Theo chương trình kỳ họp 11, ngày 6/4, Quốc hội
sẽ miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo chương trình kỳ họp thứ 11 – kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, Quốc hội sẽ dành 10,5 ngày để kiện toàn các chức danh lãnh đạo nhà nước: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng. Vì sao Quốc hội cuối nhiệm kỳ lại bầu các chức danh trên?Theo chương trình làm việc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13, đối với công tác nhân sự, bắt đầu từ sáng ngày 30/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội. Một ngày sau, Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Tiếp đó, chiều 31/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Sáng 2/4, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Đến sáng 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng. Ngày 7/4, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ tại Quốc hội.
Tuy nhiên, trong dư luận vẫn còn ý kiến thắc mắc là tại sao Quốc hội khóa 13 cuối nhiệm kỳ lại kiện toàn các chức danh lãnh đạo trên mà không đợi tới kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14.
Về thắc mắc trên, trao đổi với phóng viên Infonet tối 22/3, ông Lê Văn Cuông, Đại biểu Quốc hội khóa 11, 12 (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa) cho biết, việc này đã có tiền lệ từ Quốc hội khóa 11.
Theo ông Lê Văn Cuông, trong nhiệm kỳ của Quốc hội, theo sự phân công của Đảng, vì Đảng lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của đất nước, trong đó có lãnh đạo về công tác nhân sự cho nên công tác cán bộ là công tác của Đảng. Vì vậy, sau Đại hội Đảng, Đảng có sự phân công các đồng chí lãnh đạo phụ trách cơ quan của Đảng, Nhà nước, trong đó có Quốc hội, Chính phủ. Vì thế, vấn đề trên diễn ra bình thường và không có gì là mới hay chưa có tiền lệ.
Ông Lê Văn Cuông cho biết, trước đây thường đến khi bầu Quốc hội khóa mới xong mới kiện toàn bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, từ nay đến thời gian bầu xong Quốc hội khóa 14 xa quá. Do vậy, không thể để có một “khoảng trống quyền lực” được.
Hơn nữa, từ nay đến đó, các đồng chí đứng đầu nhà nước như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng lại không ở trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, không ở trong Bộ Chính trị thì sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng cũng bị ảnh hưởng.
ĐBQH khóa 11, 12 Lê Văn Cuông
Theo ông Lê Văn Cuông, mỗi khi Trung ương họp hay là Bộ Chính trị họp để bàn những vấn đề trọng đại của đất nước liên quan đến công việc của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ mà những đồng chí đứng đầu lại không tham gia và không có ý kiến, không có sự lãnh hội các chủ trương đó để thực hiện thì rất khó.
Vì vậy vấn đề này đã có tiền lệ, là bình thường và nhất thiết phải tiến hành khẩn trương để cho những đồng chí mới được phân công nhanh chóng nhập cuộc với công việc và những đồng chí cũ không nằm trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị hiện đang giữ chức vụ đó cũng đỡ lúng túng, vướng mắc hoặc chờ đợi. Mục đích của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước sớm là để công việc được vận hành trơn tru.
“Vấn đề này, tôi nghĩ đây cũng là việc làm rất cần thiết để tạo tiền đề cho nhiệm kỳ sau. Khi các đồng chí vào cuộc nắm bắt tình hình quen rồi, sau bầu cử Quốc hội sẽ kiện toàn lại các chức danh này. Khi đó các đồng chí mới này đã quen với công việc, hoặc là đã xây dựng đề án, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ sau thuận lợi hơn.Do vậy đây là điều không có vấn đề gì, ngoại trừ nó tạo ra tính kế thừa cho các bộ máy được vận hành liên tục, tạo cho những người lãnh đạo mới nhập cuộc thuận lợi và tạo điều kiện cho Quốc hội khóa 14 cơ sở vững chắc hơn”, ông Lê Văn Cuông nói.
Trước đó, tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13, giải thích về việc Quốc hội xem xét vấn đề nhân sự sớm hơn so với thường lệ, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đây không phải là lần đầu tiên mà đã có tiền lệ.
“Tôi nhớ tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 11 vào tháng 6/2006 chúng ta cũng đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo của Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội... nhưng tới tháng 7/2007 mới tiến hành kỳ họp 10 của Quốc hội khoá 11”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhắc lại, sau Đại hội Đảng 12, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 và Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới. Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội Đảng và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng. Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá 13 theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
“Năm nay là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng 12 nên cần khí thế mới ngay trong công tác nhân sự để thực hiện tốt tinh thần của Nghị quyết. Nhân sự do Đảng lãnh đạo thì Đảng sẽ có giới thiệu ra Quốc hội để ĐBQH thay mặt nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh này”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Ngoài kiện toàn các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp cuối cùng này, vào ngày 8/4, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Tới 9/4, Thủ tướng trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Sau khi bỏ phiếu kín, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Tuấn Minh
http://infonet.vn/vi-sao-bau-chu-tich-nuoc-thu-tuong-o-cuoi-nhiem-ky-quoc-hoi-13-post194162.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét