Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Người Việt ‘thiết kế trí tuệ nhân tạo’ by anle20


Lớn lên tại một làng quê nhỏ ở Việt Nam, Lê Việt Quốc sống trong cảnh không có điện cho tới năm lên chín.
Hơn 20 năm sau đó, anh đã giúp thiết kế trí tuệ nhân tạo, được hàng triệu người sử dụng mỗi ngày.
Gương mặt 32 tuổi này đã giúp dẫn dắt đội Google Brain, một nhóm chuyên tiến hành các thử nghiệm để tạo ra cho máy tính một dạng các mạng lưới nơron hoàn thiện hơn, gần với cơ chế xử lý nơron thần kinh ở con người hơn, hoặc ít nhất cũng là giúp cho chúng có khả năng bắt chước cơ chế xử lý của con người.
Đó là nỗ lực của Google trong việc tạo ra một bộ não nhân tạo.
Nó không phải là một cỗ máy giống như con người, tức là có thể tự nghĩ về mình như nhiều người vẫn tưởng, mà "sự thông minh" này đã được tích hợp vào các sản phẩm của Google, những kiểu công nghệ mà anh Quốc chỉ có thể tưởng tượng ra khi còn là một đứa trẻ.
Lê Việt Quốc nhớ lại những thời khắc khi công nghệ tiến về quê của mình, phường Thủy Dương, xã Hương Thủy, Huế: lần đầu tiên trong làng có một chiếc ti-vi, chiếc xe hơi đầu tiên cậu được nhìn thấy, cái nồi cơm điện đầu tiên gia đình cậu bé mua được.
"Nhớ lại cái thời mà từng thứ công nghệ được giới thiệu ra, chúng bất thình lình làm thay đổi cuộc sống của chúng tôi," ông nói.
Nhưng bức ảnh về cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng hồi 1969 mới là thứ thôi thúc anh trở thành một nhà tiên phong trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo.
"Tôi đã đặt câu hỏi: chúng ta không phải là động vật nhanh nhất trên Trái Đất, chúng ta thậm chí không thể bay, nhưng bằng cách nào đó chúng ta đã tới được Mặt Trăng. Vậy cái gì là khả năng đơn lẻ, duy nhất ở con người mà các loài động vật khác không có?"
"Và tôi nhận ra rằng đó chính là nhờ bộ não - đó chính là trí khôn."
Thinkstock
Khi đó anh đã tưởng rằng các cỗ máy có trí khôn là chuyện đã cũ, nhưng rồi nhận ra là không phải vậy.
"Do đó, tôi quyết định là có lẽ tôi sẽ làm ra nó," Quốc cười.
Lê Việt Quốc bắt đầu tìm hiểu về cỗ máy trí tuệ khi học đại học tại Úc và sau đó làm đề án tiến sỹ tại Standford. Anh thấy bực vì những phần mềm đều cần được con người nạp rất nhiều thứ vào.
"Với những cỗ máy mà chúng ta gọi là thông minh, chúng ta phải đầu tư rất nhiều thời gian để viết các dòng mã lệnh cho chúng. Tôi muốn là mọi thứ cần phải được tự động hóa," anh nói.
Do vậy anh đã tìm cách để các phần mềm phải tự học hỏi mọi thứ.
Lĩnh vực 'học sâu' - nỗ lực nhằm khiến cho các cỗ máy tự tìm tòi học hỏi dựa trên các thuật toán phức tạp - đã được đưa ra. Nhưng Quốc muốn đẩy nhanh tiến độ bằng cách xây dựng những mạng lưới thần kinh quy mô lớn để có thể xử lý được lượng dữ liệu lớn hơn nhiều.
Năm 2012, Quốc dẫn đầu một thử nghiệm cho Google khi mạng lưới nơron được cho xem các video trên YouTube trong vòng một tuần, từ đó xác định xem liệu nó đã học được những gì.
Một trong những nơron nhân tạo, theo lời Quốc, đã "rất thích thú" khi nhìn thấy ảnh một con mèo ngay cả khi chưa được cho biết con mèo là gì hay được cho xem bất kỳ hình ảnh nào có gắn mác con mèo.
Đây là một bước đột phá to lớn trong việc chứng minh rằng các cỗ máy có thể học mà không cần phải có sự cấp dữ liệu có độ chính xác cao từ con người.
Một nghiên cứu khác cho thấy cuộc đối thoại giữa máy và người, khi cỗ máy có thể trả lời các câu hỏi sau khi được cho xem các đoạn phụ đề phim. Tuy nhiên, nghiên cứu này thừa nhận là kết quả không được ổn định, cho thấy mô hình này vẫn chưa hoàn thiện.
Thinkstock
Trong một nghiên cứu do Quốc dẫn dắt, một cỗ máy đã có thể trả lời các câu hỏi dựa trên những gì nó tự học được từ các đoạn thoại trên phim:
Người: Ai là Skywalker? .
Máy: Anh ấy là một anh hùng.
Người: Ai là Bill Clinton?
Máy: Ông ấy là một tỷ phú.
Người: Bầu trời màu xanh hay màu đen? .
Máy: Xanh.
Người: Mèo có đuôi không? .
Máy: Có.
Người: Mèo có cánh không? .
Máy: Không.
Các kết quả đạt được từ những thử nghiệm này và các cuộc thử nghiệm khác đã được tích hợp vào dịch vụ của Google, như đoán trước nội dung người viết email muốn viết, nhận dạng các địa điểm, mặt người trong các hình ảnh, và nhận biết giọng nói trong dịch vụ tìm kiếm.
Google
Trong lúc học sâu được cho là thuộc số những mảng đầy hứa hẹn nhất của lĩnh vực nghiên cứu trí thông minh nhân tạo, thì cũng còn những mảng khác nữa.
Thậm chí ngay trong nội bộ Google cũng có một nhóm, được thành lập sau khi Google mua lại công ty DeepMind của Anh hồi 2014, chuyên về việc dùng máy để học các trò chơi.
Tuần trước, chiếc máy tính mà nhóm này lắp đặt đã đánh thắng nhà vô địch thế giới môn cờ vây, một môn cờ cổ của Trung Quốc vốn máy tính rất khó xử lý, bởi người chơi có rất nhiều cách đi khác nhau.
Các công ty khác như Facebook, Microsoft và Baidu của Trung Quốc cũng đều đã tuyên bố đang đầu tư vào lĩnh vực học sâu và các hình thức trí thông mih nhân tạo khác.
Rốt cuộc, Quốc muốn công nghệ của mình sẽ tập trung vào trí thông minh nhân tạo tương tự như thứ đã được dự đoán trong phim Her, khi các hệ điều hành có khả năng đóng vai trò trợ lý riêng cho con người.
"Điều tôi quan tâm là làm ra được một cỗ máy có thể nhìn được, có thể nghe được, và có thể hiểu được chúng ta," anh nói. Nhưng chúng ta cũng còn rất lâu nữa mới đạt được điều đó, anh thừa nhận.
Những gì anh đã làm được trong năm năm qua là giúp đưa trí thông minh nhân tạo tới tay mọi người trên toàn thế giới, kể cả những người sống tại làng quê của anh ở Việt Nam.
@bbc

Không có nhận xét nào: