Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Thiếu cơ chế để Chủ tịch nước thực hiện quyền lực hiệu quả


(Thời sự) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng dù Hiến pháp và luật sửa đổi trao quyền lực hiệu quả, thực chất hơn cho Chủ tịch nước nhưng vẫn còn một số vướng mắc về cơ chế.

Trong Báo cáo nhiệm kỳ công tác trước Quốc hội sáng 22/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho hay, với vai trò là Chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, trước tình hình thế giới và biển Đông phức tạp, Chủ tịch nước đã tham dự và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng tại các cuộc họp của Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương, Đảng ủy công an trung ương.
Chủ tịch nước "có phần trách nhiệm với những yếu kém của đất nước hiện nay".
Chủ tịch nước “có phần trách nhiệm với những yếu kém của đất nước hiện nay”.
Theo đó, Chủ tịch nước đã thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nhiệm vụ quyền hạn mà Hiến pháp và pháp luật quy định, cũng như các các nhiệm vụ được Bộ Chính trị và Ban bí thư phân công.
Việc sửa đổi Hiến pháp và các chính sách, pháp luật đã làm rõ, tạo điều kiện cho Chủ tịch nước thực hiện quyền lực hiệu quả, thực chất hơn.
Hơn nữa, Chủ tịch nước nhận được sự quan tâm của Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Ban, bộ, ngành, địa phương vànhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quyền hạn được đảng, nhân dân giao phó.
Văn phòng Chủ tịch nước có nhiều đổi mới, nâng chất lượng, hiệu quả công tác.
Ông Sang cũng thẳng thắn thừa nhận, với vai trò là người đứng đầu nhà nước về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch nước “có phần trách nhiệm với những yếu kém của đất nước hiện nay”.
Cụ thể, trong lĩnh vực tư pháp, vẫn còn hiện tượng xuống cấp trong đội ngũ cán bộ về phẩm chất chính trị, đạo đức, và yếu kém nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu, cán bộ còn nhũng nhiễu, tiêu cực.
Là người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng – An ninh, Chủ tịch nước thừa nhận “thực tế hoạt động của Hội đồng và việc thực hiện quyền hạn của Chủ tịch nước trong hội đồng còn những vướng mắc”.
Cơ chế để Chủ tịch nước kiểm tra, tăng cường giám sát việc sử dụng ODA, quyết định danh mục ODA hàng năm và trung hạn cũng thiếu.
Hơn nữa, Chủ tịch nước “chưa thực hiện quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề mà Chủ tịch nước và nhân dân thấy cần thiết”, đã được quy định tại điều 90 của Hiến pháp.
“Dù Chủ tịch nước có nhiều cố gắng vẫn chưa đáp ứng được hết yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của đất nước, kỳ vọng của dân và cử tri.
Một số nhiệm vụ và quyền hạn được Hiến pháp và pháp luật quy định nhưng thiếu cơ chế, triển khai thực tế”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang báo cáo trước quốc hội.
Ông Sang đơn cử cơ chế hoạt động của Hội đồng Quốc phòng An ninh vẫn còn thiếu. Việc thực hiện nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng công an nhân dân của Chủ tịch nước chưa cụ thể hóa trong luật chuyên ngành.
Chủ tịch nước cũng cho rằng cơ chế để Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề Chủ tịch nước và nhân dân quan tâm vẫn chưa rõ.
Ông Sang đề xuất thời gian tới cần tiếp tục kiến nghị hoàn thiện 1 số văn bản luật liên quan đến quyền hạn và nghĩa vụ của Chủ tịch nước; nghiên cứu và đề xuất cơ chế hoạt động của Hội đồng Quốc phòng – An ninh, cơ chế và quyền hạn của Thống lĩnh lực lượng CAND.
Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã phong cấp tướng cho 194 sĩ quan quân đội nhân dân và 119 sĩ quan công an nhân dân, góp phần kiện toàn đội ngũ lãnh đạo chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân.
Chủ tịch nước cũng đề xuất Đảng, nhà nước xem xét rút ngắn thời gian tổng tuyển cử ngay sau Đại hội Đảng để thuận tiện trong kiện toàn bộ máy.
Ông Trương Tấn Sang được bầu làm Chủ tịch nước tháng 7/2011. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông nằm trong số lãnh đạo quá tuổi nhưng được nhiều đại biểu giới thiệu tái cử vào Trung ương. Tuy nhiên, ông xin rút khỏi danh sách và được chấp thuận.
Ban chấp hành Trung ương XI giới thiệu Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang kế nhiệm vị trí Chủ tịch nước.
Nguyễn Bình
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: