Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Phỏng Vấn Văn Học trong Bên Kia Con Chữ và Nghệ Thuật


Trong tinh thần của chủ đề Đối Thoại, việc đọc và đọc lại cuốn Bên Kia Con Chữ và Nghệ Thuật (BKCCVNT) của Đặng Phú Phong trở nên thú vị hơn nữa. Tôi còn nhớ lời Trần Vũ thời anh và tôi còn ở trong Ban Biên Tập tạp chí Hợp Lưu, khi đó anh Phùng Nguyễn làm chủ biên, rằng phỏng vấn là thể loại thu hút người đọc nhất, và mỗi số báo đều cố gắng thực hiện một cuộc phỏng vấn. Về phía độc giả, họ thấy đọc phỏng vấn “vui”hơn đọc sáng tác. Họ đọc vì đã biết một tác giả nào đó. Họ đọc vì chưa biết nhưng muốn biết xem tác giả ấy có nên đọc hay không. Họ đọc vì thích người làm phỏng vấn, biết người thực hiện có trình độ nhất định, biết người này có lương tâm nghề nghiệp. Tại sao tôi nói lương tâm nghề nghiệp? Vì có người thực hiện phỏng vấn mà chưa hề đọc tác phẩm, thế nhưng họ vẫn đặt câu hỏi chung chung theo một dàn bài soạn sẵn có thể áp dụng cho mọi trường hợp, one size fits all. Nhiều người viết cũng thích đọc phỏng vấn (nhất) vì tính cách chuyên sâu và nhiều khi triệt để của phỏng vấn văn học. Ngoài những gì chúng ta biết về tác giả qua văn bản, qua diễn giải và cảm nhận chủ quan của chúng ta, đây là một cơ hội cho thấy phong cách và cá tính riêng của tác giả, quan niệm viết và kỹ thuật viết của họ. PVVH là một trao đổi hai chiều giữa người hỏi và người đáp. Nó là một cuộc nói chuyện trí tuệ cần có sự đầu tư tinh thần và khả năng mẫn cảm văn chương của người đưa ra câu hỏi. Nó cho công chúng đọc cơ hội tham gia vào một hay nhiều cách đọc (văn bản) dựa trên những câu hỏi phỏng vấn.
Tôi thích cách nhà văn Đặng Phú Phong (ĐPP) đặt câu hỏi cho tôi và nhiều tác giả khác. Anh là người viết sáng tác, viết nhận định về nghệ thuật tạo hình, và anh đã thực hiện những cuộc PVVH giá trị. Điều này rất hiếm hoi hiện nay. Và điều này rất cần thiết. Câu hỏi phỏng vấn trong những mạn đàm văn học là một cách soi rọi vào văn bản. Nếu người đặt câu hỏi không phải là người viết sáng tác, nhiều khi họ sẽ bỏ qua những điểm thuộc về kỹ thuật, cấu trúc, nội dung, ẩn dụ, những hình thức để thể hiện, và dụng ý của tác giả. Những câu hỏi đưa ra là cách người thực hiện phỏng vấn phân tích tác phẩm và muốn trao đổi với tác giả những suy nghiệm của họ. PVVH đòi hỏi người PV rất nhiều thứ: (1) người đọc giỏi, chuyên chú, nhạy cảm, và đọc từ góc độ của người viết, (2) cách đặt vấn đề với tác giả, để đưa ra ánh sáng những điểm mà người phỏng vấn thấy cần thiết cho việc thưởng thức tác phẩm, (3) vốn đọc sâu rộng, đặc biệt đọc càng nhiều càng tốt, hoặc đọc hết những tác phẩm trước khi khởi sự phỏng vấn (trong trường hợp cuốn BKCCVNT, những tác giả Du Tử Lê, Đào Hiếu, Nguyễn Tôn Nhan, Thảo Trường là những nhà văn có khối lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng về thể loại). Do tính văn học và vì mức độ tiếp nhận rộng rãi của độc giả, PVVH chắc chắn đã là một thể loại văn học ngày càng được ưa chuộng. Đó là một hình thức thể hiện bằng ngôn ngữ, về tác phẩm và tác giả, và tương quan giữa hai thứ này, với một hay nhiều người đọc, trong một cộng đồng văn chương, trong một ngữ cảnh đặc thù là không gian sáng tác của người được phỏng vấn. Phỏng vấn văn học  còn là một thể loại văn học đặc biệt vì hình thức nhiều biến thiên của nó.
Phương pháp PVVH trong cuốn sách này?  Nó là một cộng hưởng  từ hai phía. PVVH sử dụng nhiều phương pháp, bao gồm tung hứng, gợi ý, mạn đàm, thảo luận, đối thoại, cho đến cật vấn, truy xét, hạch hỏi,…; tùy vào đối tượng được phỏng vấn, tùy vào tác phẩm được đề cập, vào hoàn cảnh chung quanh tác giả và tác phẩm (nhiều phần là bối cảnh/ ý thức chính trị xã hội), có thể là những phản ứng thuận lợi hay bất lợi của dư luận về tác phẩm. Người phỏng vấn giỏi nắm bắt tất cả những thứ này. Tôi tìm thấy những điều này trong cuốn BKCCVNT. Người phỏng vấn ĐPP thay đổi cách phỏng vấn của anh tùy vào đối tượng. Điều này mang lại sự sinh động cho từng cuộc phỏng vấn, và tạo màu sắc linh hoạt cho toàn tập sách. Điều này đến từ tính cách riêng của từng tác giả; từ cách ĐPP cảm nhận họ, đọc họ; và cả hai kết hợp lại để tạo ra một kết quả đặc thù, một trao đổi tinh thần hữu cơ và mang đến bất ngờ cho cả người hỏi lẫn người trả lời phỏng vấn.
Phương pháp thứ nhất là tập trung vào tác phẩm và đưa ra những nhận định. Tính cách này rõ rệt ở phỏng vấn với Du Tử Lê, Nhã Thuyên, Nguyễn Viện, và Đặng Thơ Thơ. Với Nguyễn Viện, ĐPP đặt những câu  hỏi về khuynh hướng sáng tác hậu hiện đại và những thử nghiệm mới. Với Du Tử Lê những câu hỏi bao quát hành trình và quan niệm sáng tạo của nhà thơ/nhà văn DTL – Trong phần phỏng vấn với Nhã Thuyên, ĐPP đưa  nhiều nhận định về tác phẩm của Nhã Thuyên:
-Nếu như “quan niệm sẽ đến và lại biến mất” như cô nói thì chẳng lẽ thế giới này chỉ sống bằng hoài nghi sao? Và như vậy tác giả là kẻ vong thân trong sáng tác? (128)
(hoặc) – Truyện“Kinh Nghiệm cảm giác” (“Ngón Tay Út”), đọc những dòng cô viết:
Mỗi sáng thức giấc
tôi lại hoảng hốt
bởi một ngày mới
Mặt trời sẽ mọc ở đâu?
Mặt trời sẽ mọc ở đâu?
Có chảy tràn trề máu
như trong đêm không? 
Tôi có cảm giác cô bị ám ảnh thường trực bởi những tư tưởng muốn khám phá những gì vốn được xem như là chân lý. Ví dụ như mặt trời sẽ đương nhiên mọc (rise), và sẽ mọc phương đông (east). Và, dĩ nhiên đó chỉ là khái niệm. Có phải tự cô muốn tìm muốn khái niệm khác cho riêng cô đối với cuộc đời? Tại sao cô đang “ở trong giai đoạn gây sự với chính mình”? (130)

(hoặc) “Qua câu trả lời này, rõ ràng là cô đang “gây sự với chính mình”. Như nhịp chạy của xe lửa : xình xịch xình xịch tới lui tới lui. Cô có nghĩ rằng mình sẽ mãi mãi dằng co với những điều đáng ra phải quên đi hay ít ra chỉ để đó. Co cưỡng., niu kéo thì làm sao có lối thoát, trong khi tác phẩm tự nó sẽ sống hay chết, không cần một sự giải thích từ người sinh nó ra?” (132)
Phương pháp thứ hai là Trao đổi/ Trò chuyện (với Nguyễn Tôn Nhan, Lê Văn Khoa, Nga Mi-Lãng Minh, Thảo Trường, Song Chi). Người phỏng vấn nghĩ đến những quan tâm của các tác giả, hiểu được vấn đề, và tạo điều kiện để tác giả nói. Người phỏng vấn cũng đặt mình vào vị trí những độc giả nói chung, để đưa câu hỏi đến tác giả. Tinh tế và nhạy bén, người phỏng vấn dựa trên những câu trả lời để tiếp tục mở rộng thảo luận với tác giả. Qua đó chúng ta biết thêm về bối cảnh  truyện ngắn “Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai”, về thời gian nhà văn Thảo Trường đi tù cải tạo trong trại giam Rừng Lá,  về chuyện ông bị “sốt rét cấp tính lên não, phát điên, xém chết”, về chuyện tù nhân “thiếu tá” chế độ cũ được dân miền Nam trân trọng ra sao khi chuyển từ Rừng Lá vào bệnh viện tỉnh Phan Thiết (160, 161),… Tất cả là những tư liệu văn học quý giá. Với Nguyễn Tôn Nhan và Đào Hiếu, cách xưng hô Ông/Tôi tạo không khí thân mật cho cuộc trò chuyện. Sự tung hứng qua lại dẫn đến phương pháp thứ ba, là “Truy Bức” Tinh Thần, đặc thù trong “Tản Mạn Một Vài Với Đào Hiếu”. Liên tiếp nhiều trang từ 65 đến 69, cuộc truy bức rất hứng thú. ĐPP đẩy đưa câu hỏi để ĐH phải nhìn nhận một sự thật. Cách đặt câu hỏi theo hình thức bao vây, để con mồi hết đường thoát. Ai đã đi lạc đường, lạc đường hay lầm đường, anh có dám nhìn nhận mình đã lựa chọn sai,… ĐPP đã dành cho ĐH nhiều cơ hội nhưng tiếc thay ĐH đã bỏ lỡ dịp may này. Đào Hiếu đổ lỗi cho “LỊCH SỬ ĐÃ LẠC ĐƯỜNG” và phủ nhận trách nhiệm của mình. Có thể thấy quan tâm của ĐPP về những giá trị nhân bản và ý thức trách nhiệm của con người/người viết với lịch sử và quá khứ. Có thể thấy rất nhiều lỗ hổng trong cách lý luận của ĐH lẫn sự nguy biện khi khẳng định “Tôi không hề lạc đường.” Đối với thái độ “không phản tỉnh về quá khứ” (trích lời Tiêu Dao Bảo Cự) này, nhà văn ĐPP lại truy bức tiếp qua nhiều trang khác. Cuộc “tản mạn một vài” có thể gọi là tra tấn tinh thần, và cuối cùng ĐH đã phải nói; “Tôi là ĐH, một con số không. Xin đừng chì chiết như bà dì ghẻ với tôi nữa” (79). Cuộc phỏng vấn này khiến tôi liên tưởng đến bài phỏng vấn Hoàng Phủ Ngọc Tường do nhà thơ Nguyễn Đức Tùng thực hiện. Cả hai phỏng vấn đều thú vị do cách sắp đặt câu hỏi nhằm đẩy người trả lời đi vòng quanh, và cuối cùng phải mặc nhận một điều nào đó, bằng chính sự phủ định hay từ khước không muốn công nhận của họ.
Những câu hỏi của người phỏng vấn ĐPP không dễ trả lời, cho dù dưới dạng thảo luận, hay truy bức, hay trò chuyện. Câu hỏi càng khó thì cuộc phỏng vấn càng hứng thú. Phần phỏng vấn với Đặng Thơ Thơ còn đào sâu vào từng truyện một trong tuyển tập Khả Thể, từng chủ đề chính phụ trong mỗi truyện, từng chi tiết, từng con chữ, với mỗi truyện là một phân tích/ suy nghiệm sâu sắc của người đặt câu hỏi. Qua phần trả lời của tôi với anh ĐPP, tôi có dịp trình bày rõ hơn về những gì mình đã viết, như những chú thích văn học về phía người viết. Điều này bắt buộc tôi phải đứng ngoài tác phẩm của mình, cầm dao giải phẫu  những đứa con tinh thần của mình, và giải phẫu chính mình. Như nhiều người viết sáng tác khác, tôi không muốn nói về những sáng tác của mình, công việc này rất khó khăn, và không mấy hào hứng so với việc ngồi xuống và viết một thứ gì khác hư cấu và tùy hứng từ tưởng tượng. Nói về những gì mình đã viết là một tiến trình nghịch với hành động sáng tác. Tuy nhiên, chính người thực hiện phỏng vấn ĐPP đã tạo cảm hứng cho các tác giả trong việc phân tích lại những gì họ viết và tại sao họ lại viết như thế. Và tất nhiên, điều này là cần thiết, cho văn học, và cho người đọc.
(Đọc trong ngày ra mắt sách Bên Kia Con Chữ và Nghệ Thuật 31/1/2016. Viết lại ngày 3/3/2016)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: