Nghiên cứu của Mỹ: Tổng thống Nga Putin mắc bệnh tự kỉ?
(Quan hệ quốc tế) - Nghiên cứu của một nhóm chuyên gia trực thuộc Lầu Năm Góc, không được Bộ quốc phòng Mỹ xác nhận đã cho rằng, Tổng thống Nga Putin mắc bệnh…tự kỷ Asperger.(
(Đất Việt )
Ông Putin mang triệu chứng của bệnh tự kỷ Asperger?
Theo một nghiên cứu của Office of Net Assessment (ONA) - một tổ chức có nhiệm vụ nghiên cứu và tư vấn chiến lược quân sự thuộc Lầu Năm Góc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mắc chứng bệnh Asperger, “một loại rối loạn tự kỉ có thể ảnh hưởng đến những quyết định của ông”, tờ USA Today đưa tin.
“Sự phát triển tâm lý của ông Putin bị ảnh hưởng nhiều từ khi còn nhỏ. Những sự ảnh hưởng này đã chỉ ra rằng Tổng thống Nga có một tâm lý bất bình thường”, theo tài liệu của Brenda Connors, chuyên gia phân tích hành động con người ở Học viện chiến tranh hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể chứng minh giả thiết của mình về việc Tổng thống Nga Putin bị chứng tự kỷ Asperger do họ không thể thực hiện kĩ thuật quét não của ông. Thay vào đó, tài liệu này có đưa ra một vài nghiên cứu của các chuyên gia về bệnh tự kỉ để củng cố cho nhận định của mình.
Tài liệu trên đã trích dẫn tuyên bố của Tiến sĩ Stephen Porges, giáo sư tâm thần học ở đại học Bắc Carolina, kết luận là “Ông Putin mắc một dạng tự kỷ”. Tuy nhiên vào hôm 4-2, vị giáo sư này cho biết rằng, ông chưa bao giờ xem những tài liệu này và cũng chưa bao giờ khẳng định là “Tổng thống Nga Putin bị bệnh tự kỉ Asperger”.
Trong một tuyên bố, ông Porges cho biết phân tích của ông chỉ ra rằng các quan chức Mỹ cần tìm ra một “môi trường yên tĩnh hơn” để đối phó với Tổng thống Putin, người luôn có những hành vi và nét mặt mang tính đề phòng khi tiếp xúc với các môi trường xã hội.
Theo nghiên cứu của mình, ông Porges cho rằng những hành vi này thường được nhìn thấy ở những người mắc chứng Asperger. Tuy nhiên, nó cũng có thể bắt gặp ở những người khó bình tĩnh trong môi trường xã hội và có khả năng kiềm chế thấp.
Mỹ triển khai nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể của ông Putin |
Được biết, bắt đầu từ năm 1996, văn phòng đánh giá mạng thuộc Bộ quốc phòng Mỹ luôn ủng hộ dự án “Những chỉ dẫn cơ thể” này và giao cho bà Connors làm chủ nhiệm nghiên cứu. Từ năm 2009 đến nay, văn phòng này đã cung cấp nguồn phí khoảng 365.000 USD cho dự án.
Chương trình của bà Connors có tên “Những chỉ dẫn cơ thể”. Nhiệm vụ của họ là sử dụng mô hình động tác để phân tích nguyên lý hoạt động, từ đó dự đoán hành động của các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ diễn ra trong tương lai. Bởi vậy, rất ít người tin rằng, bản báo cáo này không được trình lên Lầu Năm Góc.
2 bản báo cáo trong công trình nghiên cứu của bà cùng các cộng sự thực hiện kể từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền gồm có một nghiên cứu vào hồi 2005 có tên “Một hành động đáng tin cậy để tiến lên” và các nghiên cứu trong giai đoạn 2004-2005 và 2008 của chuyên gia về phân tích động tác cơ thể người - ông Warren Lamb.
Một nguồn tin cho rằng, sau cuộc chiến Gruzia (Georgia) năm 2008, nhóm nghiên cứu này đã cung cấp cho Văn phòng đánh giá mạng các tài liệu nghiên cứu về não bộ và phương pháp dự đoán các chính sách và hành động của Tổng thống Nga Putin.
Hiện vẫn chưa rõ liệu nghiên cứu này được tổ chức theo yêu cầu của Lầu Năm Góc hay không. Bộ quốc phòng Mỹ cũng không đưa ra bất kì thông tin chi tiết nào về nghiên cứu này và chỉ cho biết, nhóm nghiên cứu của bà Connors cũng thực hiện nhiều nghiên cứu khác về ông Putin từ năm 2008 đến năm 2011.
Tài liệu năm 2008 và nghiên cứu năm 2011 đã được cung cấp cho USA Today theo Đạo luật Tự do Thông tin. Giới chức Mỹ từ chối bình luận công khai và tuyên bố, tài liệu trên chưa từng được trình lên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đương nhiệm hay tiền nhiệm.
Những chính sách và hành động của tổng thống Nga V. Putin luôn biến hóa và rất khó đối phó |
Bản chất việc Mỹ nghiên cứu hành động cơ thể của ông Putin
Có thể nhận thấy rõ ý đồ của nhà chức trách Mỹ là thông qua nghiên cứu này, để dự báo hành động của ông Putin sẽ sử dụng trong thời gian tới, để có thể giành được lợi thế trước Nga. Vấn đề này trở nên cấp bách sau khi Tổng thống Mỹ Barak Obama “thất thế” trước Tổng thống Nga trong “ván cờ Syria”.
Các hành động của ông Putin được nghiên cứu đặc biệt kĩ từ đầu năm 2014, khi cuộc chính biến ở Ukraine nổ ra. Sự xuất hiện của những người “lính lạ” và việc Crimea bất ngờ được sáp nhập vào Nga, thông qua cuộc trưng cầu dân ý trên toàn bán đảo vào ngày 16-3-2014 đã khiến phương Tây trở tay không kịp.
Các nhà quan sát cho rằng, những chính sách và hành động của tổng thống Nga V. Putin luôn biến hóa và rất khó đối phó. Bởi vậy, để hiểu được điều này, quân đội Mỹ đã tổ chức một nhóm chuyên gia, chuyên nghiên cứu sâu về ngôn ngữ cơ thể của ông Putin và một số nhà lãnh đạo quốc gia khác.
Ngôn ngữ cơ thể là một khối lượng thông tin vô cùng lớn, ám chỉ mọi thứ (trừ ngôn từ), mà con người sử dụng để giao tiếp, từ trang phục, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nụ cười cho tới tốc độ và âm lượng của phát ngôn, sự dừng nghỉ khi nói,... Dạng giao tiếp này ước tính chiếm tới 60 - 80% thông điệp mà chủ nhân muốn chuyển tải.
Các nghiên cứu từng chỉ ra rằng, một số hành vi nhất định hé lộ sự lo lắng về mặt tâm lý. Chẳng hạn như, sự thay đổi giọng điệu, tốc độ nói hay cái nghiêng đầu bất thường có thể hé lộ sự bất an hoặc giả dối hoặc khi căng thẳng, con người có thể nhíu cằm, liếc mắt, chạm vào cổ và tóc, quạt áo sơ mi và nuốt một cách khó khăn.
Theo ông Navarro - cựu đặc vụ Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và là một chuyên gia về giao tiếp phi ngôn từ, những hành vi trên không nhất thiết chứng minh tội lỗi, nhưng là manh mối để khám phá ra ẩn ý khác. Ví dụ như trong các vụ án hình sự, những dấu hiệu phi ngôn từ có thể giúp nhà chức trách xác định liệu một nghi can có đáng phải điều tra tiếp hay không.
Ngôn ngữ cơ thể của ông Putin trái ngược so với ông Obama |
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc "đọc" ngôn ngữ cơ thể của Putin là một thách thức rất lớn. Từng là sĩ quan tình báo cao cấp của KGB, đương kim tổng thống Nga đã được đào tạo khả năng tạo vỏ bọc, tránh để người khác phát hiện chân tướng. Là một nguyên thủ quốc gia, ông cũng rất cẩn trọng về các thông điệp phát đi.
Ông Navarro cho biết, các chính trị gia, đặc biệt là những lãnh đạo thế giới như ông Putin, luôn tham vấn luật sư và những cố vấn khác về việc họ sẽ nói cái gì và cách họ nói ra chúng. Các phát biểu của họ trước công chúng, do đó, sẽ là những màn "trình diễn" đã được tính toán kỹ lưỡng, hiếm khi để lộ bất kỳ sơ hở nào.
Ví dụ như Tổng thống Putin thường được mô tả là một “trang nam nhi” lạnh lùng, cứng rắn và thường chú ý tới vẻ ngoài. Cách ông thể hiện bản thân cũng tạo ra những hình ảnh mâu thuẫn. Ông đi săn, cởi trần khoe cơ bắp và túm chặt tay vào bục phát biểu thay vì làm điệu bộ khi nói như người đồng cấp Mỹ Obama, khiến ông có vẻ cứng rắn và khắc kỷ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp ông lại có biểu hiện hoàn toàn khác. Ví dụ như tại Thế vận hội mùa đông Sochi tháng 6-2014, ông Putin lại cho thấy một hình ảnh khác, "mềm" hơn khi mỉm cười, ôm hôn trẻ em và các vận động viên.
Chuyên gia Novarro nói thêm rằng, mặc dù các nghiên cứu cho thấy, những thông điệp phi ngôn từ có thể tiết lộ hành động trước đây hoặc hiện tại của con người, nhưng không có bằng chứng nào khẳng định, ngôn ngữ cơ thể có thể ám chỉ ai đó sẽ làm điều gì đó về dài hạn.
Bởi vậy, việc nghiên cứu ngôn ngữ cơ thể của ông Putin vẫn không giúp Mỹ hiểu sâu hơn về vị Tổng thống Nga để từ đó nắm bắt được những toan tính và hành động trong tương lai của Moscow. Mỹ vẫn luôn bị động trước các nước cờ mà ông Putin đưa ra trong xử lý các sự vụ quốc tế.
- Trần Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét