Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Tin đồn thất thiệt: Vì sao?


Mấy ngày qua trên mạng đang loan truyền nhiều về về trường hợp được cho là "chữa khỏi bệnh ung thư gan" của GS Văn Như Cương với hầu hết các nhân vật và ngày giờ cụ thể khiến bất cứ ai đọc qua cũng thấy hay và bổ ích, đáng rút kinh nghiệm...! Đây là một bài báo như vậy: http://petrotimes.vn/news/vn/phong-su-dieu-tra/ai-chua-benh-ung-thu-cho-giao-su-van-nhu-cuong.html
Nhưng, với chút KN của một bệnh nhân, tui thấy bài báo trên không khác gì hàng trăm bài đã lưu truyền trên mạng bấy lâu nay và e rằng nếu tác giả hoặc bản thân GS Văn Như Cương và các bác sĩ trực tiếp tham gia ca bệnh của GS không lên tiếng thì những bài báo như vậy là "lợi bất cập hại" tạo điều kiện cho kẻ xấu kiếm tiền trên nỗi bất hạnh của bệnh nhân.

Quả đúng là ai chết đuối mà không vớ cọc? Nhưng e rằng những cái cọc mục hoặc cọc không có chân rất nguy hiểm! Vậy nên chăng các bác sĩ và ngành y, dù muộn, hãy một lần làm rõ trường hợp ca bệnh của GS chứ không chỉ để một số  nhà báo viết nhăng viết cuội về một vấn đề mà họ không thực sự hiểu biết. Tại sao các bác sĩ trực tiếp khám và làm các biện pháp can thiệp không nói gì mà để ông lương y Nho không có giấy phép hành nghề lên tiếng? Nội dung các bài báo đều rất sơ sài, với những thông tin không chính xác, thiếu nhất quán, ví dụ không rõ khối u trong gan hay chỉ là khối tụ máu trong tĩnh mạch;  lúc nói là "nút tĩnh mạch", lúc nói "nút động mạch"- vốn là những thủ thuật có bản chất và  mục đích hoàn toàn khác nhau, v.v... Đoạn trích ý kiến của lương y Nho nghe như một sự "thỏa hiệp" hiếm hoi giữa Tây Y và Đông Y vì mục đích nào đó (?).

Tóm lại, đây là một chủ đề phức tạp không thể trình bày hết ở đây. Tôi chỉ muốn nêu lên một vấn nạn mà trách nhiệm chính thuộc về nhưỡng người làm công tác quản lý ngành y. Với một "căn bệnh thế kỷ" mà VN là nước đóng góp lớn nhất (theo một số thông kê tôi đọc được) nhưng rất hiếm thấy hình thức trao đổi công khai minh bạch nhằm rút kinh nghiệm từ thực tiễn giữa bệnh nhân và bác sĩ (mà chỉ toàn thấy cảnh "xin-cho", "khôn thì sống, mống thì chết" và "sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi"...). Điều này buộc người mắc bệnh ung thư ở VN luôn ở vào thế bị động, rất dễ dao động và mắc sai lầm trước các loại lừa đảo, chỉ có lợi cho những kẻ "làm tiền".  Đó cũng là một trong những lý do tại sao người bệnh VN dù rất nghèo vẫn phải tìm đường ra nước ngoài chữa trị.

Nhân đây cũng không thể không nói đến khâu quản lý thông tin trong các lĩnh vực liên quan đến chính trị-xã hội. Gần đây nhất có vụ bệnh tình của ông Nguyễn Bá Thanh mà xem ra chỉ vì thiếu  nguồn tin công khai minh bạch nên tin đồn thi nhau loan truyền không biết đâu là thật /hư. Điều lạ lẫm nhất là sau từng ấy thời gian và tin đồn, và mặc dù đã có tin chính thức của Ban sức khỏe TW nói ông Thanh đã trở về điều trị tại bênh viện Ung thư Đà Nẵng, có cả tin và ảnh một số lãnh đạo cấp cao đến thăm....,  nhưng tuyệt nhiên không có hình ảnh nào có mặt bệnh nhân. Dư luận không khỏi thắc mắc có gì khúc mắc với trường hợp ông Thanh ?, ngay cả Tướng Giáp trước đây nằm viện thở ô xi chờ chết mà vẫn thường có ảnh đưa công khai trên báo chí và TV cơ mà.  

Và điều này khiến mối hoài nghi trong dân chúng lại càng tăng lên như một quy luật tự nhiên. Nếu đặt câu hỏi tình trạng bưng bít thông tin này có lợi cho ai thì sẽ thấy ai đã cố tình gây ra nó.Thay vì công khai minh bạch thông tin về ông Nguyễn Bá Thanh (dĩ nhiên với mức độ mà nhà chức trách có quyền lựa chọn) thì người ta lại chọn cách đưa tin nửa vời theo kiểu "1/2 sự thật chưa phải là sự thật". Mặc khác nhà chức trách lại đổ lỗi cho  "các thế lực thù địch" vô hình rồi áp đặt những biện pháp cấm đoán trái với tinh thần tự do thông tin đã được quy định trong Hiến pháp và luật lệ hiện hành. Cách làm này đúng là "lợi bất cập hại", nếu không phải là dụng ý của một thế lực ngầm nào đó trong hệ thống công quyền. Dù là gì thì đó là cách quản lý thông tin đã lỗi thời cần được thay đổi để mở đường cho đất nước tiến lên.        

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: