TNc: Vào các ngày 24-25-26 tháng này, Hội nghị Lí luận phê bình văn học lần thứ Tư sẽ được tổ chức tại Tam Đảo để đánh giá công việc phê bình lí luận, một điểm yếu nhất trong hoạt động văn chương. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Hiếu góp phần thảo luận vấn đề này...
Cũng xin thông báo nếu Internet tốt, bản web sẽ tường thuật tại chỗ diến biến Hội nghị này. Xin các bạn đón đọc.
Khi đánh giá về đặc điểm của đất nước ta chúng ta thường bắt gặp một định ngữ gần như bất di bất dịch” Việt Nam là một nước nông nghiệp, trong đó gần 90 % dân số sống bằng nghề nông”. Còn trong một câu đầy chất văn chương của một học giả thì khẳng định “lật áo xem lưng bất cứ một vị tiến sĩ, giáo sư , nhà khoa học, văn sĩ nào của nước ta cũng thấy hằn lên những vết chạc trâu “. Từ thực tế đặc trưng như vậy nên có thể khẳng định nông thôn là một đề tài lớn, trung tâm của văn học cũng như các loại hình nghệ thuật khác của Việt nam. Nhưng điểm lại các thành tựu văn học –nghệ thuật gần hai thế kỉ nay lại thấy đề tài này không được coi trọng và thể hiện một cách xứng đáng như mong muốn
Xét về loại hình văn học nếu lấy cột mốc từ đầu thế kỉ 20 dù muốn đứng từ góc độ nào cũng cần khẳng định ở phía Bắc có Phạm Duy Tốn với truyện ngắn “vỡ đê” là tác phẩm coi như mở đầu cho văn học Việt nam với đề tài viết về nông thôn, nhưng số lượng tác phẩm của ông lại quá ít so với cây bút cũng viết về đề tài này ở phương Nam là Hồ Biểu Chánh. Nhà văn họ Hồ này có không dưới vài chục cuốn tiểu thuyết viết về làng quê vùng nam bộ kể cả cuốn “ngọn cỏ gió đùa” là một kiểu Việt nam hóa bộ tiểu thuyết bất tử “ những người khốn khổ” của V. Huy Gô. Đến giai đoạn 30-45 thì đề tài nông thôn ở phía Bắc có vượt trội lên với số lượng các nhà văn cùng số tác phẩm có thể xem là viết đích thực và dựng được những nét điển hình về nông thôn và nông dân Việt nam giai đoạn này. Đó là Nguyễn Công Hoan với”bước đường cùng”,Ngô Tất Tố với “tắt đèn”, một vài truyện ngắn của Kim Lân, Bùi Hiển… Tác phẩm của anh em Thạch Lam, Khái Hưng cũng ít nhiều có những tác phẩm viết về nông thôn song thực chất những tác phẩm của họ chỉ lấy nông thôn làm bối cảnh câu chuyện, mà hầu như không có nhân vật nông dân đích thực mà chỉ là những con người mang tính tiểu tư sản phố huyện, tỉnh lẻ….
Đến giai đoạn văn học thập niên 60,70 của thế kỉ 20 người ta nhắc đến Đào Vũ với “vụ lúachiêm”, Nguyễn Thị Ngọc Tú với”đất làng “,Ngô Ngọc Bội với “ao làng”…Nhưng trong một lần đàm đạo với nhà văn Trần Ninh Hồ tại trại sáng tác “cây bút vàng “của ngành Công an mở ở Đồ Sơn đầu năm 2016 thì ông đưa ra một quan điểm mà tôi rất đồng tình đó là “các tác phẩm ấy chỉ viết về nông nghiệp chứ không phải nông thôn”. Riêng tôi cho rằng giai đoạn đó tác phẩm mang dáng dấp nông thôn nhất chính là bộ tiểu thuyết hai tập ”bão biển” của Chu Văn và “nắng “của Nguyễn Thế Phương.
Lý do nhà văn Trần Ninh Hồ đưa ra khá thuyết phục khi ông cho rằng” các tác phẩm đó chỉ viết về nông nghiệp chứ không phải về nông thôn vì họ chỉ viết về cái vỏ hình thức nông thôn trên con đường chuyển đổi phương thức làm ăn từ cá thể sang tổ đổi công lên Hợp tác xã chứ chưa mô tả, khắc họa được hình tượng tính cách người nông thôn với những đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ông cho rằng vẽ được tương đối rõ và ít nhiều khái quát được hình tượng người nông dân trong văn học hiện nay là nhân vật “Liễu “trong tiểu thuyết “con ngố “( Nhà xuất bản Lao Động 2007). Còn phía nam có nhà văn trẻ Nguyễn Thị Ngọc Tư cũng thành công về hình tượng người nông dân Nam bộ trong một số tác phẩm.
Từ lĩnh vực văn chương chúng ta chuyển qua lĩnh vực điện ảnh cũng thấy có hiện tượng thiếu hụt hình tượng nông dân và nông thôn. Tuy vậy cũng cần nhận ra một thực tế là gần đây. Nông thôn,và ít nhiều hình ảnh người nông dân được điện ảnh khu vực phía nam phản ảnh nhanh nhậy, chân thực và đa dạng tạo ra bức tranh đã sắc, sinh động của thực tế nông thôn và nông dân hơn so với điện ảnh của các nhà làm phim phía bắc.
Tôi thú thực là cách đây hơn một năm tôi hầu như không xem phim do các nhà làm phim phía nam sản xuất. Đơn giản vì không hợp với gu diễn xuất và nhất là cách gây cười tuy tiện,cũng như sự phóng đại trong cách diễn của một số diễn viên phía nam. Nhưng thật tình cờ tôi xem được bộ phim truyền hinh dài tập”cù lao lúa” thì tôi thực sự bị hấp dẫn bởi dòng phim về đề tài nông thôn phía nam.
Vậy là liên tiếp tôi theo dõi một cách chăm chú và thực sự bị hấp dẫn các bộ phim dài tập viết về người nông dân trong bối cảnh nông thôn trong sự biến đổi,thăng trầm hiện nay, ngoài “cù lao lúa” còn có ”phận bạc long đong”, ”ra giêng anh sẽ cưới em”( chuyển thể từ vở cải lương cùng tên), “hiệp sĩ giữa đời thường”, rồi “mắt lụa”, “hai người cha “…. Tôi nhận ra các nhà làm phim phía nam quả là nhanh nhậy khi họ chạm đến những vấn đề hấp dẫn đang được quan tâm như tình làng nghĩa xóm đang bị mất đi, sự đô thị hóa quá nhanh làm mất đi bản sắc chân chất làng quê, vấn đề làm ăn của nông dân ra sao khi các dự án đang lấn nhanh đồng ruộng, vấn đề các làng nghề truyền thống đang bị băng hoại vì cách làm ăn gian dối,vì sự xâm nhập của công nghiệp, sự ô nhiễm của làng quê …
Cũng cần phải nói thêm ngoài các vấn đề phản ảnh là thực trạng nóng bỏng có sức hút với người xem thì sự hấp dẫn của các bộ phim này được nhân lên nhờ vào khả năng diễn xuất của hàng loạt diễn viên đã thành danh như Hoài Lình, Công Ninh…đang thành danh như Lương Thế Thành …họ đã dựng lên những nhân vật rất nông thôn ở vùng miệt vườn và sông nước Nam bộ kiểu như “Sáu Bảnh”( Hoài Linh,) “Tám Su mô”( diễn viên ngoại kiều) Mót( Lương Thế Thành) trong “ra giêng anh sẽ cưới em”, hay Lê Phương trong”nghiêng nghiêng dòng nứơc”,”thế lực ngầm”....
Trong khi đó các nhà làm phim miền Bắc kể các một số đạo diễn từng được duy danh là thành thạo về nông thôn như Nguyễn Hữu Phần, Quốc Trọng…thì tôi có cảm giác họ vẫn chưa thoát ra khỏi những thành công quá khứ của họ để tìm ra cách làm phim mới về nông thôn với những vấn đề bức thiết, nóng hổi đang được quan tâm.
Có thể nói việc phê phán lối làm ăn nông nghiệp một thời bao cấp đã được những bộ phim nổi tiếng và trong chừng mực có thể coi như là những phim đóng đinh-điển hình “bí thư Tỉnh”, “ma làng “… đã hoàn thành nhiệm vụ của đề tài này.
Nhưng gần đây “ma làng sau mười năm”đã thất bại, và không tạo ra sự hấp dẫn đối với người xem thì hiện nay “gia phả của đất” cũng đang dẫm vào bước chân của “ma làng sau mười năm”. Vẫn là một lối khai thác đề tài cũ kĩ, không còn được quan tâm, vẫn là lối kể đơn điệu, lên gân theo ý đồ chủ quan người làm phim cùng lối diễn sơ cứng, theo lối mòn bởi các số phận nhân vật quá mỏng, thiếu sự đa dạng theo kiểu phim về “nông nghiệp chứ không phải nông thôn”như cách nói của nhà văn Trần Ninh Hồ.
Truyền hình đứng về mặt thể loại cũng là một tờ báo tổng hợp. Sự hút khách của báo chí bắt đầu từ những gì độc giả, khán giả quan tâm, trong đó phải tính đến cả sự tò mò, khám phá vốn là đặc trưng của con người được biểu hiện thông qua tài năng nghệ thuật.
Dòng phim chính luận như “bí thư tỉnh” vốn được khán giả phía bắc ưa chuộng và cuốn hút, nhưng vì dẫm lại đường mòn , mô phỏng lại đề tài phê phán đã đạt đỉnh cao kiểu này. Vì các nhà làm phim phía Bắc gần như bỏ quên nếu không muốn nói là không nhìn ra, bám sát các sự kiện , các vấn đề nóng hổi đang xẩy ra ở nông thôn hiện nay như tình hình mất ruộng, tinh hình ô nhiễm môi trường trong làng nghề , sự băng hoại đạo đức ,sự đô thị hóa… đã tạo ra nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng là phim về nông thôn của các nhà làm phim phía bắc không nói lên những gì người dân đang quan tâm, do đó đã đánh mất sức hút lớn lao đối với đông đảo khán giả truyền hình đối với dòng phim này.”Ma làng sau mười năm” và “gia phả của đất” đang là những ví dụ đáng suy ngẫm
Quỳnh Mai giữa tháng 4/2014
Nhà văn Nguyễn Hiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét