John Sudworth
Tổng cộng 20 người đã bị bắt giam ở Trung Quốc sau khi lá thư kêu gọi tịch Tập Cận Bình từ chức được công bố, nguồn tin nói với BBC.
Bức thư đã được đăng hồi đầu tháng này trên Wujie News, một trang tin điện tử do nhà nước kiểm soát.
Dù nhà chức trách nhanh chóng xóa lá thư, bản cache của nó vẫn có thể tìm thấy trên mạng.
"Thưa đồng chí Tập Cận Bình, chúng tôi là những Đảng viên Cộng sản trung thành," bức thư mở đầu và tiếp đi thẳng vào vấn đề.
"Chúng tôi viết thư này yêu cầu đồng chí Tập Cận Bình từ nhiệm khỏi chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước”.
Nhưng tất nhiên, ở Trung Quốc, và nhất là trên một website chính thức, lá thư này là chưa có trong tiền lệ do vậy mà đã có dấu hiệu chính quyền phản ứng mạnh tay.
Việc bắt giam phóng viên Cổ Gia đã được tường thuật là liên quan đến lá thư.
Bạn bè của Cổ Gia nói ông này chỉ gọi biên tập của trang đăng thư để hỏi thêm thông tin sau khi đọc được nó.
Phóng viên BBC đã nói chuyện với một nhân viên trang tin Wujie. Người yêu cầu giấu tên và cho hay rằng ngoài Cổ Gia có thêm 16 người đã bị "đem đi".
'Bị hack'?
Nguồn tin cho biết những người bị bắt gồm sáu đồng nghiệp làm cho website này, trong đó có một quản lý, một biên tập viên, và 10 người khác làm cho một công ty IT liên quan đến vụ việc.
Bức thư nhấn mạnh vào những gì người viết gọi là Tập Chủ tịch nắm toàn bộ quyền lực trong tay mình và cáo buộc ông gây ra những sai lầm nghiêm trọng về về kinh tế và ngoại giao, cũng như hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân.
Bức thư nhắc đến yêu cầu gần nhất của ông Tập rằng truyền thông Trung Quốc "phải tuyệt đối trung thành với Đảng".
Bản gốc hiện vẫn còn trên trang Canyu bằng tiếng Trung ở nước ngoài và được tải lại trên các tài khoản cá nhân ở Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là tại sao trang Wujie lại đăng lá thư này?
Đã có giả định là website này bị hack.
Giả định này có thể lý giải tại sao chính quyền bắt giữ 10 nhân viên IT.
Sau khi bức thư bị xóa, website Wujie không thể truy cập một lúc nhưng hiện đã hoạt động bình thường.
Nhân viên trang tin điện tử này nói với chúng tôi rằng các phóng viên còn lại hiện đã ngưng viết bài mới, và website này chỉ đăng lại bài từ Tân Hoa Xã và tờ Nhân Dân.
Wujie có đồng sở hữu là Tập đoàn Truyền thông SEEC, công ty Alibaba và chính quyền Tân Cương.
Dù tính xác thực của bức thư đó bị nghi ngờ và báo Trung Quốc không đề cập đến, nhưng báo chí nước ngoài rất quan tâm đến vụ này.
Một số nhà quan sát ghi nhận rằng bức thư xuất hiện trong bối cảnh có những chỉ trích về chính sách kiểm soát báo chí của Tập Chủ tịch.
Ông trùm bất động sản Nhậm Chí Cường, người có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội, chỉ trích ông Tập ‘đặt nhu cầu của Đảng cao hơn của người dân’.
Tài khoản Weibo của ông lập tức bị xóa và ông bị các báo do đảng chỉ đạo tấn công về việc "muốn gây ảnh hưởng đê tiện".
Trương Thiên Phàm, giáo sư luật Đại học Bắc Kinh nói: “Dường như chính quyền đang muốn quay lại thời gian trước, dùng một số chiến thuật mà Mao áp dụng trong cuộc Cách mạng văn hóa chống lại trí thức hay chống lại đối thủ chính trị".
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, ngày nay nhiều người có phương tiện để chống lại việc đàn áp và kiểm soát.
"Với sự phát triển của Internet, chính quyền sẽ khó buộc người dân phải câm miệng", ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét