>> Mua máy bay chiến đấu Nga, tưởng rẻ mà hóa đắt!
>> Đường đến Myanmar: Cảnh sát đáng yêu
>> Người dân Cuba nồng nhiệt chào đón Tổng thống Mỹ
Linh Đan
>> Người dân Cuba nồng nhiệt chào đón Tổng thống Mỹ
Linh Đan
LĐO - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông vừa thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi (48 tuổi, trú tại thôn 4, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vì đã có hành vi liên quan đến việc đưa hối lộ 60 triệu đồng cho ba cán bộ công an huyện Đắk Mil (Đắk Nông). Ông Trần Minh Lợi là nhân vật được cư dân mạng xã hội facebook biết đến về chống tiêu cực. Ông Trần Minh Lợi (được cho là đã bàn bạc trước với người nhà của một nghi can bị bắt trong một vụ đánh bạc do Công an huyện Đắk Mil phát hiện trước đó) giả nhân viên phụ bán cà phê để ghi âm, ghi hình cảnh "chung chi" tiền cho 3 cán bộ công an huyện Đăk Mil. Sau khi thu thập đủ bằng chứng, ông Trần Minh Lợi tố cáo hành vi tiêu cực của ba cán bộ công an này, kết quả ông bị bắt. Công an huyện Đắk Mil đã tạm đình chỉ công tác đối với ba cán bộ Công an huyện gồm trung úy Lãnh Thanh Bình (cán bộ trinh sát), thiếu tá Y Nam (đội phó đội điều tra) và trung úy Trần Thanh Hải (cán bộ điều tra). Từ việc ông Trần Minh Lợi bị bắt, bạn có muốn bàn bạc với một ai đó để chủ động ghi âm, ghi hình cảnh "chung chi" rồi đem đi tố cáo tiêu cực hay không?
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng – Điều hành hãng Luật Giải Phóng:
Bắt người tố cáo như thế là khiêng cưỡng
Qua thông tin trên báo chí nhận thấy, dư luận khá bất ngờ khi nhóm người đưa hối lộ, đặc biệt là người chủ động thu thập chứng cứ để tố cáo tham nhũng bị bắt. Nội dung vụ việc cụ thể thì tôi chưa có ý kiến, nhận thấy việc khởi tố và bắt ông Trần Minh Lợi, người tố cáo tham nhũng trong vụ án này là khá khiên cưỡng. Thứ nhất, về hành vi khách quan theo khoa học hình sự của Tội đưa hối lộ quy định tại điều 289 Bộ luật hình sự thì hành vi này chỉ duy nhất có một hành vi là “đưa” chứ không bao gồm các hành vi khác như “gợi ý ” hay “hứa hẹn” đưa, tất nhiên nó cũng không bao gồm cả hành vi “gài bẫy” đưa, nếu có. Thứ hai, về mặt chủ quan, hành vi, được xem là đưa hối lộ trong vụ án này xuất phát từ sự gợi ý của trinh sát hình sự, và mục đích đưa tài sản này cho cán bộ là nhằm để tố cáo tham nhũng chứ không phải vì để cán bộ làm hay không làm một việc vì lợi ích của mình. Theo đó, mục đích của Trần Minh Lợi là để tố cáo tham nhũng chứ không phải bắt ai đó làm một việc vì lợi ích cá nhân của mình, cũng như đồng lợi ích với người khác. Mặt khác, Tội đưa hối lộ không thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, nên cũng cần đánh giá tính chất, hành vi của loại tội phạm này để có cơ sở miễn, hoặc không truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm khuyến khích đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, được xem là vấn nạn nhức nhối của xã hội. Ngoài ra khoản 6 điều 289 quy định: “Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.
Luật sư Nguyễn Thành Công – Giám đốc Công ty Đông Phương Luật:
Người dân sẽ e ngại không dám tố cáo tiêu cực nữa
Việc khởi tố và bắt tạm giam ông Lợi hiện đang là đề tài nóng trong dư luận. Có rất nhiều những dấu hỏi và nghi ngờ về vấn đề này.
Nếu đúng hành vi của ông Lợi là khách quan thu thập chứng cứ, ghi âm, ghi hình việc các cán bộ Công an nhận tiền của người nhà nghi phạm rồi tố giác với Cơ quan chức năng thì đây không phải là hành vi “môi giới hối lộ”.
Trong vụ việc này, muốn bắt và khám xét nhà ông Lợi thì cơ quan Công an phải căn cứ vào việc, ông Lợi có phải là đồng phạm trong tội đưa hối lộ quy định tại điều 289 BLHS với vai trò là “người xúi giục” khi ông này đã dùng các thiết bị điện tử để ghi âm, ghi hình quá trình chung chi - nhận tiền trên hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 BLHS thì “Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm”. Hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm chỉ được coi là người đồng phạm trong vụ án có tổ chức, khi hành vi xúi giục có liên quan trực tiếp đến toàn bộ hoạt động tội phạm của những người đồng phạm khác và người thực hiện tội phạm trước khi bị xúi dục chưa có ý định tội phạm, vì có người khác xúi giục nên họ mới nảy sinh ý định tội phạm. Nếu việc xúi giục không liên quan trực triếp đến hoạt động tội phạm của những đồng phạm khác và người thực hiện tội phạm đã có sẵn ý định tội phạm, thì không phải là người xúi giục trong vụ án có đồng phạm (phạm tội có tổ chức).
Như vậy, để có cơ sở bắt và khám xét nhà của ông Lợi thì cơ quan Công an phải có căn cứ chứng minh ông Lợi là đồng phạm. Muốn biết ông Lợi có phải đồng phạm với vai trò là người xúi giục như trên đã phân tích thì phải chứng minh được ý định đưa hối lộ của người nhà của các nghi can đánh bạc được hình thành từ thời điểm nào. Nếu những người này chưa có ý định đưa hối lộ và sau khi nghe ý kiến của ông Lợi để ông này ghi âm, ghi hình việc giao nhận tiền thì mới nảy sinh ý định đưa hội lộ thì lúc này ông Lợi mới đóng vai trò là người xúi giục. Hoặc ông Lợi hướng dẫn người nhà thực hiện hành vi hối lộ và bản thân trực tiếp thực hiện việc kết nối, liên lạc, nhận- trao tiền bạc cho những người có thẩm quyền hoặc trung gian khác thì đây là hành vi có dấu hiệu tội phạm của tội làm môi giới hối lộ. Khi đó, cơ quan Công an mới có căn cứ để thực hiện việc bắt và khám xét nêu trên.
Tất nhiên, việc chứng minh ý định của người nhà các nghi can đánh bạc về việc đưa hội lộ có trước hay sau sau khi thông tin cho ông Lợi là hết sức “mơ hồ”. Có thể hành vi của ông Lợi nhằm thu thập chứng cứ để tố cáo các cán bộ công an huyện Đắk Mil chứ không nhằm mục đích khác, nhưng nếu thu thập chứng cứ không cẩn thận thì có thể vi phạm pháp luật một cách “vô tình”. Bởi ranh giới của 2 hành vi này khá mờ nhạt.
Dù gì, việc bắt ông Lợi trong trường hợp này sẽ gây hệ lụy là người dân sẽ e ngại không dám tố cáo các hành vì tham ô, vòi vĩnh của một số cán bộ. Và việc bắt, khám xét nêu trên sẽ gây ra cơn phẫn nộ trong dư luận nếu không được giải thích một cách rõ ràng về căn cứ để bắt và khám xét vì vốn dĩ ông Lợi là người khá nổi tiếng tại Đắk Lắk về “tích cực chống tham nhũng” trên Facebook. Tất nhiên ở góc độ người dân và theo dõi biến động xã hội thì dư luận rất cần tỉnh táo và tự đánh giá được sự đúng sai trong hành vi. Chúng ta cũng không nên quá khích mà xem đây là sự trù dập đối tượng đấu tranh chống tham nhũng.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Cần bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, hối lộ
Theo quy định tại khoản 6 Điều 289 BLHS: “Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”
Có thể thấy vụ việc này cần hết sức cẩn trọng khi áp dụng quy định pháp luật. Vì nếu áp dụng luật mà cứng nhắc, cứ thấy ai đưa hối lộ là xử lý thì sẽ ít người dám đứng ra tố cáo hành vi hối lộ và khuyến khích họ nói ra sự thật mà không sợ bị trả thù, trù dập hay bị vướng vào vòng lao lý. Mặt khác, quy định tại khoản 6 Điều 289 BLHS hiện hành dùng từ “có thể” được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác. Nên tạo ra sự tùy nghi, đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng hay người tiến hành tố tụng và tạo ra tâm lý bất an cho người đã đưa hối lộ muốn tố giác tội phạm. Thiết nghĩ, chúng ta cần nghiên cứu để đưa vào luật những quy định bảo vệ cho những người dám đứng ra tố cáo hành vi tham nhũng, hối lộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét