Có nhiều tranh cãi khi Alice Munro được tuyên xưng cho giải Nobel Văn học danh giá. Phần tôi, nghĩ rằng những người quyết định giải này có lý bởi cả một quá trình sáng tác với truyện ngắn của Alice Munro, bà đã để lại một thành tựu về khám phá bằng văn chương tâm hồn con người. Nhiều tác phẩm của bà để lại cho người đọc nỗi bàng hoàng vì chúng phát lộ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại thuộc về bản nguyên người. Và vẻ đẹp của những điều này, mà tôi nghĩ có thể dùng cụm từ “số phận con người,” được chuyển tải thông qua một văn phong và ngôn ngữ tinh tế, chính xác có thể thuyết phục mọi bạn đọc khó tính. Dài hay ngắn hay những phân chia về thể loại (tiểu thuyết hay truyện ngắn) lúc này đâu còn có ý nghĩa gì! Cũng cần nói thêm, Alice Munro đã cách tân thể loại truyện ngắn, hoặc giả, bà không chủ trương cách tân gì hết mà viết theo cảm quan của bà. Một cảm quan sáng tạo đồng cảm với con người, đến mức trở thành “khách quan.” Bà viết về phụ nữ và những người đàn ông của họ, như họ là thế, bởi họ là thế.
Dẫu sao, truyện ngắn vẫn có những đặc trưng nội tại. Tác phẩm của Alice Munro, dù rất độc đáo và tự do, nhưng vẫn có thể thấy, (trong đa số tác phẩm) có những giới hạn về số lượng nhân vật, ở số lượng bối cảnh/ văn cảnh, cả ở thời gian (trong) truyện… Alice Munro khai triển trong các giới hạn ấy đến mức độ cùng kiệt mà vẫn để lại dư âm; truyện của bà có bố cục rất gọn gàng nhưng bay bổng, khiến nhiều truyện khá dài nhưng không hề gây chán… Có vẻ Alice Munro không mấy quan tâm đến sự phân chia thể loại do các nhà nghiên cứu, phê bình đặt ra.
Về người đọc trong nước, tôi cần phải nói ngay rằng, năm 2012 khi Nhã Nam và nhà xuất bản Văn học xuất bản tập truyện ngắn “Trốn chạy” của Alice Munro, nó hầu như không được ai quan tâm, kể cả nhiều nhà văn. Được biết danh tiếng của bà từ trước, tôi là người “tuyên truyền” cho bà với một số bạn bè thân quen. Bên cạnh một số người thích, số khác nhận xét bà đi vào những đề tài “không có tầm vóc” (chuyện đàn bà, sic!). Ít ra, trong phạm vi quan sát của tôi, như là một nhà báo và như là một người viết văn, thì là vậy. Sau khi bà được vinh danh với giải Nobel, việc đọc bà được quan tâm hơn. Nhưng khi đang viết bài này, tôi gặp một bạn văn ít tuổi hơn, cô tốt nghiệp khoa Sáng tác – Lý luận – Phê bình, Đại học Văn hóa Hà Nội – nơi tôi có dịp vào dạy một số tiết như một người được mời thỉnh giảng. Tôi hỏi, đã đọc cuốn “Trốn chạy” của Alice Munro chưa, cô hơi lúng túng nói chưa và hỏi bà là người nước nào. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là cô không chịu đọc văn chương nói chung, mà chỉ có nghĩa là Alice Munro dường như ít được quan tâm ở Việt Nam.
Gần đây, các nhà văn trong nước có vẻ hơi coi thường truyện ngắn. Cái họ đang muốn hướng tới là những cuốn ghi ở ngoài bìa là “tiểu thuyết.” Trong tâm thế này, họ cũng loại luôn truyện vừa, vì như một vài người trao đổi với tôi: Truyện vừa không đăng được báo, ngay cả tạp chí chuyên ngành cũng không mặn mà với chúng. Mà nếu có thể viết dài, thì sao lại không cố thêm cho thành tiểu thuyết(?!).
Những năm gần đây, rất ít tập truyện vừa được xuất bản (dĩ nhiên, phải trừ ra số những cuốn sách thực chất là truyện ký hay là một thứ truyện vừa kéo dài ra thêm nữa nhưng lại được ghi là “tiểu thuyết”). Trong một dịp làm việc với vài nhà xuất bản và công ty sách cuối năm 2013, tôi được biết thêm, các cuốn tuyển truyện ngắn giờ đây đang rơi vào sự thờ ơ của độc giả và nhiều cơ sở xuất bản hầu như không còn mặn mà với chúng nữa. Thay thế vị trí này là những cuốn tập hợp các bài viết đã đăng tải trên facebook của những hot blogger, đứng thứ hai là những cuốn tập hợp những bài tản văn và tạp văn – những thứ á văn chương.
Thế cho nên, với câu hỏi về số mệnh truyện ngắn trong giới văn học Việt trong nước thời gian gần đây, tôi cho rằng nó đang trong quá trình bị bỏ rơi. Truyện ngắn dĩ nhiên được giới độc giả Việt thích hơn truyện vừa, nhưng cách đánh giá này không hề liên quan đến nghệ thuật mà chỉ vì đa số độc giả chỉ cần giải trí theo cách mà họ cảm thấy có văn hóa. Trong lựa chọn đó, truyện ngắn dĩ nhiên là chiếm ưu thế. Nhưng giờ đây, truyện ngắn còn bị ghẻ lạnh dần như thế, truyện vừa còn thế nào?
Nhiều năm nay, ở trong nước, truyện vừa thành công nhất, đem lại vinh quang cho tác giả của nó là “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng theo tôi, đây là một tác phẩm mang dáng dấp của một tiểu thuyết rút gọn nhiều hơn. Trong tác phẩm này, Nguyễn Ngọc Tư tạo ra được một không gian nghệ thuật rất đặc biệt. Nhưng tính luận đề khiến tôi không thích, bởi nó khiến tác phẩm bị bó lại. Bên cạnh đó, một số diễn biến tâm lý và hành vi của nhân vật khá khiên cưỡng. Về vấn đề này, tôi đã viết một bài, nếu quý vị quan tâm, xin đọc tại http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=4765
Yếu tố nào là yếu tố chung của các nhà văn viết truyện ngắn đã tạo ra sự chú ý từ độc giả? Tôi nghĩ, đó là những chi tiết độc đáo. Nhưng điều gì tạo nên sự độc đáo? Chính là nhờ nhãn quan riêng, cái không gì khác, là năng lực riêng có của nhà văn. Là sự cảm nhận, linh giác độc lập. Đây cũng là yếu tố đầu tiên khiến một nhà văn trở thành cá biệt. Nhưng điều quan trọng hơn, truyện ngắn cần có một bối/ văn cảnh đủ ám ảnh (dường như, có người gọi nó là “lát cắt cuộc sống”). Bối/ văn cảnh này giúp nhân vật và toàn bộ truyện ngắn tỏa ra ánh sáng và mùi hương riêng. Alice Munro làm được điều này, Raymond Carver – dĩ nhiên, và tôi còn nhớ tới A. Chekhov hay Ivan Bunin…
Tôi nghĩ, Việt Nam là một xứ sở có rất nhiều điều chẳng giống bất cứ đâu trên thế giới. Có một số vấn đề chỉ na ná về đại thể, nhưng khi đi vào chi tiết của thực tại thì lại thấy rất khác. Chính vì thế, nên tôi nghĩ những nhận định của Alice Munro hay của Gabriel García Marquez đều đáng suy nghĩ nhưng để coi như một tiêu chí dùng soi xét cho thực tại sáng tác Việt Nam thì đều khập khiễng. Có thể thấy nhiều nhà văn nữ không quan tâm “điều quái dị hoặc chuyện bên lề,” cũng như nhiều nhà văn nam giờ đây không “viết về những đề tài vĩ đại.” Nhiều người viết theo thể hiện thực huyền ảo như một cách theo mốt thì tôi thấy đúng (giờ đây, nhà văn đang gây ảnh hưởng cho nhiều người là Haruki Murakami – với rất nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Việt).
Có thể, thủ pháp hiện thực huyền ảo đang được nhiều người viết ở Việt Nam lao vào, vì họ muốn né tránh hiện thực – điều mà Alice Munro đi tới cùng. Có cả thái độ e sợ kiểm duyệt. Có cả thái độ né tránh bộc lộ bản thân. Tôi muốn nói kỹ hơn về điều này: Ai viết ở Việt Nam cũng đều phải đối diện với áp lực ngay từ gia đình, người thân, bạn bè… Vì người đọc Việt Nam khá “thật thà,” họ luôn đồng nhất đời sống trong văn chương với đời sống tác giả. Có chuyện hoàn toàn thật, nhưng xin được giấu tên, một nhà văn viết về cuộc sống trong một ngõ nhỏ ở Hà Nội. Sau khi tập truyện ngắn của ông in ra, có người hàng xóm đọc và tin đồn lan ra, rằng nhà văn “nói xấu” những cư dân nơi mình cư trú. Thậm chí có người “đứng đắn” đến “góp ý” với nhà văn. Ở một tỉnh phía Bắc, còn có một vụ kiện. Nguyên đơn nói nhà văn “bêu riếu” chuyện gia đình họ, dù trong truyện ngắn kia không hề giống tên, địa chỉ… Tòa án đã phải hòa giải, và vụ việc chỉ dừng lại khi bị đơn nhà văn xin lỗi phía nguyên đơn rằng “vô ý”…
Người đọc Việt Nam thì “thật thà” như nói trên, còn khá nhiều người viết ở Việt Nam thì lại muốn làm “người tốt.” Cộng thêm với lá bùa “văn dĩ tải đạo,” kết quả là rất nhiều những tác phẩm làng nhàng, rao giảng, minh họa cho cái được gọi là “đạo đức” ra đời.
Một điều nữa cũng cần nói, đó là một số người viết ở Việt Nam trốn vào thể loại huyền ảo chỉ vì họ ngộ nhận rằng khi viết theo kiểu đó thì muốn viết gì cũng được, bất chấp logic nội tại cần có của tác phẩm.
Về phía người viết thì như vậy, còn độc giả Việt Nam có hợp tạng với Murakami hay không? Nói chung thủ pháp hiện thực huyền ảo thu hút người đọc Việt hơn các thủ pháp khác hay không? Tôi không thể trả lời được những câu hỏi này. Tôi chỉ biết văn chương Việt đang thiếu đi hiện thực, sau cái gọi là “hiện thực xã hội chủ nghĩa” tan vỡ (nhưng vẫn để lại nhiều di chứng).
Với việc “Alice Munro thố lộ bà đã bị băn khoăn/phiền não khi đọc D.H. Lawrence lần đầu tiên trong đời. Bà thường bị xáo động bởi cách các nhà văn đàn ông định nghĩa khái niệm tình dục của phụ nữ,” tôi cho rằng ở đây là vấn đề giới. Nói rõ hơn, đây là khoảng cách không bao giờ có thể lấp đầy trong việc thấu hiểu giữa đàn ông và đàn bà. Và dù là nhà văn lớn thì khoảng cách này cũng chỉ ngắn lại đôi chút. Một người đàn ông làm cách nào có thể hiểu rõ cảm giác tình dục của phụ nữ, cũng như phụ nữ làm sao để hiểu vấn đề tương tự ở đàn ông? Hơn nữa, là các vấn đề mật thiết đến tình dục, như là tình yêu và vô số các trạng thái tinh thần – tâm lý liên quan? Vấn đề khác biệt trong cấu tạo cơ thể, hoạt động của các hoóc môn (nội tiết tố) cũng rất quyết định. Nói một cách giản dị, liệu có thể cảm nhận được điều gì thực sự, khi ta chỉ có những thứ “của ta,” mà không bao giờ có được thứ “của họ?”
Tôi thực sự băn khoăn khi cố hiểu Alice Munro đã nghĩ gì khi bà nói: “làm sao tôi có thể thành một người viết khi tôi là đối tượng [tình dục] của các nhà văn khác.” Có thể bà đã quá nhạy cảm, thậm chí mặc cảm, khi tự chất vấn như vậy? Có thể vấn đề giới tính trong văn chương và giới tính khi là một người đàn bà) là rất quan trọng với bà? Dù sao mặc lòng, các nhà văn lớn, khi viết về tình dục, điều khả tín chính là phần họ viết về giới tính mà họ thuộc về, thông qua kinh nghiệm cá nhân.
Đề tài tình dục trong văn học Việt Nam ở hải ngoại và trong nước càng lúc càng nở rộ. Ở hải ngoại, do không chịu nhiều cấm kỵ nên đề tài này được đề cập phong phú và nhiều sắc thái hơn. Theo quan sát của tôi, khi nhà văn nữ mô tả tình dục thì nhiều người (cả trong và ngoài nước) có phần bạo liệt hơn nhà văn nam. Chi phối điều này có thể là ẩn ức cá nhân và giới, là đấu tranh nữ quyền. Và không loại trừ, đây cũng là một cách để được chú ý. Vì một nhà văn nữ (Việt) dám xông vào những đề tài cấm kỵ thì luôn gây ra dư luận, khen chê đủ mọi chiều kích, đôi khi ra ngoài văn chương rất xa.
Ở Việt Nam, mấy năm trước đây có hiện tượng “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu. Về tác giả này, tôi có viết một bài, nếu quý vị quan tâm, xin đọc tại http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=4802
Về chủ đề sự “ảm đạm” trong truyện của Alice Munro, cá nhân tôi thấy cuộc sống qua văn chương của bà là chân thực. Có cái “bi” toát ra dưới từng câu chữ của bà, nhưng chẳng phải cuộc sống vốn là vậy sao? Raymond Carver thì khác, bên cạnh cái phân ly, rời rã của đời sống, ông vẫn dành lại một nụ cười kín đáo, nhuốm màu chua xót. Tôi cũng nhớ đến Milan Kundera… Nhưng Alice Munro thì khác, và có điều này không phải bởi bà là phụ nữ, bà là Alice Munro.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét