Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

ĐÀ NẴNG - DÂN BAO VÂY KHU CÔNG NGHIỆP GÂY Ô NHIỄM




Dân bao vây KCN: "Ngày nào cũng hít thứ này thì còn chi là phổi"
Người dân bức xúc trước tình trạng ô nhiễm ở KCN Liên Chiểu
 
Dân bao vây KCN: 
"Ngày nào cũng hít thứ này thì còn chi là phổi"

Đình Thức
SoHa
02/06/2016 07:52 


Người dân bao vây trạm xử lý nước thải của KCN Liên Chiểu để yêu cầu lãnh đạo TP Đà Nẵng đối thoại bàn cách "di dời dân chúng tôi đi chứ không bị ung thư hết vì ô nhiễm nặng".

Dân "vạn bất đắc dĩ" mới rủ nhau bao vây KCN

Tối 1-6, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc đối thoại khẩn với người dân khu vực Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) ngay tại 1 lán trại dã chiến bên cạnh KCN Liên Chiểu.

Trước đó, người dân khu vực Kim Liên đã tập trung bao vây trạm xử lý nước thải tập trung trong KCN Liên Chiểu vì phải chịu đựng môi trường ô nhiễm quá trầm trọng. 

Ông Lê Sử (trú khối phố Kim Liên) thay mặt bà con cho hay phải "vạn bất đắc dĩ" mới rủ nhau ra bao vây khu công nghiệp. 

Dân bao vây KCN: Ngày nào cũng hít thứ này thì còn chi là phổi - Ảnh 1.
Trạm xử lý nước thải KCN Liên Chiểu bị tố gây ô nhiễm và ung thư cho người dân

"KCN xây trạm xử lý nước thải này mới hai năm nhưng ảnh hưởng nặng nề với dân chúng tôi. Bà con ngày đi làm đêm về nhà ăn miếng cơm rồi ngủ mà mùi hôi thối không chịu nổi.

Bà con cứ thay nhau hết người này đến người khác bị ung thư thì ai mà chịu nổi. Trước đây làm gì có chuyện dân ở đây bị ung thư nhiều như vậy", ông Sử chất vấn. 

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến của người dân vô cùng tức tối vì mùi hôi không thể chịu đựng được từ trạm xử lý nước thải. 

"Các anh ngồi có ngửi được hay không mà bắt dân tôi ngửi, dân tôi ăn. Dân chúng tôi ngày nào cũng hít thứ này thì còn chi là phổi, là gan. 

Tôi đề nghị thành phố cấp bảo hiểm cho nhân dân chứ chúng tôi đang bị ảnh hưởng sức khỏe ghê gớm", bà Phạm Thị Cúc bức xúc. 

Dân bao vây KCN: Ngày nào cũng hít thứ này thì còn chi là phổi - Ảnh 2.
Bà Phạm Thị Cúc: "Dân chúng tôi ngày nào cũng hít không khí ô nhiễm"

Nhiều người dân ở khối phố Kim Liên đang mang trong mình căn bệnh ung thư cũng đến để bày tỏ ý kiến tại cuộc đối thoại với UBND TP Đà Nẵng. 

"Tôi phát hiện ung thư được gần nữa năm nay. Toàn khu vực này có biết bao nhiêu người bị ung thư chết rồi các anh có đếm được không. 

Khi chưa có KCN thì dân đâu có bị ung thư như bây giờ. Dân chúng tôi phản ứng, quây nhà máy là vì tức nước vỡ bờ do họ gây ô nhiễm quá. 

Dân bị ung thư, môi trường ô nhiễm thì tính ra Sở Tài nguyên môi trường phải chịu trách nhiệm. Nếu anh quản lý tốt thì làm sao thành phố phải chỉ đạo, dân phải phản ứng", ông Phạm Bá Đương (67 tuổi, trú tổ 18), bức xúc nói. 

"Dân chúng tôi ở đây da thì nổi mẩn ngứa hết mà gọi điện bên Sở Tài nguyên môi trường về lập biên bản nhiều lần nhưng có thấy xử lý gì đâu. 

Các anh phải di dời dân chúng tôi đi nơi khác chứ không bị ung thư hết. Tội lắm, đời chúng tôi thì gần hết rồi mà còn đời con đời cháu nữa", ông Lý Văn Tiến, một bệnh nhân ung thư khác, bày tỏ. 

Thay ngay đơn vị xử lý nước thải 

Trước những bức xúc của người dân, cuộc đối thoại do ông Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì đã kéo dài đến hơn 19 giờ vẫn chưa thể kết thúc. 

Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết người dân bao vây, thậm chí đập phá trạm xử lý nước thải là do bị ức chế. Ông Hưng cho hay KCN Liên Chiểu do công ty CP đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng làm chủ đầu tư. 

Trong khi đó, trạm xử lý nước thải tập trung do Công ty TNHH khoa học công nghệ môi trường Quốc Việt (trụ sở ở TP.HCM) quản lý, vận hành. 

Dân bao vây KCN: Ngày nào cũng hít thứ này thì còn chi là phổi - Ảnh 3.
Người dân Kim Liên đề nghị di dời dân nếu không "chúng tôi sẽ bị ung thư hết"

Lắng nghe ý kiến bức xúc của người dân, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay thành phố không đánh đổi môi trường để phát triển các hoạt động kinh tế bằng mọi cách.

"Chúng ta hoạt động kinh tế để phát triển thành phố nhưng phải đảm bảo môi trường. Đại diện của bà con phát biểu, tôi cho rằng là thực tế và xuất phát từ bức xúc của họ", ông Tuấn nói. 

Ông Hồ Trương Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Cty Sài Gòn-Đà Nẵng đã xin lỗi người dân tham gia cuộc đối thoại và người dân khu vực Kim Liên vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Theo ông Hải, nguyên nhân một phần là do công ty không giám sát chặt hoạt động của đơn vị xử lý nước thải là công ty Quốc Việt. 

"Chúng tôi sẽ không hợp tác với công ty Quốc Việt nữa. Đơn vị mới xử lý nước thải là công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng. 

Trước mắt, công ty sẽ cố gắng hết sức để hạn chế mùi hôi thối của trạm. Về lâu dài chúng tôi sẽ xin thành phố cấp đất để xây dựng nhà máy xử lý mới có công nghệ cao và quy mô hơn. Trạm xử lý cũ vừa công suất yếu, công nghệ không được tân tiến lắm nên nó sẽ xảy ra những sự cố tiếp theo. 

Chúng tôi sẽ có trạm xử lý nước thải mới vào quý 1-2017 và cam kết không để xảy ra ô nhiễm", ông Hải khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đồng tình với ý kiến của người dân việc ô nhiễm kéo dài là trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên môi trường.

Phó chủ tịch TP Đà Nẵng đã yêu cầu lập ngay đoàn kiểm tra để đánh giá hiệu quả hoạt động của trạm xử lý nước thải tập trung. Đoàn thanh tra phải báo cáo kết quả với thành phố trước ngày 15-6. 

Dân bao vây KCN: Ngày nào cũng hít thứ này thì còn chi là phổi - Ảnh 4.
Cuộc đối thoại tại lán dã chiến kéo dài đến tối mới xong

"Sở Tài nguyên môi trường phải tiến hành làm rõ hành vi để xử phạt đúng quy định pháp luật đối với chủ đầu tư và đơn vị vận hành trạm xử lý nước thải.

Sở lập đoàn thanh tra thì cần có đại diện người dân để cùng với chính quyền giám sát việc kiểm tra ô nhiễm", ông Tuấn chỉ đạo.

Kết thúc buổi đối thoại, người dân khu vực Kim Liên đồng ý sẽ ngưng việc bao vây KCN Liên Chiểu. Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu , và ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường đã công khai số điện thoại với người dân để nhận phản ánh trực tiếp. 

.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: