Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Ai là người trong hang?

spiral staircase 496918_1280Có bao giờ bạn tự hỏi những điều gì đang chi phối suy nghĩ và cuộc sống của mình hay không? Mỗi người chúng ta phản ứng trước những sự việc rất khác nhau, một quan điểm có thể là đúng nếu nó gần với những gì ta nghĩ và có thể sai nếu nó khác. Chấp nhận quan điểm của người khác là việc tương đối khó khăn vì ta hiểu rằng ta biết điều ta đang biết. Nhưng liệu điều mà mình đang tin đó có thật sự là đúng?
Có nhiều câu chuyện ngụ ngôn để nói về điều này, bạn nghe câu chuyện “Cái Hang” của Platon chưa? Còn hình ảnh “Ếch Ngồi Đáy Giếng” thì bạn hiểu nó đến đâu? Có thể nhiều người sẽ nói là “tôi rất hiểu” nhưng mình nghĩ chưa chắc đâu. Bởi đứng ngoài mà nhìn và phán xét thì dễ dàng hơn rất nhiều. Chúng ta hãy làm một cuộc thử nghiệm với góc nhìn người trong cuộc nhé.
A sinh ra trong một cái hang, người bị xích vào một cây cột và quay mặt vào tường mà không thể ngoái nhìn ra phía sau là cổng của hang. Chính vì vậy bóng của những người bên ngoài cái hang đó và bóng của A hiện ra ở bức tường trước mặt. Vì từ khi còn rất nhỏ A đã thấy những cái bóng đó nên anh ta nghĩ chúng là một thực tại duy nhất gắn liền với cuộc sống của mình. Rồi một ngày nọ, B đã vào hang và muốn giải phóng anh ta khỏi thế giới mà anh ta đang sống, rằng bên ngoài cây cối rất xinh tươi, có muôn ngàn loài thú kỳ lạ, con người có thể chạy nhảy chứ không chỉ ngồi. Nhưng lúc đó bạn biết chuyện gì xẩy ra không? A đã không tin B, A đã giết chết B khi B muốn tháo sợi xích buột A.
Chuyện chưa hết, nhờ một sự may mắn mà B không chết và bò ra khỏi đó. B sống trên một hòn đảo giữa Thái Bình Dương, bộ lạc của anh xây những ngôi nhà cỏ để ở, dùng cây vót nhọn để săn thú rừng. Thần linh của họ là một loài chim kỳ lạ, 2 cánh dang rộng mà phía sau là 2 cột khói kéo dài. Một ngày nọ có người dạt vào bờ và đó là C, C được dân làng cứu sống, ngày ngày C kể về một thế giới khác mà ở đó có những ngôi nhà cao gấp mấy lần những cây cổ thụ trên đảo, nơi đó con người dùng một thứ giống như vị thần của họ để di chuyển. Chính điều này khiến dân làng tức giận nên giết chết anh ta. nhưng cũng như B, C đã không chết.
Nhờ sự trợ giúp của MĐ mà C được trở về với xã hội văn minh, anh ta đang sống ở quốc gia Z. Như bao người khác, anh ta quen với những gì được dạy, hoàn toàn tin tưởng vào nó. Chính vì thế khi MĐ kể cho anh ta về một thế giới khác tốt đẹp hơn rất nhiều, giống như những giấc mơ của anh ta thì anh ta lại không tin, thế nên MĐ đành phải bó tay toàn tập. Rồi MĐ trở về với thế giới anh ta, lại một người là VA bảo là còn một thế giới khác còn đẹp hơn nữa. rồi…rồi…
Bạn thấy đấy, dù A B C, MĐ hay VA sống trong những thế giới khác nhau hoàn toàn, nhưng cách nhìn của họ hoàn toàn là giống nhau, họ đặt tất cả niềm tin vào thế giới họ sống, họ nhìn thấy. Nhiều người đã đến bảo rằng “hãy theo tôi, tôi sẽ chỉ cho bạn một thế giới khác đẹp hơn” để rồi chỉ nhận được sự cười chê từ họ. Ở vị trí của ta, ta nhận ra rằng A và B thật ngu ngốc khi không chịu tin lời người muốn giúp họ, đơn giản vì thế giới ta đang sống văn minh hơn thế giới của họ, ta chắc chắn thế giới của ta là thực tại. Nhưng dường như ta quên rằng thế giới của A và B cũng là thực tại của chính họ. Vậy có sự khác nhau giữa cách nhìn của từng người trong thế giới của chính người đó hay không?
Cái từ “thế giới” mà tôi nói chỉ là một hình ảnh mang tính ẩn dụ, nó có thể là thế giới ta đang sống, là nền giáo dục của ta, là những bài học mà ta học được từ gia đình và xã hội, là bất cứ quan niệm nào đang có trong ta. Ta chỉ biết những gì mình biết, ta chỉ lý luận dựa trên những quan điểm hay những bài học lý luận mà ta được dạy. Thế mà ta vẫn cứ tin chắc là ta đúng giống như A B C, MĐ, VA vẫn tin là họ đúng khi có người muốn chỉ họ những điều mới lạ.
Bạn có nhận ra điều tôi nói? Tôi không bảo bạn hãy tin bất cứ ai nói những điều khác lạ, chỉ là hãy nhìn rõ bản thân mình và những giới hạn của mình, những gì mình được dạy, cái xã hội và tầm nhìn của nó mà mình đang sống trong đó. Hãy thử bước ra những gì tạo nên chúng ta, tìm hiểu những điều xa hơn cao hơn để có thể nhìn lại những gì mà ta hằng tin tưởng có phải là đúng đắn và tốt đẹp.
Có rất nhiều điều chúng ta nghe nói, nghĩ và hiểu (theo cách của ta) là tốt đẹp. Nhưng nếu bạn nhìn kỹ lại nó thì bạn sẽ thấy sự mơ hồ trong chính điều ta nghĩ là ta hiểu. Ví như tôi vẫn tin rằng mình biết bình đẳng là gì, và biết phải đấu tranh cho bình đẳng. Nhưng thật bất ngờ! khi muốn bình luận cho bài viết về bình đẳng thì tôi phải tra từ “bình đẳng” để hiểu rõ về nó mới viết được. Có nhiều người luôn thể hiện tình yêu với quê hương và dân tộc, nhưng họ có thật sự hiểu điều họ đang đi theo. Yêu là yêu cái gì? Vì sao phải yêu? Yêu như thế nào? Có ai từng nhìn kỹ lại những vấn đề đó không? Hay từ khi mới sinh ra, được ông bà cha mẹ bảo yêu là yêu thế thôi?
Lời nhắc cuối bài: nếu ai chưa đọc truyện ngụ ngôn “Cái Hang” của Platon thì nhớ tìm đọc, và những bài phân tích về nó nữa, (ví dụ của tôi chỉ mang tính rút gọn và triển khai thôi), hãy luôn nhớ đên câu chuyện ngụ ngôn này để có thể vươn lên những tầm cao mới.

Mắt Đời

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: