Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

VÌ SAO TÔI VIẾT TIỂU THUYẾT NGUYÊN KHÍ VÀ NHỮNG HUYỀN ẢO NGOÀI VĂN CHƯƠNG


 
  Hoàng Minh Tường

 
Lời dẫn: “Nguyên khí” là cuốn tiểu thuyết viết về hai nhân vật lịch sử nổi tiếng Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ thời Lê sơ (thế kỷ XV) của nhà văn Hoàng Minh Tường, được Mạng Amazon và shop Người Việt xuất bản năm 2014. Là tiểu thuyết lịch sử nhưng thực chất lịch sử chỉ là điểm tựa tạo niềm cảm hứng cho tác giả thể hiện quan điểm thẩm mỹ thông qua hệ thống nhân vật và bối cảnh xã hội hư cấu. Lịch sử nhân loại thường được ghi chép không mấy trung thực, nhất là với lịch sử Việt Nam, qua hàng ngàn năm chống ngoại xâm và nội chiến khốc liệt giành vương quyền đã để lại nhiều điểm mù mờ, tạo nên những góc khuất, cho đến ngày nay vẫn còn là những câu hỏi lớn. Vì vậy, không lạ gì, khi cùng một sự kiện ghi trong Quốc sử, nhưng mỗi nhà văn lại có quan điểm khác nhau khi khai thác và sử dụng tư liệu. Vì thế, Alxandre Dumas (cha) khi viết tác phẩm “Ba chàng ngự lâm” (Les trois mousquetaires) đã từng tuyên bố Lịch sử chỉ  cái đinh để nhà văn treo bức tranh vẽ theo trí tưởng tượng của mình. Có thể xem như đó là một tuyên ngôn của nghệ thuật.
Về mặt phương pháp sáng tác, “Nguyên khí” hầu như không chịu sự chi phối của thi pháp tiểu thuyết lịch sử truyền thống. Tác giả phá vỡ hệ thống quy phạm vốn đã được “tiêu chuẩn hóa”. Ông có vẻ như không coi trọng lắm các sự kiện lịch sử, mà tập trung khai thác bản chất lịch sử thông qua thao tác phản biện.
Có thể nói, viết “Nguyên khí”, Hoàng Minh Tường thay đổi hẳn bút pháp nếu so với “Gia phả của đất” và “Thời của thánh thần”. Mạch truyện không theo trình tư tuyến tính mà phát triển theo kiểu gián cách. Hệ thống nhân vật lịch sử và hiện tại đan xen vào nhau cùng với những bình luận ngoại đề của nhân vật hay của chính tác giả, tạo nên một văn bản nghệ thuật hấp dẫn, trong đó có không ít trường đoạn mang yếu tố trào lộng, giễu nhại của phương pháp sáng tác Hậu hiện đại.
Tính chân thực của “Nguyên khí” được dẫn dắt bởi mạch truyện linh hoạt kết hợp giữa các sự kiện lịch sử và hư cấu nghệ thuật xung quanh vụ án Lệ Chi Viên làm người đọc bị bất ngờ qua hàng loạt tình huống giầu kịch tính. Câu chuyện bắt đầu bằng việc ông trưởng tộc họ Đoàn xứ Đoài bất ngờ tìm được bộ “Long Thành tạp ký” bằng chữ Hán , ghi chép về vụ án Lệ Chi Viên do cụ tổ Ứng Nhân Đoàn Khâm để lại từ năm trăm năm trước. Và cũng từ bộ sách quý này mới nảy sinh ra chuỗi nhân vật giầu cá tính, đầy bản lĩnh nhưng cũng thấp thoáng chút hài hước là hai “nhà buôn văn hóa” Cao và Thấp, giáo sư Hán học Hoàng, tiến sĩ Bùi La Việt, chủ nhiệm Huỳnh Đạo. Tuyến nhân vật hiện đại này tuy mỗi người một vẻ, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung là đều kính trọng, tôn vinh Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ, đồng thời tìm mọi cách trả lại danh dự cho hai danh nhân văn hóa sau cái chết oan khuất của họ cách đây hơn bảy trăm năm.
Có thể xem, “Nguyên khí” là một văn bản nghệ thuật kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, được soi rọi bằng nhãn quan thấu thị của người cầm bút lách vào những góc khuất thời gian mà không bị chi phối bởi ý thức hệ, nhằm tìm ra được chân tướng lịch sử vốn bị mù mờ do các sử gia để lại.
Nguyên khí là bi kịch không chỉ một thời của giới trí thức Việt Nam. Nó là nỗi đau tận tâm can của nhiều thế hệ bởi chúng ta chưa tự thắng được sự hèn yếu của mình.
Văn Việt sẽ lần lượt trích đăng 12 trong số 19 chương cuốn tiểu thuyết này của nhà văn Hoàng Minh Tường.
Xin hãy mở đầu bằng lời đầu sách của tác giả.
VÌ SAO TÔI VIẾT TIỂU THUYẾT NGUYÊN KHÍ VÀ NHỮNG HUYỀN ẢO NGOÀI VĂN CHƯƠNG
Hoàng Minh Tường
Cuối năm 2011, trước khi nghỉ hưu, tôi làm nốt công việc thư ký vòng Chung khảo cuộc thi tiểu thuyết năm 2008 -2012 của Hội Nhà văn Việt Nam. Mặc dù kéo dài thêm một năm, cuộc thi tiểu thuyết này vẫn chưa tìm thấy bóng dáng trạng nguyên đích thực. Hình như các nhà văn vừa viết vừa sợ. Và để an toàn, họ đã tự kiểm duyệt mình, vì thế những đứa con tinh thần của họ có vẻ èo uột, thiếu vắng hơi thở của đời sống. Trong bối cảnh đó, mảng tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử lên ngôi. Có lẽ bởi các nhà văn ngại đụng chạm đến những vấn đề đương đại? Có lẽ lẩn vào lịch sử, người viết dễ an toàn mà lại gửi gắm được nhiều ẩn ức? Cho nên dễ dàng nhận ra các cây bút tiểu thuyết lịch sử sừng sỏ đều có tác phẩm dự thi lọt sâu vào vòng chung khảo. Ngoài tiểu thuyết “Hội thề” của nhà văn Nguyễn Quang Thân viết về những ngày cuối cùng của bại quân nhà Minh ở Đông Quan, mà hầu hết giám khảo của vòng sơ khảo, rồi vòng chung khảo đều xếp giải cao, còn có cuốn tiểu thuyết “Nguyễn Thị Lộ” của nhà văn Hà Văn Thuỳ cũng rất được chú ý.
Nhà văn Hà Văn Thuỳ là người khá am tường lịch sử. Nhiều năm nay ông đã bỏ thời gian, công sức sưu tầm và nghiền ngẫm những vấn đề về cội nguồn người Việt; tiến trình phát triển của văn hoá người Việt từ thuở hồng hoang, qua các thời kỳ lịch sử; sự giao thoa văn hoá và bản sắc dân tộc Việt vv… Ở tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ, ông bộc lộ sở trường trong việc khắc hoạ nhân vật, tạo dựng ngôn ngữ sử thi, cuốn hút người đọc ở các chi tiết… Ban đầu, chính tôi cũng bị choáng ngợp bởi cách dẫn dụ của tác giả. Nhưng càng đọc, tôi càng nhận ra tác giả đã phạm một sai lầm nghiêm trọng về phương pháp tiếp cận các tư liệu lịch sử và nhỡn quan của nhà văn khi nhìn nhận, tái hiện các nhân vật lịch sử. Đọc tiểu thuyếtNguyễn Thị Lộ, không thể nghĩ khác khi tác giả phục dựng chân dung Lễ nghi Học sỹ như một ả đào, một kỹ nữ phong tình, một người đàn bà đàng điếm, thậm chí một “con mồi” của Nguyễn Trãi để lung lạc vua Lê Thái Tông. Tác giả đặc biệt dựa vào lời kết tội của sử gia Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư“…Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết. Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?…” để phục dựng cả một trường đoạn “mây mưa” giữa Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ trong cái đêm ma mị Lệ Chi Viên…
May mà, rồi cuối cùng ban Chung khảo đã nhận ra mặt trái của tiểu thuyết “Nguyễn Thị Lộ”, và đã không đưa tác phẩm này vào giải.
Riêng tôi, cứ day dứt, phẫn nộ, trăn trở mãi về tiểu thuyết “Nguyễn Thị Lộ” và càng nghĩ đến trách nhiệm của người cầm bút. Không thể để một vụ thảm án oan khuất ngất trời gần sáu trăm năm rồi vẫn còn trong vùng sáng tối. Không thể im lặng khi những tác phẩm như Nguyễn Thị Lộ đang dần được mặc định trong các thế hệ độc giả.
Và tôi, một gã chỉ quen viết những vấn đề đương đại, quyết lấn sân sang lĩnh vực của các nhà tiểu thuyết lịch sử. Tôi bắt đầu truy tìm tư liệu, nghiền ngẫm về thời kỳ mạt Trần; về cuộc kháng chiến do Lê Lợi lãnh đạo đánh đuổi giặc Minh; về cuộc chấn hưng Đại Việt của những anh hùng áo vải Lam Sơn buổi đầu… Giữa muôn vàn biến cố của lịch sử, với hàng trăm nhân vật, hàng ngàn sự kiện, tôi quyết tập trung vào hai nhân vật: Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi  Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ.Đây là hai nhân vật lớn, được nhiều nhà văn, nhà sử học đã viết. Thậm chí, một nữ văn sỹ Pháp, là Yveline Feray…. còn bỏ ra hàng chục năm để viết bộ tiểu thuyết “Vạn Xuân” đồ sộ tới hơn nghìn trang. Tôi biết sở đoản của mình. Tôi không viết về toàn bộ cuộc đời của hai vị. Tôi chỉ tách một lát cắt tiêu biểu, đó là quãng thời gian 27 ngày, bắt đầu từ ngày 20 tháng 7 Nhâm Tuất, 1442, ngày Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao sinh Lê Tư Thành, tức vua Lê Thánh Tông sau này và kết thúc vào ngày 16 tháng 8 Nhâm Tuất, 1442, ngày Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ phải án trảm.
Cuốn sách có tên là “Nguyên Khí”, để luận về thân phận kẻ sỹ thời khởi Lê, cũng như thân phận kẻ sỹ của mọi thời.
Ngày 16 tháng 8 năm Quý Tỵ, 2013, bản thảo Nguyên Khí hoàn thành, đúng vào ngày giỗ Ức Trai tiên sinh và Lễ nghi Học sỹ.
Tháng 12 năm 2013, nhân khánh thành khu văn hoá tâm linh – đền thờ Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi và Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ tại Lệ Chi Viên, mà người có công đầu là nhà giáo Hoàng Đạo Chúc và những thành viên trong Hội yêu kính Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, cùng chính quyền, nhân dân xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, bản thảo tiểu thuyết “Nguyên khí” của tôi được dâng lễ tại đền hai Ngài. Cùng dự lễ dâng sách với tác giả, có Giáo sư Chu Hảo và Tiến sỹ Nguyễn Quang A. Sau khi dâng lễ tại tượng đài Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ, tác giả đã xin được hoá bản thảo tác phẩm tại chân tượng Đức Bà, trên gò cao, dưới bóng cây cổ thụ để dâng lên các Ngài. Giáo sư Chu Hảo và Tiến sỹ Nguyễn Quang A cùng tác giả đã châm lửa cùng hoá tác phẩm. Do sơ xuất, vào phút cuối, tác giả đã lấy chiếc vòi ấm vỡ phía sau tượng đài để vun cho ngọn lửa cháy đượm. Không may, trong vòi ấm còn nước. Vậy là một vài mảnh sót cuối cùng không cháy hết. Không ngờ, việc làm bất cẩn ấy, hoặc cái tâm chưa sáng ấy, lại nảy sinh một tai họạ.
Đầu tiên là việc Nguyên Khí bị rút giấy phép xuất bản tại Nhà xuất bản Tri Thức, một địa chỉ tin cậy của giới trí thức, học giả. Đã có bản can tại nhà in. Chỉ cần bấm máy là một tuần sau, một nghìn bản in đầu tiên đã ra thị trường. Chuyến ấy, tôi tham gia đoàn nhà văn đi Điện Biên Phủ để viết nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng lừng lẫy địa cầu sắp diễn ra, lòng khấp khởi mừng thầm, khi về Hà Nội sẽ có Nguyên Khí phát hành. Nào ngờ, khi đang trên đồi A1 lộng gió thì nhận được điện: Nguyên Khí bị ngừng xuất bản.
Tôi không bất ngờ. Cũng lại giống như Thời của Thánh Thần sáu năm trước. Nhưng Thời của Thánh Thần may hơn, chui qua được khỏi nhà in mới bị ngừng lưu hành. Cũng là lệnh bất thành văn. Nhưng ai cấm? Văn bản đâu? Bó tay chấm com…
Từ Điện Biên về, tôi gặp giáo sư Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức để biết lý do ngừng xuất bản Nguyên Khí. Giáo sư nhún vai, cười buồn: “Cục xuất bản nói: Nhà xuất bản Tri Thức không có chức năng in tiểu thuyết.” “Nhưng bản thảo Nguyên Khí có ghi thể loại tiểu thuyết đâu? Đây là loại sách khảo cứu lịch sử, hoặc chuyên luận lịch sử…” Tôi thắc mắc. Giáo sư Chu Hảo xua tay: “Cấm cãi. Lệnh ngầm. Bất thành văn…”
Tôi buồn ngơ ngẩn cả tháng ròng.
Nhưng rồi, thời đại @. Thế giới phẳng và bé như ao làng. Nguyên Khíđược in và bán trên mạng toàn cầu.
Khi “Nguyên Khí” được xuất bản trên mạng Amazon và shop Người Việt, (vào giữa năm 2014), một người bạn từ Canada đã gửi về cho tác giả một bản in. Ấn phẩm thật đẹp và trang trọng. Nhưng khi đọc qua, thì thật kỳ lạ: có trang mất 2 dòng, một số trang mất vài dòng, có ba trang mất trắng, tổng cộng mất 25 đoạn của rải rác 25 trang, với 2663 từ, trong số 421 trang toàn tác phẩm. Không thể hiểu nổi. Maket dàn trang đã gửi đến NXB bằng bản pdf, không thể chỉnh sửa. Vậy mà không hiểu sao lại có sai sót tày trời này?
Truy tìm mãi cũng không ra nguyên nhân. Chỉ có thể giải thích bằng tâm linh: Tác phẩm đã không được hoá hết (sự cố khi đốt bản thảo như đã nói trên). Và ở cõi thiêng kia, Ức Trai tiên sinh và Lễ nghi Học sỹ đã không nhận được tác phẩm hoàn chỉnh.
Ngày giỗ hai Ngài năm nay (16 tháng 8 Giáp Ngọ, 2014), tác giả đã sửa lễ tại đền Lệ Chi Viên để kính cáo lỗi với tiền nhân.
Nay tác giả xin cáo lỗi cùng độc giả đã đọc và mua bản “Nguyên khí” bị lỗi trong thời gian trước tháng 10-2014, do shop Người Việt và mạng Amazon. US phát hành. Do tác giả và NXB Dân Khí yêu cầu, sau hai tháng ngừng phát hành để chỉnh sửa, từ ngày 20-11-2014, bản in chính thức tiểu thuyết Nguyên Khí đã lại sẵn sàng phục vụ bạn đọc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: