Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Tàu lạ!

Từ Kế Tường 

MTG - Ở Trung Quốc đang tồn tại một nỗi ám ảnh ghê gớm đối với học sinh cuối cấp lớp 12 để chuẩn bị thi lên đại học gọi là gaokao hay “cao khảo”. Thế hệ học sinh lớp 12 ở Trung Hoa đại lục phải nói là con số khổng lồ tuổi 19-20, được xem là những công dân tương lai của đất nước khổng lồ trên một tỉ dân. 

Đa số học sinh thế hệ này đều thuộc gia đình nghèo xuất thân từ nông dân, công nhân là thành phần thu nhập thấp nên không còn cách nào khác để tiến thân ngoài con đường cố gắng học tập và dứt khoát phải vượt qua vũ môn “cao khảo”. Nhưng để vượt qua cửa ải này thật không dễ dàng, vào kỳ thi tuyển sinh đại học nam nữ học sinh cuối cấp lớp 12 ở Trung Quốc gần như không còn thời gian rảnh rỗi để vui chơi, giải trí mà chỉ biết vùi đầu vào việc học tập với một áp lực nặng nề. 

Học sinh phải giam mình trong phòng học hay trong thư viện, chúi mũi vào những quyển sách dày cộp, đầu óc căng ra bởi thường xuyên uống thuốc tăng cường trí nhớ trong khi cha mẹ chúng hàng ngày phải đánh vật với cuộc mưu sinh cũng cam go không kém gì việc học của con em mình giữa sự bất an tinh thần cực độ vì tốc độ công nghiệp hóa quá nhanh, quá nóng, và sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do những công trình phát triển đô thị gây ra ở các thành phố lớn hoặc những vùng nông thôn đang đô thị hóa với những mảng xanh được nhanh chóng thay thế bằng những mảng bê tông cốt thép xơ cứng. 

Thế giới nhận định rằng, Trung Quốc đang phát triển không bền vững và do dân số quá đông, một bộ phận người giàu lên nhanh chóng nhờ phát triển kinh tế nóng, nhưng cũng làm chênh lệch giàu nghèo của Trung Quốc so với thành phần cư dân đô thị và nông thôn cách nhau quá xa không thể kéo gần lại. Từ đó cũng phá vỡ các mối quan hệ truyền thống mà bị cuốn theo các mối quan hệ mang tính thị trường khốc liệt, coi thường từ các tổ chức đến luật pháp và sự phát triển chung. Dân số trên một tỉ người, nhưng Trung Quốc lại có đến 800 triệu nông dân, hầu hết đều là hộ gia đình nghèo khổ, con em họ không có điều kiện học tập tốt so với học sinh thành phố.

Chênh lệch trong điều kiện học tập và môi trường giáo dục đồng thời Trung Quốc với chính sách giáo dục buộc phải ra đề thi để học sinh thể hiện năng lực… nhồi nhét, chép và học vẹt. Suốt 18 năm ngồi trên ghế nhà trường như thế, quả là không thể tưởng tượng nổi sức chịu đựng của học sinh. Không có thời gian rảnh rỗi để vui chơi, giải trí, học học và học, giam mình trong phòng để ngốn sách vở, học thuộc lòng và chép. Trí tưởng tượng của học sinh bị thui chột, tính độc lập và óc sáng tạo mài mòn nên nỗi ám ảnh “cao khảo” quả thật ghê gớm! 

Trung Quốc không chỉ có “tàu lạ” khi lấn sang vùng biển nước khác mà “thực phẩm lạ” của Trung Quốc cũng rất hãi hùng, đặc biệt đối với sản phẩm dành cho trẻ con. Mới đây, ở thị trường nước ta đã phát hiện ra các loại bánh kẹo dành cho trẻ em. Sản phẩm bánh kẹo này bao bì in toàn tiếng Trung Quốc, và tuy gọi là bánh kẹo, hàng quà vặt, rẻ tiền nhưng không biết làm bằng nguyên liệu gì, màu sắc lại sặc sỡ, vị ngọt, chua, cay… rất hợp với khẩu vị và tâm lý của trẻ con nên bán rất chạy ở các tiệm tạp hóa, các chợ và trước cổng trường học từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến khu vực nông thôn. 

Xin đơn cử vài thứ “thực phẩm lạ” của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường nước ta rất hấp dẫn trẻ con như: gói cay, thịt hổ, lọ sữa kèm theo bình, bánh rán, ô mai, bimbim… có khoảng 20 loại “thực phẩm lạ” như thế, giá rẻ như bèo, nếu mua lẻ chỉ từ 500 đồng - 1.000 đồng - 2.000 đồng/gói, mua sỉ 30.000 đồng/hộp. Gói cay thì bên trong có những cái que cay, như kẹo màu sắc sặc sỡ, đủ loại, ngậm thấy vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay chẳng biết làm từ chất gì. Thịt hổ thì có mùi tanh, nhai giống như cao su vị ngọt, chua, cay lẫn lộn… 

Không lẽ ở Trung Quốc hổ nhiều đến nỗi phải mang ra xẻ thịt làm ruốc thịt hổ cho vào những túi nhỏ như thế này giống như khô bò và bán giá rẻ bèo? Còn nếu là thịt hổ rởm thì họ làm bằng chất gì mà mùi vị tẩm ướp lẫn lộn có ngọt, chua và cay lẫn mùi tanh tanh? Ngay những cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm cũng chỉ kiểm nghiệm thấy chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học tẩm ướp độc hại chứ chưa phân biệt “thịt hổ” làm ra từ chất gì. 

Không cần phải cơ quan chuyên môn phân tích, hay máy móc xét nghiệm. Người bình thường cũng biết đây là những loại thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc và ngoài bao bì in chữ Trung Quốc ra không ghi thêm bất cứ thông tin gì cho biết chất lượng, xuất xứ của sản phẩm bên trong. Những gói “thịt hổ” bán cho trẻ em của Trung Quốc khiến nhiều người nhớ lại cách đây không lâu đã rộ lên sản phẩm “mực sấy” rởm của Trung Quốc cũng xuất hiện tràn lan ở thị trường “mực sấy” thật ở nước ta.

Những gói “mực sấy” rởm của Trung Quốc làm bằng… cao su, nhưng công nghệ chế biến của Trung Quốc phải nói là hết sức tinh vi từ khâu giả hình con khô mực đến cách tẩm ướp, mùi vị đặc trưng của mực khô. Người tiêu dùng khó phân biệt là “mực sấy” rởm, chỉ thấy giá rẻ, mua về ăn hoặc làm quà biếu, khi người tiêu dùng trực tiếp nướng lên thì nghe… mùi khét của cao su mới biết là “mực sấy” rởm. “Thực phẩm lạ” của Trung Quốc có mặt ở thị trường nước ta kể ra không xiết, vì nhiều chủng loại.

Người kinh doanh chỉ hám lợi, thấy giá bèo nhập về bán chứ không cần biết nó độc hại thế nào, tác động xấu cho xã hội ra sao. Đó là một cách tiếp tay cho ý đồ xấu của gian thương Trung Quốc, nhất là đối với các mặt hàng thức ăn, nước uống dành cho trẻ em thì sự tác hại không thể tưởng tượng nổi. 

Trong khi đó các cơ quan quản lý nguồn thực phẩm nhập ngoại nước ta thì gần như bất lực, không kiểm soát được. Do đó phụ huynh, nhà trường cần đề cao cảnh giác, giáo dục học sinh, con em mình không nên mua các loại “thực phẩm lạ” của Trung Quốc, có lẽ đây là cách tốt nhất để tự bảo vệ sức khỏe chung của từng gia đình và cộng đồng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: