Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

KHÔNG TIỆN NÓI RA


Từ thư viện ra, đang đứng chờ xe bus trở về nhà thì gặp 2 người Trung Quốc, thua mình khoảng năm, ba tuổi. Người đàn ông chào: “Ní hảo”. Mình chào lại: “Ní hảo”. Anh ta hỏi tiếp: “Tung quớ rấn a?”. Mình nói: “Pú xư! Ủa xư duê nán rấn”. 

Nghe đến đó thì người đàn bà lên tiếng bằng tiếng Anh: “Oh, Vietnamese. Are you student at Yale?”. Vậy là tụi mình bắt chuyện, nói lẫn lộn cả tiếng Anh lẫn tiếng Tàu bập bẹ của mình. 

Qua câu chuyện mới biết họ là 1 cặp vợ chồng. Người vợ là giáo sư Hóa học ở Đại học Thượng Hải, được học bổng qua Yale làm visiting fellow. Người chồng đi theo vợ, diện visa J-2. Chị vợ khuôn mặt không xinh nhưng trông rất phúc hậu. Người chồng có vẻ láu lỉnh hơn. 

Họ cho biết họ vừa tới New Haven “a couple days” (lời người vợ). Vừa thuê được nhà, bây giờ đang bắt xe bus đi khám phá thành phố này. Mình hỏi họ đã đi được những chỗ nào rồi. Họ nói mới biết 1 vài nơi, đi tìm được vài nơi mua sắm, nhưng mà thành phố này nhỏ nên sẽ khám phá nhanh thôi. 

Mình rút trong balo ra 1 tấm bản đồ đưa cho họ nói: “Đây là bản đồ New Haven, có các tuyến xe bus, mạng lưới giao thông, siêu thị, bệnh viện… Các bạn giữ tấm bản đồ này để sử dụng”. Rồi mình bật điện thoại lên, chỉ cho họ cách cài đặt phần mềm Rider để tìm Citybus của New Haven và Yale shuttle bus (miễn phí). Hai vợ chồng cám ơn rối rít. 

Chị vợ nói: “Tôi quá sức ngạc nhiên khi tới đây, vì thành phố quá nhỏ, quá yên bình, quá trong lành. Tôi có thể đi bộ khắp thành phố này. Con gái chúng tôi sẽ có 1 năm sống yên tĩnh ở đây. Tôi vừa đưa nó vào trường nhập học. Giáo viên ở đây quá tốt… Ở Thượng Hải không bao giờ có cảnh thanh bình như thế này. Luôn đông đúc, ồn ào và ô nhiễm không khí. Chúng tôi phải dậy rất sớm mới có thể tới trường đúng giờ. Còn ở đây chỉ mất 10 phút xe bus là tới trường rồi. Lại miễn phí. Tốt quá…”.

Rồi chị ấy say sưa khen New Haven và kể cho mình nghe đã thuê nhà ở đâu, giá bao nhiêu, hoa quả ở đây ngon như thế nào. Chị cũng hỏi mình ở đâu, thuê nhà giá bao nhiêu, có đem vợ con qua Mỹ không… Khi mình nói gia đình mình qua đây 4 người. Chị ấy ngạc nhiên nói: “Big family”.

Mình nói: "Ở Việt Nam có hai con là đúng chuẩn, nhưng cũng có người có tới chục đứa con". Chị ấy hỏi: “Vậy có bị phạt không?”. Mình trả lời: "Có, nhưng không phạt nặng lắm". Chị ấy nói: “Ở Việt Nam sướng, tiến bộ hơn Trung Quốc, vì ở Trung Quốc chỉ sinh 1 đứa con thôi. 2 đứa là tuyệt đối cấm”. 

Chị lại hỏi: “Tiền thuê nhà của anh 1.300 usd/ tháng thì làm sao còn tiền mà sống được?”. Mình nói: “Học bổng của tôi 1 tháng 3.000 usd. Tôi có mang theo tiền tiết kiệm nên cũng tạm ổn”. Chị nói: “Chính phủ Việt Nam giàu quá. Chính phủ Trung Quốc cấp học bổng cho tôi một tháng là 1.800 usd thôi. Tôi phải trả tiền thuê nhà là 900 usd/ tháng. Cả nhà sẽ sống trong 900 usd còn lại. Vì thế chồng tôi sẽ phải tìm việc làm thêm ở đây mới đủ sống. Nhưng mà anh biết rồi đấy, mỗi năm chính phủ Trung Quốc cấp hàng chục ngàn học bổng cho những người như tôi ra nước ngoài nghiên cứu, vì thế mức cấp học bổng không thể nhiều. Việt Nam ít người hơn nên cấp học bổng cao hơn. Nhưng dẫu sao chúng tôi cũng được chính phủ Trung Quốc và chính phủ Mỹ tạo điều kiện đến đây nghiên cứu 1 năm là hạnh phúc rồi, lại còn có cơ hội cho chồng con đi theo để học tập và sinh sống ở một nơi yên bình như thế này. Tôi mừng quá…”

Xe đến, chúng tôi lên xe, chị lại say sưa nói về dự án nghiên cứu ở đây, về những người bạn mới trong khu chung cư chị ở, và hỏi mình về Việt Nam, về Đà Nẵng, về công việc của mình… 

Trong câu chuyện, chị cứ xuýt xoa: “Việt Nam giàu thật đấy, cấp học bổng cho học giả sang Mỹ nghiên cứu tới 3.000 usd/ tháng, gần gấp đôi Trung Quốc. Anh sướng thật. Tôi ghen tị với anh”. 

Mình chỉ cười mà không nói gì, vì rằng, học bổng của mình là do Chính phủ Mỹ cấp, thông qua Fulbright Visiting Scholars Program.

Vậy đó, có những việc không phải lúc nào cũng nói ra được.

NGƯỜI NƯỚC HUỆ (từ New Haven, Connecticut)


https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10205047607544450&set=a.10200601193226871.1073741828.1670718810&type=3&theater
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: