nước, anh xúc miệng òng ọc rồi nhổ xuống sông. Cảnh tượng trước mắt làm anh thoáng chút ân hận. Ai lại nhổ xuống một dòng sông đẹp đến thế này cơ chứ? Trăng thì cứ sáng vằng vặc trên đầu. Sóng nước ở đoạn gềnh phía trên réo ào ào. Nhưng vụng nước ở chỗ này tĩnh, thỉnh thoảng mới thấy tiếng cá đớp bóng trăng, từng quầng sáng lan tỏa lấp lánh. Cảnh tượng thật mê li. Nhìn dọc hai bên bờ sông ánh trăng bàng bạc, khói sương lơ mơ hư ảo.

Cuộc đời thật nhẹ nhõm. Như thể người ta sinh ra để sống những ngày thanh bình.
Chỗ này đầu của một con ngòi chảy từ suối ra sông, nước rộng rãi tỏa ra thành một cái vụng nhỏ. Cái bè câu của anh nép hẳn về một phía bờ, vươn những chiếc gọng vó dài, khum khum thả giữa vụng nước. Anh từ từ kéo đoạn dây chão. Đầu gọng vó có buộc thêm mấy cục đá to bắt đầu hạ xuống. Nó là thứ để cân bằng sức nặng của tấm lưới to bằng bốn cái chiếu cộng lại. Nếu thiếu nó có mà sức ba bốn người kéo lên cũng vất vả, chứ đừng nói làm một mình.
 Người nọ học người kia, không biết bắt đầu từ đâu, dân vó bè đều làm như vậy như một thói quen.
Khi vó cất lên khỏi mặt nước, rõ ràng thấy có cá quẫy bành bạch trong vó, nhưng anh không kéo hẳn nó lên để tóm lấy.
Chả cần thiết phải làm như vậy. Ở rốn vó đã có cái giỏ đan đan bằng tre, có hom sẵn. Cá rơi vào giỏ thì cứ việc nằm đấy, vướng cái hom có tài thánh cũng không thể thoát được ra ngoài. Đằng nào thì đến sáng hẳn, cái giỏ mới được nhấc lên khỏi mặt nước. Một đêm, vó cất lên mấy lần như thế.
Anh Sen làm như chơi, như đùa. Muốn chục ký cá chỉ là chuyện nhỏ. Sớm hôm sau lại có thuyền từ xuôi lên, có bao nhiêu cá họ cũng “đong” hết.
Cái nghề nhẹ nhàng xem như đùa này kiếm ăn dễ khiến anh gắn bó với nơi này hết muốn đi đâu nữa.
Anh quên dần những tháng năm u ám, buồn tẻ ở quê nhà.

Câu chuyện anh Sen lấy cô Tân ở làng cũ một dạo xôn xao. Anh Sen ê hết cả mặt mày. Người ta bảo anh chỉ là người tráng men, chứ thực ra đứa con trong bụng cô Tân là con lão thợ hoạn, không phải con anh. Anh cũng biết thế chứ không phải là không. Chuyện con hoang con hủy ở đời này có gì là lạ?
Đến vua chúa còn có kẻ xuất thân như thế thì thằng dân đen như mình có gì là không được, không nên xảy ra? Biết thì vẫn biết thế, nhưng khi nó ám chỉ thực sự vào mình thì ai mà không bứt dứt?
Đám cưới qua loa, anh Sen bán miếng đất hình cái muống hót rác, sắm cái thuyền to hơn, ngược lên miền rừng. Và cuối cùng anh chọn chỗ này.
Có lão thầy địa lý ngang qua sông vào chơi nhà bè, khen phong cảnh nơi này đẹp, lại tốt về phong thủy. lão ý bảo vùng đất này được hai dãy núi vòng qua, ôm lấy như một cái ngai. Khí hậu bốn mùa quanh năm ôn hòa. Nắng không nắng gắt quá, lại chả có mưa to, bão lớn bao giờ. Nếu nơi khác thiên tai độ mười phần thì đây chỉ chịu một hai phần. Anh Sen để ý thấy có đúng như vậy thật.

Dân trên bờ là một xóm người Thanh Y. Không hiểu sao lại có độc nhất một gia đình người Kinh. Bà này phiêu bạt từ dưới xuôi lên sau nạn đói năm Ất Dậu.
Anh Sen quen bà một bận tình cờ ngang qua đây. Hôm ấy anh vác bó nứa to từ trên khe mang xuống sông làm mảng. Không nhớ sơ ý thế nào bị một gốc cây sắc nhọn xẻ ngang bắp chân. Cũng là lúc bà cụ đi ngang qua. Như có duyên tiền định từ kiếp trước, bà dìu anh về nhà. Hai mẹ con lau rửa vết thương, lại lấy lá cây cầm máu cho anh. Vết thương khỏi dần, cũng là khi người con gái bà cụ bén hơi anh. Cô không đẹp, nhưng ngoan hiền, thùy mị.
Người ta bảo: “lửa gần rơm..” thật không có sai. Mà ở cái xứ khỉ ho cò gáy này, hai người đang tuổi cập kê, tối ngày gặp nhau, làm sao tránh được cái cầm tay ấm áp? Chuyện xảy ra vài lần. Khi anh Sen xuống mảng về xuôi, cũng là lúc cô Duyên bắt đầu ăn dở.
Chán cảnh ở quê nhà lắm điều xì xèo, anh Sen đưa cô Tân lên đất này. Anh hoàn toàn không biết chuyện cô Duyên đã sang tháng thứ hai.
Ngày ấy “giải quyết hậu quả” chưa tiện và dễ như bây giờ. Cô âm thầm dùng hết món lá nọ đến món lá kia đều không có kết quả. Đành tặc lưỡi, muốn ra sao thì ra.
Được cái bà mẹ thương và chiều con. Bà bảo: “Âu cũng là lòng giời, chót rồi, đẻ thì nuôi”.
***
Năm tháng qua đi, “chỉ tình yêu ở lại”, cho dù tình yêu đó có đôi khi, đôi nét bẽ bàng.
Người như anh Sen tưởng mang trầu cau đi hỏi vợ đến đứt quai bị, không lấy được. Không ai ngờ, định một mà thành hai.

Ông Sen sau này có hai bà, chuyện nguyên do là như vậy.

Khi tôi đến đất này, bà Duyên và ông Sen đã mất. Mộ của họ an táng ngay gần lối rẽ vào gốc cây sung lối xuống bến Con Cò.
Chả hiểu sao, mùa nào cũng vậy, đều có bướm vàng bay chấp chới quanh khu này, không như mọi nơi, bướm ra phải có mùa.
Bà Tân thọ đến ngoài trăm tuổi. Cháu chắt có hàng chục người. Cả một vùng đất đai rộng rãi, quần cư toàn con cháu bà, mang họ Lỗ, một cái họ nghe đã thấy rất hiếm người.
Không có một tấm ảnh để lại, tôi chịu không thể hình dung ông Sen là người trông như thế nào?
Mẹ tôi thì bảo: “quý nhân đãi kẻ khù khờ”. Có nhẽ đúng. Hẳn là kiếp trước ông ấy tu tỉnh thế nào đấy mới có cái kết có hậu như sau này.
Tôi ra vụng vó, chỗ ngày xưa ông Sen đặt vó bè, định học ông làm một cái, kiếm cá đỡ gia đình.
Mẹ tôi cười nhăn nhúm khuôn mặt già nua, bà bảo:
- Con người ta mỗi người một số, có muốn học, muốn làm theo cũng chẳng được đâu. Với lại sông nước thời nay khác ngày xưa rồi, có còn cá tôm nữa đâu mà bè với chả vó?

Tôi nghĩ, có lẽ mẹ tôi nói đúng. Bằng chứng là từ ngày có đập thủy điện trên thượng nguồn, đêm đêm trên dòng sông không còn thấy ánh đèn soi lấp lóe vào lúc đêm gần sáng.
Tôm cá bây giờ đâu còn mấy, người ta lặn lội đêm hôm để làm gì?
Thôi thì trời chả triệt đường sống của ai. Còn đầy công, đầy việc. Chả vó bè nữa, thì đi làm việc khác, có sao đâu?


===========================
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: