Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Nam Đan - Quê hương là địa cầu


[Minh hoạ: “Quê hương là địa cầu” của hoạ sĩ Bảo Huân]

QUÊ HƯƠNG LÀ ĐỊA CẦU

Trời Dallas trở lạnh. Giữa khuya tôi mới nhận ra điều đó khi quấn đến hai lớp chăn mà vẫn run. Bước ra phòng ngoài, nhìn hàn thử biểu thấy 64 độ F, bèn mở máy sưởi. Vào giường vẫn không ngủ lại được. Nằm thao thức, nghĩ ngợi vẩn vơ. A, giờ này Sài Gòn như thế nào nhỉ? Mấy hôm nay còn mưa ngập đường ngập phố nữa không? Mấy hôm trước lên mạng thấy Sài Gòn lẫn Hà Nội, và nhiều thành phố khác, úng ngập ghê hồn; đâu đâu cũng thấy hình ảnh người xe bì bõm. Rồi lại nghĩ, mà này, giờ này mi đang ở một nơi cách Việt Nam một khoảng xa lơ xa lắc về không gian, còn thời gian thì cách nhau đến 12 giờ, và đời sống thì khác nhau đến vô cùng thì tại sao lại nhớ, lại thao thức băn khoăn, ngộ chưa kìa?
Hỏi, rồi tự trả lời, dường như vì tình hoài hương mà nên nỗi. Rồi lại hỏi tiếp, sao lại hoài hương khi mình chỉ mới rời khỏi đó hơn một tháng, và sẽ trở lại nay mai? Đến đây mới nhớ ra rằng mình cũng đã từng nhớ Mỹ không kém khi đang ở Sài Gòn. Thì ra cái nhớ của con người có khi không tuỳ thuộc vào không gian và thời gian, mà là nó mai phục trong tâm hồn, chỉ chờ dịp lòng người yếu mềm như lúc này là bùng lên, là nổi loạn.
Ngày xưa, đọc “Thiếu quê hương”, “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, thấy văn của ông luôn bàng bạc cái vị hoài hương của kẻ xa quê. Nhưng sau này xem tiểu sử thì thấy ông chỉ đi loanh quanh trong nước, có lần sang Trung Quốc một thời gian ngắn, còn lại khi ông ra nước ngoài là đi chơi, đi công vụ. Có lẽ, ông chưa từng sống với cái tâm thức xa biệt hẳn, cắt rời hẳn với quê hương, không mong ngày trở lại, như có thời người Việt xuống thuyền lao ra biển tìm đường sống trong cái chết, vậy mà ông đã thấy “thiếu quê hương”.
Không ngủ nữa, tôi mở tablet đọc tin tức và lên Facebook xem. Một anh bạn, nhà thơ Uyên Nguyên — trên Facebook anh lấy nick là Diệu Đế — vừa post một status thú vị, cũng về chuyện quê hương. Uyên Nguyên vượt biên sang Úc từ thập niên 80 của thế kỷ trước, vài năm gần đây anh về một vùng quê ở Phan Thiết, chọn một cuộc sống đạm bạc, thanh nhàn, tưởng là sẽ yên vui mãi mãi vậy mà... Anh viết như sau:
VỀ
 
Bạn ở Úc hỏi: “Lần này, về Sydney luôn hả?” Câu chữ phát ra âm lượng của cảm xúc.
 
Trước đây vài năm, bạn khác cũng hỏi câu tương tự: “Về Việt Nam luôn à?” Giờ, vài bạn khác nữa, ở cả hai nơi, lại hỏi câu khác... nữa, trong câu hỏi có phân nửa định nghĩa: “về... là về nhà, vậy chỗ nào là... nhà?”
 
Chừng mươi ngày nữa, Diệu Đế sẽ lên đường “về” Sydney, đụng phải câu hỏi rốt ráo này, khó nói cho suôn, nơi nào là quê hương! Định nghĩa về quê hương của Diệu Đế rất mơ hồ. Có khi, quê hương là hình ảnh một nơi chốn, hay vài âm sắc của ngôn ngữ, có lúc, lại là mùi vị, của bất kỳ thứ gì đó, trong khoảnh khắc ký ức lên men, nhưng cũng không nhất thiết... thơm ngon!
 
Thế kỷ trước, lần đầu trở về, gặp lúc chiều hôm đèn lửa nhá nhem, càng đi càng thấy lạ như bị lạc. Cách thị xã chỉ vài cây số; trái, phải hai lần quẹo, qua hai cây cầu nhỏ bắc ngang con suối, là tới nhà. Vậy mà, quái làm sao, vẫn không có cảm giác đang đi trên đường xưa lối cũ, cái xúc cảm dễ gọi tên ấy cũng không sao dấy lên! Cây me đầu dốc thật to, hai người ôm không hết, đã bị đốn mất, và chẳng biết tự bao giờ, môt biển lục bình dày ken hiện ra ngay khúc quanh của con suối. Về đến đầu ngõ, nhìn thấy nhà mà không vào được vì lối đi đã bị hàng xóm rào ngang, thế là phải vòng vèo vài phút nữa! Hàng đào xưa hơn chục cây chỉ còn lại một, già lão quắt queo sân trước, cũng chỉ là vừa bắt đầu rục rịch vào hàng, theo nhịp khơi gợi của ký ức dậy muộn. Thì ra, quê hương cũng là hình ảnh lưu giữ sau cùng trong bộ nhớ ly xứ, sự đổi thay của cảnh vật không làm dậy nỗi men cảm xúc. Nửa giờ trước đó, dừng xe ở bùng binh bên kia cầu thị xã, hai chân bị quán tính kéo đi vào khu phố ngày xưa, mùi cống xộc lên mũi làm ký ức bần thần, cái mùi thân thiết thời trẻ dại, khoảnh khắc trở thành quê hương!
 
Nhà thơ Chim Hải trong bài thơ “Phố Mắm”, cũng vẽ chân dung Phố [quê nhà] bằng từ “thum thủm”, rất đắc!
 
Đi qua lũ lụt ngày mùa muộn giấc ngập ướt
tiếng khóc muôn xưa
phố bụi đời bụi
nẻo về
đen đúa lòng người
vệt đời đan bện vào nỗi bi hận
xô xát lời xây xẩm số phận
ngõ tràn thị phi
thum thủm
phố...
 
Một lần khác vào dịp tết ở Thái, một mình trong khu thị tứ nhộn nhịp toàn bá tánh thập phương, bỗng nghe tiếng chửi thề rất quen, lại đâm ra nhớ nhà!
 
Ở Sydney, mình có thằng bạn người Úc, nếu vài ba tháng mới gặp nó một lần, chắc ăn là phải nghe nó chửi thề dăm câu, tao nhã lắm cũng cỡ “where the f... have you been?” Nó luôn nghĩ mình là người xuyên thời gian - không gian, quê hương ở tuốt “thì tương lai”. Kể nó nghe cái cảm giác “nhớ nhà” khi đang ngồi trong ngôi nhà của mình ở Việt Nam, nó cười khà khà: “Tao biết... mày sẽ nhớ thời quá khứ thuộc về Sydney khi về lại Sydney, thôi nghĩ nhiều làm gì! Quê hương là cái quỉ gì, hả? Không bám được rễ ở cả hai nơi, mày chỉ là một sự trôi nổi lang thang, chẳng phải bọn làm thơ đều thích thế cả sao!”
 
Có lần chiêm bao thấy mình bị phóng vào một hành tinh nào đó, cảnh vật hay sinh vật thảy đều lạ lẫm. Có cảm giác nhớ, nhưng quê hương khi ấy chỉ là hình ảnh của địa cầu, lúc tỉnh dậy vã mồ hôi hột và vẫn còn thấy quả cầu đang xoay. Hú vía!
 
Lần này, rời ngôi nhà cố hương không thuộc về ký ức, về lại một nơi của quê hương hiện tại không nhà... Dù thế nào, ngày đầu tiên đạp đất Sydney, ra khỏi phi trường là phải chạy đi kiếm nhà để... thuê! Sau đó, mới gặp bạn bè, có thể thằng “du hành thời gian” sẽ lại cười khà khà với câu chữ đã cầu chứng: "Where the f...” Dù sao, cũng là còn trên địa cầu!
 
Tôi nhớ một câu chuyện tuyệt vời về quê hương, hình như đọc được trong cuốn “Alexis Zorba” của nhà văn xứ Hy-lạp Nikos Kazantzakis. Tay chơi tứ chiếng, lưu lạc đó đây cả đời — a global traveller — đã từ rất lâu không về và dường như đã quên hẳn ngôn ngữ ở quê nhà vì lâu nay không còn dùng, vậy mà trong lúc hấp hối, gã giang hồ lại thốt lên câu nói sau cùng bằng tiếng mẹ đẻ chứ không phải thứ tiếng nào khác, rằng: “Tôi đã yêu!” Có phải khi đó trần gian là quê hương của kẻ sắp lìa đời?
Như giấc chiêm bao của Uyên Nguyên kể ở trên, thử tưởng tượng rằng mình là phi hành gia trên chiếc phi thuyền bị thất lạc trong vũ trụ, không còn tìm được đường trở về trái đất, lạc hẳn khỏi những khái niệm không gian và thời gian của con người, thì sẽ như thế nào nhỉ?
Ắt rồi sẽ phải ghé vào một nơi đâu đó, một thiên hà nào khác, xuống một hành tinh hay một định tinh, sẽ phải xin tạm trú, xin nhập hộ khẩu, tái định cư ở đó. Rồi trong một đêm trở lạnh, thao thức nằm nhớ. Lúc ấy, quê hương không còn là Phan Thiết, không còn là Việt Nam, không còn là Sydney, không còn là nước Úc, không còn là Dallas, không còn là nước Mỹ.
Mà lúc ấy, quê hương hẳn là địa cầu.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: