Lang thang mãi cuối cùng anh cũng tìm ra một chỗ ăn vừa ý sau những buổi dạy. Chiều hôm đó, ngay lúc cơn mưa đổ ào xuống anh thấy mình vừa chạy lướt qua một quán cơm. Anh dừng lại, nhìn ngó trước sau, quẹo đầu chiếc xe máy, chạy một quãng ngược chiều, rồi rồ ga leo thẳng lên lề đường. Có điều gì đó trong anh, cái cách chạy xe mạnh bạo không thường có, hay khung cảnh xa lạ, khiến anh hồi hộp. Quán có vẻ tạm bợ, là phần nhô ra của một căn nhà u tối, với ba bề quây lại bằng những miếng ván gỗ, mái lợp là những tấm tôn loang lổ những vết sét rỉ.
Đập vào mắt anh đầu tiên khi bước chân vào quán là lửa. Ba cái chảo lửa bập bùng với những ngọn lửa vòng vèo uốn lượn đi lên. Dĩ nhiên quán xá gắn với lửa khói, nhưng lửa khói ở quán này lồ lộ, như muốn bùng lên, táp vào mặt khách.
Anh nhìn kỹ cái vẻ đẹp kỳ quái của nó. Những cái lưỡi lửa màu cam với những viền xanh liếm vòng quanh ba cái chảo, thỉnh thoảng tham lam vục sâu vội vã vào lòng chảo. Có cả thảy ba cái chảo: một để chiên cơm, một để chiên đùi gà, và một cái trống không, lửa liu riu. Lòng chảo nào cũng lênh láng mỡ nước.
Cơn đói đang gào thét trong bụng chợt dịu lại khi anh nhìn thấy ở chỗ ba cái chảo lửa hiện ra một dáng hình dong dỏng ưa nhìn của một người phụ nữ trẻ quay lưng về phía anh, chăm chú vào bếp núc. Cô đang vớt mấy cái đùi gà ra khỏi chảo, ngừng tay khi thấy có khách. Khi quay lại, là một khuôn mặt xinh đẹp, nổi bật lên hai vệt lông mày. Người ta nói phụ nữ vùng này có chân mày đẹp. Mấy ngày nay anh có nhiều dịp xác nhận điều đó. Thậm chí sáng nay anh đã mua năm tấm vé số (thay vì hạn định hai tấm mỗi ngày để phù hợp với túi tiền và lòng lân mẫn vừa phải của mình) từ một cô gái bán vé số ngồi trên xe lăn có cặp chân mày mà anh thoáng nghĩ là đẹp nhất trần gian.
Một tay cô chủ quán (anh đoán vậy) cầm cái muỗng dài, cánh tay kia thỉnh thoảng đưa lên trán như để lau mồ hôi hoặc che mắt trước những đốm nước bỏng tung toé. Sao mà quyến rũ cái động tác nhẹ nhàng đó? Cô quay lại nhẹ gật đầu chào anh. Hình như anh là người khách đầu tiên trong buổi chiều mưa rào này.
Cạnh cô, một người đàn ông đứng trước cái chảo thứ hai để chiên cơm, đảo qua đảo lại đống cơm cao ngất như những đợt sóng trong chảo. Trong một lúc anh không nhớ mình đã mất bao lâu để phát hiện ra anh ta. Vài hôm sau anh mới biết đó là chồng cô khi quan sát cách họ trao đổi những cử chỉ nửa thân mật, nửa lạnh lùng. Cách anh ta cầm cái muỗng dài không thật tự nhiên như ta vẫn thường hình dung, không biết diễn tả thế nào, nhưng dù không tự nhiên động tác vẫn thoăn thoắt và chính xác. Khi anh ta bưng dĩa cơm ra cho anh, anh bất ngờ nhìn thấy một khoảng trống nhỏ: thiếu một ngón trên bàn tay phải. Không có ngón giữa. Như thể anh ta muốn khoe với anh sự thiếu hụt đó vậy. Một thoáng bất ngờ, nhưng rồi anh có cảm giác nhẹ người, khi hiểu ra cái nguyên nhân khiến cánh tay anh ta vận động thiếu tự nhiên khi đảo cơm.
Anh đến quán liên tục vài buổi sau đó thì trở thành khách quen, với hình ảnh một người đàn ông trung niên mặc quần tây áo sơ-mi bỏ trong quần, đúng dáng vẻ một người làm nghề dạy học lâu năm. Anh thường gọi một dĩa cơm chiên nhỏ với một cái đùi gà, một ly trà đá, rồi dù muốn dù không cũng sẽ mua một vài tờ vé số của người bán vé số nào bước vô quán đến mời anh trước, như một thành phần không thể thiếu của bữa ăn. Ăn xong anh đi bộ về khách sạn, một cái khách sạn nhỏ nằm cạnh công viên ít thấy trẻ con chơi đùa. Phòng anh có cửa sổ nhìn xuống công viên nhưng anh luôn kéo màn lại, vì không có cái gì để nhìn ngoài mấy cái xích đu đứng im và một cái cầu tuột vắng bóng người. Vả chăng anh còn bận bịu lo khắc phục cái bóng đèn luôn dở chứng, cái tivi không “phát” được trận đá bóng quốc tế nào và cái vòi tắm hư làm văng tung toé nước nóng lên mình anh.
Ngày đầu đến thị xã này, người bạn lấy xe máy đưa anh đi một vòng. Đường phố nhiều cây xanh, nhiều quán cà-phê. Một thành phố nhỏ vắng lặng, hiền hoà. Anh chợt nhớ một nhà thơ Pháp từng nói về thị trấn của mình: thị trấn gì mà buồn chán, không một quyển sách, không một quán rượu, không có cả một tai nạn. Anh nói với bạn về một nhận xét tương tự: “Tỉnh lỵ này chắc chẳng bao giờ xảy ra một án mạng.” Người bạn đáp: “Cũng có chứ.”
*
Mỗi lần bước vào và lúc đứng dậy đi về anh đều nhận được nụ cười chào của người phụ nữ. Đôi khi, phút cuối trước khi ra về, anh bị cô giữ lại bằng một câu hỏi, một mẩu chuyện. Chẳng hạn:
“Suốt mấy ngày nay em nghe nhiều tiếng súng, tiếng mìn nổ vang cả một góc trời, hình như trong khuôn viên trường của thầy phải không?”
“Đúng đó, cô. Trường tui dạy có cả một cánh rừng bao quanh, nên người ta chọn làm nơi diễn tập chống khủng bố.”
Cô nhướng đôi lông mày lên cao, tỏ vẻ ngạc nhiên.
“Người ta giả định tình huống một nhóm khủng bố bắt cóc một hai em học sinh chạy trốn vào cánh rừng và rồi các lực lượng đặc nhiệm tìm mọi cách vây ráp cánh rừng đó, đấu tranh với nhóm khủng bố...”
“Kỳ vậy anh? Sao lại chọn trường học?”
“Tui cũng không biết. Chắc là để cho học sinh quen với tiếng súng đạn và sự căng thẳng.”
Khu rừng xinh xắn ấy anh đã định sẽ một hôm nào đi dạo một mình vào đêm trăng, nhưng sau sự kiện đó, nó biến khỏi trí nhớ anh hoàn toàn.
Một hôm đang ăn anh chợt nghe tiếng chuông nhà thờ đổ dồn. Và ngay khoảnh khắc đó, anh trông thấy người phụ nữ hơi dừng lại, làm dấu thánh giá. Lát sau, nhân lúc cô đến gần bên, anh hỏi cô:
“Cô theo đạo?”
“Dạ, sao anh biết?” Cô trả lời, cười vẻ ngượng ngùng.
Anh nói anh thấy cô làm dấu thánh giá, rồi liếc nhanh về phía chồng cô để biết chắc anh ta đang bận bịu với chảo lửa. Tự dưng anh muốn có thể kéo dài câu chuyện một chút. Anh hỏi:
“Sao cô lại cười?”
Nụ cười tắt nhanh trên môi cô. Cô khép hờ mắt, vẻ mặt hơi tối lại:
“Vì em không đi nhà thờ từ lâu rồi.”
“Cô bỏ đạo?”
Cô kín đáo quay nhẹ đầu về phía bếp, nói nhỏ nhưng rành rọt:
“Ông xã không cho em đi lễ từ khi em về làm vợ ổng.”
Anh cố nén một tiếng thở mạnh, không cho phép mình bộc lộ xúc động dù biết mình vừa được nghe một tâm sự. Thậm chí anh còn nghe chính anh suy nghĩ: người vùng này rất cởi mở.
“Tôi cũng vậy.” Anh nói khi nhìn về bếp lửa, cảm thấy dường như người đàn ông mới tạm ngừng một nhịp đào bới chảo cơm.
Anh ta hoà vào lửa làm thành một cảnh tượng, một hậu cảnh. Trên cái hậu cảnh bí hiểm và nóng bức đó là cô. Cô như một cái bóng hư ảo, nói:
“Tức là anh cũng có đạo nhưng không đi nhà thờ?”
“Tệ hơn nữa, có thể nói rằng đã rất lâu tôi không được nghe tiếng chuông nhà thờ dóng dả như vầy.”
“Chiều nay anh có định đi nhà thờ không?” Cô hỏi với nụ cười kín đáo.
Anh suýt buột miệng nói đùa: “Có thể, nếu cô đi với tôi!” nhưng anh kịp giữ lại câu nói đó trong đầu. Anh cũng bỏ đi nhà thờ từ lâu, nhưng có ai hỏi anh còn giữ đạo không, thì anh sẽ không ngần ngại gật đầu.
*
Có một chiều cuối tuần, không dạy học, anh vào quán sớm hơn ngày thường. Anh không thấy chồng cô ta đâu. Chỉ có một mình cô loay hoay bên bếp lửa với hai tay thoăn thoắt. Anh nghe rõ ngực anh đập rộn lên.
“Ông xã đâu để cô bận rộn quá vậy?” Anh hỏi khi đi vào cái bàn quen thuộc, với cái ghế dựa vào vách, thường ngày ngồi đó anh dễ dàng nhìn thấy cô đi lại đồng thời thấy ông chồng luôn tay với mấy cái chảo lửa.
Cô quay mặt vào bên trong nhà, nói “ổng say rồi, đang ngủ như chết kia.”
Một lát sau, cô đến ngồi xuống chiếc ghế trống trước mặt anh, và thỉnh thoảng đứng lên đi về phía bếp hay khi có khách vào quán. Tại sao cô có thể tự nhiên đến ngồi trước mặt anh? Anh rất muốn nhớ lại và diễn tả cái động tác của cô lúc rời bếp lửa đến gần chỗ anh, kéo ghế ngồi xuống.
“Mấy ngày nay hình như thầy muốn hỏi về cái ngón tay bị khuyết của ông xã em phải không?”
Anh gật đầu, nói anh thấy cái khoảng không trên bàn tay anh ấy nó lạ lắm, nhưng thực ra không muốn hỏi thẳng.
“Ảnh lấy dao tự chặt phăng nó đó.”
Anh giật bắn người, kêu trời, mắt nhắm nghiền lại. Một hồi sau anh mới hỏi có phải ảnh làm vậy để trốn lính không.
Cô lắc đầu.
“Không phải. Em có nên nói thêm với thầy nữa không?”
“Tuỳ cô.”
Bữa nay anh mới dám lén quan sát cô mỗi lần cô di chuyển. Cô ăn mặc khác thường hay không anh không dám chắc vì anh không để ý cô ăn mặc kiểu gì mấy ngày vừa rồi. Nhưng đột nhiên anh thấy cái gáy cô, hai cánh tay thon dài, và bộ ngực nhỏ phập phồng dưới lằn vải của cái áo thun màu kem. Khi cô đứng dậy, quay đi, anh thấy ở túi quần tây sau chiếc điện thoại di động lấp ló. Anh kịp thấy một đôi chân thon khoẻ, trên đôi dép mỏng không đẹp, không hoà hợp với y phục. Anh nghĩ, thật lạ, sao cô có thể mang đôi dép xấu xí này, rồi anh tự trả lời có lẽ do cái nền nhà xi-măng không bằng phẳng mà cô lại có cái kiểu đi nhanh của người làm quán xá phục vụ khách. Lúc nói chuyện cô nhìn anh với tia mắt dò xét rất mạnh, và khi ánh dò xét lắng xuống anh có cảm tưởng cô muốn nở nụ cười như thể biết hết và bao dung.
“Thôi, thầy cứ biết vậy thôi.”
Nhưng vài hôm sau, vào một dịp chồng cô đi nhậu chưa về, thì anh biết thêm điều cô thực sự muốn nói, và anh cũng thực sự tò mò.
“Ảnh thương em nhưng em không thương ảnh. Ảnh tán tỉnh em, tự xưng mình là cán bộ. Nhưng mới nghe nói cán bộ là em không muốn nhìn ảnh rồi. Cha mẹ em cũng ác cảm với cán bộ nhà nước, nhất là cha em. Lúc đó nhiều người theo đuổi em, em nói thiệt chứ không phải khoe khoang. Và ảnh bắt đầu sốt ruột, ghen tuông. Những ngày đó em phụ mẹ em may vá thuê, đặt một cái máy may ngoài chợ. Ngày nào ảnh tới rề rà chỗ em làm, là y như rằng ngày đó ế hàng, không biết tại sao. Vậy là mẹ em dọn hàng đi chỗ khác, trốn ảnh. Nhưng ảnh vẫn quyết truy đuổi em.”
Trong giọng kể của cô có gì cay đắng không?
Anh không muốn ăn, còn cô thì không buồn sửa soạn bếp núc. Câu chuyện cuốn họ đi vào một chỗ nào khác, xa khỏi chỗ này. Lúc đó không hiểu từ đâu dẫn tới đoạn anh hỏi cô có mấy con rồi. Cô lắc đầu. Hỏi vì sao, cô bảo bác sĩ khám nói do ông xã em. Hỏi sao cô không thụ tinh qua ống nghiệm; cô trả lời bằng một cái lắc đầu thật dứt khoát.
“Đụ mẹ, khách vô không lo, lo nói chuyện gì vậy?”
Cả anh và cô chủ quán cùng giật bắn, cái mặt bàn nhôm rung lên. Cô đứng lên thật nhanh, giống như một cái cây bị bứng gấp lên khỏi mặt đất. Đó là tiếng la của ông chồng, khi anh ta lao chiếc xe máy chạy thẳng vào quán, mặt mũi đỏ bừng. Không biết anh ta dựng xe ở đâu phía sau lưng, nhưng chỉ trong phút chốc đã thấy anh ta ra đứng giữa quán, tay chống nạnh, cất giọng, cố giữ bình tĩnh vẫn không được vì nghe rõ từng tiếng gằn mạnh:
“Bữa nay thầy không dạy hay sao đến sớm vậy?”
Lòng anh chợt lặng lẽ, lắng xuống bình yên như đã từng như vậy từ nhiều năm qua, và một phần vì chút sợ hãi điều trái khoáy, anh tự chế ngự mình và bình tĩnh trả lời:
“Chiều nay tôi không có lớp. Tôi cũng mới đến đây thôi.”
Anh tưởng mình sẽ còn nghe nhiều câu chửi ác hơn từ miệng người đàn ông chủ quán. Trên bàn của anh không có một dĩa cơm để chứng tỏ anh đến đây dùng bữa. Anh đã cảm thấy thèm cơm, thấy đói bụng một lúc nào đó nhưng rồi nói chuyện với cô một hồi thì hết đói hay sao?
“Sao thầy không kêu món ăn?”
Anh tưởng như cái nhìn chằm chằm của người đàn ông chủ quán bò trên mặt anh.
“Tôi thấy bà xã anh chưa chuẩn bị bếp lửa, nên cũng không vội.”
Hình như anh ta ném thẳng cánh vào anh một cái nhìn như búa tạ hoặc như một nhát dao trước khi tiến tới bếp lửa. Chỉ loáng cái lửa bùng lên mạnh mẽ, vừa lúc trời sầm tối lại, thấy đỏ rực một góc rồi loang ra cả nhà. Cái bàn tay thiếu ngón trỏ làm thành một chữ V màu cam thấp thoáng.
Đúng là có một người khách ngồi ở cái bàn gần sát thềm cửa. Một cô bé bán vé số ngồi thu người lại như bị gù lưng, lặng lẽ như bóng ma, thậm chí không cần đánh tiếng về sự có mặt của mình, làm như cô tôn trọng cuộc trò chuyện của anh và cô chủ quán.
Anh muốn bước ra đường, thoát khỏi tình trạng nóng nực khó chịu này. Nhưng anh cũng muốn ngồi đây, để cho cả lòng dạ và thân thể cảm nhận rõ hơn một mùi vị gì đó như là bất công và tù đọng.
Từ nơi bếp lửa, giọng đàn ông cất lên:
“Vậy bây giờ thầy đói chưa? Thầy có ăn gì không? Ở đây chỉ có cơm gà, thầy rành quá rồi.”
Anh tưởng như mình đang bị quát đuổi. Bụng anh quặn lên, và từ cái vùng bản năng đó có tiếng nói dội vang: tôi muốn ăn, tôi muốn ngồi lại đây thêm nữa, dù để không làm gì hết. Vừa lúc đó cái dáng hình dễ thương, và đã trở nên thân thiết an toàn từ bao giờ, uyển chuyển (hay khép nép) đến gần bên anh. Anh có sợ không cái động tác chất chứa bùng nổ này? Cô toát ra mùi gì kỳ lạ, như là mùi lá cây sạch ướt mưa của hàng cây cao trước nhà trộn với hơi nóng hừng hực của lửa. Anh hít đầy lồng ngực mùi hương đó.
“Cô lấy cho tôi như mọi bữa.”
Đây là quán độc vị cơm gà, nhưng anh để ý thấy khách chọn lựa gọi món khá kỹ và hai vợ chồng cô cũng lắng nghe kỹ, cẩn thận hỏi đi hỏi lại: Đùi hay cổ cánh? Đầu? Phao câu? Lòng? Nạc? Cơm trắng hay cơm chiên?
Không hẳn anh muốn nói vậy, không hẳn anh ngụ ý đó, nhưng anh nhanh nhẹn gần như buột miệng thốt ra vì thấy nó quen thuộc, gần gũi, như thể anh quăng nhẹ sợi dây vải mà hai người mỗi người giữ một đầu nhiều ngày qua.
Bữa ăn như mọi bữa là một cái đùi gà gác lên đụn cơm nhỏ, vài miếng dưa leo, vài lát cà chua, mấy trái ớt. Ly trà đá đặt bên cạnh, có thể đổ bất cứ lúc nào trên cái bàn lồi lõm, đặc biệt nếu bây giờ anh ta đột ngột quay lại, đến gần anh, thét lên, tạo ra một dao động lớn trong không khí. Anh thường nhìn ngắm cái bữa ăn nhiều màu sắc hài hoà của mình một lúc, có phần thích thú, trước khi hờ hững hay trong vô thức đưa một muỗng cơm lên miệng. Anh hít sâu lần nữa mùi vị lạ thoang thoảng đâu đó khi thấy cô tới lui qua lại tiếp khách đang bắt đầu đông dần.
Anh nghĩ rồi mọi thứ sẽ qua thôi. Đây chỉ là những khoảnh khắc xao động trước một người đàn bà khả ái. Anh cũng sắp kết thúc khoá dạy ở đây, sẽ trở lại Sài Gòn, và cuộc sống ồn ã vội vàng ở đó sẽ cuốn anh đi, anh sẽ từ từ quên cô ta và những buồn vui bất chợt gần đây. Lập tức một câu hỏi xuất hiện, ngày mai mình có nên đến đây nữa không? Anh chỉ thấy một cảm giác nôn nao thay vì một câu trả lời rõ ràng. Nhưng ngay cả cảm giác này rồi cũng sẽ qua. Bằng sự từng trải anh biết không phải mình đang bình thản mà trong lòng anh một cái gì đó phức tạp đang từ từ đổ trút xuống, hết thứ này đến thứ khác. Nó làm anh ngạt thở.
Một tốp khách bước vào, anh theo thói quen gọi tính tiền, chuẩn bị đi về. Khi cô bước đến tính tiền, cô không nhìn những tờ giấy bạc, mà nhìn anh trìu mến. Anh phải nhắc cô trả lại tiền lẻ cho anh. Chính vì anh mở miệng mà anh nghe giọng mình dịu dàng pha lẫn lo âu khác thường. Khi bước ra khỏi quán, anh cảm nhận cái nhìn của người đàn ông bám trên lưng mình. Lúc này hình dung về nhân dạng anh ta bỗng trở nên sinh động: rất nhiều râu tóc, rất nhiều gân guốc và bắp thịt; rất ít cười, rất ít nói, rất ít di chuyển, thường chỉ xoay trở như một khối sắt thép. Sung mãn như vậy, anh ta không thể là nguyên nhân của sự hiếm muộn như lời cô nói. Anh ta thậm chí có thể tạo ra một ngôi làng la liệt trẻ con.
*
Hôm nay anh quyết định phải đến chào tạm biệt cô trước khi về lại Sài Gòn. Ba bốn ngày liền anh không đến quán. Đi ăn ở quán khác, anh không nuốt nổi, chỉ nhấm nháp mấy cọng rau hoặc uống trà đá khan. Anh không chịu nổi cảm giác không thấy mặt cô. Khi anh đi thẳng đến cái bàn quen thuộc của mình trong góc, vừa ngồi xuống, anh thấy trên bàn một mảnh giấy nhỏ – một dãy số, có lẽ là số điện thoại, bên dưới là hàng chữ nắn nót như một chuỗi hạt màu xanh biển: “Chừng nào anh về? Đây là số của em, cô bán quán cơm gà tỉnh lẻ. Anh nhắn tin cho em liền đi, để em có số của anh.”
Anh cẩn thận liếc quanh nhà. Không thấy bóng dáng người đàn ông. Giờ này có lẽ như thường lệ anh ta đang ngủ hoặc đang đi nhậu đâu đó chưa về. Nhưng chiếc xe máy của anh ta đâu rồi. Anh lo âu tự hỏi trong khi bàn tay vẫn lấy điện thoại ra, bấm bấm:
“Số của tôi: 090...”
Anh thấy cô rút ra từ túi quần sau chiếc điện thoại nhỏ. Một lát sau điện thoại trên tay anh rung nhẹ lên, êm đềm như một cái ve vuốt:
“Em cám ơn anh.”
“Ngày mốt tôi về rồi. Không biết khi nào trở lại đây.”
“Thầy không xuống dạy học nữa sao?”
“Cũng tuỳ vui buồn.”
“Anh nhớ nhắn tin hoặc gọi em cho đỡ buồn.”
“Được rồi, rảnh tôi sẽ nhắn tin, nhưng không chắc làm cô đỡ buồn.”
“Anh đã đi nhà thờ ở đây chưa?”
“Chưa cô à. Cô vẫn chưa chỉ cho tôi nhà thờ ở đâu.”
“Em biết là anh chưa đi nhà thờ.”
“Làm sao cô biết được?”
Anh tưởng như đang nghe tiếng cô cười khúc khích. Cô còn loay hoay định nhắn gì đó nữa thì một tốp khách ồn ã bước vào.
“Chờ em chút.”
Cô đặt chiếc điện thoại vào một góc cái tủ kiếng đựng những chồng chén dĩa tô, đồ gia vị, thức ăn. Hôm nay cô mặc chiếc áo sơ-mi dài thùng thình phủ mông màu xanh, có những ô vuông đen; chiếc áo mới toanh như muốn phơi bày một tâm hồn chứ không phải để che đậy. Nếu che đậy thì nó đã lỡ che đậy, làm mờ nhạt bầu ngực nhỏ nhưng tròn đầy của cô vẫn thường khi nổi bật qua những chiếc áo thun.
Nhưng cô không còn nhắn tin được nữa. Cô vội nhét cái điện thoại vài túi quần sau, trong khi anh còn cố gắng nhắn cái tin cô đọng chất chứa với chỉ hai từ: “Ổng về.”
Như từ dưới mồ đội dậy, chồng cô xuất hiện từ ngoài đường ngật ngưỡng ngả nghiêng đi vào. Không có tiếng xe máy báo hiệu. Anh ta liên tục đảo mắt nhìn người đàn ông từng là khách quý và người vợ nơi bếp lửa, vừa lầm bầm chửi thề.
Anh đứng lên và nghĩ trong đầu mình sẽ không bao giờ trở lại đây, gặp lại người đàn bà trẻ kia nữa.
*
Anh có thể gặp lại cô chủ quán. Nhưng cái quán thì tạm thời đóng cửa.
Vài giờ sau khi anh ra về trưa hôm đó, cô đứng bên mấy chảo lửa mà không biết mình làm gì, tâm trí lang thang, để cho lửa bén vào vách gỗ, loang rộng lên thành một đám cháy nhỏ.
Cô kể với anh qua điện thoại mấy ngày sau khi anh đã về lại Sài Gòn.
Quán vốn đang vắng khách, nên khi anh vừa rời đi nó càng trở nên mênh mông trong mắt cô. Cảm thấy lạnh và trống trải tay chân, cô bước đến gần những ngọn lửa bếp. Đứng đó, cô nhắm nghiền mắt một hồi lâu cho đến khi cảm giác toàn thân mình bỏng rát.
Sài Gòn, 25/1/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét