Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Lô-gích Ngẫu Nhiên


In bài nàyGởi bài qua E-mail

Hoàng Thảo   





    Ghi chú của tác giả: Truyện này chỉ là một thử nghiệm kỹ thuật thể hiện. Cốt truyện phần nào mô phỏng theo ‎ý tưởng của truyện ngằn "Inflexible Logic" của tác giả Russell Maloney đăng trên tạp chí The New Yorker từ năm 1940.

Rất tình cờ, sáu con khỉ đột ấy đã bước vào cuộc đời Tuấn và làm thay đổi cả định mệnh. Tất cả bắt đầu từ một chiều nhàm chán như mọi ngày trong quán cà phê ở thành phố cao nguyên này. Đã gần 7 giờ tối. Những người khách chỉ muốn uống một ly nước rồi trở về nhà cho kịp bữa ăn chiều thì đã đi hết cả. Giờ này thường chỉ còn lại trong quán những kẻ không có ai chờ đợi ở nhà hay những kẻ không còn ai muốn chờ đợi nữa.

Tuấn ngồi tán gẫu cho qua thời gian với đám bạn hữu trong giới văn nghệ. Ánh mắt anh dán vào màn hình TV ở góc quán đang phát một chương trình ca nhạc MTV, mái đầu gật gù chiếu lệ theo những câu chuyện của đám bạn. Toàn những chuyện cũ mèm nhưng cứ lập đi lập lại mãi về những thiên tài đang ngồi sờ sờ trong quán cà phê này mà không ai biết, về những tuyệt tác nghệ thuật mãi mãi chỉ là lời cửa miệng… Một ai đó đang bình phẩm một cuốn tiểu thuyết đang ăn khách. Những lời loáng thoáng làm Tuấn chú ý.

– …Ờ, thằng đó viết cũng được đấy. Nhưng có gì lạ đâu mà báo chí khen ngợi lắm thế! Nói cho cùng, cứ cho sáu con khỉ đột ngồi gõ máy tính bậy bạ thì trong vòng một triệu năm chúng cũng đẻ ra được mọi kiệt tác trong văn học sử thế giới!

– Mấy con khỉ đột làm gì vậy? – Tuấn chồm người về phía “nhà phê bình văn học” kia, tò mò hỏi thêm.

– À, đó chỉ là một ví dụ về lý thuyết xác suất đấy mà! – “Nhà phê bình” được dịp lên lớp cho Tuấn một bài. – Các nhà toán học thường dùng ví dụ này để minh họa cho quy tắc quân bình của sự ngẫu nhiên. Cứ cho sáu con khỉ đột ngồi gõ loạn xạ trước máy đánh chữ hay máy tính thì tới lúc nào đó chúng sẽ tái tạo lại tất cả những áng văn trong lịch sử nhân loại. Có vô số cách kết hợp các chữ cái và chữ số để tạo thành những câu văn có nghĩa. Lũ khỉ đột này sẽ tạo ra mọi câu văn có nghĩa ấy, hiểu không? Tất nhiên là lũ khỉ cũng sẽ sản xuất ra cả tấn những từ ngữ ngọng nghịu, bá láp, vô nghĩa. Nhưng theo xác suất ngẫu nhiên, cuối cùng chúng cũng sẽ viết ra hết mọi kiệt tác văn học của thế giới.

Tuấn thích thú với ý tưởng này. Đây đúng là loại… trò khỉ mà anh cần để xua tan đời sống nhàm chán thường nhật. Anh hỏi thêm:

– Nhưng nếu như có một con khỉ rốt cuộc đã chép lại được một cuốn sách, chính xác đến dấu chấm hết cuối cùng, nhưng lại bỏ sót dấu chấm ấy thì sao? Trường hợp đó có được xem là đã hoàn tất việc chép lại cuốn sách ấy không?

– Tôi cho là không, – “nhà phê bình” suy nghĩ một lúc rồi đáp. – Có thể con khỉ ấy sẽ lại gõ máy chữ hay máy tính tiếp tục, viết lại cuốn sách ấy từ đầu và thêm vào cuối cùng dấu chấm hết đã bỏ sót.

– Vô lý quá! – một người ngồi chung bàn kêu lên.

“Nhà phê bình” hăng hái bảo vệ ý kiến của mình.

– Nghe thì có vẻ phi lô-gích, nhưng đó là một giả thuyết toán học hoàn toàn nghiêm túc. Đó là…

Tuấn chẳng buồn nghe những lời hùng biện cao siêu của “nhà phê bình” nữa. Trong đầu anh đã có một ý định. Anh ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi “nhà phê bình” sau khi anh ta đã rao giảng xong một bài sơ yếu về lý thuyết xác suất mà Tuấn biết chắc là anh ta cũng chẳng hề hiểu gì ráo.

– Thế đã có ai từng tập hợp lũ khỉ đột lại để thí nghiệm cái quy luật ngẫu nhiên ấy chưa?

“Nhà phê bình” nhìn anh như nhìn một thằng khùng.

– Ai rỗi hơi mà làm cái… trò khỉ ấy chứ!
oOo


Hai tháng sau. Tuấn ngồi trong phòng khách nhà anh vừa uống cà phê vừa tán gẫu với Phát –người bạn thân là giảng viên toán học ở Đại học Bách khoa Tp.HCM. Bàn tay run run khuấy tan những hạt đường trong đáy tách cà phê đen đậm, giọng Tuấn ngập ngừng:

– Phát à, tôi mời anh đi cả trăm cây số lên đây… vì một lý do đặc biệt. – Tuấn hít một hơi dài để lấy lại điềm tĩnh. Chắc anh còn nhớ trước đây tôi có gửi email cho anh hỏi về một… giả thuyết toán học?

– Nhớ mà! – Phát đáp nhanh nhảu. – Nhớ rõ lắm. Về chuyện sáu con khỉ đột và văn học sử chứ gì! Và tôi đã trả lời email của anh rằng đó là một ví dụ rất phổ biến về quy luật ngẫu nhiên trong lý thuyết xác suất.

– Đúng thế, – Tuấn ngần ngừ một chút rồi nói luôn một mạch. – Tôi đã quyết định thí nghiệm. Tôi chỉ là một người bình thường nhưng muốn đóng góp chút công sức cho khoa học. Một người bạn làm giám đốc Sở thú đã cho tôi mượn dài hạn sáu con khỉ đột còn tơ. Tôi muốn…
Phát ngắt lời anh:

– Vậy là anh cho sáu con khỉ đột ngồi gõ máy tính để xem chúng có tạo ra được áng văn tuyệt tác nào không chứ gì?

– Đúng vậy! Sáu con khỉ đột còn tơ, khỏe mạnh. Tôi dọn lại nhà kho sau vườn, cho lắp đặt sáu máy vi tính cài sẵn chương trình soạn thảo văn bản Winword. Mua luôn sáu cái máy in laser và cả kho giấy A4. Mọi chuyện rất dễ dàng.

Phát mỉm cười thú vị.

– Đúng là chuyện chưa từng nghe tới. Nhưng tôi không ngạc nhiên đâu. Lúc tôi học cao học, ông giáo sư dạy tôi còn bắt các nghiên cứu sinh tung hứng các đồng xu để xem số lần sấp ngửa của đồng xu có bằng nhau hay không. Tất nhiên là số lần đồng xu rơi sấp bằng số lần rơi ngửa.

Tuấn nhìn đăm đăm vào nét mặt của Phát.

– Vậy anh tin rằng những nguyên lý xác suất hay ngẫu nhiên gì đó sẽ đứng vững trong các thử nghiệm thực tế?

– Hẳn rồi.

– Vậy thì tốt nhất là anh nên xem tận mắt cái này.

Tuấn đưa Phát từ phòng khách theo hành lang băng qua phòng ngủ ra phòng ăn, nhà bếp và đi ra nhà kho sau vườn. Ngay giữa nhà kho đã dọn dẹp rộng rãi, tươm tất là sáu chiếc bàn bên trên đặt sáu chiếc máy tính và sáu máy in. Dưới gầm bàn là những giỏ rác đựng giấy rỗng không. Xếp ngay ngắn dọc theo bốn chân tường là những chồng giấy trắng được buộc dây và đánh số cẩn thận. Ở một góc nhà, treo lủng lẳng từ trên trần thả xuống là một nải chuối chín vàng. Tuấn cầm một xấp giấy ở góc tường gần bên đưa cho Phát xem.

– Đây là năng suất hôm nay của Khỉ đột A, biệt danh Bi, – Tuấn nói.

– “Những người khốn khổ”: Tiểu thuyết của Victor Hugo. – Phát đọc lớn tựa đề rồi xem qua mấy trang đầu của xấp giấy A4 dày cộm. Phát lật trang càng lúc càng nhanh rồi kêu lên sửng sốt. – Này Tuấn, anh muốn nói rằng con khỉ con này đã viết ra…

– Chính xác từng dấu chấm, dấu phẩy đấy. Tôi và vợ tôi đã thay phiên nhau đối chiếu với bản in “Những người khốn khổ” có trong tủ sách gia đình. Viết xong “Những người khốn khổ” rồi, bây giờ con khỉ Bi đó lại bắt đầu viết “Tội ác và hình phạt” của Dostoievsky đấy.Với tốc độ gõ phím thế này thì nón phải bận rộn cả tháng nữa mới xong.

– Còn những con khỉ khác? – Phát tái mặt, nói không thành lời. – …Tất cả chúng đều…

– Đúng thế! Tất cả đều viết ra những tác phẩm hiện có trong văn học sử thế giới. Truyện trinh thám Sherlock Holmes của Conan Doyle này, “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy này, “Hóa thân” của Franz Kafka này, có cả “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu nữa chứ! Tôi có thể nói gọn với anh là từ khi tôi bắt đầu thí nghiệm này, khoảng hai tháng nay, không có con khỉ nào làm hỏng một tờ giấy nào. Chúng cứ gõ miệt mài trên máy tính, đến tối là tôi in ra giấy. Không một trang văn nào vô nghĩa cả!

Phát móc khăn tay ra lau vầng trán đã tươm mồ hôi.

– Xin lỗi vì tôi đã mất bình tĩnh! – Phát phân trần. – Đúng là đáng kinh ngạc… Nhưng nhìn theo góc độ khoa học thì không có gì kỳ lạ cả. Mấy con khỉ đột này hay hàng loạt các con khỉ khác, trong vòng một triệu năm sẽ viết ra tất cả các tác phẩm văn học trong lịch sử con người. Tôi đã từng nói với với anh là tôi tin vào xác suất ngẫu nhiên đó. Việc gì tôi phải sửng sốt khi ngay từ đầu chúng đã tạo ra những cuốn sách giá trị nhỉ? Nói cho cùng, tôi đã chẳng ngạc nhiên khi thảy đồng xu cả trăm lần đều rơi ngửa. Tôi biết rằng nếu tôi cứ tiếp tục thảy thì xác suất sấp ngửa sẽ luôn luôn là 50-50, là bằng nhau. Nhất định là thế. Khoa học đã chứng minh thế. Tạm thời bây giờ, anh nên giữ kín thí nghiệm này, Tuấn à. Những người kém hiểu biết mà hay được chuyện này thì sẽ thành tin giật gân. Không hay đâu.

Suốt ba tháng sau đó, hàng tuần vào ngày thứ Bảy, Phát đều gửi email hỏi Tuấn về tiến độ sáng tác của sáu con khỉ. Và Tuấn đều đặn email phúc đáp. Những con khỉ đã hoàn tất bộ “Oliver Twist” của Charles Dicken, “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn, “Âm thanh và cuồng nộ” của William Faulkner, “Don Quixote” của Cervantes… Bao nhiêu áng văn đông tây kim cổ, Âu, Á, Mỹ, Phi đang lần lượt tuôn ra trên sáu chiếc máy tính. Trong nhà kho không đủ chỗ chứa bản thảo nữa, Tuấn phải trưng dụng cả nhà bếp để xếp hàng chồng, hàng chồng mọi danh tác của nhân loại đang được sáu khỉ đột tái bản đều đặn mỗi ngày.

Trong một lần điện thoại, Tuấn hào hứng kể cho Phát nghe về năng suất phi thường của lũ khỉ ấy.

– Nếu như mớ giấy ấy không có một giá trị khoa học nào đó thì tôi đã đốt sạch hay bán ký-lô cho rộng nhà rộng cửa rồi!

– Anh mà dám nói đến giá trị khoa học ư? – Giọng Phát qua máy điện thoại di động nghe có vẻ phẫn nộ khác thường. – Anh… lũ khỉ đột… giá trị khoa học gì! – Và Phát cúp máy đột ngột.

Ngạc nhiên với thái độ khiếm nhã bất thường của Phát, Tuấn kể cho vợ nghe và phỏng đoán:

– Chắc thằng Phát đang có chuyện bực bội, khó chịu gì đó.

Nhưng hôm sau, trong lúc Tuấn đang nhấm nháp cà phê, thích thú đọc cuốn “Hoàng tử bé” của Saint Exupery do Khỉ đột D, biệt danh Tôtô, vừa hoàn thành thì Phát xuất hiện ngay trước cửa.

– Tôi phải đến xin lỗi anh vì thái độ thô lỗ của tôi trong điện thoại hôm qua. – Phát nói ngay khi Tuấn ra mở cửa mời anh ta vào phòng khách.

– Thôi, bỏ qua đi. – Tuấn vui vẻ đáp.—Tôi chẳng hề giận anh. Anh quá bận rộn nên hơi bị căng thẳng ấy mà.

Phát uống một hơi cạn ly cà phê Tuấn pha cho anh rồi hỏi ngay:

– Chắc là vẫn đều đều như mọi khi?

– Vẫn như cũ! Khỉ đột F, con khỉ tên Mimi, đang bắt đầu viết “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh. Còn con Khỉ đột B, con Bo, thì sắp xong loạt tiểu thuyết tiền chiến Việt Nam của Tự Lực Văn Đoàn.

Phát nhún vai.

– Anh cho tôi xem lũ khỉ đang làm việc được không? Có phiền gì không?

– Không hề gì! – Tuấn vui vẻ đáp. – Để tôi đưa anh đi. Tôi vẫn hay vào xem chúng làm việc để in ra giấy những tác phẩm đã hoàn tất. Giờ này chắc con khỉ đột A, con Bi, đã gõ xong “Đỉnh gió hú” của Emily Bronti rồi. Điều lạ là không bao giờ chúng gõ tiếp khi đã xong một cuốn sách nào đó. Chúng luôn chờ tôi in xong rồi mới gõ tiếp. Trang đầu tiên luôn gõ trước tựa đề và tên tác giả rất rõ ràng. Thật không hiểu nỗi!

Chiều đã buông xuống. Vợ Tuấn đã bật sáng tự lúc nào những ngọn đèn trong nhà kho và treo sẵn ở góc nhà mấy nải chuối chín cho lũ khỉ. Phát theo chân Tuấn bước vào, hai bàn tay vẫn thọc sâu vào hai túi áo khoác. Phát vừa đảo mắt nhìn lũ khỉ đang gõ rào rào trên bàn phím máy tính vừa nói:

– Không biết anh có hiểu rằng lý thuyết xác suất đã cân nhắc hết mọi tình huống ngẫu nhiên có thể xảy ra. Nhưng việc lũ khỉ này viết ra hàng loạt tác phẩm văn học mà không hề sai chệch dù chỉ một lỗi chánh tả hay một dấu phẩy thì quả là phi lô-gích. Nhưng điều dị thường ấy có thể được khắc phục bằng… cái này!

Phát gằn giọng rồi rút tay ra khỏi túi áo. Trên hai tay Phát là hai khẩu súng lục.

– Phát! Đừng bắn!

Tiếng kêu của Tuấn bị át đi trong tiếng súng lục nả đạn. Hai con khỉ đột ngã gục ngay trước máy tính. Con thứ ba văng vào góc tường. Tuấn tóm chặt lấy cánh tay Phát và giằng được một khẩu súng. Tuấn hổn hển kêu lên:

– Bây giờ tôi cũng có súng! Phát, dừng lại đi kẻo…

Phát ngắt lời anh bằng một phát đạn trúng ngay đầu Khỉ đột E. Một phát đạn nữa. Khỉ đột A té bật ngửa xuống sàn nhà. Tuấn lao tới. Khẩu súng của Phát chĩa ngay về phía Tuấn. Bóp cò. Ngón tay Tuấn trên cò súng cũng xiết lại. Cả hai người ngã lăn xuống sàn. Tuấn nằm bất động. Phát gắng gượng chồm dậy bắn một phát đạn vào con Bo, con khỉ cuối cùng, rồi chúi đầu nằm sóng soài dưới đất. Không ai nghe được những lời thều thào cuối cùng trên môi Phát:

– … bình đẳng với con người… kẻ thù của khoa học… Tôi là người cứu rỗi cho khoa học… xứng đáng lãnh giải Nobel…
oOo

Lúc vợ Tuấn hốt hoảng chạy vào thì trong nhà kho là một cảnh tượng kinh dị. Ngọn đèn nê-ông trong nhà đã bị bắn vỡ, tắt ngóm. Qua khung cửa sổ, vầng trăng non hắt vào nhà kho một ánh sáng lờ nhờ âm u, vuốt ve lên những hình thù nằm ngổn ngang dưới sàn. Ánh sáng của những màn hình máy tính vẽ trong không gian nhập nhòa tối những đốm sáng thảm đạm. Khỉ đột B, con Bo, vẫn ngồi gục trước bàn máy tính của nó. Một viên đạn đã xuyên từ lưng ra trước ngực. Con Bo rên rỉ đưa tay đặt lên bàn phím, gõ lách cách. Nhịp gõ rời rạc, chậm dần, rồi dừng hẳn. Con Bo đã chết. Một ngón tay còn dí chặt lên bàn phím. Màn hình Winword hiện rõ những dòng chữ đang viết dở dang: “Lô-gích ngẫu nhiên” – Truyện ngắn của HOÀNG THẢOOOOOOOOOOOO…





Hoàng Thảo
Đôi dòng về tác giả:
Sinh năm 1964, sống ở Đà Lạt và viết cho các tạp chí ở Sài Gòn, Hoàng Thảo / Đặng Chương là hai trong nhiều bút danh của Trần Đức Tài. Không trường lớp, không bằng cấp, không danh tiếng nên chẳng có gì để phô trương trong tiểu sử.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: