Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Cầu xin quốc thái dân an


Lê Phú Cường
(TBKTSG) - Mùa lễ hội, tháng đi chùa đã thành lệ, muốn cản cũng không được. Mùa vui, thì cũng để cho vui, đó là điều đáng quý, đáng được gìn giữ và trân trọng. Nhưng cũng phải biết tiết chế. Một con người không biết tiết chế đã là một sự thiếu hụt; một cộng đồng không biết tiết chế lại càng đáng báo động. Lễ hội ở một số vùng miền, cũng cần phải tiết chế lắm thay!

Đó là sự tiết chế về hình thức, phô trương. Tiết chế về sự rườm rà, lãng phí trong việc dâng cúng vàng mã, và những đồ cúng tế không thiết thực. Những thức ấy không có ích cho người sống thì liệu cõi âm (nếu có) có cần thiết đến chúng hay không? Đời sống tâm linh là sự sâu thẳm của trí tuệ, tâm hồn và sự hiểu, sự “ngộ” về đạo, về quy luật vạn vật, vũ trụ, con người. Những thứ ấy sẽ không tìm thấy và trang bị được giữa đám đông xô lấn, giẫm đạp trong những mùa lễ hội. Chỉ cần làm một sự so sánh nhỏ: nếu ta chen lấn dâng hương, dâng đồ cúng tế, đi - về mất một buổi vào ngày lễ hội cao điểm ở chùa, và ta được tiếp cận sư thầy một vài giờ để nghe dẫn giảng về đạo thì sự thẩm thấu sẽ khác nhau ra sao?

Tín ngưỡng là đời sống tâm linh, nhưng không thể bỏ đi sự tiến bộ và tư duy, tri thức. Đạo sâu thẳm phải bắt nguồn từ trí tuệ, tư duy. Nếu dùng tư duy để phán xét thì lễ hội của ta và người đi lễ hội cần phải điều chỉnh nhiều lắm. Đó là việc đi lễ đi chùa nếu lường trước được sự đông đúc, quá tải thì ta cũng nên tránh, không nên chỉ dồn vào một số ngày. Những sự thái quá đều không tốt. Đối với đồ dâng cúng, nên đi vào sự thiết thực: trước cúng sau ăn. Xung quanh ta còn quá nhiều người đói khổ mà ta đem cúng những thứ không dùng được sau khi cúng thì thiết nghĩ đó cũng là một sự lãng phí chứ chẳng phải làm lành. Nghi lễ, vật cúng tế là cần thiết cho sự thiêng liêng, trang trọng nhưng không nên thừa thải. Má tôi vẫn hay dặn dò các con, nên cúng chùa bằng gạo để bố thí dân nghèo, cúng tiền để trùng tu cơ sở vật chất nhà chùa. Chùa không mong cúng vàng mã hay lễ vật mau ôi thiu không dùng được.

Sống trên bảy chục tuổi đời, má đâu mong gì thêm cho bản thân mình. Đầu năm đi chùa, má chỉ cầu mong “quốc thái, dân an”. Tôi chưa bao giờ biết cầu xin điều đó. Nên tôi nín lặng, tĩnh tâm suốt buổi sáng nay. Má cầu xin chỉ vừa đủ má nghe và thần thánh hiển linh (nếu có) nghe thấy. Và tôi được nghe trộm. Đó là nguyện vọng thiêng liêng của một con người chứ không phải sự phô trương. Tôi vẫn thường bức xúc vì tệ nạn cướp giật lộng hành giữa ban ngày ban mặt, một xã hội còn nhiều bất công và rối ren. Những việc liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và nhũng nhiễu quanh mình. Sự chất chứa đã hằn sâu nhiều năm. Thương má, và cũng vì một niềm tin vào sự tiến bộ, tôi mạnh dạn nhắn tin và gọi điện vào đường dây nóng của thành phố.

“Tôi thề với danh dự của một công dân, những sự tường trình, những cái xấu, những tệ nạn là nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sự an nguy, sự phát triển của thành phố. Mặc dù những sự vụ đó rất đời thường, rất nhỏ bé nhưng rất đại trà. Chỉ trong năm 2015:

1. Em tôi bị giật dây chuyền vào lúc 6 giờ sáng tại trước cửa nhà tôi.
2. Để sửa được nhà tôi phải “xã giao” không ít với cán bộ chính quyền.
3. Hầu hết dịch vụ công bây giờ đều có “đường dây” làm nhanh với ba rem chi phí...

... “Bên ngoài, biển Đông vẫn không ngừng dậy sóng. Thương má, xin một lần nữa được nguyện cầu “quốc thái, dân an”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: