Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Một cục gạch

                                                   
                                                                    Truyện ngắn của Hồng Giang
                                                                                                         
Nỗ vừa ở “trại văn” về. Cần phải nói rõ hơn, đó là “trại văn” chứ không phải trại vải. Càng không phải là “trại hát trầu văn” như một vài nơi trong nước đang làm. Không có đàn ca sáo thổi. Không có quả ngọt hoa thơm. Bên hồ nước rộng và đẹp chỉ có vài chục văn nhân, thơ sĩ hàng ngày âm thầm sáng tạo. Sản phầm của họ hay hay không, có “để đời” được hay không, lại không phải câu chuyện của truyện ngắn này.
Hắn chỉ tạm ghi nhận ba điều gọi là “ấn tượng” trong chuyến đi. Thứ nhất anh khâm phục lòng quyết tâm và nỗ lực của con người cách đây mấy mươi năm. Không biết ai là người nghĩ ra đầu tiên và sau đấy hàng nghìn con người khác đã làm cách nào khiến một con suối nhỏ cong queo thành một hồ chứa nước rộng lớn? Vừa làm nơi chứa nước phục vụ thủy lợi, vừa thả cá lại vừa làm điểm du lịch được đánh dấu trên bản đồ. Người ta còn gọi đó là vùng lá phổi cho kinh đô chỉ cách nó mươi chục cây số.
Thứ hai hôm “thả thủy” trên mặt hồ, Nỗ phát hiện ra một ngôi chùa đang xây thờ Phật quy mô khá hấp dẫn. Người ta kể rằng khởi thủy chỗ đó ngày xưa chỉ có ngôi chùa nhỏ lợp bằng lá tranh, trước mặt có tảng đá không cao lắm có hình người.
Thứ ba trong trại văn kỳ kỳ này có một nhà thơ tương đối đặc biệt. Hầu hết các bài thơ của ông ta là thuộc dòng “thơ nói”, cực gai góc.  Người như Nỗ từng quen với các thể loại thơ, nghe xong vẫn tởn da gà! Và đặc biệt nhất có một em mảnh mai nhưng giọng văn sắc nhọn, gay gắt trái hẳn với vẻ bề ngoài dìu dịu, ít nói của em.
Chỉ cần ba ấn tượng thế thôi, với Nỗ chuyến đi này đã có kết quả giá trị rồi.
Anh định sớm mai sẽ cùng một thơ sĩ nữa thuê tắc xi để về nhà. Đột nhiên có một cú điện thoại của một bạn vàng quen từ thủa hàn vi gọi đến. Không hiểu có chuyện gì, anh ta bảo: “ Tôi xin lỗi là không trực tiếp đến chỗ đón ông được. Nhưng tôi cần ông giúp tôi một việc. Ông về Hà Nội ngay chiều nay. Khoảng bảy giờ tối ở nhà hàng “ Cá heo”, kề ngay Bờ Hồ”. Hỏi có việc gì? Bạn vàng bảo “Cứ về sẽ nói sau”. Ừ thì về!
Nhưng về bằng cách nào? Ở cái thành phố dở hơi này, xe cộ đâu có dễ. Xe cộ ở mãi tận ngoài gần quốc lộ. Từ đây ra đấy mười mấy cây, chả nhẽ đi bộ. Cần xe ôm cũng phải có số điện thoại, không cũng tèo.
Đang lúng túng, gặp ngay em Dịu Dàng. Em ấy bảo lát nữa em ý có xe người nhà đến đón ra Hà Nội. Quen em ý từ ấy lâu, giờ mới biết em con nhà khá giả. Đi “trại văn” cũng có xế hộp đưa đi đón về. Chả giống mình, chuyên “vận động tự do” dù vào nam ra bắc thế nào cũng kệ. Cứ đại xa, xe lớn mà tìm. Kể cũng ngượng. Làm giai sống trong trời đất hễ có chuyện, lại phải nhờ vả phái “chân yếu tay mềm” thế này không ngại có mà đầu bằng cục gạch hay sao?
Nhưng bạn nhờ chuyện gấp, muối mặt mà làm, không có lựa chọn nào hay hơn. Thôi thì đi.
Em vui tính. Chuyện ở tòa soạn của em em kể cho mình nghe. Mình vỡ ra vài chuyện. Thì ra ở đâu chuyện bất kể hội gì, kể cả “hội nuôi lươn” của mình, cũng đều na ná giống nhau. Đều tanh và lắm khi khá buồn cười, khá ly kì một cách dở người giông giống nhau. Mình bảo em: “ Chuyện anh em mình nói với nhau thì được. Nói ra ngoài mất quan điểm”. Em chột dạ: “Vâng”.
Thành ra lúc chia tay, không khí như trầm hẳn. Cái đầu cục gạch của mình thật vô duyên. Em ý còn trẻ, nhưng đâu phải trẻ người non dạ? Chuyện không phải nông nổi mà nói. Em ý tin mình. Mình lại nói câu vô duyên vừa rồi. Thật chả ra làm sao! Em ấy chưa bị hâm, hay mắc “bệnh sợ” kinh niên. Cần gì phải “Cảnh báo” bằng một câu thừa như thế?
**

Người như Nỗ đến nơi như thế này là rất hiếm khi. Hắn ta đi lạc mất một lúc mới tới nơi hẹn. Thoạt đầu Nỗ đoán nhà hàng “Cá heo” theo bạn nói “dưới cột đồng hồ” là chỗ máy kem Thủy Tạ năm xưa nâng cấp.
Cứ làm như quen lắm rồi, Nỗ bấm thang máy lên tầng năm.
Nhân viên nhìn cái vẻ bề ngoài chẳng giống ai, chắc đoán Nỗ là kiểu trí thức giả cầy, hay học giả lẫn tính thế nào đấy hay đến đây uống cà phê, ngắm cảnh phố phường hoạt động về đêm.
Cái phong thái dạn dĩ khác người ấy của Nỗ chỉ làm cho các nhân viên trẻ của nhà hàng khẽ mỉm cười ý nhị mà không nỡ hỏi anh là ai? Đến đây có việc gì?
Hỏi một kẻ như vậy là dễ rách việc bởi kẻ đó có thể luôn coi trời như vung, chữ nghĩa hẳn là chẳng thiếu. Lại sẵn vốn liếng kinh nghiệm vạ vật trường đời.
Gần như chẳng ai hỏi gì. Không ai quan tâm đến hắn và hắn cũng chẳng để ý đến ai.
Nhưng lên đến nơi Nỗ mới biết mình nhầm. hắn lại thản nhiên như không quay lộn lại.

Thì ra nhà hàng “cá heo” không phải chỗ nào khác, đối diện ngay bên kia đường. Chỗ một thời là nơi bán hàng cung cấp theo bìa, một nhánh của cửa hàng Tông Đản chuyên phục vụ cán bộ cao cấp. Thời buổi kinh tế thị trường, nó không cần đến nữa, được hóa giá, thành công ty cổ phần.
Vẫn nhà hàng ẩm thực. Khách cả tây lẫn ta chen vai thích cánh. Phía sau xe bốn chỗ xếp từng dãy dài.
Vị trí độc đáo này, bài trí sang trọng, nhưng cửa hàng không được rộng rãi như các nơi khác trong thành phố. Khách đến đây phần nhiều bặt thiệp, ít ồn ào như nhà hàng Nỗ đến nhầm chỗ vừa rồi.
Bạn vàng đang ngồi cùng mấy vị nữa, hai đàn ông và một thiếu phụ không còn trẻ. Họ đang đọc và nghe một bài thơ của thiếu phụ kia.
Màn giới thiệu.
Tòi ra một ông “triết gia” mới nổi ở Hà Thành.
Ông này vừa hoàn thành xong thuyết “Tâm vũ trụ”. Một chủ thuyết mới thách thức cả chủ nghĩa duy tâm và duy vật. Động chạm không chừa một ai. Kể từ chúa Jê su đến Đức Phật Thích Ca màu ni. Từ ông Kac Mac đến Hêgghen, Kan, Beccli, Stre.. Động chạm cả đến các nhà khoa học tự nhiên như Einstein, thuyết tiến hóa của Đak Uyn..
Một khái niệm mới về vũ trụ và xã hội loài người.
Tất tần tật bị xới lên, nhìn ngắm và giải thích lại..
Theo ông này “mọi hiểu biết về vũ trụ của loài người từ xưa đến nay, đều đáng vất đi cả”. Căn nguyên của mọi bất hạnh như chiến tranh, lạc hậu, khủng hoảng và đổ vỡ xã hội đều bắt nguồn từ sự “u minh”, chưa thông tỏ, thiếu giác ngộ của loài người.
Muốn loại bỏ những thứ đấy, con người cần phải có “bộ lọc sóng ý thức”, nâng cao chỉ số IQ và EQ của mỗi cá nhân.
Một ngày nào đó qua “thiền toán học”, sóng ý thức được sàng lọc một cách đầy đủ, thiên tài chỉ là thứ nằm trong túi áo của mỗi người.
Các phát minh khoa học, các giải Nô ben sẽ trở thành hiện thực nếu người ta muốn.
Các cuộc cách mạng, đấu tố, lật đổ, cải cách vv.. sẽ không còn cần thiết.
Con người sẽ nắm tay nhau cùng đến với thế giới của tình yêu và hạnh phúc mà không cần phân chia giai cấp chủng tộc!
Bao nhiêu vướng mắc, khó khăn, mâu thuẫn, phức tạp của cái thế giới bắt đầu xu hướng hỗn độn, suy đồi, đi dần tới bế tắc, tan giã này sẽ được giải quyết thật đơn giản. Chỉ cần “thiền toán học qua bộ lọc sóng ý thức”! Một lối “thiền đặc biệt”, không cần chọn thời gian, địa điểm. Có thể “thiền” trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả lúc đi cầu, hay vừa đi vừa “thiền”. Chỉ cần đóng hết mọi ý nghĩ, cảm xúc khác, tự hỏi và tự trả lời các câu hỏi liên tục. Sóng ý thức như vậy sẽ được sàng lọc đem đến kết quả không lường trước được cho tư duy và cảm xúc sáng tạo ngay sau đó..
Một cách “thiền” quá giản dị mà nhân loại cho đến giờ phút này chưa có bất kỳ ai nghĩ tới!
Thật điên rồ và cũng thật quyến rũ, rất cảm hứng và đầy thích thú. Pha chút lãng mạn tràn vào các giấc mơ của những kẻ luôn day dứt tâm can, thích tự làm khổ bản thân mình để tìm tòi, sáng tạo như Nỗ đây!
Mặc dù trong thâm tâm hắn vẫn thấy nó điên điên, rồ dại thế nào? Nhưng mờ từ xưa đến nay có ý tưởng vĩ đại nào lại không bắt đầu từ điên rồ và ảo tưởng?
Nó là cái gì vừa gớm giếc vừa lớn lao. Vừa Vĩ đại lại vừa đểu cáng, mang tính giả dối vì chưa được kiểm chứng qua thời gian thực tại.
Và đặc biệt nguy hiểm nữa, nếu người ta không đi tới thấu đáo, triệt để, minh bạch, chân chính và trung thành đến đáy không vụ lợi..

Nên khi bạn vàng giới thiệu hai người làm quen với nhau, Nỗ cứ có cái cảm giác nhờ nhợ về người này. Đây là một con người, một thánh nhân hay một tên hoang tưởng, một con bệnh tâm thần?
Dù sao cả hai vẫn ngồi xuống bên nhau, cùng cụng cốc bia to tướng giơ lên ngang mặt:
- Cái này hết, trăm phầm trăm!
Ực.
Nỗ chưa bao giờ uống bia như uống nước, như đang trong cơn khát thế này.
“Không nói chuyện chủ thuyết. Giờ là lúc nghe thơ”. Bạn vàng có ý đưa mắt nhìn cô nương đối diện với mình như để nhắc khéo.
Mực và tôm hùm được mang lên.
Thơ sĩ nữ sau màn hỏi thăm gia cảnh, sáng tác của Nỗ, liền rút bút ra đề tặng sách. Một tập thơ bìa dày, màu trắng nét chữ nhã nhặn như con người nàng.
Trong bị của Nỗ số đầu sách tăng thêm một cuốn nữa sau đợt đi “trại văn” này. Nỗ có xem qua đôi bài đầu tiên. Chả biết các bài sau thế nào, hắn có cảm giác tập thơ này của cô ả có thể nói từ “Được” trở lên. Có mấy câu hắn rất thích. Đại loại thế này:
“ Một người ngồi im như cây. Khát –
 Một người buồn theo như mây. Rát..”
Cho dù ý tứ nó thế nào hắn chưa ‘thụ” hết được.
Nói chung, thơ là phải thế. Càng khó hiểu càng đáng là thơ hay. Mốt thời đại, thơ không thế thì còn gì là thơ?
**
Bạn hắn đang mắc kẹt giữa “Cơm” và “Phở”. Không biết thông tin rò rỉ từ khâu nào? Kỳ này “Cơm” quyết giành lại chủ quyền của mình bằng được. Bằng bao vây, bằng cấm vận.. Bằng đủ mọi thứ để đi đến chấm dứt hợp đồng hai mang mà “cơm” luôn chiếm ưu thế!
“Phở” đang thời kỳ có nhiều bức xúc cả về vật chất và tinh thần. Nếu bạn chậm chân, tuyệt tình là điềm báo trước.
Một nhà thơ vốn khéo léo, giỏi giang. Một thương gia gỏi maketstinh như bạn chưa có phương cách gì?
Người ta dù khôn ngoan, lọc lõi đến đâu vẫn cứ hay mắc phải tình trạng lúng túng “dao sắc không gọt được chuôi”. Vẫn phải cầu cứu đến từ bên ngoài. Thế là bạn nghĩ ngay đến Nỗ. Một thằng bạn ngay từ lúc sinh ra đời, chả hiểu thế quái nào cha mẹ lại đặt tên là Nô. Nghĩa tiếng Anh hay tiếng Việt chưa kịp hỏi thì cụ thân đã qua đời.
Từ ngày tham gia vào “trường văn trận bút” này, Nỗ mới thêm dấu, để “nỗ lực không ngừng”. Thành thử cái tên, nhiều khi cứ ám vào chân mệnh. Gặp không ít rắc rối vì sự cả nể, lụy người!
Đấy là lý do cốt lõi của cuộc gặp gỡ những văn nhân, thơ khách của Hà thành.
Nếu mà Nỗ có “bộ lọc sóng ý thức” như triết gia kia nói, hắn ta đã không vướng phải rắc rối trong “cuộc chiến giữa cơm và phở” của bạn.
Cái đầu chưa được khai hóa của hắn thật là chưa bằng cục gạch.
Chưa có giá trị gì.
Sau đấy Nỗ tự nguyền rủa mình như thế.
Nỗ đã trở nên “đồng sáng tạo” một cách vô tình. Hắn chẳng thể ngờ chi mưu vặt vãnh ấy không qua mặt được “cơm”nhà bạn!
Sáng hôm sau hai chàng đánh xe lên đường.
Bạn cảm động và ân cần hơn hẳn mọi khi. Hai người chia tay  bồi hồi xao xuyến cách nhà mươi cây số, bạn lên đường tìm “phở”. Nỗ mang cái đầu cục gạch về quê và yên trí chẳng xảy ra chuyện gì.
Còn “tự sướng” bởi ý nghĩ là đã giúp được bạn một việc có ý nghĩa. Thế mới đểu và đau!
Hắn không ngờ buổi tối hôm đó “Cơm” thông báo một tin.. nghe xong “buồn hết cả các cơ quan đoàn thể”. Mạng lưới thám tử mà “cơm” dày công đã vô hiệu hóa duyên cớ của hai chàng!
Chưa bao giờ Nỗ cảm thấy xấu hổ, tự ngượng với bản thân như lúc này.
May mắn duy nhất của cuộc tái ngộ hàn huyên với bạn vàng chỉ còn lại tập thơ của người đẹp mới quen. Thêm cuốn sách thuyết “Tâm vũ tru”, “sóng ý thức” và hướng dẫn “thiền toán học” còn rất mới mẻ, khó hiểu kia.
Những thứ đó thực sự chưa thể giúp được Nỗ gì trong lúc này.
Tâm trạng hắn càng thêm bất an. Một nỗi lo lắng, ân hận mơ hồ nào đó choán ngợp tâm trí, khiến cho từng nano giây tồn tại của hắn trên thế gian này thêm nặng nề. Còn cảm thấy đau tê tái nơi buồng tim, cuống phổi chẳng rõ nguyên do?
Tất cả chỉ tại cái cục gạch hắn mang trên cổ mấy mươi năm nay. Hình như đang bắt đầu ngấm nước, mọc rêu và sắp vỡ vụn ra vậy.

Về đến nhà. Lại thêm chuyện nữa khiến Nỗ giận “Cục gạch”của mình.
Nhà cửa bề bộn. Rác rưởi quanh nhà. Con chó Bon không thấy đâu ( đến tối mới biết bọn nghiện đã câu nó mất từ sau khi Nỗ vắng nhà hai hôm ).
Trần lưng ra dọn. Mệt. Cảm giác chán nản.
Đúng lúc ấy hai bố con lão hàng xóm sang. Lão bảo: “Chờ mãi chú mới về”. Hỏi. Lão lại nói:
” Cũng không có gì lớn. Chẳng là chỗ giáp gianh hai nhà, bên này hụt mất một tý. Chú rộng rãi chả đáng gì mấy phân đất, cho cháu cơi thêm xây cái móng, để nó khỏi méo”.
Tấc đất tấc vàng, lão nói cứ như đùa!
Chẳng hiểu sao, “cục gạch” của Nỗ vận động thế quái nào, hắn lại pha trà mời hai bố con uống nước. ( Có lẽ nào mới ít phút ngồi gần Nỗ đã bị ảnh hưởng do “bộ lọc” của tay triết gia dở người kia?? )
Lão hàng xóm có dịp “ôn cố tri tân”. Nhắc lại chuyện ngày xưa bà mẹ hắn mới chân ướt chân ráo lên đây. Bà mẹ lão san sẻ, đỡ đần người mới tới như thế nào?
Nỗ cảm động. Cục gạch của hắn chúa là hay mủi lòng. Nhớ đến chuyện “biết ta biết người”.

Lượn vài vòng câu chuyện thủa hàn vi, hàng xóm trở lại chuyện ban đầu. Lão bảo: “ ý chú thế nào? Tiền nong nếu phải bao nhiêu để bên này lo?”.
Đất cát người ta mua, bán thửa, bán sào, bán mảnh. Ai bán vài phân bao giờ? Thế là xong. Hai bên vác cọc ra cắm lại.
Chẳng qua cũng chỉ là nửa bước chân. Chẳng giàu nghèo gì. Cục gạch của Nỗ nghĩ như thế.
Nỗ không ngờ cách đơn giản trở thành nông nổi ấy của mình lại tự đưa cuộc tranh đấu từ đẩu từ đâu, từ bên ngoài vào nhà mình.
Buổi tối hôm ấy cơm chẳng lành canh chẳng ngon.
Văn sĩ Nỗ bực không nuốt nổi bữa cơm. Thị vợ cứ như vừa mất Hoàng Sa, Trường Sa ngoài cửa bể, um xùm cả nhà.
Nhân dân vợ ngày thường nhu mì, hiền thục như thế bỗng chốc nổi “hào khí Đông A”, sống chết không chịu! Thế mới chối!
Nhân dân ấy bảo ngay ngày mai phải thu hồi lại dù nửa tấc giang sơn chủ quyền, quyết không chịu.
Không thể nghe hàng xóm ngon ngọt, mánh lới “bành” ra của lão hàng xóm như thế được. Làm người phải có cái đầu chứ? Được đằng chân lân đằng đầu là thói xưa nay. “Cho sói nhờ chân”, nhún nhường, trước sau gì nó cũng bước vào nhà.. chả lẽ đơn giản thế mà không nghĩ ra?
Cái đầu trên cổ để suy nghĩ hay chỉ là chỗ đội nón? Hay chỉ là cục gạch?
Nhân dân ấy nói thế làm sao mà cục tức không chèn lên cổ? Nuốt sao nổi được bữa cơm?

Đi nằm sớm. Nhưng mà nhắm mắt bỏ đấy. Trằn trọc chán mà không ngủ được..Con Thạch sùng tắc lưỡi trên trần nhà cũng làm Nỗ sĩ khó chịu..
Chợt Nỗ nhớ đến câu chuyện của lão triết gia. Chỉ có cách ấy may ra mới giải quyết nổi những bức súc đang xảy ra trong gia đình này.. Để cái tổ uyên ương của hắn lại thanh bình, êm đềm như ngày nào, khi Nỗ chưa đi trại văn về..
Lão ý bảo đang nghiên cứu một thiết bị giống như con chíp trong máy điện toán. Một con chíp “hình tư tưởng” không nhìn thấy được gắn cho bộ não người. Con chíp này sẽ làm chức năng “lọc sóng ý thức”. Mà theo lão thì bộ não người “nếu không có sự hiện diện của sóng ý thức đã được sàng lọc, nó chẳng khác nào cái xơ mướp, không hơn không kém, hoặc chỉ như một mớ bòng bong ẩn chứa nhiều tai họa mà thôi”.
Ước gì đề tài ấy của lão không phải là chuyện nhảm, viển vông mà là có thực. Sẽ bớt đi biết bao phiền toái vô cớ, những đau khổ không cần thiết cho thế giới này. Bớt đi những cục gạch vô giá trị như cục gạch của mình.
Bây giờ là thế kỷ nào rồi mà ước mơ như vậy, thực lòng Nỗ cảm thấy chơi vơi, mung lung quá!


========
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: