Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Đại gia đầu tư 5.500 tỷ cho FLC Sầm Sơn giàu cỡ nào?


Pha Lê (Tổng hợp)
SoHa - Tổng số tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch HĐQT FLC nắm giữ tính đến hết năm 2015 là 972,422 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, những thông tin liên quan đến quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa nhận được sự chú ý đặc biệt của cộng đồng.

Hàng loạt các bài viết liên quan đến quần thể sinh thái này tràn ngập trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng.

Công ty cổ phần tập đoàn FLC chính là đơn vị đã chi 5.500 tỷ đồng giải ngân vào FLC Sầm Sơn.

Và không ai khác, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết chính là người đã đưa doanh nghiệp này ghi tên vào danh sách những "ông chủ" sở hữu khu nghỉ dưỡng lớn nhất Việt Nam.

Ông chủ giàu có kín tiếng của tập đoàn nghìn tỷ

Mặc dù xếp vào hàng doanh nhân có "máu mặt", công ty có vốn điều lệ lên đến gần 8.400 tỷ đồng nhưng những thông tin liên quan đến ông chủ của FLC rất hiếm hoi.

Ông rất ít khi xuất hiện trước truyền thông, báo giới cũng như rất ít chia sẻ về cuộc sống của mình.

Người ta chỉ thấy ông xuất hiện với những phát biểu liên quan đến hoạt động cũng như chiến lược kinh doanh của công ty.

Nghiêm cẩn như một thầy giáo, ngay cả đến nụ cười cũng có chút gì như… e dè nhưng khi bàn chuyện kinh doanh, chuyện pháp luật thì lại trở nên linh hoạt đến mức khiến người đối diện khó có thể bắt kịp, là những gì người khác nhân xét về ông.

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC, Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông vào TP.HCM học sửa chữa điện tử. Hai năm liền, ban gày ông sửa đồ điện, tối ông tự học.

Hè năm 1996, ông nhận giấy báo trúng tuyển vào ba trường đại học và ông chọn Đại học Luật Hà Nội.

Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 1999, ngay sau khi ra trường ông thành lập công ty Tư vấn luật SMiC - chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ.

Ông nổi lên qua các vụ Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN về khoản 2,2 triệu đô la Mỹ tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên; vụ giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005...

Ông Quyết cho biết, quá trình hành nghề luật giúp ông tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế để áp dụng vào hoạt động kinh doanh và đầu tư.

"Nghề thầy cãi khiến tôi trở nên luôn thận trọng... Ai cũng thấy, tôi đầu tư khá nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng thực ra dự án nào tôi thấy rất chắc ăn mới làm chứ không dám mạo hiểm", ông từng chia sẻ.

Với 30 khách hàng thường xuyên là tổ chức, doanh nghiệp, công ty SMiC giúp ông Quyết có số vốn ban đầu để kinh doanh ở lĩnh vực khác.
Năm 2008, FLC ra đời. Vài năm trở lại đây, cái tên FLC trở thành một từ khóa “hot” với sự tăng trưởng “thần kỳ”.

Từ một doanh nghiệp nhỏ, FLC hiện nay đã trở thành một tập đoàn gồm nhiều công ty.Từ số vốn ban đầu vỏn vẹn 18 tỷ đồng, sau hơn 6 năm, mức vốn của FLC cũng đã tăng hơn 400 lần lên gần 8.400 tỷ.

FLC hiện hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng, bất động sản, dịch vụ tư vấn, giáo dục dạy nghề... với mức tăng trưởng ấn tượng.

Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ như vậy nên ông Quyết nhanh chóng được lọt vào top 100 doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt.

Theo thống kê, ông Quyết đang sở hữu khoảng 69.507.648 cổ phiếu FLC (tính đến hết ngày 15/1/2016).

Tuy nhiên, nếu tính tổng số tài sản trên sàn chứng khoán mà vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC nắm giữ tính đến hết 2015 thì là 972,422 tỷ đồng, tăng hơn 80 tỷ đồng so với năm 2014.

Chủ tịch FLC cũng đã từng được tờ tạp chí Forbes phiên bản tiếng Việt vinh danh. Ngoài ra, ông Quyết cũng từng được lọt vào danh sách 5 luật sư tiêu biểu của Việt Nam.

FLC Sầm Sơn, dự án nghìn tỷ tai tiếng

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn có quy mô 200ha, tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng.

Dự án này bao gồm các hạng mục: Sân golf 18 lỗ, nhà câu lạc bộ golf rộng 8.000 m2, khu biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp Fusion gần 100 phòng, khách sạn 5 sao và khu bungalow À La Carte gần 600 phòng.

Ngoài ra FLC Sầm Sơn còn có bể bơi nước mặn 5.100 m2, trung tâm hội nghị quốc tế 1.300 chỗ ngồi, các khu vui chơi giải trí trong nhà và ngoài trời cùng hơn 1.000 căn biệt thự.


Tưởng như sự phát triển quần thể khu nghỉ dưỡng này sẽ giúp cho đời sống người dân cũng như kinh tế của Sầm Sơn phát triển.

Thế nhưng, dù mới được đưa vào khai thác không lâu nhưng dự án này đã vấp phải sự phản đối của không ít người dân.

Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành cơ chế chính sách được cho là thỏa đáng và phù hợp nhưng vẫn không nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân ở phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn và xã Quảng Cư (thị xã.Sầm Sơn).

Những ngày cuối tháng 2 - đầu tháng 3/2016, hàng trăm người dân xã Quảng Cư (TX.Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã vây kín cổng chính của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Nguyên nhân là do người dân phản đối việc UBND tỉnh này đã thu hồi đất khu vực neo đậu bến thuyền phía đông đường Hồ Xuân Hương (xã Quảng Cư) để giao cho Tập đoàn FCL xây dựng lại bờ biển.

Việc làm này đã chặn con đường ra biển có từ hàng chục năm nay của ngư dân ở đây.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, hành vi của những người dân này đã gây rối trật tự công cộng, gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 116 khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: