Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

PHÁT BIỂU CỦA BAN GIÁM KHẢO VỀ GIẢI NGHIÊN CỨU – PHÊ BÌNH




Thưa các bạn,
Ban Giám khảo Giải Văn Việt lần thứ nhất về Nghiên cứu Phê bình gồm nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà văn Nguyên Ngọc, và nhà nghiên cứu phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nhất trí với 5/5 số phiếu trao:
Giải chính thức cho nhà phê bình Inrasara với loạt bài Hồ sơ biên bản so sánh.
Là một nỗ lực dựng lên diện mạo thơ Việt đương đại, là những trăn trở về ý nghĩa và đóng góp thật sự của thơ cùng nghệ thuật nói chung, Hồ sơ biên bản so sánh dự định gồm 30 bài, đã đăng 19 bài trên Văn Việt đều đặn từ ngày 5/10/2015 đến nay.
Biên độ thơ Inrasara chọn lựa để “lập hồ sơ” là không giới hạn: thơ của tác giả trong nước và ngoài nước, thơ truyền thống (như lục bát) và cách tân (như tạo hình), thơ từ nhiều trường phái hiện đại và hậu hiện đại, thơ đa diện chủ đề từ tình yêu đến thời sự chính trị, thơ là trò chơi con chữ trong khung khổ mặt giấy đến trò chơi trình diễn trên sân khấu và đời thường… Tất cả đều cùng hướng đến hai mục tiêu, cũng là hai thao tác để anh đưa “hồ sơ” đến với độc giả: giới thiệu và so sánh.
Anh không bận tâm đến việc chọn mẫu tác phẩm giới thiệu sao cho là tiêu biểu nhất cho một nhà thơ, cho một nền thơ, như kiểu thẩm định của các bậc tiền bối (Hoài Thanh chẳng hạn) mà để mặc việc lựa chọn chảy theo dòng thời sự có khi đầy bột phát, ngẫu hứng và tất nhiên đi liền với sự độc đáo của sinh thể thơ, như trường hợp thơ thời sự của Lê Vĩnh Tài về chủ quyền biển đảo, thơ “Đâm ja” của Bùi Chát đưa ngôn ngữ về phía ngoại biên, thơ đột phá thi liệu (“bò” thay thế “ngựa”) của Lam Hạnh bên dàn đồng ca một giọng của các nhà thơ trẻ, “thơ” “Tôi là cột điện” biến đường phố thành không gian trình diễn của Lê Anh Hoài, thơ tạo hình của Trần Wũ Khang,… Những nghịch âm đa giọng này đã được lựa chọn (tưởng chừng) ngẫu nhiên theo tùy hứng người phê bình lại vẽ lên tương đối rõ ràng về khuôn mặt thơ Việt đương đại. Đây không phải một ăn may, mà là quá trình làm việc có quy trình dựa trên một số nội hàm chủ chốt: “hậu hiện đại”, “ngoại vi” và “tự do”.
“Hậu hiện đại”, “ngoại vi” và “tự do”. Đây cũng là ba từ khóa quan trọng có mặt trong hầu hết các bài viết. Nhà văn bị đóng khung vào định chế và tự do viết bị thách thức: “Đừng nói “tàu Trung Quốc”, khi báo chí chính thống Nhà nước vẫn còn xài khái niệm “tàu lạ”. Đừng động đến đề tài chiến tranh biên giới Việt Trung khi 16 chữ vàng vẫn còn linh nghiệm. Thi đua yêu nước, nhưng đừng viết về các vụ biểu tình. Đừng nhấn vào bề tối của cơ chế, như chuyện tham nhũng chẳng hạn; nếu có ngứa tay viết về nó, tránh để đừng chạm đến mấy chiếc ghế có vai trò trọng trách. Toàn dân sử dụng Facebook là tốt, song đừng like mấy bài bình luận chống phá chế độ ta. Tự do ngôn luận, đừng vi phạm tinh thần Nghị định 72. Tóm lại, nhà văn Việt Nam “viết hoàn toàn tự do” (chữ của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn), cả “sống và viết hoàn toàn tự do” (chữ của nhà thơ Vi Thùy Linh), nhưng nhớ đừng đụng đến đề tài tự do chính trị như vụ đa nguyên, đa đảng. Mênh mông đừng hiện diện trong/ lởn vởn quanh đầu óc nhà văn Việt Nam, khi ngồi trước trang giấy/ màn hình trắng (Bài 16: Từ “Đừng!” của Đinh Linh đến “Luộc” của Lý Đợi). Nhưng những cái “đừng” húy kị ấy lại là nguồn cảm hứng sáng tác vô bờ bến cho những nhà thơ yêu sự dấn thân trong cuộc đời và thể nghiệm trong nghệ thuật. Inrasara luôn đứng về phía những người này. Họ tạo nên một dòng thơ hậu hiện đại gắn liền với phía ngoại vi vì họ ưa sự tự do, cái mà dòng thơ được coi là phía trung tâm/ chính thống không có được. Inrasara đã không chút thỏa hiệp với điều này: “[T]hứ phù phiếm trả giá bằng bao tốn kém với cả khối tòng thuộc… thì còn gì là tự do” (Bài 3: Thơ trình diễn Việt – từ hiện đại đến hậu hiện đại tiến lên… sến). Và bởi vì thơ “sợ sự thật”, “thơ tự bịt mắt và bó tay để hạn định mình làm ra thứ chữ nghĩa có thể được đăng, được in, để được đăng đàn diễn các loại” thì “mọi trò diễn chỉ dẫn đến thứ ảo tưởng của ảo tưởng: ảo tưởng về tự do” (bài 19: Lê Vĩnh Tài & những trò diễn của thơ).
Vậy là, anh đã hi sinh cái cụ thể cho cái khái quát, không nhằm khắc họa khuôn mặt kĩ càng từng phong cách thơ mà dựng lại một con đường cho thơ và kiên định với lựa chọn ấy. Đó cũng là lí do anh chọn thao tác so sánh một cách rất… phản so sánh khi không giấu giếm thái độ đứng về phía những nhà thơ/ bài thơ mạnh dạn cách tân thi tứ, lối chữ cắt dán và giọng điệu giễu nhại của hậu hiện đại trong tương quan với các bài thơ/ dòng thơ “phải đạo”, đúng đường lối. Đó không chỉ là lí tưởng mà còn là nỗi niềm đau đáu. Nên bỏ qua thao tác khoa học nghiêm nhặt, ở đây có sự ưu ái trước tiên là dành cho cái mới và thứ hai là dành cho những nhà thơ trẻ, những người có khả năng chấp nhận và tìm tòi cái mới.
Cái táo bạo và độc đáo của Inrasara đôi khi ở ngay trong thao tác so sánh. Chẳng hạn nếu viết về Tố Hữu hay Bùi Chát mỗi người một bài độc lập thì chẳng có gì làm ai ngạc nhiên. Nhưng đem so sánh Tố Hữu với Bùi Chát, mà lại về chuyện “nhìn lại thế đứng của đĩ Việt Nam”, thì Inrasara đã chơi một cú montage, làm bật lên bao ý nghĩa ngầm ẩn.
Hồ sơ biên bản so sánh” là một lao động nghệ thuật nghiêm túc và tâm huyết, là một cách đọc về thơ tiếng Việt mang tính khơi gợi và có khả năng truyền cảm hứng cho độc giả nói chung. Có lẽ, cái đáng quý sau cùng là sự “tự thức, tự tri, tự ngộ” (chữ dùng của Inrasara) sau khi khép lại hồ sơ, của một ngòi bút phê bình đậm nhân tình thức gọi nhân tính đương đại đang bên bờ hố thẳm.
*
* *
Cũng với 5/5 số phiếu, Ban Giám khảo nhất trí trao:
Giải đặc biệt cho nhà nghiên cứu Thụy Khuê với loạt bài về Văn học miền Nam 1954-1975 và công trình biên khảo Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long.
Thụy Khuê là người viết mở đầu cho chuyên mục Văn học miền Nam 54-75, với một bài khái quát nhan đề Văn học Miền Nam đăng vào giữa tháng 7/2014 và sau cùng là bài về Nhất Linh đăng vào cuối tháng 10/2015, tổng cộng là 14 kỳ, trong số (cho đến nay) 185 kỳ của chuyên mục này.
Thụy Khuê khảo sát Văn học miền Nam, chú ý đến các đặc điểm, đến nhóm và khuynh hướng, đến lực lượng sáng tác, đến tình hình báo chí nói chung đã đành, mà còn chú ý đặc biệt đến vai trò của triết học và các nhà viết sách triết học. Vì thế, trong số 12 tác giả bà có bài viết riêng, thì đến ba người – Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh và Trần Văn Toàn – là giáo sư Triết. Không những thế, Thụy Khuê còn dành thì giờ phân tích một số cuốn sách triết tiêu biểu của các tác giả này. Đó là cách tiếp cận rất đúng, nhất là nếu ta nhớ ở miền Nam triết học có ảnh to lớn như thế nào.
Các tác giả được Thụy Khuê viết riêng đều tiêu biểu cho Văn học miền Nam 1954 – 1975, từ Nhất Linh, Vũ Khắc Khoan, Bình Nguyên Lộc, đến Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyên Sa, Võ Phiến, Mai Thảo, Bùi Giáng. Mỗi tác giả là một bài viết không dài, nhưng cho thấy được hồn cốt của tác giả đó. Tất nhiên, Văn học miền Nam không chỉ chừng ấy khuôn mặt và có lẽ Thụy Khuê cũng chưa dừng việc nghiên cứu của mình ở đó.
Là người chuyên viết về văn học, Thụy Khuê là người viết chắc tay và đáng tin cậy về vấn đề này. Nhưng đáng ngạc nhiên, là qua địa hạt Sử học, Thụy Khuê có một công trình đầy khám phá: Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long. Đây là một khảo cứu công phu đăng trên Văn Việt từ giữa tháng 3 năm 1975 đến cuối tháng 10 cùng năm, cả thảy đến 32 kỳ.
Đề tài không mới. Trước Thụy Khuê 100 năm, trên tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH) từ 1917 đến 1926, L. Cadière chủ xướng và thực hiện loạt bài Les français au service de Gia Long. Từ đó đến nay, hàng chục công trình của nhiều nhà sử học tên tuổi cày đi xới lại vấn đề này. Làm thế nào mà Thụy Khuê vượt qua các những người đi trước, những Charles Gosselin, Charles B. Maybon, Léopold Cadière, Georges Taboulet, Charles Fourniau,… về phía Pháp; những Trần Trọng Kim, Trần Huy Liệu, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Đào Đăng Vỹ, Lê Thành Khôi, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Khắc Ngữ, Tạ Chí Đại Trường,… về phía Việt Nam?
Trước hết, đó là nhờ tác giả biết dựa chắc vào sử triều Nguyễn, đặc biệt là Đại Nam thực lục. Đây là cuốn sử bắt đầu in khi Minh Mạng qua đời, do chính nhà vua cho soạn nhưng không duyệt, và có chứng cứ cho thấy các sử thần được tự do trong viết sử. Thứ hai, là nhờ tác giả đối chiếu các sử liệu, tỉ mỉ và cẩn thận, với tinh thần phản biện cao, giữa Đại Nam thực lục và tư liệu của Pháp và giữa các tư liệu của Pháp với nhau, chứ không vội vàng tin một chiều vào tư liệu của một phía. Đó là cả một cuộc điều tra lịch sử công phu và nghiêm ngặt, được gợi hứng từ công trình Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của Nguyễn Quốc Trị (tác giả tự xuất bản, 2013, Maryland, Hoa Kỳ), nhưng đi xa hơn rất nhiều.
Kết quả, là những kết luận có tính chất lật đổ, phá tan tành cái mà bà gọi là “huyễn sử”. Chẳng hạn:
· Bá Đa Lộc hoàn toàn không giúp được gì cho Gia Long.
· Những người Pháp được tôn xưng là “sĩ quan”, “kỹ sư”, “kiến trúc sư”, nhà lãnh đạo, tổ chức và huấn luyện quân đội, xây dựng những thành quách “Vauban” ở Việt Nam… thực ra là những người lính vô học, đào ngũ, không đủ kiến thức để làm được những công việc đó.
· Tất cả mọi công trình xây dựng (như thành Gia Định và thành Diên Khánh, cũng như kinh thành Huế sau này), đóng tàu và luyện tập quân sự đều do người Việt thực hiện dưới sự điều khiển của chính Gia Long.
· Hai tàu chiến Pháp Gloire và Victorieuse đến Đà Nẵng, ngày 15/4/1847, đã tấn công lén, tiêu diệt 5 thuyền chiến bọc đồng của triều đình, rồi bỏ trốn, chứ không phải bị tàu Việt tấn công trước.
· Về mặt kỹ thuật, tàu Việt thời Gia Long ngang ngửa với tàu phương Tây.
· Tự Đức có “một chính sách chống ngoại xâm ôn hoà, sáng suốt, và có tổ chức”, chứ không phải là một ông vua bạc nhược, chỉ ham thơ văn.
Bằng các tư liệu không đáng tin, thậm chí có thể khẳng định là ngụy tạo, các sử gia Pháp cố dựng lên huyền thoại “trước khi người Pháp đến, ta không có gì cả, chính người Pháp đã đem “văn minh” cho chúng ta và dựng lại ngai vàng cho nhà Nguyễn”. Điều đáng nói là “lịch sử” bịa đặt của các học giả thuộc địa của Pháp lại ảnh hưởng đến hầu hết các sử gia Việt Nam, khi họ “tận tín” vào sử liệu của Pháp. Bằng công trình này, Thụy Khuê khẳng định: “Chúng ta đã mất nước về tay Pháp; thất bại đó ta phải chịu trách nhiệm, nhưng không thể để cho dĩ vãng lịch sử của dân tộc bị cướp trắng [...]”. Bà đã khai quật được lịch sử bị chôn vùi, một cách có chủ đích hay do mặc cảm tự ty đối với phương Tây hoặc do thiên kiến chính trị.
Thụy Khuê chủ trương viết lịch sử như nó vốn có, chứ không phải để “đánh giá” lịch sử. Bà phản đối việc “người ta tự đứng trên lịch sử để phát biểu và không cần biết những sự thực xoay quanh những nhân vật lịch sử này như thế nào. Người ta không tìm hiểu, nghiên cứu, mà tùy hứng “đánh giá”: Người ta kết tội Phan Thanh Giản phản động rồi sau “đánh giá lại” là “yêu nước”. Và bà chua xót nhận xét: “Lịch sử viết theo đúng quy luật như thế, tôi nghĩ rằng thời đại chúng ta còn kém xa thời đại Minh Mạng”.
*
* *
Trao giải chính thức cho Inrasara và giải đặc biệt cho Thụy Khuê, Ban Giám khảo muốn cổ vũ cho một lối phê bình “không sợ sự thật”, một thái độ nghiên cứu đi đến cùng sự thật. Nói như Kinh Thánh, “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Jean 8: 32).
Xin cảm ơn các bạn. Xin cảm ơn Inrasara và Thụy Khuê.
http://vanviet.info/so-dac-biet/pht-bieu-cua-ban-gim-khao-ve-giai-nghin-cuu-ph-bnh/
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: