Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

SÔNG HẬU SẼ BỊ BỨC TỬ NẾU VN NGHE THEO Chủ đầu tư nhà máy giấy Trung Quốc cam kết không 'bức tử' sông Hậu



VNE
Thứ năm, 23/6/2016 | 21:51 GMT+7 

Dù cam kết chất lượng nước thải xả ra sông Hậu luôn phải đạt tiêu chuẩn A, thậm chí tốt hơn nhưng đại diện chủ đầu tư cũng thừa nhận chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường cho toàn bộ dự án tỷ USD này kể từ khi tái khởi động.

VASEP lo nhà máy giấy Trung Quốc 'bức tử' sông Hậu
Chủ đầu tư nhà máy giấy lớn nhất Việt Nam cam kết không "bức tử" sông Hậu. 

Sau khi báo chí thông tin về mối lo ngại sông Hậu có nguy cơ bị "đầu độc" khi Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam hoạt động vào tháng tới, ngày 23/6, đơn vị này tổ chức họp báo thông tin quy trình xử lý nước thải và cam kết xả thải đảm bảo các quy định hiện hành của Việt Nam.

Ông Chung Wai Fu, Tổng giám đốc công ty cho biết hiện nhà máy có công suất 420.000 tấn một năm đã hoàn thành giai đoạn một 95%, sẽ chạy thử nghiệm vào giữa tháng 7/2016 và chính thức hoạt động sau đó một tháng.

Mỗi ngày nhà máy "tiêu thụ" 20.000 m3 nước sông Hậu để phục vụ sản suất và xả ra môi trường 10.000 m3 nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn A.

Trong giai đoạn một, nhà máy xử lý nước thải có công xuất 20.000m3 một ngày một đêm với quy trình công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn quốc tế và mới nhất Việt Nam hiện nay. Tại nhà máy có hệ thống quan trắc kết nối với Sở Tài nguyên môi trường Hậu Giang và các cơ quan chuyên môn do Bộ Tài nguyên môi trường chỉ định để kiểm soát chất lượng nước xả thải 24/24 giờ.

“Chúng tôi chỉ có một đường ống xả thải trên mặt đất, khu vực cửa xả công khai, cơ quan chức năng và người dân hoàn toàn có thể kiểm tra, giám sát. Nước thải nhà máy xả ra thậm chí tốt hơn tiêu chuẩn A. Theo quy định hiện hành thì nhà máy được phép xả thẳng ra môi trường”, Tổng giám đốc Chung Wai Fu nói và khẳng định trong quá trình xả thải, nếu thiết bị kiểm soát phát hiện nước thải không đạt chuẩn A thì lập tức vận ngành ngược trở lại quy trình xử lý. Vì thế hoàn toàn không có chuyện đầu độc sông Hậu.

“Chúng tôi luôn xác định bảo vệ môi trường là yếu tố sống còn, phát triển lâu dài của tập đoàn. Vì thế cho dù đầu tư ở đâu, cũng phải đặc biệt chú trọng vấn đề này”, ông Chung Wai Fu nói và cho biết thêm trong quá trình sản xuất giấy, nhà máy hoàn toàn không sử dụng xút (NaOH). Còn trong quá trình xử lý nước thải thì có dùng ít xút để trung hòa độ PH khi cần thiết chứ không phải ngày nào cũng dùng. 

Tổng giám đốc Chung Wai Fu giới thiệu quy trình xử lý nước thải của nhà máy. 

Trong khi đó, báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Thủ tướng nêu rõ nhà máy này có sử dụng xút cho quá trình xử lý nước thải với liều lượng cao nhất khoảng một tấn một ngày (để trung hòa PH khi cần thiết).

Trước nghi vấn công nghệ chủ yếu của nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam lạc hậu và do Trung Quốc sản xuất, Tổng giám đốc Chung Wai Fu khẳng định công nghệ xử lý nước thải hiện đại nhập từ châu Âu với thiết kế, kỹ thuật tiên tiến nhất. Trong tập đoàn, hiện chỉ có nhà máy tại Việt Nam sử dụng công nghệ này. Cụ thể, máy chủ thiết bị sản xuất từ Hàn Quốc; bộ phận tạo bột giấy của Thụy Điển, dây chuyền hấp của Đức… và tất cả đều mới.

Tuy nhiên, vị tổng giám đốc này cũng thừa nhận từ khi khởi động lại dự án hồi năm 2014 đến nay, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường cho toàn bộ dự án. “Từng hạng mục riêng rẽ đều có phép và có báo cáo được phê duyệt. Chúng tôi đang tổng hợp lại để có báo cáo đánh giá tác động môi trường cho toàn dự án, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp”, ông Chung Wai Fu nói, đồng thời khẳng định các giai đoạn của dự án đều sản xuất giấy, hoàn toàn không sản xuất bột giấy.

Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 17/6 của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Thủ tướng có nêu "dự án đã xây dựng cơ bản hoàn chỉnh đối với nhà máy sản xuất giấy cứng, bao bì cao cấp, sản lượng 420.000 tấn một năm… Riêng nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn mỗi năm dự kiến đến năm 2017 bắt đầu triển khai và sản xuất thử nghiệm vào tháng 10/2018… Nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng có sử dụng khoảng 215 tấn xút một ngày và được thu hồi trong quy trình sản xuất…

Dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD được khởi công xây dựng tháng 8/2007 tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Sau đó, dự án gặp một số khó khăn, bị đình trệ đến năm 2014 mới khởi động lại.

Mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn lên Thủ tướng cho biết dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam nằm trên cặp bờ sông Hậu (thuộc tỉnh Hậu Giang) sắp đi vào hoạt động đang khiến người dân cũng như doanh nghiệp thủy sản tại đây hoang mang.

Theo VASEP, công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH) là nhiều nhất, đứng thứ hai sau cyanuya, thạch tín. Trong khi đó, khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn.

Để ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm có thể xảy ra, VASEP gửi công văn khẩn cấp tới Quốc hội và Chính phủ đề nghị chỉ đạo gấp việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án trên. 
Bài và ảnh: Cửu Long
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: