Theo nhiều phương diện, tình hình tại Đông Á hiện nay giống như Châu Âu trước Chiến tranh thế giới I, khi các cường quốc Châu Âu đang trỗi dậy thách thức các cường quốc cũ. Khả năng một cuộc chiến tranh tại Châu Á liệu có xảy ra?
Các nước Đông Nam Á và Trung Quốc hiện vẫn không thể giải quyết được những tuyên bố chồng lấn của mình tại khu vực vốn được ước đoán có nhiều dầu mỏ và có giá trị chiến lược với trên 5 nghìn tỷ USD thương mại qua lại mỗi năm. Philippines và Việt Nam đã yêu cầu Tòa án trọng tài quốc tế ra phán quyết về những yêu sách vùng Đặc quyền Kinh tế trong khu vực Biển Đông của Trung Quốc, nhưng bất kỳ quyết định nào cũng đều vô nghĩa vì Trung Quốc cho rằng Tòa án không có thẩm quyền.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc lần đầu tiên đã tuyên bố muốn trở thành một cường quốc chi phối tại Châu Á, thông qua khẳng định chủ quyền với các đường biên giới tranh chấp trên bộ và trên biển chưa giải quyết tại Châu Á và dẫn dắt các tổ chức khu vực. Trung Quốc hiện không chứng tỏ sự đe dọa, tuy nhiên các hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang bí mật xây dựng một đường băng trên quần đảo Trường Sa cho phép máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh tại quần đảo này trong trường hợp chiến tranh xảy ra.
Bất chấp bầu không khí hiếu chiến gia tăng tại khu vực, một số nhà lãnh đạo và doanh nhân Châu Á cho rằng tăng trưởng và thương mại tại Châu Á - vốn đang ngày càng trở thành đầu tàu của toàn bộ nền kinh tế thế giới - sẽ giúp ngăn ngừa cẳng thẳng gia tăng. Các nền kinh tế Châu Á ngày càng gắn kết chặt chẽ và Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận thương mại tự do với 10 nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, những mối quan hệ thương mại này có lẽ sẽ không ngăn được một cuộc chiến tranh trong tương lai. Theo nhiều phương diện, tình hình tại Đông Á hiện nay giống như Châu Âu trước Chiến tranh thế giới I, khi các cường quốc Châu Âu đang trỗi dậy thách thức các cường quốc cũ. Như đã từng xảy ra tại Châu Âu, bế tắc tại Đông Á hiện nay có thể kết thúc đẫm máu. Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang ngày càng công khai đối nghịch lẫn nhau. Bắc Kinh cảnh báo ExxonMobil và các công ty dầu khí lớn khác không được liên doanh với các nước Đông Nam Á thăm dò Biển Đông; cảnh cáo công khai các nước Đông Nam Á không được thách thức tuyên bố về biển và đất liền của Bắc Kinh...
Môi trường nguy hiểm của Châu Á hiện nay xuất phát một phần từ sự mềm yếu của Mỹ. Mặc dù chính sách xoay trục về Châu Á đầy tham vọng, nhưng nó mới chỉ dừng lại ở những lời cam kết. Nhiều nước Châu Á đang băn khoăn liệu Mỹ có thực sự là người bảo trợ an ninh khu vực trong những thập kỷ tới. Trong bối cảnh đó, giới lãnh đạo mới của Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn về chính trị và mang tính dân tộc chủ nghĩa nhất trong các vấn đề đối ngoại kể từ thời Mao Trạch Đông. Trong 3 năm qua, Tập Cận Bình và nhóm các nhà lãnh đạo quanh mình đã phá vỡ phương châm của Đặng Tiểu Bình và từ bỏ chính sách tấn công ngoại giao với Đông Nam Á. Phong cách hành xử quyết đoán của Tập Cận Bình trong chính sách đối ngoại khiến nhiều nước láng giềng của Trung Quốc dường như ngày càng cảm thấy bị đe dọa. Bên cạnh việc tuyên bố phần lớn chủ quyền với Biển Đông và Hoa Đông, các công ty dầu mỏ nhà nước Trung Quốc dưới thời Tập đã triển khai các giàn khoan dầu, được hộ tống bởi các tàu hải quân hoặc cảnh sát biển, tới các vùng nước tranh chấp. Nhiều nước tại Đông Á hiện nay rõ ràng sợ hãi sức mạnh gia tăng của Trung Quốc cũng như việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng sức mạnh đó.
Thực tế, Châu Á đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang nhanh chóng. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, mua bán vũ khí tại Đông Á hiện đã tăng hơn 100% kể từ năm 2005. Các cuộc đụng độ tại Biển Đông và Hoa Đông như giữa tàu Trung Quốc và Việt Nam, tàu Trung Quốc và Philippines, tàu Trung Quốc và Nhật Bản hiện xảy ra hầu như hàng ngày.
Nếu chiến tranh xảy ra tại Đông Á, nó có thể dễ dàng lôi kéo Mỹ tham gia. Mặc dù chính quyền Obama không công khai tuyên bố sẽ phản ứng thế nào đối với một cuộc xung đột đột tại Biển Đông hay Hoa Đông, nhưng Mỹ đang có hiệp ước đồng minh với Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc, có trách nhiệm bảo vệ những nước này trước các cuộc tấn công. Mỹ cũng đang tăng cường quan hệ đối tác quân sự gần gũi với Việt Nam, Singapore, Indonesia và các nước Châu Á khác.
Tổng thống Obama chỉ còn hai năm trong nhiệm kỳ và sau đó không có gì bảo đảm một Tổng thống mới của Mỹ sẽ giúp khôi phục lại sự yên tĩnh tại Châu Á. Là Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Obama, bà Hillary Clinton được cho là cứng rắn hơn trong đối đầu với Trung Quốc. Bà Clinton cũng nhiều lần cho rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama là mềm yếu và nếu trở thành Tổng thống, bà sẽ cứng rắn hơn trong các vấn đề an ninh quốc gia. Nhưng bà Clinton cũng không dám mạo hiểm về chiến tranh giữa các cường quốc lớn nhất. Tuy nhiên, mọi người đã nói những điều tương tự như vậy về các nhà lãnh đạo Đức và Anh trước khi nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới I.
Joshua Kurlantzick là thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ. Bài viết được đăng trênThe National.
Trần Quang (gt)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét