Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Dang dở


Gió bay từ muôn phía. Tới đây ngập hồn anh. Rồi tình lên chơi vơi. Thuyền anh một lá ra khơi. Về em phong kín mây trời. Ðêm đêm ngồi chờ sáng, mơ ai. Mộng nữa cũng là không. Ta quen nhau mùa thu. Ta thương nhau mùa đông. Ta yêu nhau mùa xuân. Ðể rồi tàn theo mùa xuân. Người về lặng lẽ sao đành…”
Giai điệu thiết tha của “Tà Áo Xanh,” cũng chính là cung khúc vô biên của “Dang Dở” vang lên trong trí tưởng, khi tôi ngồi giữa thời gian, một thời gian được mệnh danh là ngõ hẹp của tâm tư, là ngõ rộng của cuộc đời, và là chiều thứ tư của vũ trụ. Chỉ là giai điệu thôi, nhưng âm hưởng độc huyền của khúc hát
“Ta quen nhau mùa thu
Ta thương nhau mùa đông
Ta yêu nhau mùa xuân
Ðể rồi tàn theo mùa xuân
Người về lặng lẽ sao đành”
Ðã khiến cõi người ta hiểu rất rõ thế nào là người gần để ly biệt, thế nào là ra đi hay trở về cũng không đành. Ca từ của “Tà Áo Xanh-Dang Dở,” xui giục lòng tôi nhớ khúc tâm ca của Thiền Sư Tuệ Sỹ:
Ðôi mắt ướt tuổi vàng trên khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn. Ðể cảm nhận “Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở. Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan. Cười với nắng một ngày sao chóng thế. Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng.” Cũng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu mà một ngày sao chóng thế. Cũng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu, mà mùa đông với mùa hạ liên tiếp đến, vẫn cứ phải hỏi lòng buồn chăng. Hình như bất cứ ai trên cõi đời này, cuối cùng vẫn không bằng lòng với những gì họ đã thực hiện, những gì họ đã thành công, những gì họ đã có và đã nắm bắt được.Vậy thì phải chăng dang dở là vấn nạn, khi ai đó nhận thức và ý thức về thân phận cùng khốn của kiếp người. “Trăm năm còn có gì đâu. Chẳng qua một đám cỏ khâu xanh rì.” Nguyễn Gia Thiều đã nói như vậy. Ðặng Trần Côn-Ðoàn Thị Ðiểm cũng nói như vậy, khi minh họa bằng những hình ảnh khác: Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo. Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò. Nguyễn Du không ngoại lệ, đã từng thở than: “Sè sè nấm đất bên đàng. Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.”
Có nghĩa là những người đã cống hiến rất nhiều, vẫn cảm nhận nguyên khối dở dang. Những dang dở quen thuộc nhất nhưng cũng khiến cõi người ta bi lụy nhất, đó là sự dang dở giữa người ra đi và người còn ở lại, đó là sự dang dở của những người tài hoa lỡ vận. Tâm hồn càng lớn, tài năng càng cao, ý nguyện càng nhiều. Thế nên làm sao lại chẳng dang dở. Bao nhiêu biểu hiện tiếc thương mến mộ giữa người đi và người ở, giữa người sống và người chết, giữa tài hoa và nghịch cảnh, là bấy nhiêu sự níu kéo bất lực, bấy nhiêu mối giao tình, bấy nhiêu ước mơ đã chùng xuống, đã kết thúc, đã phải đứng trước bước đường cùng. Sự dang dở này có thể là một phương trình chứa đầy ẩn số, có thể là một phương trình vô nghiệm. Ngày lại qua ngày, đời sống dư đầy những con số chưa biết sẽ kết thúc như thế nào. Phải chăng chính vì thế, bây giờ cũng giống thuở xưa, từng giòng người, từng thế hệ mải miết thinh lặng kiên định đi tìm kết quả của một phương trình có nhiều ẩn số, của một phương trình vô nghiệm, cho dẫu không nhiều hy vọng. Từ đó, dang dở bỗng dưng cách điệu, bỗng dưng trở thành những điều thân quen, đáng trân quý. Mặc dù sự thân quen đáng trân quý của dang dở có khác thường, có khập khiễng, bởi vì ngăn sông cách núi, bởi vì tình cảnh trái ngang, bởi vì âm dương cách biệt. Trên cao lộng gió, giữa rừng thông ngàn năm ngời xanh, những người trưởng thành từ nhiều cảnh ngộ dang dở, chừng như đã dứt bỏ được những tỵ hiềm, ích kỷ, căm hận, oán thù, để tâm linh tương thông giữa trời cao đất rộng.
Lên đường là tiếng gọi định mệnh của dang dở. Hình như bất cứ ai sống trên cõi đời này, cũng đều khởi đi từ một hành trình dang dở thật lâu dài, giữa đêm đen vô tận. Hành trình dang dở này không chỉ cần một đôi chân rắn chắc, bền bỉ, không mỏi mệt, lụi tàn; mà còn cần một điều gì đó khác thường của định mệnh. Há chẳng phải suốt chiều dài lịch sử nhân loại, cõi người ta đã nhận lãnh sứ mệnh đi trên cuộc hành trình tìm kiếm định mệnh dang dở hay sao? Ðịnh mệnh dang dở này khởi từ thần quyền của Tạo Hóa, hay từ một bàn tay đầy uy lực nào đó trong giòng thế sự mênh mông? Cho dẫu bắt đầu từ căn nguyên cội rễ nào, phải chăng Alpha vẫn là khởi đầu của cuộc hành trình lên đường theo tiếng gọi định mệnh của dang dở, và Omega chính là cùng đích của sự dở dang. Phải chăng “từ núi lạnh đến biển im muôn thuở. Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan.”Nên “đôi mắt ướt tuổi vàng trên khung trời hội cũ.” Nên “áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang.” Nên Ðoàn Chuẩn-Từ Linh đã hát:“Có màu nào không phai. Như màu xanh ái ân.” Cho dẫu là như thế, cho dẫu“mộng nữa cũng là không,” thì “người về lặng lẽ sao đành.”
Con đường dang dở lâm ly. Ai qua bến khác hồ nghi kiếp người.
HV – 10:30am Thứ Bảy ngày 18 tháng 06 năm 2016
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: