Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

“Nền Dân trị Mỹ” của Trung Quốc


Nguồn: Ian Johnson. “How to Be a Chinese Democrat: An Interview with Liu Yu,” The New York Review of Books,

Nguyễn Huy Hoàng dịch.
Lưu Du (Liu Yu 刘瑜) là một trong những nhà quan sát Hoa Kỳ nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa, cô sống ở Mỹ từ năm 2000 đến năm 2007, và hiện đang nghiên cứu tiến trình dân chủ hóa tại các nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc. Cô gái 38 tuổi này trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc từ năm 2009 khi xuất bản cuốn Chi tiết của Dân chủ (民主的细节, bằng tiếng Trung), tập hợp các bài viết trên blog của cô về cách thức vận động của nền dân chủ ở Mỹ. Những người hâm mộ trên mạng đã đặt cho cô biệt danh “de Tocqueville của Trung Quốc” [Alexis de Tocqueville là tác giả cuốn Nền Dân trị Mỹ] (mà cô nhanh chóng từ chối vì nó tâng bốc quá). Cô là một diễn giả nổi tiếng, dẫu trong nhiều tháng gần đây cô nhận được ít lời mời thuyết giảng hơn mà theo cô là do áp lực ngày một tăng để bịt miệng những tiếng nói phản biện ở Trung Quốc. Mới đây tôi [Ian Johnson] có dịp trò chuyện cùng cô ở Bắc Kinh.

Ian Johnson: Điều gì gợi cảm hứng cho chị viết blog về nền chính trị Hoa Kỳ?

Lưu Du: Rất nhiều người ở Trung Quốc hoài nghi về “nền dân chủ tư bản.” Khi có một cuộc cải cách tài chính tiền giấy ở Mỹ, tôi phải giải thích rằng những nhà tư bản như Bill Gates không thể chỉ cung bao nhiêu tiền tùy thích cho một chính trị gia rồi yêu cầu anh ta thông qua dự luật ủng hộ cho các công ty của họ. Các tiếp cận cơ bản của tôi là giới thiệu về nền dân chủ cho độc giả – dự luật được thông qua ra sao, xã hội được tổ chức như nào – thông qua các câu chuyện và vấn đề chứ không phải là qua các thuật ngữ trừu tượng. Chẳng hạn, khi diễn ra vụ công nhân tấn công tàu điện ngầm ở New York, tôi mô tả diễn biến của nó như thế nào, các bên thương lượng và thỏa hiệp ra sao, làm thế nào các bên, bao gồm cả chính quyền, phải hành động trong vòng pháp luật và cuộc tấn công không đơn giản là bị cảnh sát “dập tắt” (như ở Trung Quốc) với danh nghĩa “duy trì sự ổn định.”

Vậy là chị bắt đầu giải thích về nền dân chủ Mỹ.

Không. Cuốn sách của tôi viết về nền dân chủ Mỹ, nhưng là nền dân chủ nói chung. Tôi ở Mỹ khi viết nó.

Thật thú vị vì khi chị ở đó, Mỹ đang tham gia “cuộc chiến chống khủng bố,” tự do dân sự bị bó hẹp, các nghi phạm khủng bố bị tra tấn. Nhưng chị vẫn tìm ra những điểm tốt đẹp để viết.

Tôi nghĩ người Mỹ các anh, chương trình nghị sự chính trị của các anh có được là do những khác biệt giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Mỗi ngày, các anh đều đấu tranh cho các vấn đề như thuế khóa hay phá thai. Nhưng có lẽ các anh đã quên mất rằng những gì mà Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cùng nhất trí là lớn hơn nhiều những gì chia cách họ. Các anh coi những nguyên tắc nhất định là hiển nhiên, như tự do ngôn luận, như độc lập tư pháp. Bởi hơn hai trăm năm trước các anh đã giải quyết được các vấn đề cơ bản, như kiểm soát và đối trọng, nhân quyền, chính phủ nhỏ (small government). Các anh đã có những điều như vậy từ rất lâu, các anh coi chúng là có sẵn. Nhưng chúng không sẵn có ở Trung Quốc.

Có vẻ như độc giả Trung Quốc đã đón nhận điều lạc quan này về Mỹ. Khi chị xuất bản cuốn sách Chi tiết của Dân chủ hồi năm 2009, nó đã trở thành đầu sách bán chạy nhất với hơn 400.000 bản in hợp pháp.

Điều đó là do sự thay đổi trong văn hóa chính trị. Bắt đầu từ giữa những năm 1990, với ấn phẩm Trung Quốc có thể nói không, hầu hết sách Trung Quốc viết về Mỹ đều tiêu cực. Nhiều người Trung Quốc nói người Mỹ muốn phỉ báng Trung Quốc nhưng thực ra người Trung Quốc lại phỉ báng Mỹ nhiều hơn. Nhưng từ năm 2008, dư luận đã chuyển từ góc nhìn dân tộc chủ nghĩa sang một góc nhìn tự do hơn, tự do theo nghĩa cổ điển của nó, về giá trị của tự do và bình đẳng. Ít nhất là đối với một nhóm người. Không hẳn là mọi tầng lớp trí thức, nhưng đã có một nhóm đáng kể. Thế nên tôi nghĩ cuốn sách của tôi phổ biến là do mọi người đã sẵn sàng nghe những câu chuyện khác ngoài sự tuyên truyền tiêu cực thường thấy về Mỹ.

Sự cởi mở này bắt đầu ra sao?

Tôi nghĩ nó có liên quan đến mạng Internet. Tất nhiên không thể nói là trước khi có Internet thì không có ai theo chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc. Nhưng họ không có nền tảng. Không có nơi nào để nói ra. Họ khó gặp được nhau. Internet đã cung cấp nền tảng này. Đến năm 2010, chính quyền đã nhận thức được Internet “nguy hiểm” thế nào. Chính quyền lúc đó chưa có kinh nghiệm trong việc hạn chế nó như hiện nay. Bởi thế các tiếng nói tương đối tự do có cơ hội trỗi dậy.

Xu hướng đó dường như tương phản với những gì nhiều người quan sát thấy ở Trung Quốc ngày nay. Chuyện gì đã xảy ra?

Những người tự do đã bị chính sách kiểm duyệt hiệu quả của nhà nước đè bẹp bằng nhiều cách. Bởi chính sách mạnh mẽ và phổ biến này, không gian phát triển và lan rộng của họ bị giới hạn. Nhưng tôi không nghĩ “Mùa xuân Internet” là một thất bại. Có sự khác biệt giữa việc tiếng nói tự do hoàn toàn không tồn tại với những tiếng nói tự do có không gian giới hạn để biểu đạt. Nhưng một khi đứa trẻ đã sinh ra thì không cách nào nó trở lại được trong bụng mẹ. “Mùa xuân Internet” đã cho phép một nhóm người quan trọng kết nối với nhau, và hiệu quả của những kết nối này là dễ thấy. Tiếng nói có thể tạm thời bị đàn áp, nhưng con người mới là quan trọng trong dài hạn.

Khi tôi phỏng vấn nhà văn Nhiễm Vân Phi (Ran Yunfei 冉云飞), ông cho rằng giới trí thức ở Trung Quốc là vô trách nhiệm và chưa biết cách tiến hành các cuộc tranh luận chính trị.

Phần nào đó tôi đồng ý với anh Phi. Tôi nghĩ một phần là do chính phủ độc quyền các phương tiện truyền thông truyền thống. Thế nên những cuộc tranh luận chỉ có thể diễn ra trên mạng. Nhưng tranh luận trên mạng thì có đặc tính khác hẳn so với tranh luận trên báo hay tạp chí. Một là anh có thể dễ dàng ẩn danh tính. Anh có thể rất vô trách nhiệm vì anh không phải lộ mặt. Thứ hai, những bình luận trên mạng có sức thu hút rất lớn. Và nó rất khó rút lại vì “hiệu ứng đám đông.” Tiếp đó, mọi thứ diễn ra rất nhanh. Có ai đó chửi anh và anh bỗng nhiên chửi lại họ, dẫu bình thường thì anh không như thế.

Mọi người phải tìm hiểu những điều này thông qua quan sát và tham gia tranh luận công khai. Ở Anh có một chương trình truyền hình tên là Question Time. Trên mỗi tập có một chủ đề trung tâm và năm người sẽ thảo luận về nó. Anh sẽ có các thành viên đến từ nhiều bên khác nhau, như Dân chủ Tự do, Bảo thủ, Lao động, một người độc lập, và có lẽ một người khác. Mỗi người có một khoảng thời gian nhất định để phát biểu. Nếu anh có thể bật TV và xem những chương trình như thế, anh sẽ học được cách tranh luận ra sao. Nhưng người dân Trung Quốc chưa bao giờ thấy các nhà chính trị của đất nước tranh luận.

Người Trung Quốc đang bắt đầu học hỏi những điều tương tự từ các nước khác?

Đúng thế, ngày càng có nhiều người thực sự chú ý đến những gì đang xảy ra ở Myanmar, Nga, hay Ai Cập. Nhưng cũng có rất nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc thực sự tuyệt vời, tuyệt vời đến mức “chúng ta không cần phải hiểu thế giới bên ngoài.” Ở trường, tôi có thể cảm nhận được điều đó. Tiếng Anh của nhiều sinh viên không hề tốt hơn so với hồi tôi còn học đại học, hơn hai mươi năm trước. Tôi sinh ra một thị trấn nhỏ và tiếng Anh của chúng tôi vô cùng khủng khiếp. Nhiều đứa trẻ lớn lên xem những sô truyền hình của Mỹ như Friends hay House of Cards. Nhưng anh sẽ thấy chúng không thực sự tò mò về thế giới.

Tôi nghĩ đây chỉ là triệu chứng của một vấn đề chung đang bóp nghẹt tư duy của công luận. Không chỉ không quan tâm đến thế giới “bên ngoài,” nhiều người Trung Quốc còn dửng dưng với thế giới “bên trong.” Tôi muốn nói đến các công việc nội bộ của Trung Quốc. Nhờ những nỗ lực phi chính trị hóa một cách có hệ thống của chính phủ, hầu hết mọi người chỉ quan tâm đến việc phát triển cá nhân. Anh có thể sẽ phải trả giá đắt nếu như anh bước ra khỏi ranh giới của cuộc sống riêng tư đó.

Từ khi chị rời đi, các vấn đề ở Mỹ có vẻ như ngày một tồi tệ hơn, với sự gia tăng bất bình đẳng và các cuộc chiến tranh tiếp tục kéo dài. Chị có nghĩ đây là một lí do của thái độ hân hoan chiến thắng ở Trung Quốc?

Có, nó cũng liên quan đến quan điểm cho rằng “Trung Quốc đang trỗi dậy, phương Tây đang thụt lùi.” Ở phương Tây, tiếng nói tự phê bình rất phổ biến, và nhiều người Trung Quốc hiểu nó theo nghĩa đen, cho rằng, “Chúng ta đang đại diện cho tương lai,” mà không nhận ra những thái độ bi quan như vậy ở phương Tây nói một cách nào đó là một hệ thống tín hiệu để họ cải thiện thể chế và chính sách của mình. Tôi đã sống ở phương Tây trong nhiều năm, và tôi biết mọi người đang than phiền rằng mọi thứ đang khủng khiếp ra sao. Mọi chuyện có thực sự tồi tệ đến mức đó hay không? Không. Nhưng những lời chỉ trích đó có sai không? Cũng không, vì chế độ cải thiện được là nhờ những lời chê trách đó.

Bất chấp bầu không khí lạnh giá hiện nay ở Trung Quốc, chị có hi vọng rằng mọi người đang trở nên hiểu rõ hơn về nền dân chủ và tại sao nó lại quan trọng hay không?

Tôi biết nhiều trí thức có quan tâm đến dân chủ; hầu hết họ chỉ không hoặc không dám nói ra do bầu không khí chính trị ở đây. Nhưng cũng có rất nhiều trí thức không thực sự tìm kiếm các thông tin thay thế. Quan trọng hơn, ý thức hệ của họ được hình thành qua chính sách tuyên truyền trong cuộc sống của họ trước đó; chính sách tuyên truyền này có thể đã lập trình họ chỉ được tiếp nhận các thông tin có chọn lọc ngay cả khi họ được tiếp xúc với các thông tin khác. Quá trình giải lập có thể mất đến một vài thế hệ.

Bản dịch © 2015 Nguyễn Huy Hoàng
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: