Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Chuyên gia khí công giải mã chuyện vía dữ, vía lành


(ĐSPL) - Đối với những hiện tượng xảy ra trong đời sống con người, nếu chưa được khoa học giải thích thấu đáo, người dân sẽ nghĩ ngay đến thế lực siêu nhiên nào đó đang tồn tại và ám hại con người.
Từ lâu, người ta quan niệm rằng, những người chuyên đi gieo rắc tai họa cho người khác được xem là vía dữ, hiện thân của ma quỷ và bị xa lánh.Về vấn đề này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc nói chuyện với chuyên gia Cấn Văn Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Làng thiền - Định khí công - Dưỡng sinh.
Chuyên gia khí công giải mã chuyện vía dữ, vía lành - Ảnh 1

Ông Cấn Văn Bình trao đổi với PV.

Thưa ông, người xưa quan niệm về vía như thế nào?
Xưa nay, người xưa quan niệm rằng, người ta sống là do có hồn vía nhập vào thể xác. Khi hồn vía lìa khỏi xác thể thì cũng là lúc con người về “thế giới bên kia”. Tất cả cái tinh anh khí phách của người đàn ông hợp thành ba hồn bảy vía, còn tất cả cái khôn ngoan, tháo vát ở người đàn bà hợp thành 3 hồn 9 vía.

Chính vì thế, ở dân tộc Kinh, mỗi khi có người ốm đau đến thập tử nhất sinh, tính mạng bị đe dọa, người ta thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã bảy, ngã ba mà vừa đi về vừa gọi hồn vía người bị nạn để mong cho họ đừng “bỏ đi” xuống “suối vàng”. Hoặc giả sử, nếu họ có chết thì hồn khỏi bị lạc đường, bơ vơ dễ sa vào bàn tay bọn ma quỷ “vô lại”, làm công cụ để hại người lương thiện. Sự gọi hồn ấy, tùy theo người bị nạn là nam hay nữ mà gọi ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía. Tôi nhắc lại, đây chỉ là quan niệm dân gian về vía.
Còn đối với khoa học thì sao?
Năm 1939, Liên bang Xô viết cũ đã có một nghiên cứu liên quan đến năng lượng phát ra từ con người. Họ cho một tấm kính màu xanh cô-ban vào máy ảnh và chụp được năng lượng xung quanh vạn vật có một lớp năng lượng bao phủ. Đối với con người, nếu ai cơ địa khỏe năng lượng phát sáng, ai yếu năng lượng màu xám. Năng lượng xung quanh con người đó chính là “vía” mà người dân thường nhắc đến.
Theo khoa học, năng lượng không màu, nó là sinh khí để bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống của con người khỏi các tác động bên ngoài. Có những người có nguồn năng lượng tốt thì khi tiếp xúc sẽ khiến người khác cảm thấy dễ chịu, sự may mắn. Ngược lại, những người có năng lượng xấu, khi tiếp xúc với trẻ em, những người có sức đề kháng còn non nớt nên nó cảm thấy khó chịu và quấy khóc. Có đứa trẻ sơ sinh sau khi người lạ đến chơi nhà thì khóc mãi không thôi. Đó người ta gọi là “bệnh” khóc dạ đề.
Ông từng nói là đã chữa cho rất nhiều đứa trẻ bị vía dữ ám dẫn đến khóc dạ đề. Vậy “thuốc” mà ông sử dụng là gì?
Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến việc bé khóc dạ đề là do nó tiếp xúc với vía dữ của một người lạ. Như ở trên tôi đã nói, có người đến thăm trẻ sơ sinh, vừa ra khỏi nhà đứa bé đã khóc mà bố mẹ dỗ như thế nào cũng không nín. Đứa bé thường khóc vào ban đêm, khóc theo đúng chu kỳ. Có nghĩa là cứ đến một giờ cố định nó lại khóc.
“Thuốc” chữa “bệnh” khóc dạ đề của tôi là một đoạn dây đồng. Đoạn dây đồng này được tôi truyền năng lượng tốt và tích tụ vào đó. Nam thì tết 7 đoạn dây đồng chập thành một, còn nữ thì 9 đoạn dây đồng. Bởi theo lời dạy của người xưa, nam 3 hồn 7 vía, nữ 3 hồn 9 vía. Sau đó, chiếc vòng này tôi sẽ gói cẩn thận vào chiếc giấy bạc rồi bọc cẩn thận trong túi nilon. Người nhà chỉ cần mang về đặt vào đầu giường, chỗ đứa trẻ ngủ và nó sẽ phát huy tác dụng.
Vì sao phải dùng kim loại đồng mà không phải là các loại dây khác và người nhà của những đứa trẻ đó phải đặt chiếc vòng đó bao lâu, thưa ông?
Việc chọn dây kim loại đồng để tụ năng lượng là theo tính chất hóa học của kim loại này. Khoa học chứng minh, kim loại là vật chất có thể tích tụ năng lượng được nhiều và lâu nhất. Trong đó có đồng. Hơn nữa, đồng là kim loại rất dẻo và bền, rất thuận tiện cho tôi khi tết vòng. Ở miền núi, nhiều người cũng dùng dây đồng để làm vòng đeo trên người những đứa trẻ để làm vía cho chúng. Còn về việc đặt chiếc vòng vía ở đầu giường đứa trẻ đến khi nào chúng hết khóc thì người nhà có thể bỏ vòng ra. Hoặc cứ để đó càng lâu càng tốt vì nó nhỏ cũng không gây vướng víu gì cả. Tôi xin lưu ý, trong quá trình đặt, người nhà không được lôi vòng ra khỏi túi nilon và chiếc giấy bạc. Nếu lôi ra, năng lượng sẽ thoát ra ngoài và chiếc dây đồng không còn tác dụng nữa.
Khi lên các vùng núi phía Bắc, chúng ta thường thấy người dân tộc đeo vòng bạc, đồng ở cổ. Đó phải chăng chỉ đơn thuần là trang sức?
Việc người dân tộc đeo vòng bạc, vòng đồng là có ý nghĩa về mặt sức khỏe và tâm linh chứ không đơn thuần chỉ là đồ trang sức như người ta lầm tưởng. Bởi, ai lên vùng núi đều có thể thấy, từ trẻ sơ sinh đến người già, mỗi người thường đeo đến 3- 4 chiếc trên người. Có người chỉ đeo vòng bạc, có người thì đeo cả bạc, cả đồng. Theo tôi được biết, vòng bạc có tác dụng “khoán nắng khoán gió” và còn vòng đồng thì mang ý nghĩa trấn giữ vía. Thực tế có thể thấy rằng, bạc và đồng là hai kim loại rất phổ biến.
Các bạn có thể thấy rằng, khi một người nào đó bị ốm, trúng gió thì chiếc vòng bạc trên người họ tự nhiên màu xám đi. Đó là do nó đã hút bớt đi những luồng khí độc xung quanh con người. Thậm chí, người ta còn dùng bạc để cạo gió cho người trúng gió. Và khi cạo gió xong, miếng bạc đó đã đổi màu. Cũng như bạc, khi người ta đeo đồng, kim loại này sẽ hút đi những năng lượng xấu - vía xấu.
Xin cảm ơn ông!

VĂN CHƯƠNG – PHẠM HẠNH

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: