Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Chống tham nhũng: ‘Hổ không răng’ sao bắt được ‘mồi’?



ĐẶNG TRUNG
(PL)- “Hệ thống pháp luật, chính sách khá đầy đủ nhưng việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế. Việc xử lý tham nhũng chẳng khác nào như “hổ không răng””.

TS Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ, ví von tại buổi ý kiến dự thảo kết quả nghiên cứu, khảo sát 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 24-3 tại Hà Nội.

TS Minh cho rằng với tình hình tham nhũng như hiện nay thì nên thành lập ủy ban điều tra đặc biệt, trọng điểm trực thuộc Quốc hội. Ủy ban này sẽ chuyên điều tra tham nhũng những vụ cực lớn, có yếu tố đặc biệt để tránh sự can thiệp của những nhóm lợi ích, của các cơ quan liên quan. Sau khi điều tra xong thì chuyển đến tòa án xét xử theo quy định.

Nhiều đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng hiện nay ở nước ta các cơ quan về chống tham nhũng rất tản mạn, kể cả từ ngành kiểm sát, công an. Việc này gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố tội phạm tham nhũng vì các cơ quan này phải xử lý nhiều vụ việc khác, không riêng về tham nhũng. Do vậy việc thành lập một cơ quan chuyên trách điều tra về tham nhũng là rất cần thiết.

Đại diện nhóm nghiên cứu cũng dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế khi cho biết qua khảo sát có 46% ý kiến cho rằng cần thành lập ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng dựa trên kinh nghiệm quốc tế. TS Trần Văn Dũng, đại diện nhóm nghiên cứu, đề xuất: “Ủy ban này khi phát hiện tham nhũng chỉ cần báo cáo với chủ nhiệm và tiến hành điều tra. Về thẩm quyền, ủy ban có thể điều tra từ cấp bí thư, chủ tịch tỉnh, thành và từ cấp thứ trưởng trở lên. Nếu xác định có hành vi tham nhũng thì tiến hành xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng. Như vậy mới có thể đẩy lùi được tham nhũng, tham ô ngày càng tinh vi như hiện nay”.

TS Dũng nhấn mạnh phải có một cơ quan đặc biệt thì mới có thể ngăn chặn được tham nhũng. Cơ quan chuyên trách này phải được trao quyền cụ thể, không thể như “con hổ không răng” thì không xử lý ai được.

Ngoài ra, theo TS Dũng, người tố cáo thường không có chức vụ hoặc có chức vụ, quyền hạn thấp, trong khi người bị tố cáo thường có quyền lực cao. “Vì thế, trong tương lai phải xây dựng luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng mới động viên được người dân tố cáo hành vi tham nhũng, để việc chống tham nhũng đạt kết quả” - TS Dũng khẳng định.
***

Thu hẹp đối tượng kê khai

TS Trần Văn Dũng cho rằng đối tượng phải kê khai tài sản hiện quá rộng và có khả năng kiểm soát không hiệu quả, khó phát hiện được tham nhũng. Theo ông, việc kê khai thu nhập, tài sản không nên tràn lan và quan trọng hơn là phải xem việc kê khai đúng không để phát hiện tài sản bất minh thì xử lý.

>>> MP Blog...
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: