Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

NÀNG



Trong truyện ngắn này, nàng là nhân vật chính. Nhan đề của truyện, để ổn nhất không nên gì khác, ngoài việc đặt tên cho nó đơn giản và ngắn gọn là Nàng. Ấy tuy nhiên phải ghi nhận ở đây, nhan đề Nàng trùng với nhan đề một thi tập của nhà thơ Đỗ Quý Toàn, một người-anh-thi-sĩ của kẻ viết; cũng trùng với nhan đề một thi tập của Cát Du, nữ sĩ đất Thủ Dầu Một, tức Bình-Dương-thi-xã-hôm-nay. Kẻ viết truyện ngắn này là bạn thân thiết của Nàng, Nàng Thơ ấy, và cũng là bạn tri âm của chàng, nhà thơ X. Nghĩa là kẻ viết rành rõ chuyện của hai người, ngang bằng rành rõ những đường chỉ tay trong lòng hai bàn tay của mình. Dù sao kẻ viết cũng thừa nhận mình không hề biết xem đường chỉ tay, ngoài việc nghe người ta bảo, khi một người tắt thở im hơi, những đường chỉ tay sẽ cùng lúc biến đi mất hết.
Có lần nàng mơ dự đám tang, thấy người chết nằm thẳng thuột trong áo quan chính là mình. Choàng thức, nàng thở phào: “Ôi, chỉ là mê hoảng!” Nàng nhớ lại, ngay cả ý tưởng về cái chết nàng cũng không hề có, từ lúc Mơ Thuyên ra đời. Mơ Thuyên, Mơ Thuyên, nàng vẫn thì thầm lúc cô đơn, tự nhắc nhở mình đã có niềm an ủi lớn lao.
Mơ Thuyên ra đời giữa mẹ và người cha vắng mặt. Mỗi lần nhớ lại ngày khai sinh Mơ Thuyên ở thế chông chênh ấy, nàng nguyện dành hết những gì tốt đẹp cho con.
Người cha vắng mặt, chồng nàng, nghe tin nàng sinh con vào lúc anh ta chưa dứt cơn say. Anh ta chệnh choạng không phải để đi tới nhà hộ sinh mà tới quán rượu, tiếp tục bồi dưỡng cho cơn say dang dở. “Chờ đợi đứa con trai, vậy mà lại là một con bé,” anh ta nói với người bạn rượu, vẻ chán chường và làm dáng thêm cho cơn rã rượi. Từ lâu nàng không thể nhìn thấy người chồng, anh ta chìm dưới đáy những chai, ly… “Thời buổi này thức tỉnh để làm gì nữa… Từ thời cuộc như cái chảo đen đúa úp chụp trên đầu, tới cái gia đình lục cục khắp trong…,” anh ta nói. Tuy nhiên xem ra những lời lẽ ấy chỉ là anh ta cố tình màu mè cho cuộc đời bê tha của mình, thực chất anh ta không thay đổi được chính bản thân bạc nhược. Vậy mà anh ta chờ đợi đứa con trai nối-dõi-tông-đường!
Anh ta đi biệt từ lúc đó, không cả nhìn mặt đứa trẻ sơ sinh, và rời bỏ nàng.
Tiếp tục đi làm kiếm sống và nuôi con, một thời gian dài nàng làm việc ở xưởng sửa chữa tàu. Cây búa nhỏ cán dài trong tay, nàng cùng đồng nghiệp gõ cho sạch gỉ sét trên những thân tàu khổng lồ. Nàng nghỉ làm ở đấy không phải vì cánh tay thường xuyên nhức mỏi, hay vì nghe mãi thứ âm thanh đều đặn khô khan của tiếng búa gõ trên thân tàu. Nàng cũng không trách cứ những chàng trai cùng gõ gỉ sét luôn tán tỉnh cợt nhả, nhưng có lần nàng sợ hãi, ám ảnh bởi một anh chàng suồng sã.
Nàng nghe và nói được tiếng Anh, người bạn gái mách nàng chỗ làm thích hợp. Ông giám đốc trẻ tuổi trắng mập, hỏi chuyện nàng “để sắp xếp công việc.” Nàng vừa trả lời những câu hỏi kỳ cục và trắng trợn, vừa chịu đựng mùi nước hoa sực nức từ ông ta. “Cứ xưng là em… anh rất bình dị… thân thiện… tình cảm… Bàn tay em đẹp thế này mà phải cầm búa gõ gỉ sét, uổng phí quá! Anh sẽ… Em có thể làm thư ký riêng của giám đốc!” Ông ta nói, cùng lúc bàn tay mềm, mũm như bị phù, đặt lên trên một bàn tay nàng, xoa xoa vuốt vuốt trên bàn tay đó.
Nàng rút vội bàn tay. Lần đầu tiên trong đời, nàng đã không chào khi từ giã người nàng vừa nói chuyện. Sau lưng nàng, ông giám đốc đứng sững sờ với món quà tặng “thư ký riêng” mà người phụ nữ trẻ không son phấn điểm trang đã từ chối.
Nàng đi thẳng tới chỗ gửi xe, chiếc xe PC của hãng Honda Nhật Bản đã cũ kỹ, để về nhà. Căn nhà thuê ở khu phố nghèo, nàng cư ngụ nhiều năm, từ những năm Mơ Thuyên chưa ra đời; căn nhà thuê cùng người chồng lưu-linh-quán-rượu. Trên đường nắng gắt, mồ hôi thấm áo, nàng phải cố nhấc tay lái của chiếc xe để dắt đi, vì bánh xe trước bị xẹp lép. Người đi cùng đường, dắt chiếc xe đạp cũng bị xẹp bánh, nhìn nàng, miệng cười mở rộng hiền hòa. Tự nhiên nàng cũng cười với anh. Đấy có thể là câu chào hỏi của hai người. Anh nói giản dị:
– Chị dắt xe đạp nhẹ hơn, để tôi dắt chiếc PC của chị.
Nàng vói tay nắm lấy tay lái chiếc xe đạp, cùng lúc anh nhận chiếc xe PC đẩy tới, ít nhất nặng gấp hai chục lần chiếc xe đạp của anh. Hai người đã quen nhau như vậy.
Đi một đoạn đường dài vẫn chưa gặp chỗ vá xe, anh đề nghị vào quán uống nước nghỉ mệt. Anh hỏi chuyện, nàng hồn nhiên kể những việc nàng đã làm. Lúc nàng kể câu chuyện “ông giám đốc trắng mập” thì những giọt nước mắt của nàng rơi tuột xuống, chính nàng cũng không ngờ. Nàng cũng nhận ra, nỗi buồn bực của nàng đã trôi đi dễ dàng. Nàng nhìn anh và cười, đôi mắt trong veo sau những giọt lệ. Anh cũng cười, nói với nàng:
– Gõ gỉ sét trên thân tàu mênh mông, còn dễ hơn nhiều gõ gỉ sét trong cái đầu nhỏ bé.
Nàng cười tươi tắn sau lời anh nói, và nghĩ: nếu lúc này anh đặt bàn tay anh lên trên bàn tay nàng, hẳn nhiên sẽ không giống chút nào với ông giám đốc trắng mập. Anh nói chuyện vui vẻ giản dị, và không thiếu tinh tế, nhạy cảm. Nàng thầm hỏi: có thể anh là một nhà thơ? Nhưng nàng chỉ hỏi anh đang làm công việc gì. Anh giật mình nghe câu hỏi đột ngột, nói ngập ngừng:
– Tôi… sửa lỗi chữ trong nhà in… morassier ấy mà… À, thế này nhé, tôi giới thiệu chị làm công việc ấy, nhà in đang cần thêm người. Sửa morasse bản in dễ thôi, chỉ dẫn sơ qua một lần là biết.
Hóa ra anh đã nhường công việc sửa lỗi chữ trong nhà in cho nàng. Anh tìm công việc khác, nhận giữ xe cho một công ty thương mại, anh quen một người trong ban điều hành công ty này.
Hai tháng sau, nàng tự hiểu mình không có lý do gì để từ khước lời cầu hôn của anh. Nàng chỉ hỏi anh một câu:
– Anh có vui vẻ bằng lòng, chúng ta có Mơ Thuyên?
– Em nên hỏi Mơ Thuyên câu hỏi đó.
Nàng làm việc chu đáo. Những bản đã sửa, sau khi nàng giao, hầu như không khi nào còn sót lỗi. Nhưng nàng cứ băn khoăn, thầm hỏi: sao chỉ thấy sửa những bản in sách truyện dịch và sáng tác của các dịch giả, các nhà văn. Nàng chưa hề thấy những trang thơ của những nhà thơ, trong đó có thơ của nhà thơ X mà nàng từng ưa đọc.
Một lần nàng hỏi anh có biết nhà thơ X không, anh lắc đầu và nói:
– Anh ta cũng mày ngang mũi dọc như mọi người mà thôi.
Nàng không thấy vui, và không thích một câu nói như vậy, về một người đã viết ra những dòng thơ như nhà thơ X. Nhưng nàng chỉ im lặng khi nghe anh nói vậy.
Đấy là những gì mà anh đã cho tôi biết, câu chuyện của anh và nàng. Tôi ngạc nhiên hỏi anh:
– Vậy bấy lâu nay chị ấy không biết anh là nhà thơ X?
Anh nói nhỏ, giọng thì thầm:
– Thì anh biết tính tôi rồi… Nhưng tôi đã suy nghĩ, khi tôi nhớ rằng nàng đã từng gõ gỉ sét trên những thân tàu mênh mông một cách cần mẫn, và từ chối làm thư ký riêng của một ông giám đốc, thì chính nàng là một bài thơ lớn nhất mà tôi không thể viết nên. Ấy tuy nhiên, vì nàng từng yêu thích thơ của một nhà thơ mà nàng không biết nhà thơ ấy là tôi, tôi sẽ chọn lúc xứng hợp nhất để đọc bài thơ của tôi tặng nàng.
Kẻ viết truyện ngắn này đã thừa nhận ngay từ đầu là không hề biết xem đường chỉ tay. Sau này, nghĩa là sau nhiều năm tháng không gặp nhà thơ X và nàng thơ của anh, tôi được đọc một bài thơ mà anh đề tặng một người nữ tôi không quen biết, Yên Thao. Đọc bài thơ, tôi sững sờ: anh đã chia tay nàng thơ của anh, cũng là người bạn nữ thân thiết của tôi, người mà anh xem là bài thơ lớn nhất của đời anh. Kẻ viết ghi lại bài thơ ấy, ghi lại một nỗi ngậm ngùi bi thương giữa một nhà thơ và một nàng thơ.

Tám năm tình của lỡ làng
Xô nhau gieo động bàng hoàng trưa nay
Phút nào hạnh phúc thơ ngây
Phút nào rét buốt run đầy hờn căm
Tim dàn lệ. Thác vỡ gầm
Ngoài kia cây cỏ lặng câm ngàn đời.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: