Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

CÂU CHUYỆN THỨ HAI VỀ ÔNG MEM BỜN



Truyện ngắn của HG

Hắn đang ở nhà hàng Cá Heo, nơi thời xưa là cửa hàng bán cung cấp cho cán bộ trung cao. Thời ấy cũng chẳng có gì nhiều, chỉ một vài thứ hàng tiêu dùng thiết yếu, người ta bán ba hàng, bảy dãy chẳng có người mua ngoài phố bây giờ. Nhưng lúc đó cực kỳ quý hiếm. Mấy hộp sữa, vài cân đường, tút thuốc lá “Thủ đô”, dăm mét vải.. Hầu hết là hàng tầm tầm, không mấy giá trị so với bây giờ. Nhưng rất thưa thớt người ra vào bởi vì vào được đấy phải là ông gỉ ông gì, người thường có ngang qua đấy chỉ ghé mắt nhìn qua khe cửa, thèm thuồng rồi vội rảo bước. Họ không có phận ở đấy. Phải các ông bà có bìa ưu tiên loại A,B, C trở lên. Nghe nói họ còn có nguồn không chính thức khác. Thành ra hàng “tiêu chuẩn”, mua người ta vẫn cho người đi mua, nhưng hầu hết đều không dùng đến, hầu hết lại có mặt ngoài “chợ giời”.
Hắn biết, nhưng chả quan tâm lắm đến chuyện này. Ừ thì trên rừng có ba mươi sáu thứ chim, xã hội loài người cũng nhiều đấng, bậc khác nhau. Có con ăn trái chín, thơm tho nơi cành cao, có con nhặt nhạnh tí vụn, quả chát nơi khe rãnh.. cũng là chuyện thường. Nghĩ ngợi gì nhiều cho đau đầu. Tuổi trẻ là phải biết nhìn cuộc đời rộng lớn bằng con mắt bao dung, đại đởn, để ý ba cái lẻ tẻ ấy làm gì?

Thực ra cái cửa hàng cũ chỉ còn vị trí trong ký ức hắn. Bây giờ nó đã được dọn đi ngôi nhà hai tầng quét vôi vàng cũ kỹ có từ thời đô hộ. Thay vào đó là ngôi nhà năm từng, cửa kính cửa chớp sáng choang, những lối đi điệu bộ làm bằng vật liệu hiếm nhập từ nước ngoài. Một phép lạ nào đó đã biến tài sản công cộng trở thành của tư nhân. Hắn chỉ chưa biết người chủ thật sự của nó là ai.
Thế giới của hắn là một thế giới lạ lùng. Ngay những cái đơn giản nhìn thấy bằng mắt thường cũng trở thành khó hiểu. Kiểu như người ta bảo “Thấy vậy mà không phải vậy”. Tay nhà thơ đi cùng hắn cho rằng hắn trên rừng về, có nhẽ chả biết chỗ này là chỗ nào, định miễn phí cho hắn mấy câu giải thích. Hắn im lặng ngồi nghe, không tỏ ra biểu lộ gì. Bạn hắn lại càng hào hứng:
- Hôm nào tụ bạ anh em tôi cũng chọn chỗ này. Đồ ăn uống ngon mà lại không quá đắt. Thích cái chỗ này trung tâm thành phố, nhưng lại thoáng đãng, nhìn quay ra hồ. Có hôm thấy cả cụ rùa thích chí nổi lên mặt nước. Nó không bị cảnh xô bồ bụi bặm như ở chỗ khác..Nhưng buổi gặp mặt hôm nay là bởi nữ tác giả này – tay ấy chỉ cô nàng có mái tóc ngang vai, đôi mắt thân thiện ngồi trước mặt hắn.
Nàng đang hí húi ghi  tặng  sách. Tập thơ có bìa mầu hồng, mấy chiếc lá xanh ở bìa thứ nhất, nét chữ đoan trang, lại đẹp. Hẳn là hắn sẽ có thêm một cuốn.
Tự dưng hắn cảm thấy áy náy. Không phải hắn cảm thấy ngại ngần, lúng túng trước người đẹp, tác giả tập thơ. Mà hắn ngại vì lẽ khác. Thường thì khi nhận sách người được tặng vui vẻ cảm ơn, nói về sẽ chú ý đọc.. Nhưng thực ra cuốn sách sẽ yên phận nằm ở một góc tủ nào đó. Tác giả của nó sẽ chẳng mấy khi biết được người được tặng nghĩ gì và cảm thấy thế nào?
Hắn không phải hạng người đó. Bất kể ai tặng sách, hắn cũng đọc cẩn thận, có khi còn dùng bút đánh dấu từng đoạn thích hay không thích. Nếu không gửi thư điện tử thì hắn cũng gọi điện cho tác giả nói về nhận xét của mình với tác phẩm. Nhưng lâu nay hắn quá bận, thời cuộc lại có nhiều điều khiến người ta không thể không chú ý ( Dù phần nhiều chả để làm gì, vì bất lực ). Vừa phải lo sống, lo, lo thêm “Phê bình.. tiểu luận” nữa thì thật quá sức. Hắn cảm thấy mình có lỗi trước thịnh tình mà các tác giả dành cho. Nhất là tác giả nữ như nàng đang ngồi trước mặt hắn đây. Sách thì chưa đọc, nhưng hắn cảm thấy thơ nàng không đén nỗi dở. Người ta bảo: “ Trông mặt mà bắt hình dong”. Con người lịch duyệt, kiều diễm này thơ hẳn là sẽ hay.
Đang lan man chuyện nọ rọ chuyện kia, chợt có điện thoại. Màn hình hiện số ông Mem Bờn, anh họ hắn:
- Chú đang ở đâu?
- Dạ.. Em đang ở nhà Hàng Cá Heo. Anh đã ra Hà Nội rồi à? Tranh thủ đến đây một lúc được không, có bạn ở đây biết anh đấy?
- Mình đang ở Hà Nội. Rất tiếc là không đến chỗ các bạn được. À mà chú nói nhà hàng “Cá heo” là nhà hàng quái quỷ ở chỗ nào nhỉ?
- Thì cửa hàng “Quốc tế” bờ hồ ngày trước đó. Chắc anh đi lâu rồi nên không biết.
- Hỏi vậy thôi, chứ ngay bây giờ mình phải vào Sài Gòn có tí việc, không tới được đâu. Anh em gặp nhau khi khác..À mà này cái ổ rắc lai và dây nạp điện thoại chú xem trong cốp xe xem anh có để đấy không? Cất hộ khi nào ra anh lấy nha!
Thì ra ông ấy gọi tới là vì chuyện này. Cái ông chàng một thời sính thơ ca và tính khí hơi đoảng giờ lại tự nhiên lẩn thẩn, kỹ tính thế nhi?  Một cái rắc nạp điện chỉ vài ngàn bạc mua chỗ nào chẳng được mà sao nghe ông ấy có vẻ lo lắng quan trọng thế? Hay ông ấy nghĩ tình hình ở Việt Nam vẫn như hồi ông ấy chưa ra nước ngoài, cái gì cũng hiếm, sợ không mua được?
Con người ta khi đứng tuổi có khi lại hay quá cẩn thận. Có thể ông ấy không ngoại lệ, hắn nghĩ vậy. Nhưng có nhẽ không hẳn thế. Ngay lúc gặp nhau ở quê, hắn đã thấy ông ấy có nét kỳ kỳ thế nào khó giải thích. Cái cảm giác ấy cứ ám ảnh hắn mà hắn chịu không thể nghĩ ra. Nó là cái gì vậy ta?



(Còn nữa )
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: