Thật buồn quá. Mấy bữa nay thấy người ta nói quá chừng về chuyện em Hào Anh. Em ấy thoát khỏi 1 cuộc bạo hành, được mọi người giúp đỡ, giờ em lâm vào một scandal tình tiền, từ thiện, gia đình… Có mấy trăm người lên mạng chửi… mấy người trót cho tiền ẻm. Thậm chí, có người còn đạo đức cao cả bảo rằng cho tiền ẻm chỉ là để tỏ ra thương người, để thỏa mãn lòng từ thiện của chính họ. Xong hôm nay có em bé Ngân bị bạo hành, chắc có ai lỡ cho em tiền, có người chụp ảnh lại được, tung luôn lên mạng chửi… nhà từ thiện sao chỉ biết mỗi chuyện cho tiền.
Năm 2007, cầu Cần Thơ sập. Tôi đứng trong bệnh viện 121 lúc nửa đêm. Giờ đó, có một nhóm những phụ nữ (dường như rất giàu có) họ đi vào bệnh viện. Họ nhờ bác sĩ gọi hết thân nhân thật của người bị nạn ra, trên tay họ là những xấp tiền 100 ngàn mới cứng, cứ thế, họ ngắt từng cọc, dúi vào tay từng người thân nước mắt đỏ hoe, có con trai, chồng, em út đang nằm câm lặng trong phòng bệnh trước mặt. Hồi đó, tôi còn nhớ, tiền tươi như vậy nhìn phải hoa mắt. Quá nhiều tiền.
Đêm hôm đó, tôi bắt chuyện với một bà mẹ, mà con trai của bà bị bê tông đập vào ngực, chưa biết ra sao. Bà nghèo lắm, làm nông dân, tóc uốn, mặc áo nâu. Bà ngồi trên chiếc chiếu, thẫn thờ nhìn vào phòng bệnh. Trên tay bà có một nắm tiền mới cứng. Số tiền đó, khi tôi nhìn vào thân thể bầm dập tím đen của người con trai, tôi biết cũng sẽ không đủ để bà chăm sóc cho con khỏe lại, hoặc thuốc men cho anh khỏi hẳn ngay tắp lự. Những bà giàu có ấy không chịu trả lời phỏng vấn, khác với một lãnh đạo từ thành phố xuống, lay hết tất cả người nhà bệnh nhân dậy để cổ võ cho cuộc ra quân từ thiện của ông. Trái với ông, các bà cho tiền, im lặng rời đi, và nói các bà thấy họ cần giúp nên vội vàng bắt xe xuống đây trong đêm để giúp. Lòng từ tâm đó – hay đúng hơn là những cọc tiền tươi đó – sẽ là thứ “dán” vào cơ thể bể nát của các anh sau một thảm họa kinh hoàng.
5 năm sau, tôi quay lại Bình Minh, Vĩnh Long, và nghe những câu chuyện buồn khủng khiếp từ dòng tiền khổng lồ ngày ấy đổ về cái thôn làng nghèo này. Có một bà mẹ chết con trai, được đền bù những 2 căn nhà và rất nhiều tiền. Chỉ một thời gian ngắn sau, ông chồng đánh đề hết một căn nhà, bà vợ đánh ghen vì ổng có bồ, đuổi ông ra khỏi nhà. Chuyện tương tự vậy rất nhiều.
Vào lúc đó, thì các nhà đạo đức học cao quý dạy rằng khi cho tiền hãy suy nghĩ, khi làm từ thiện hãy có lương tâm, khi giúp đỡ ai hãy giúp đỡ đến cùng, khi cho ai cái gì hãy cho cần câu đừng cho con cá. Tôi chỉ nhớ hoài, vào cái đêm anh con trai của bà mẹ nghèo kia nằm hôn mê trong phòng bệnh với cái ngực bể nát, làm gì có nhà đạo đức nào xuất hiện. Lúc đó chỉ có những đại gia, những người giàu hảo tâm, những người thuận lòng giúp người khổ, đã bắt xe đến, ngắt tiền đưa cho họ. Tiền thì không đẹp lắm, nhưng hình như nó có “nguy cơ” cứu được người thật. Lúc đó, chẳng có đạo đức nào xuất hiện để bảo rằng ôi các bạn hãy ngừng lại, đừng cho con cá, hãy cho cần câu.
Cũng như ngày em Hào Anh xuất hiện trên báo chí, hẳn những người giàu có, những phụ nữ dư dả, những người đàn ông xót thương em, đã làm cho em một cái tài sản nhỏ, để em có thể sau này lớn lên có cái ăn cái mặc. Có phải vì thế mà họ trở thành những người hảo tâm thừa thãi? Hay các nhà từ thiện chưng diện? – Người ta trở nên sang chảnh hơn nhờ vào lòng thiện nguyện sao? – Hay vào lúc em Hào Anh không lớn lên ngời ngời, trở thành một giáo sư đại học (em bình thường, yêu một cô gái mù quáng, và phạm sai lầm – như nhiều em trai khác ở nông thôn vào tuổi ấy) – vậy là cùng lúc những người đã (lỡ) giúp em được cả xã hội chỉ mặt và gọi tên là những kẻ “giả vờ” mua lòng thanh thản bằng vài ba xu bạc cắc.
Dạ không, 800 triệu không phải bạc cắc, nó là cả một tài sản đủ để đứa trẻ lớn lên sung túc – như một món quà thừa kế vậy.
Hãy đặt giả định một ngày kia em Hào Anh không đuổi mẹ, cũng không vì quá yêu mà mất tiền, mà em trở thành giảng viên đại học kinh tế, hẳn các nhà đạo đức sẽ gật gù “Đấy, xã hội đã cho em tương lai. Đấy các nhà hảo tâm đã nhìn xuống những tâm hồn khốn khó!” – Cũng 800 triệu, nói chiều nào cũng dễ.
Khi đưa tiền giúp đỡ một ai đó, liệu những người làm việc tốt có cần phải chịu trách nhiệm về 20 năm cuộc đời tiếp theo của nạn nhân họ vừa giúp đỡ không? – Không ai đủ năng lực để làm chuyện đó, trừ khi biến hóa luôn thành mẹ nạn nhân cho xong. Và những nhà đạo đức cao quý hỡi, lúc ấy các bạn có xì tiền để giúp đỡ em Hào Anh hay bà mẹ nghèo ngồi ngoài bệnh viện mà tôi gặp không? – Các bạn không xì tiền – và cố nhiên – cũng chả xuất hiện.
Tôi đã gặp những nhà làm từ thiện chuyên nghiệp, như ông Tư Chưa – Võ Văn An – chủ hãng xe cấp cứu miễn phí ở An Giang. Để làm từ thiện (đúng y chang các nhà đạo đức nói), ông Tư Chưa và 7 ông bạn thân đã phải hi sinh 10 năm ròng full-time của họ – sau khi đã nghỉ hưu – để có tiền tài (của con cái giúp) và thời gian của chính họ và làm hệ thống xe cấp cứu đó. Từ thiện đã trở thành NGHỀ của họ – vì họ có thời gian và lòng trọn vẹn cho việc đó. 7 ông x10 năm = 70 năm – nghĩa là 1 đời người. Để làm ra cái “cần câu” như các nhà đạo đức nói, xem ra cần cả một đời người.
Xin các nhà đạo đức hãy im mồm lại, và vui lòng hiểu cho rõ, người làm từ thiện chuyên nghiệp – là người cống hiến toàn thời gian cho công việc ấy. Tại một số tổ chức, họ nhận lương cho công việc này – như một nghề nghiệp. Cố nhiên, với chừng ấy chi trả, hệ thống, sự lớp lang, người ta cần phải chuyên nghiệp trong cách vận hành tiền và chi trả, cũng như giúp đỡ về tinh thần cho người được thụ hưởng. Ngoài ra, còn có những người làm từ thiện không chuyên nghiệp, là người có quần áo, có thức ăn, có tiền, có nhà xưởng… và nhường lại cho những người mà chủ quan họ nghĩ đang cần giúp đỡ. Họ không mưu sinh bằng nghề làm từ thiện, mà bằng nghề bác sĩ, công nhân, lao công, giáo viên… Họ phải nuôi con cái, cha mẹ họ, họ chỉ có thể giúp khi có dư dả chút gì đó.
Cố nhiên, đã không phải chuyên nghiệp, họ sẽ nhầm lẫn và sai lầm nhiều hơn những người làm chuyên nghiệp. Nhưng ngay cả sự chuyên nghiệp có nhầm ko? – Hãy nhớ lại vụ cô gái bị bạo hành tình dục Somaly Mam và câu chuyện xạo sự của cô trong cái NGO có 1 đống tiền của cổ!
Vậy tại sao, vào khoảnh khắc những con người nạn nhân không trưởng thành (hay hóa thành) rồng phụng, quái thú, vĩ nhân như các nhà đạo đức mong đợi, cả xã hội lại có quyền miệt thị lòng tốt của những người làm từ thiện không chuyên? Họ đến để giúp đỡ nạn nhân vượt qua cơn khó khăn, chứ không phải tới và hóa thành mẹ của nạn nhân, để chịu trách nhiệm suốt đời của ẻm – Vậy ra khi cái tường đổ cái đạo đức trèo lên như bìm leo hả? – Tươi mới quá, không hiểu nổi!
Có những người tôi thấy đã cười khinh bỉ vào bảo “có phải nhét tiền vào là người ta hết đau khổ đâu!” – Tôi cũng gặp một trường hợp tương tự. Khi bão Haiyan xảy ra, Google set up một hệ thống tìm kiếm thân nhân cho người Philippines trên trang chủ. Lúc đó, nhiều tờ báo Philippines kêu gọi các tổ chức dùng tiền mua lương thực và thiết bị y tế đến hỗ trợ. Trong công ty, tôi có nói, Google hay nhỉ, sáng tạo quá, còn mấy chỗ kia sao toàn gom tiền. Một anh bạn chen vào: “Nhưng những lúc như vầy, tiền là thứ hiệu quả nhất em ạ!” – Phải rồi, họ cần thuốc, nước uống, đồ ăn, cáng vết thương, bác sĩ, chứ google thì dành cho lúc họ đã khỏe lại đi tìm thân nhân thôi. Mà cái nào cũng là giúp, cái cơn bão ấy chẳng thể tệ hơn, và những người đã chết chẳng thể sống dậy, chỉ có người sống cần được nâng đỡ để đi qua thảm họa.
Tiền đấy. Chỉ là chuyện tiền thôi.
Vậy nên, sau cái vụ em Hào Anh, rồi tới vụ em bé Ngân bị bạo hành mấy ngày qua, em xin các nhà đạo đức đừng rủa xả những người có lòng thiện nguyện nữa. Nếu các bạn chẳng làm gì, thừa thãi thời gian và nước bọt, xin hãy đi chửi chó mèo quái thú hay quan lại gì đó đi hén!
Các bạn đừng có trích dẫn lời của >>> nhà từ thiện cấp cao Ba Lan ra như thánh sống nữa. Bà đó làm từ thiện full-time, pro rồi! – Bà đó cũng hổng có tới cầu Cần Thơ ngắt tiền đưa cho bà mẹ có anh con trai sắp chết.
Cả mí bạn nữa, nếu không làm được việc tốt, thì thôi cũng đừng để quỷ dữ nhai luôn lưỡi của mình, bằng cách khinh bỉ, rẻ báng những người không chuyên nghiệp đang cố gắng làm một việc tốt.
Cuộc sống mệt lắm, đừng có làm nhau mệt thêm nữa…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét