Cập nhật : 19:04 | 10/02/2015
Báo Indian Express cho biết, Ấn Độ đang lên kế hoạch xây dựng 6 sân bay mới ở khu vực tranh chấp Arunachal Pradesh giáp TQ.
Arunachal Pradesh là bang chính thức thuộc Ấn Độ ở vùng đông bắc kể từ năm 1987 nhưng TQ cũng tuyên bố chủ quyền. Cho tới nay, bang này không có sân bay hoạt động.
Theo dự kiến, sân bay đầu tiên ở thị trấn Tezu, phía đông Arunachal Pradesh sẽ vận hành năm tới. Một sân bay khác ở Holongi, ngoại ô Itanagar - thủ phủ của bang - cũng được xây dựng khi tranh cãi lâu dài về đền bù được giải quyết.
Ấn Độ và TQ đã có cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở vùng biên giới tranh chấp năm 1962. Ảnh: Getty Images
|
Ngoài ra, các nghiên cứu khả thi đang được xúc tiến với 4 sân bay ở Tawang, Daparizo, Anini và Koloriang, tất cả đều thuộc các huyện thị nằm gần đường biên giới dài 3.488km giữa Ấn Độ và TQ.
Kế hoạch xây dựng các sân bay mới diễn ra sau khi New Delhi (vào tháng 9 năm ngoái) đã quyết định nới lỏng các quy định xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đường Kiểm soát thực tế.
"TQ đã cải thiện đường sá và xây dựng hoặc mở rộng các sân bay ở phía của họ thuộc Đường Kiểm soát thực tế”, một quan chức cấp cao Ấn Độ nói. “Trong khi đó, Ấn Độ không có sân bay hoạt động ở Arunachal Pradesh. Cục Hàng không dân sự gần đây đã có cuộc họp với đại diện các bang và quyết định thiết lập 6 sân bay cũng như một số bãi đáp trực thăng ở Arunachal Pradesh”, vị này cho biết.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi vẫn khá phức tạp. Trong khi TQ tăng cường hiện diện ở khu vực biên giới, thì Ấn Độ lại bị chỉ trích vì chậm trễ thực thi các dự án phát triển ở bang biên giới.
Ấn Độ còn có tranh cãi về các lợi ích kinh tế với TQ như dự án cảng nhiều tỉ đô la tại Bangladesh. Chính phủ mới của Sri Lankan mới đây tuyên bố sẽ xem xét lại toàn bộ dự án liên quan tới các hãng TQ, trong đó có dự án lấn biển ở Colombo có thể giúp Bắc Kinh nắm giữ vị trí chiến lược ngay sát cạnh Ấn Độ.
Tuần trước, báo chí TQ đã nêu quan ngại về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Ấn Độ, nói rằng đó là một phần chiến lược “trở lại châu Á” của Washington. Tổng thống Mỹ Obama sau đó đã thể hiện sự ngạc nhiên về phản ứng của TQ về chuyến thăm này. "Tôi thấy ngạc nhiên khi nghe rằng, chính phủ TQ tuyên bố cảm thấy bị đe dọa vì chúng tôi có mối quan hệ tốt với Ấn Độ”, ông nói.
“Tôi tin tưởng rằng vào thời điểm này của lịch sử đang tồn tại cơ hội để tạo ra một môi trường mà các bên đều chiến thắng, trong đó tất cả các quốc gia đang cùng bị ràng buộc với một bộ nguyên tắc và tiêu chuẩn. Chúng tôi tập trung vào việc nâng cao thịnh vượng cho người dân, không bắt người khác phải trả giá mà là cùng nhau phát triển. Đó là những gì diễn ra trong cuộc thảo luận của tôi với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh. “TQ không cần phải cảm thấy bị đe dọa bởi mối quan hệ tốt đẹp Mỹ - Ấn”.
Thái An (theo Wantchinatimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét