Truyện ngắn Hồng Giang.
Lão Đại đặt mình nằm xuống một lát là gáy pho pho. Hình như lão
còn nói mê lảm nhảm gì nữa mà Lân không
nghe rõ. Nỗi ám ảnh, hãnh diện về tài ăn nói của mình khiến cho “cơ quan ngôn
luận” của lão làm việc cả khi đi vào cõi ngủ.
Căn phòng vôi màu vàng úa, trần cao lại hẹp. Có cảm giác như ở
dưới hầm vì rất bí do không có cửa sổ.
Câu chuyện của lão Đại lúc hai người vào phòng này khiến Lân cứ có
cảm giác gờn gợn. Lão bảo khi trước chỗ chợ này vốn xưa gọi là xứ Đông, toàn
những mả là mả. Cỏ may hoa tim tím mọc rất nhiều, xen lẫn những cây cà gai có
vuốt sắc như móng mèo.
Hồi bé lão thường hay ra đây bắt cào cào, châu chấu, chơi đá dế
với đám trẻ con trong làng. Hôm nào về, hoa cỏ may cũng bám, dắt đầy vào hai
bên ống quần. Sợ mẹ mắng trước khi về,
lão phải lấy mảnh trai,mảnh sành nạo hết thứ cỏ tai quái nhọn một đầu bám vào
vải rất chắc ấy đi. Nếu nhặt từng cái một chả biết đến bao giờ mới xong?
Vật đổi sao dời, sau ngày lão đi xa, người ta quy hoạch lại. Chợ
ngày xưa họp ở xóm Đình, chỗ ấy đất hẹp, không thể để ở đó tiếp tục được nữa
nên mới chuyển về đây.
Một trong số yếu tố của “kinh tế thị trường có định hướng” là
phải mở mang chợ búa. Cần nơi đất rộng, tiện bề giao thông để mở, thế là người
ta nghĩ ngay đến chỗ này, rồi mang nó về đây.
Bữa cơm chiều vừa rồi ông em trai lão kể, Lân mới biết như thế.
Nửa phố, nửa làng, chợ sát ven đê, các ki ốt dày đặc, người đến
, người đi tấp nập. Mùi thịt nướng, cá rán từ các quán nhậu cạnh chợ bay ra
thơm nức. Cả mùi cá tanh tanh, mùi thịt nồng nồng, mùi hoa quả thoảng thơm, mùi
những cô nàng choai choai..Tạo thành hỗn hợp hương vị rất đặc trưng của vùng
ven đô. Không ai ngờ bên dưới những đường nhựa, nền ki ốt lát gạch hoa kia lại
vốn là nghĩa địa chôn người.
Cái cảm giác phân vân, sờ sợ khiến người ta nghĩ ngay đến việc
liệu dưới lớp đất của nền chợ nhơm nhớp này, có còn sót bộ hài cốt vô chủ của
ai đó quên chưa di rời đi nơi khác hay chưa?
Lân không có thói quen đi nghỉ sớm. Ở nhà giờ này anh đang xem
ti vi, đọc sách hay viết cái gì đó. Giờ đi cùng lão, phải làm theo là lẽ dĩ
nhiên. Có ngồi nói chuyện với chủ nhà cũng chả biết nói chuyện gì. Mới lần đầu
gặp gỡ, câu chuyện thật khó nói. Nặn ra cho cho có chuyện anh không thích và
cũng không quen. Lão kêu mệt muốn đi nằm sớm, anh cũng theo luôn, dù chưa muốn
ngủ sớm hơn mọi ngày.
Ở góc phòng anh có thấy kê một tủ sách khung bằng nhôm, ghép
kính bốn mặt. Nhìn rõ phía bên trong những cuốn sách dựng nghiêng, để lộ gáy ra
ngoài. Ngọn đèn tiết kiệm điện không nhìn rõ chữ trên gáy sách. Nhưng qua hình
thức bề ngoài Lân đoán đó là loại sách công cụ, dạy tiếng Anh, dạy nấu nướng,
dạy cách làm giàu gì gì đó.. Toàn những thứ thời thượng một cách nông nổi, tràn
lan, vội vã đang thịnh hành ở những phố thị vừa mới nổi. Thứ sách cho quảng đại
chứ không phải nghiên cứu, chuyên sâu.
Cạnh tủ sách có giàn máy vi tính đời đã cũ. Bàm phím mốc meo,
sứt cả con chuột. Một sợi dây cáp điện nhỏ bị đứt, thả lòng thòng ngay phía bên
trên cái máy tính.
Có thể đây là phòng riêng học tập của cậu con trai chủ nhà. Cái
thằng có cái sẹo dài ngang mặt. Có lẽ từ ngày bị tai nạn giao thông, cậu ta chả
màng đến sách vở hay máy vi tính để ở kia nữa?
Lúc Lân cùng lão Đại đến buổi trưa nay, chính cậu con trai chủ
nhà ra đón. Khi đi rửa chân tay sau chặng đường dài bụi bặm, lão Đại kể cho Lân
nghe đôi chút về cậu ta như để cắt nghĩa vì sao có cái sẹo trên mặt:
- Năm ngoái thằng thứ hai nhà này đưa nó lên cho chạy xe. Không
may xe nó bị đổ, không chết ai, nhưng nó bị tai nạn phải nghỉ về đây bán hàng
cho mẹ nó. May lại lấy được cô vợ giáo viên xinh xắn giỏi giang. Vụ ấy anh đến
khốn khổ với nó đấy!
Lão chỉ kể có thế, nhưng mà vụ này Lân biết.
Chuyến ấy thằng con tổng giám đốc của lão mất toi cái xe tải,
loại xe “ba chân” siêu trọng. Hầu hết những chuyến hàng “chưa đúng thủ tục” đều
chạy về đêm, gần sáng, tốc độ cao vào những đêm trời mưa. Đường trơn, ổ voi ổ
gà ngập nước lênh lánh chả biết đâu mà tránh, bánh xe không bám đường, xe lại
chở nặng, chuyện mất lái gần như không cần bàn cãi.
May mà thằng cháu gọi lão bằng bác mệnh nó lớn mới giữ được
mạng. Sau chuyến đó chuyện chạy chữa, bồi thường của thằng anh đối với em có
điều gì đó “chưa thông”, ông em với lão có vẻ không còn mặn mà đằm thắm với
nhau như trước.
Đó là lý do lão đã gọi điện báo tin từ lúc ở nhà đi, ông em vẫn
lấy lý do bận đưa người ra thành phố chữa bệnh, không có nhà đợi ông anh về.?
Đến nơi Lân thấy bà em dâu lão khang khác. Bữa cơm trưa sơ sài
được bày ra để thết đãi ông anh “Đại gia” cả năm cả đời về quê chơi.
Lão nói như để chữa ngượng: “Anh không muốn vợ chồng chú ấy bày
vẽ. Mình đâu có thèm thuồng gì? Lại đang lo bệnh gút với tiểu đường nên phải
dặn thím ấy cấm có được làm cỗ. cứ
xoàng xoàng như cơm rau, bữa bình thường.. Ăn thế nào chả xong, phải không
chú?”
Lân biết lão nói vậy để chống chế, chữa ngượng vì suốt dọc đường
lão luôn mồm ca ngợi anh em nhà lão nhờ phúc lớn tổ tiên, anh nào cũng vào hàng
“đại gia” cả, lại lịch duyệt, hiểu biết, cư xử chả ai có thể chê trách vào đâu
được”.
Mình đâu có nề hà miếng ăn? Lân nghĩ bụng. Nhưng anh cứ thấy
việc này nó sao sao ấy, chả giống như lão vẫn thường mô tả trước khi về đây?
Hay là bọn “đại gia” ở đâu cũng vậy, đều keo kiệt, bủn xỉn, giả
tạo giống nhau? Họ chả bao giờ thết đãi ai không vì cái gì, khi chưa chắc chắn
nắm được mối lợi vật chất hay tinh thần nào?
Như người xưa nói: “Có bạc mới giầu, có cơ cầu mới có”?
Thế nhưng, có một việc làm Lân sửng sốt. Buổi chiều sau lúc nghỉ
ngơi chừng một tiếng, lão sửa soạn quần áo, chải lại đầu ( mà đầu lão hói quá
đỉnh,chỉ còn lơ thơ vài cái tóc ). Lão nói với Lân:
- Chú sửa soạn đi, xem máy có còn phim không? Anh với chú ra xã
một tí. ( Chỗ này có lẽ lão Đại chưa biết. Công nghệ cao rồi, ai còn chụp ảnh
bằng phim nhựa như xưa nữa. Là kỹ thuật số. các file nén, chứa trong thẻ. Tiện
lợi hơn công nghệ cũ thời thanh niên của lão rất nhiều ).
Lân thật bất ngờ. Anh nghĩ: “Chả nhẽ người quê về làng vẫn phải
ra xã trình giấy tờ sao?”. Nhưng không phải. Những quy định như thế bây giờ
người ta bỏ lâu rồi. Ủy ban không có thì giờ để xem xét những việc vơ vẩn như thế.
Chỉ trừ khi có ai vi phạm quả tang, hay nghi vấn điều gì đó người ta mới hỏi
đến giấy tờ. Còn ai muốn đến thì đến, muốn đi thì đi. Ai công đâu mà xét hỏi kẻ
qua người lại cho mất thời giờ? Còn máy ảnh, kỹ thuật số rồi, có còn chụp phim
nữa đâu, lão khỏi phải lo.
Việc ra xã là một việc khác. Lão muốn thể hiện với các nhà chức
sắc địa phương, nhân thể thăm một vài người bạn thủa thơ ấu còn sống được đến
giờ. Dọc đường lão kể năm kia năm kìa lão về làng từng đóng góp cho quỹ khuyến
học, xây nhà tình nghĩa như thế nào?
Chủ tịch, bí thư xã là chỗ quen biết. Họ niềm nở đón tiếp như
gặp người nhà. Còn tặng lão cuốn sách “truyền thống và lịch sử” của làng. Thấy
sự đón tiếp có vẻ ân cần thái quá, Lân nghĩ ngay đến việc thể nào các vị cũng
có chiêu trò gì đây?
Quả nhiên là đúng như vậy.
Khơi mào là tay thường trực văn phòng đảng ủy, rồi đến chủ tịch
bí thư. Họ có ý muốn yêu cầu cha con lão hiến tặng cho xã một công trình nho
nhỏ.. Lớp mầm non của xã đã xây dựng xong, nhưng chưa có tường rào và cái cổng
ra vào.
Lân cứ nghĩ chưa chắc lão đã nhận lời vì số tiền để xây dựng
theo như mô tả, với anh không nhỏ. Có khi anh vất vả cả năm chưa chắc kiếm
được. Không ngờ lão gật đầu cái xoẹt! Lão lấy làm hứng thú khi mấy vị chức sắc
trong xã nói:
- Nếu bác giúp cho xã thì không ai bằng. Xã sẽ ghi nhớ công lao
đóng góp của những người con quê hương đi xa đối với xã nhà như gia đình bác.
Ngoài cổng lớp mẫu giáo mầm non này chúng em sẽ ghi rõ: “Đây là phần đóng góp
của gia đình ông Trần Đại hiện đang sống ở Tuyên Hóa”. Bảng lưu niệm này sẽ
được đặt làm bằng đá hoa cương”. Bác thấy thế nào?
Lão Đại thêm:
- Nhưng kiểu dáng phải có sự nhất trí chung, các anh có đồng ý
tôi mới tham gia?
- Vâng tất nhiên là phải như thế rồi. Chúng em sẽ gửi bản thiết
kế lên để bác duyệt.
- Dự toán hết bao nhiêu?
- Chỉ độ nửa trăm thôi ạ!
Lão Đại phẩy tay, “ Chuyện nhỏ, nhất trí như thế đi”.
Lân lại bất ngờ. Tám mươi triệu mà lão coi như không.
Lão là chuyên gia cho người khác “Đi tàu bay giấy”. Thí dụ muốn
khích lệ ai đó lão sẽ nói: “ Anh A, chị B đây là người có kiến thức sâu rộng.
Tài năng xuất chúng, đầu óc tổ chức và làm ăn luôn trên cả tuyệt vời”! Bất luận
người ta thực có những cái hay ho đó hay không?
Người đời ai chả muốn được ngợi khen? Chính Lân cũng một đôi lần
từng được lão cho lên tàu bay kiểu ấy khiến anh ngượng chín cả mặt. Không ngờ
hôm nay lão lại đến lượt được lớp “hậu bối”, chức sắc của xã đưa lên ngồi vào khoang
loại máy bay như thế!
Họ hẹn ngay trong tuần này, họ sẽ lên để “bàn bạc” cụ thể trên
quê hương thứ hai của lão. Lân nghĩ ngay đến ông em họ nhà sát cạnh ông em lão
mà Lân đang nghỉ. Bà vợ ông này đang bị ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện trả
về. Người chồng tai biến mạch máu não, cứ ngơ ngơ như người không còn trí nhớ.
Hỏi câu nào cũng cũng cười cười, ngơ ngẩn gật đầu. Mấy đứa con ông ta thấy lão
Đại đến mừng cuống quýt. Chỉ nhìn ánh mắt biết là chúng hy vọng ở lão nhiều lắm
mà chưa dám nói ra.
Lão Đại vẫn cười nói như không. Lúc về lão rút trong ví ra, đặt
vào tay người em họ tờ một trăm ngàn.
Ra khỏi ngõ Lân nói với lão:
- Theo em thì bác cho ngay ông em chục triệu để bác ấy chữa bệnh
có khi lại cần hơn bác chi tiền vào việc kia. Bác cho xã, liệu tiền ấy có được
đem ra làm như họ nói hay lại vào túi người khác? Xây dựng các công trình công
cộng, xã nào chả có quỹ nhà nước cho?
Lão cười khợ khợ: “ Chú chỉ biết một mà chưa biết hai. Anh em
trong nhà ai chả thương, nhưng đừng để họ thành thói quen ỷ lại mình. Chỉ nên
cho cái cần câu hơn là cho con cá.Họ tự cứu lấy mình là chính, sao cứ mãi trông
hòng anh em? Còn việc công lại khác. Một khi anh đóng góp cả dân cả xã đều biết,
tiếng thơm để muôn đời. Mỗi khi về làng cũng mát mày mát mặt. Cũng như của để
dành, là thứ lưu danh mãi mãi” Thì ra thế! Cái tình của đại gia thiết thực hơn
nhiều, không đơn giản như Lân nghĩ. Nhưng vẫn chưa hiểu lão Đại nói cho cái “cần
câu” là cần câu như thế nào?
Hai người còn đến thăm vài ba chỗ nữa. Những ông giáo đã nghỉ
hưu, ngày xưa cùng học hoặc cùng dạy với lão. Phần nhiều mấy ông này quên quên
nhớ nhớ, gầy guộc, ốm yếu nom thảm hại hơn
lão nhiều. Chả có ai về già lại vượng tướng được như lão.
Có một ông đại tá công an đã về hưu. Con cái ông này còn có mỗi
một đứa, lại không có nhà. Bà vợ bị sơ gan cổ chướng bụng phồng như người đang có
mang, mặt khô như cái mo, cứ nhìn lão ưa ứa nước mắt.
Ngày xưa đã có thời lão từng là người theo đuổi bà. Dạo đó lão
nghèo, chỉ là anh giáo làng kém xa ông chồng bà bây giờ, quyền cao chức trọng.
Đúng là không ai học được chữ ngờ. Cảnh nhà vị đại tá này chỉ
nhìn qua là biết đang cơn túng quẫn. Thời buổi này rồi, trong nhà vẫn đang dùng
cái ti vi đen trắng. Cửa rả long hết bản lề, xiêu xiêu vẹo vẹo, chẳng cần sửa.
Chuyện ông con, lúc đầu đại tá còn giấu. Nói chuyện một lúc mới than thở, hở ra
là anh ta đang cai nghiện ở công trường 06.
Ở chơi nhà này là lâu nhất. Tình yêu là cái gì day dứt, ám ảnh
người ta lâu dài nhất trong đời. Cả khi người yêu đã đi với người khác thì kẻ
thiệt tình kia vẫn dõi mắt trông theo. Duy nhất chỗ này lão Đại cho quà tới hai
trăm ngàn. Ông đại tá có vẻ ngượng ngịu, sau nói mãi mới chịu cầm
Ra đến đình lão Đại mới kể hết cho Lân nghe chuyện nhân vật này.
Chẳng ai ngờ người quyền cao chức trọng như vậy lại có ngày hôm nay.
Bà vợ ông đại tá hẳn khi lão Đại đã về thế nào cũng lăn phăn suy
nghĩ. Bà thật chẳng ngờ anh giáo ngày xưa người mỏng như con mõ mương, chuyên
mặc quần có miếng tích kê ở đầu gối, lại
như ngày hôm nay.
Phải có phép thần nào mới biến một con người như thế trở thành
đại gia, có ba thằng con trai làm đến giám đốc tổng công ty. Người mắc bệnh như
bà tỉnh táo đến lúc chết. Bà sẽ phải mất ngủ nhiều đêm vì chuyện này.
Người ta có thể làm lại nhiều việc, nhưng không thể làm lại cuộc
đời. Cuộc đời là cái gì đã qua, hẳn đã qua. Nói làm lại chỉ là cách nói hàm hồ
nếu không nói chỉ là sự an ủi động viên chả có mấy giá trị!
Ngoài đình ông từ đi đâu vắng. Thành thử hai người chỉ đi lanh
quanh một hồi, không vào thắp hương được như mọi lần lão về.
Không biết có phải đúng như vậy không? Nhưng sáng sớm hôm sau
xảy ra một việc, mỗi khi nhớ đến cả lão và Lân đều áy náy trong lòng..
Lơ mơ lan man chuyện mới, chuyện cũ, chuyện gần, chuyện xa.. như
một tấm lưới đan hỏng, khiến Lân mệt nhoài.
Lại sau một chặng đường xa chở đằng sau lão Đại nặng gần một tạ,
luôn căng thẳng đầu óc dọc đường. Anh đi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Mà
người ta chỉ ý thức được lúc tỉnh thức dậy, chứ có ai biết mình bắt đầu đi vào
cõi ngủ khi nào đâu?
Có thể coi khi ấy như một trạng thái lâm sàng, tim vẫn đập, mũi
vẫn thở nhưng không nhận thức được xung quanh, nhận thức được bản thân.
Là lúc cõi vô thức sâu thẳm hoạt động với một số người, dù có
muốn cũng không thể kiểm soát được. Có thể đó là những ám ảnh từ kiếp nào đó
còn để lại dấu vết hoặc những chấn động tinh thần quá sâu sắc, nặng nề.
Có khi chỉ là những hình ảnh, âm thanh, câu chuyện ngẫu nhiên
không biết nguồn gốc từ đâu? Những mảng “hình tư tưởng” trôi dạt từ một thế
giới lạ lẫm chưa hề quen biết.
Lân mơ thấy hàng đoàn voi chiến băng qua sông, nước sông bị voi
uống gần cạn. Có chỗ trơ đến tận đáy. Rồi những đoàn người đóng khố, cởi trần,
tay cầm giáo, cầm khiên miệng la hét, sùi cả bọt mép. Có mấy viên tướng lông
mày dựng ngược, mặt đen chôn chảo, tướng dữ dằn, quất ngựa đuổi theo Lân. Anh
càng chạy, ngựa mỗi lúc lại càng theo sát gần. Bỗng Lân vấp phải một gốc cây,
khiến anh đau điếng..
Lân bàng hoàng thức giấc..Té ra anh vừa đạp phải cây cọc màn ở
góc giường, chân vẫn còn buốt như đạp phải mảnh chai.
Quay sang bên cạnh, Lân không thấy lão Đại đâu?
Lão đi đâu giờ này?
Ánh sáng ngọn đèn ngủ đủ để cho Lân thấy cửa phòng đang để mở. Rõ
ràng là trước khi ngủ anh đã cài cẩn thận rồi kia mà?
Có thể lão dậy vào toalet? Nhưng đèn trong ấy tắt, chắc không
phải.
Lân xỏ dép đi ra cửa. Thì ra lão Đại đang mặc độc chiếc quần lót
đang cặm cụi đi đi lại lại dọc theo hành lang. Nom rất vất vả bởi cái bụng
ngoại cỡ chình ình của lão. Với người già cử chỉ này thật không bình thường.
Tuy quen biết lão Đại đã lâu, anh chưa thấy như vậy bao giờ. Chờ
cho lão lại gần, Lân mới hỏi.
Lão bảo từ sau khi bị tai biến mạch máu não, thêm bệnh tiểu
đường lão thường ít ngủ. Đêm nào lão cũng chỉ ngủ được vài tiếng. Lúc mới nằm
là ngủ được ngay, nhưng giấc ngủ không sâu.
Mỗi lần như thế, lão lại phải đi bộ cho đến lúc mệt nhoài, để
sau đấy ngủ thêm giấc tiếp theo. Một mình trong đêm, lão bảo cảm thấy rất buồn
vì chẳng thể rủ được ai đi bộ cùng cho có bạn. Ngoài lão ra thử hỏi trên đời
này có ai lại chịu khó “vận động” vào lúc đêm hôm khuya khoắt như thế ? Nhưng
không tập là trằn trọc, không ngủ lại được.
Tự nhiên Lân thấy tội
nghiệp lão. Vì giấc ngủ, vì lo cho sự sống, đêm nào giấc ngủ của lão phải huỳnh huỵch, thở hồng
hộc, đi lại kiểu tàu quả lu “như đánh vật” một đêm mấy lần thế này, quả là quá
gian nan!
Đó là sự cố gắng lặng lẽ,
âm thầm để kéo dài sự sống. Lão chưa muốn ra đi khi đống của cải to lớn, lão
từng khổ công gom góp cả đời, còn rất nhiều gửi lại nơi thế gian này. Khổ thế
chứ khổ nữa lão cũng cam lòng!
Lão ngồi xuống giường, lấy khăn bông lau mồ hôi, lại cắm cúi đi
tiếp.
Thì ra giàu có, thành “đại gia” rồi, con người ta vẫn chưa hết
khổ! Lần đầu Lân hiểu được “Đại gia”
cũng có nỗi thống khổ riêng của mình!
Sống đâu phải là chỉ rong chơi như người ta nói, khi tuổi trẻ
không còn? Không phải vô tình mà người ta gọi cõi này là cõi ta bà, cõi trần
ai!
Từ lúc thức dậy Lân không
sao nhắm mắt ngủ được nữa. Trong khi đó, lão sau một hồi đi đi lại lại chừng
nửa tiếng lại nằm. lại gáy pho pho.
Lân hối hận là đã vội vàng nhận lời lão đi chuyến này. Trong lúc
anh còn cả đống công việc đang chờ ở nhà.
Sáng sớm, chưa đến sáu giờ lão đã gọi Lân, giục đi ngay. Lão bảo
để xe ở nhà, hai anh em sẽ đi “xế hộp” cho nó an toàn. Lân nghĩ nhà lão hơn
chục con xe bốn chỗ ngồi, cái nào cũng bóng loáng, bạc tỷ cả. Đi xe lúc nào với
lão chả khó khăn gì. Nhà nước mà cho dùng máy bay riêng, chưa biết chừng nhà
lão đã mua rồi, xe đẹp chả là cái cục
gạch gì!
Nguồn lâm sản, khoáng sản của cả một tỉnh từ lâu nhà lão đã có
phần.
Kẻ ghen ăn ghét ở nói: “Đại gia ở tỉnh mình, hầu hết là bọn lưu
manh cấu kết với quan chức” đều là sự bịa đặt! Nói mà không biết xấu hổ, không
biết nghĩ. Đúng là bọn nông cạn, chưa hết cái mùi tanh tiểu nông “sản xuất
nhỏ”..
Sao chúng chả câu kết mà hưởng nguồn lợi, trở thành “đại gia”
hết cả đi?
Nếu không có tài năng, liệu nguồn lợi ấy có chảy vào nhà mình
không? Cũng đầy những tay cai thầu máu mặt, đầy vị có chức có quyền mà vẫn ngồi
mà thèm, mà rỏ rãi nhìn đấy thôi.
May mắn chỉ là một phần. Cái chính vẫn phải “nhờ hồng phúc tổ
tiên”. Bản thân phải biết tùy cơ ứng biến, khôn khéo và linh hoạt. Có lần nói
về nguồn gốc đại gia của mình, lão tâm sự với Lân như thế. Lão bảo “Giàu có số”.Không thể cố mà giàu. Lân
thấy cũng phải.
Lão chỉ tự hào là đã định hướng “tốt” cho các con nên mới có
ngày hôm nay. Chứ không chịu nhận là khéo quan hệ, làm ăn kiểu xã hội đen. Nếu
lão không nghỉ hưu sớm, chớp lấy thời cơ, đàn con lão bây giờ chắc không hơn con
người khác.
Biết chúng nó học tầm thường, lão đã phải chuyển hướng, sắp xếp
đường đi nước bước cho từng thằng. Bây giờ kể cả anh học giỏi, học hay, bằng
cấp đầy mình cũng chả hơn gì con lão về mặt kinh tế. Có anh còn phải xin đám, vật
nài mãi mới được các con lão nhận cho vào làm việc dưới trướng. Đâu phải chuyện đơn
giản?
Nếu biết đèo nhau đi đường xa như vừa rồi, chắc Lân đã thoái
thác. Chả ai dại gì chở một ông già từng bị tai biến ngồi sau xe, đi cả trăm
cây số. Lỡ có bề gì thì sao?
Mãi sau anh mới biết lão chọn cách đi xe máy là có dụng ý riêng,
hoàn toàn không phải vì hà tiện, hay sợ ảnh hưởng đến công việc của mấy thằng “tổng
giám đốc” con lão.
Nếu chúng đưa đi, tất nhiên, tới đâu chúng cũng phải kè kè bên
cạnh, như người giám hộ, ý định ghé qua “ngã ba sung sướng” làm sao thực hiện
được? Khác nào có người dẫn giải, canh chừng?
Dự định là đi năm hôm mới về. Nhưng tự dưng Lân cảm thấy mất hào
hứng. Một vài cái gây phản cảm khiến anh nản lòng. Không biết ở nhà có chuyện
gì, trong lòng bồn chồn bứt dứt không yên. Từ buổi chiều hôm trước Lân đã nói
với lão Đại là ở cơ quan có việc phải về gấp. Lão có vẻ không bằng lòng, sau
rồi cũng chiều theo.
Vợ chồng ông em lão bảo cứ để sáng ra thong thả, ăn sáng xong
bác hãy ngược. Chả biết nghĩ thế nào mới hơn năm giờ sáng lão đã gọi Lân dậy,
bảo đi ngay cho nó mát! Gặp chỗ nào ăn sáng chỗ ấy.
Vầng, đi thì đi!
Lân dắt xe ra cửa. lão Đại vỗ vai, dặn chủ nhà gì đó anh nghe
không rõ.
Đường đê đổ bê tông, vắng ngơ vắng ngác, chưa có ai qua lại giờ
này. Thỉnh thoảng mới có một hai người đi chợ sớm ngược chiều. Nhưng lão Đại
vẫn dặn:
- Cứ thông thả đi chú ạ. Anh em mình ra nhà nghỉ Linh Sơn chơi,
mai hãy về.
Lân đang chạy xe nên không nói gì. Vả lại có nói lão cũng chẳng
nghe thấy. Xe đang chạy ngon trớn. Bỗng phía trước mặt có con vật mờ mờ, đen
đen đang chúi mũi chạy ngược chiều. Không phải lợn, không phải bò. Một con chó
becgie gần bằng con bò con vừa được thả ra, chạy lồng lại. Lân đã có ý tránh
nó, nó lại cứ nhằm thẳng phía anh. Đúng là đồ chó ngu và đểu! Chắc nó bị chủ
xích phòng mất trộm cả đêm, giờ mới được thả ra, mừng cuồng lên, chạy bạt mạng
đi tìm chỗ ỉa đái đây! Lân thoáng nghĩ thế, đạp phanh định dừng lại. Nhưng
không kịp nữa rồi! Chiếc xe tông thẳng vào con chó, rồi vụt lên, như kiểu người
ta đi mô tô bay! Lạ cái không nghe thấy chó kêu tiếng nào? Chỉ thấy lão Đại kêu “ối” một tiếng phía sau,
có chuyện rồi, sau xe nhẹ bẫng đi..
Trước mắt Lâm là những cột mốc giới lề đường trắng xóa. Bên dưới
kia là dốc cao. Xuống đấy là giã biệt cuộc đời! Lân cố gắng lấy lại tay lái, loạng
choạng một lúc sau mới dừng xe lại được.
Anh vừa thoát hiểm nghèo trong gang tấc!
Lão Đại nằm một đống, co co hai chân, nghiêng người bên vệ cỏ.
Người ở đâu đột ngột xuất hiện, nâng lão dậy. Không có vết thương ở mặt, chỉ có
hai bên sườn xây xát khá nặng. Một nửa bàn chân lão đẫm máu. “Cũng còn may, xa
ruột chán” Một người nào đó thốt lên. Phải khi khác, Lân đã vả cho tên đó một
cái. Người ta đang đau, lại là người già..Ăn với chả nói!
Nhưng lúc này chính bản thân Lân cũng bị đau nhói chỗ cổ chân.
Anh bị sai khớp mà chưa biết. Lân nhảy lò cò nhặt kính đổi mầu, điện thoại và
cặp số lại cho lão. Mặt lão trắng bợt chả nói được câu nào, cứ rên rỉ lẩm nhẩm
trong miệng. Cái vẻ hùng hồn, hùng biện mọi khi giờ thì biến đâu mất?
Thôi thế là đi tong cái cặp số kiểu “Đại gia” khóa bấm, đai viền
mạ vàng, quai xách bằng ngà voi giả, hay bằng ngà voi thật Lân chưa kịp hỏi vì
nghĩ không cần thiết phải tò mò như vậy, lão sẽ coi thường.. Cái cặp lão vừa
khoe với Lân mới mua hơn ba chục triệu, gửi mua mãi tận bên Hồng Kông!
Nhưng đấy chưa phải là cái đáng tiếc và đáng lo vào lúc này.
Chân cẳng lão đau thế kia, làm thế nào để đưa lão đi đến nơi, về đến chốn?
Lão nặng gần cả tạ, một mình chân cẳng thế này làm thế nào để
lão ngồi lại lên xe đi tiếp được?
Đang lo. Chợt có hai tay mặc đồ thể thao, đi xe máy lại. ( Sau
này Lân mới biết một trong số hai người này là có thể là chủ chó, biết chuyện
chạy ra ) Một người giữ xe, một người ôm người, họ bảo Lân đi theo.. Xe chạy
qua cánh đồng một đoạn, rẽ vào làng.
Trạm xá còn sớm, chưa ai làm việc. Một người bảo “cứ đưa thẳng
đến nhà ông bác sĩ trạm trưởng. Nhà ông cũng có phòng khám, chả kém gì ở đây”.
Thời buổi chân ngoài dài hơn chân trong, chỗ nào chả thế? Nhưng
bây giờ không phải là lúc bận tâm các loại chuyện này.
Lân đỡ lão lên cái giường một kê trong phòng khám. Bác sĩ xem,
sát trùng, cắt bỏ miếng ra rách. Khâu. Băng lại. Lão Đại vẫn tỉnh bơ như không.
Công nhận lão gan. Da thịt con người có phải gỗ đâu mà không đau?
- Cứ nằm một lúc cho nó ổn định đã, đừng đi ngay - Bác sĩ nói.
Lân ra cửa, tìm hai vị “hiệp sĩ” vừa rồi, chả thấy, các vị đã đi
từ lúc nào? Dù sao cũng phải cảm ơn, úy lạo người ta một tí. Nhưng chỉ có mấy
gốc cây, không thấy người!
Khả năng Lân đoán họ chính là chủ chó vừa rồi càng được chắc
chắn khẳng định. Nhưng mà thôi, dở chuyện ra giờ có ích gì?
Lân quay vào. Lão Đại bảo anh cho lão chậu nước. Lão muốn thay
bộ quần áo trên người. Cái quần lấm bê lấm bết, áo xoạc một miếng, dù có đau
thế chứ đau nữa, đời nào lão chịu mặc? Lân lúng túng mất một lúc mới xong. Cứ y
như cô bảo mẫu thay tã cho em bé. Một em bé quá khổ, chả lúng túng thì sao?
Rồi cũng xong. Thanh toán. Cảm ơn. Bác sĩ đỡ hộ lão lên xe.
Hai người tiếp cuộc hành trình dang dở. Ngang qua một quán phở
lúc bấy giờ đã mở, lão bảo dừng lại. Phở sốt vang mà cứ đắng như cháo bột đao
mốc. Chán. Không muốn ăn. Lão Đại bảo:
- Nghe cứ đau đau hai bên sườn.
Lân nói:
- Được rồi, em đã có cách!
Lại nhờ một cô gái ngang qua đường đỡ lão lên.
Có “Tầm quất da truyền” đây rồi! Biển quảng cáo sai chính tả,
nhưng em tầm quất cực kỳ xinh. Lão Đại có vẻ khoái. Lân bảo “ Cứ thật nhiệt
tình vào, hết bao nhiêu không thành vấn đề”. Tự nhiên lão thêm: “ Làm cho đại
gia, tiền nong không cần phải lo. Làm “tốt” còn có bo, có thưởng”. Con bé thích
lắm, cười rinh rích. Bấy giờ Lân mới để ý sao ở trong nhà mà em ý vẫn đeo kính?
Thì ra em khiếm thị, mình vô tâm không biết.
Em hỏi: “ Chú là đại gia ở đâu á?”. Lão cười khờ khờ: “ Không
những đại gia, đây còn là bố đại gia kia”. Lân định nói rõ thêm về các con lão.
Lại nghĩ, nói chuyện ấy ở đây có ích gì?
Em tầm quất vừa làm vừa thủ thỉ chuyện gì đó, Lân không nghe rõ..
Đến lúc ra ngoài, nghe lão Đại nói em ấy “người đồng hương”. Nếu em ý thích lão
sẵn sàng đầu tư cho một cửa hàng để hành nghề, khỏi phải thuê mướn đắt “khiếp
lên ấy” ở chỗ này. Em xin số điện thoại. Chả biết mắt mũi có nhìn thấy gì không,
mà tay cứ bấm nhoay nhoáy?
Lão đưa tờ năm trăm. Em tầm quất kêu trời lên rằng “Mới sáng ra
đã làm ăn được gì đâu mà anh trả tiền to thế, không có tiền trả lại?”
Lão lại khờ khờ:
- Anh hay thương người, thừa một tý, “bo” luôn, có sao?
Em bảo em cám ơn.
Chỉ có Lân là hơi phân vân. Hình như mình đã nghĩ sai về lão?
Thực ra lão quảng đại,
tốt tính hơn mình tưởng nhiều?
- Chú có biết vì sao hôm nay anh em mình gặp nạn không?
Lân bảo “em chịu”. Lão nghiêm giọng:
- Tại hôm qua thăm đình làng, anh không thắp nhang như mọi khi.
Đình làng anh thiêng liêng lắm. Anh chưa từng làm như thế bao giờ. Chẳng qua
tại ông từ đi vắng chứ có phải lỗi tại anh em mình đâu? Kỳ sau có về phải rút
kinh nghiệm!
Về việc nhà đình, có thể lão nói đúng, cũng có thể không.
Còn như “một lần sau nữa” e rằng không bao giờ.
Nhớ quê, lão cứ việc đi một mình, hoặc với ai đó.. Còn anh, Lân
sẽ KHÔNG!
=====
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét