Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

“Viva Cuba”

Xe hơi của Havana. Ảnh: Internet
Xe hơi của Havana. Ảnh: Internet
Khi chiếc Air Force One hạ cánh xuống sân bay Havana, TT Hoa Kỳ đã tweet “¿Que bolá Cuba? – Cuba đó ư” như một thông điệp vui được chờ đợi suốt 88 năm qua giữa eo biển Cuba và Hoa Kỳ.

Nếu ông Raul Castro biết dùng Tweeter sẽ viết “Esto es Socialismo Cuba – Viva Cuba – Đây là Cuba CNXH, Cuba bất diệt” để trả lời câu tweet của Obama. Rất đáng tiếc chỉ có 5% dân số nước này có điều kiện dùng Internet.
Xuống cầu thang máy bay, TT Obama che ô cho bà Michele Obama vì trời mưa, hai con gái theo sau. Nếu sau lưng không phải Air Force One, người ta dễ lầm tưởng gia đình đi nghỉ ở hòn đảo thuộc loại đẹp và thơ mộng nhất hành tinh.
Gặp các nhân viên sứ quán Mỹ mới mở tại Havana, TT Obama nói vui “Năm 1928, Tổng thống Calvin Coolidge đến Cuba trên một chiến hạm. Phải mất ba ngày ông ấy mới đến được đây. Tôi chỉ mất có ba giờ” làm hội trường cười rộ.
Gặp các nhà báo ông còn nói thêm, trong hơn nửa thế kỷ qua Hoa Kỳ đã tìm đủ cách để chống Cuba mà không có tác dụng, thì tới lúc phải tìm một cách khác.
Đó chính là cách đặt quan hệ ngoại giao, hướng về tương lai hơn là ngoái đầu nhìn quá khứ, buộc tội lẫn nhau, finger pointing ai có lỗi trong chuyện này.
Còn nhớ ngày 10-12-2013, TT Barack Obama đã bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro nhân dịp hai ông đến dự lễ tang ông Nelson Mandela. Nhiều nhà bình luận coi đây là cú bắt tay lịch sử giữa hai kẻ thù hàng xóm suốt nửa thế kỷ. Hy vọng về sự hàn gắn vết thương và tha thứ.
Khi đó báo chí Cu Ba chạy tít và chú thích bức ảnh “Obama chào đón Raul: liệu đây có thể là khởi đầu cho việc kết thúc căng thẳng giữa Mỹ và Cuba?”
Hang Cua từng có bài và đến hôm nay khi gia đình Tổng thống Mỹ đặt chân lên đất Cuba thì đúng là cú bắt tay năm 2013 đã thành lịch sử.
Giống Việt Nam đón Clinton hay Bush và sắp tới là Obama, dân thường thấy bang giao tốt đẹp thì mừng, được buôn bán, được đi lại thăm thú, ai chả thích hơn là nhìn đâu cũng ra kẻ thù hay phản động, để rồi đô la Mỹ cứ đút túi rồi chuồn, sống chết mặc bay.
22 năm sau khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam hiện có gần 30 ngàn sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, còn là quốc gia thù địch thì các cụ gửi con cháu sang làm gì. Lớp trẻ Cuba chắc chắn không phải chờ đợi lâu đến thế. Họ sẽ chọn chuyến máy bay 3 tiếng chứ không phải tầu thủy 3 ngày như cách đây 8 thập kỷ.
Xuất nhập khẩu của Cuba theo thời gian. Nguồn: Economist.
Xuất nhập khẩu của Cuba theo thời gian. Nguồn: Economist.
Lúc đỉnh điểm của kinh tế Cuba khi Liên Xô vẫn bao sân thì xuất nhập khẩu của quốc đảo này lên khoảng 10 tỷ đô la giữa những năm 1980-1990. Nhưng khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ thì con số này còn khoảng 1-2 tỷ. Kinh tế bên bờ vực thẳm.
Đầu những năm 2000 manh nha việc nới lỏng lệnh cấm vận của Mỹ, xuất nhập khẩu bắt đầu tăng lên. Đỉnh điểm là năm 2015 lên tới 15 tỷ đô la nhập khẩu và 7 tỷ xuất khẩu.
Kể từ năm 2006, du khách Mỹ vào Cuba nhiều hơn, từ con số dưới 50 ngàn/năm, tăng lên gấp đôi vào năm 2012 (100.000) và bỗng vọt lên 160 ngàn trong năm 2015. Chắc chắn sẽ còn tăng nữa. Bao công ăn việc làm đã tạo ra cho dân bản xứ từ dịch vụ du lịch.
Mấy năm trước, dân chơi Mỹ thì thầm, muốn sang Cuba đi theo đường Cancun (Mexico), từ đây mua vé đi Havana. Biên phòng Cuba không cộp dấu vào hộ chiếu, tha hồ mà tiêu tiền. Theo luật embargo, công dân Mỹ không được tiêu quá 200$ sau nới lỏng thành 500$. Theo cách đi qua nước thứ ba, mang theo tiền mặt, không ai biết mà phạt.
Như vậy, quan hệ với Mỹ tốt sẽ tốt cho Cuba và cho cả người Mỹ muốn làm ăn ở đây. Nếu Hoa Kỳ còn cấm vận Việt Nam, làm sao người Mỹ có khách sạn Hilton ngay cạnh Nhà Hát Lớn. Cơ hội sẽ mở ra cho cả hai bên, win-win là thế.
Rất buồn cười tay phóng viên CNN đi theo chuyến thăm của TT Obama xem một cái xe hơi mở nắp capo, rất thán phục khả năng chữa xe của người Cuba. Xe Ford từ những năm 1960, cánh quạt Toyota, bình xăng thửa của xe Lada, Citroen, MEC, phụ tùng từ các loại xe khác nhau, thế mà vẫn lăn bánh. CHXH Cuba thật là tuyệt diệu.
Khách du lịch Mỹ vào Cuba. Nguồn: Economist
Khách du lịch Mỹ vào Cuba. Nguồn: Economist
Một đất nước biết sống qua cấm vận suốt nửa thập kỷ, biết làm cách mạng long trời lở đất, biết bơi qua eo biển Cuba và Florida để tỵ nạn, biết trộn các phụ tùng xe hơi các loại trên thế giới để xe chạy hơn nửa thế kỳ, chẳng có lý do gì họ phải khổ sở vì ý thức hệ mà 50 năm qua mà Fidel Castro và ông em Raul thay bằng đủ cách vẫn chưa thành công.
Đã tới lúc Cuba phải nghĩ khác, làm khác, hội nhập chứ không thể độc lập để nghèo. Cuba cần biết chấp nhận sự khác biệt như họ dùng phụ tùng xe hơi từ nhiều nguồn khác nhau. Như một người phụ nữ Cuba vừa phát biểu trên CNN, bà muốn Obama làm Tổng thống Cuba để có dân chủ nhanh nhanh, dân sẽ sướng.
Trong đáp từ với chủ tịch Raul Castro, TT Obama có nói, để hàn gắn quan hệ thì chúng ta không cần phải bơi qua biển có cá mập. Embargo được bỏ hay không phụ thuộc vào Quốc hội Mỹ, vào người Mỹ và đương nhiên cả người Cuba.
Đọc trên VOA có một còm sỹ làm thơ về vụ Obama thăm Cuba rất vui “Hai con đường song song//Bỗng cắt nhau một điểm//Đây là trường hợp hiếm//Trăm năm mới xảy ra.”
Cả thế kỷ qua, hai ý thức hệ Tư bản CN và Xã hội CN luôn chạy song song. Một hôm hai tay đua mệt quá, thành ra họ gặp nhau tại Havana. Bởi cả hai cùng dạy nhau một bài học đắt giá và phía thiệt thòi chính là dân thường Cuba.
Tin rằng lần sau có TT Hoa Kỳ khác tới thăm mà dùng Twitter, chắc sẽ có hàng triệu trả lời “Esto es Cuba” mà không cần có chữ Socialismo như một thói quen.
Đó chính là tương lai tươi sáng của đất nước “Viva Cuba” mà nhiều người Việt tỏ lòng yêu mến.
HM. 21-3-2016

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: