Truyện
ngắn của Hồng Giang
Lão Khuyên đã sửa soạn xong đồ nghề cho một ngày.
Nhìn cái
đồng Hồ Pôn zốt đeo ở cổ tay trái: Mới hơn bảy giờ. Đúng là “đồng hồ Liên Xô
không bao giờ sai”. Nó là chiếc đồng hồ lão được tặng thưởng sau đận lão cùng mấy
dân quân ở xã này bắt sống tên phi công nhảy dù xuống trên đỉnh Bạch Mã kia.
Thực tình
mà nói, vùng lão cái năm Đinh Mùi ấy ít bị bắn phá. Đám “Thần sấm”, “Con ma”
ném bom đâu bên Yên Bái, Thái Nguyên là phần nhiều. Ở đây chỉ nghe ì ùng tiếng bom
đạn vọng về như tiếng sấm rền không nghe rõ lắm.
Thế nào hôm
ấy, tiếng máy bay rít ngay trên đầu, đảo qua đảo lại mấy lần. Về sau mới biết
đó là một trận không chiến giữa máy bay ta và máy bay giặc. Chiếc F105 bị bắn
rơi ngay trên dòng sông Gâm. Trời hôm ấy có gió, tên phi công nhảy dù ra bị gió
đưa đi một đoạn khá xa. Dưới mặt đất các xã lân cận tiếng tù và, tiếng hô hoán
dậy một vùng.
Thời đó
đường đi lối lại không như bây giờ, chủ yếu “Vận động chiến” bằng đôi chân.
Những người phát hiện ra chiếc dù chạy đến chân đèo Mã Quýnh thì dừng lại. Một
bên vách núi cao sừng sững, một bên vực sâu. Khi tốp dân quân xã dưới tìm được
lối qua đèo sang đến bên này, thì mất dấu chiếc dù. Họ chia nhau sục xạo cánh
rừng quanh đấy mà không biết tên phi công bị treo lơ lửng trên ngọn cây dưới
chân Bạch Mã phía bên này. Mấy phút sau nó rơi vào tay tốp dân quân đầu tiên
của xã, do lão dẫn đầu..
Thế mà véo một
cái, đã nửa thế kỷ trôi qua!.
Đồng hồ
Pháp, đồng hồ Thụy Sĩ lão được dùng qua cả. Từ cái anh Ni cờ le “vừa nghe vừa
lắc” đến “Ô mê ga” mặt có dạ quang, ban đêm chả cần đèn đóm gì cũng xem được,
lão không lạ. Hồi mới giải phóng, anh con cả mang từ miền nam ra biếu bố chiếc
“Thủy Quân lục chiến” nặng gần bằng hòn sỏi to đeo vào cổ tay. Loại này lạ lắm,
không cần lên dây, nó tự động chạy. Anh con bảo, “Nó chạy bằng mạch máu, cứ đeo
vào tay, mạch đập là nó chạy thôi..Không cần lên dây cót như đồng hồ khác đâu
pá à..” Nghe thì biết thế. Mạch máu là mạch máu, nó có liên quan gì tới chiếc
đồng hồ? Chả nối với nhau bằng thứ dây dợ nào cả, làm sao làm cho đồng hồ chạy
được?
Cái thằng
Pôn Zốt này tuy ngày nào cũng phải lên dây nhưng nó nhẹ nhàng. Với lão nó là
chiếc đồng hồ tốt nhất trần đời. Có người bảo nó cũ quá rồi, nên thay cái khác,
hoặc muốn đeo nữa thì thay cái vỏ, hoặc đêm mạ bạc lại. Lão không nghe. Lâu
ngày cái đồng hồ cũng có lúc giở chứng chết vài lần. Vỏ nó đã han tróc, lòi cả
cái ruột đồng bên trong xanh lè, lão vẫn chấp nhận. Lão đeo nó như đeo niềm
vinh dự, như đeo niềm vui, xem giờ được hay không cũng không quan trọng. Người
già cảm nhận thời gian bằng thói quen, theo thời, tiết là chính. Đồng hồ chỉ là
thứ kiểm định lại mà thôi..
Năm nay lão
nhớ là mình đã tròn trăm tuổi. Cái tuổi còn hơn người ta bảo “Xưa nay hiếm”,
thời gian của ngày đã qua, của bây giờ và sắp tới cứ như lồng vào nhau. Chuyện
cũ chuyện mới có lúc phải một lúc bình tĩnh mới nhớ chính xác là một chuyện nào
đấy thực ra xảy ra lúc nào và như thế nào?
Chỉ khi đeo
chiếc đồng hồ này vào tay, nó như thứ bảo bối, tự nhiên lão minh mẫn hẳn ra,
lại nhớ rành rẽ mọi chuyện. Cứ y như mới xảy ra hôm kia, hôm qua vậy. Từ chuyện
tháng bắt đầu thế giới chiến tranh lần thứ nhất năm 1914, năm lão ra đời đến
tháng kết thúc thế chiến lần hai năm 1945.. Chiến thắng Điện Biên Phủ, thống
nhất hai miền Nam Bắc, lão không quên chuyện nào. Nhưng những chuyện gần đây
lão lại hay nhầm.
Già rồi thì
lẩn thẩn, lẩm cẩm cũng là lẽ tự nhiên. Đấy là lão tự nhủ trong lòng. Thể hiện
ra ngoài lão không muốn thế. Con cháu hay người làng có ai nói với lão như vậy,
chắc chắn lão giận sẽ rất lâu. Lão cũng như chiếc đồng hồ này, vẫn chạy tốt,
vẫn như thường, có sao đâu?
Dù nó không
chạy, nó vẫn là chiếc đồng hồ, cái máy ghi thời gian, đâu phải cục sắt vô tình.
Làng này ai
cũng bảo số lão sướng, đại phúc đại thọ. Lão cứ việc sống vui, sống khỏe. Như
thế là có ích cho mọi người rồi..
Nhưng lão
thì buồn. Bây giờ lão chơi với ai? Chơi gì nào? Bạn bè tuổi lão giờ chả còn ai
ngoài lão Kiền điếc lòi, điếc nổ. Nhiều lúc phải ghé sát vào tai, nói như quát
lên, lão vẫn chưa nghe ra, cứ cười nhen nhen như người dở. Đến là bực mình,
phải ra hiệu bằng tay lão mới hiểu mình đang nói gì?
Lão Khuyên
vừa sửa soạn đồ lề, vừa nghĩ như vậy trong đầu trước lúc đi gặp lão Kiền. Lão
thắt lại bao đạn, đội cái đèn soi lên trán, sửa lại dây giày nghiêm chỉnh đâu
vào đấy rồi khoác súng lên vai.
Ai không
biết, nhìn khẩu súng khai hậu cũng nghĩ là súng thật. Khẩu súng báng gỗ, nòng
gỗ được lão đánh thuốc, sơn bóng nhoáng chả khác gì súng có nòng bằng thép. Lão
vốn là tay chế súng có tiếng trong vùng này mà. Nếu người ta không cấm sử dụng
súng săn, chắc chắn lão còn có cả khẩu hai nòng nữa chứ đâu phải khẩu súng này?
Đứa chắt
thấy lão đi ra ngõ, nó hỏi:
-
Cụ
cố lại đi săn đấy à?
-
Ừ
ở nhà trông nhà. Chiều về cố sẽ có thịt cho mà ăn !
Thằng bé
bưng miệng, không dám cười. Hẳn nó nghĩ: Thú rừng giờ đâu mà còn? Nếu có chăng
nữa, với khẩu súng gỗ kia cụ cố làm sao hạ nổi được con thú kia chứ?
**
Lão Khuyên
đi trước, lão Kiền theo sau. Sau lưng lão Kiền là cái nỏ, lẫy và má nỏ làm bằng
sừng trâu trắng. Một cây nỏ thực sự chứ không phải như cây súng gỗ tượng trưng
như của lão Khuyên. Dù rằng đã lâu, lão không đủ sức lên được dây nỏ nặng hơn
ba chục ký lô. Lão chỉ mang theo cho đỡ nhớ rừng, nhớ một thời thợ săn tiếng
tăm của cả hai người. Những năm trên núi Bạch mã này còn có đủ cả ông hổ, ông
gấu. Còn hươu hoẵng và lợn rừng nhiều chả kém là bao so với trâu bò trong bản
bây giờ.
Nghề đi săn
cũng giống như nhiều nghề khác. Nghĩa rằng phải có bạn. Ít có ai đi săn một
mình. Đấy là một nghề rất lý thú nhưng cũng nhiều nguy hiểm. Ai biết được sẽ
gặp hay xảy ra chuyện gì? Cần có người đi cùng với mình như một chỗ tựa sau
lưng. Thường thì thợ săn hay đi theo phường, có khi cả chục người. Nhưng đó là
những thợ săn thiếu tự tin, phải dựa vào số đông. Lão Khuyên với lão Kiền thì
khác. Hai người là thợ săn lành nghề, thiện xạ có tiếng ở đất này. Chỉ cần dấu
chân con thú để lại trên vệt cỏ là họ đã nhận ra ngay con thú đó là con gì, có
thể ước đoán nó nặng bao nhiêu cân. Nghe mùi gió thổi từ xa đưa lại là biết con
thú đang nấp ở chỗ nào. Nhìn ngọn cây còn đang khẽ lay động là biết nó đi về
đâu. Ngoài kinh nghiệm lâu năm, lão Khuyên còn như được trời ban cho đôi tai
rất thính, đôi mắt cực tinh. Có đêm đi trong rừng già lão cũng chẳng đốt đèn.
Loại đèn ló thắp bằng đất đèn chỉ khi nào cần lắm mới đốt để lấy ánh sáng. Ấy
là lúc nhồi thuốc hay cài kíp lông gà. Mà đất đèn hồi ấy quý và hiếm lắm, không
dùng tùy tiện..
Bạn săn với
nhau, thực ra lão Kiền kém ké Khuyên gần hai chục tuổi. Ngày trước vẫn gọi ké Khuyên
bằng chú, xưng cháu. Từ năm lão Kiền có chắt nội, chắt ngoại rồi, ké khuyên mới
bảo: “Thôi, có chắt rồi, gọi như thế không tiện, cứ cụ ké là được rồi”, lão mới
thôi không xưng hô như trước nữa. Già cả rồi, có hơn kém một hai chục tuổi cũng
không quan trọng vai vế nữa. Người già cả mà, gọi thế con cháu khó xưng hô.
“Năm ông Ké Khuyên biết tán gái, lấy vợ
rồi, mình vẫn còn là cậu choai choai mới lớn. Chỉ như con trâu nhe, đứng gần
con trâu mụng”. Lão Kiền nhớ trong đầu, dù nhiều chuyện lão đã quên không còn
nhớ.. Thế mà thấm thoắt bấy nhiêu năm đã trôi qua. Ké Khuyên một trăm, mình
cũng ngoài tám mươi chứ có ít ỏi gì? Những người già ở nơi khác ở tuổi này đã
hai tay hai gậy hoặc nằm một chỗ. Mấy ai còn đi lại bình thường, chứ đừng nói
“đi săn” kiểu giả vờ như thế này được?
Người ta
bảo tại được nhờ khí mạch, phong thủy của đất này nên người già mới sống lâu,
mới thọ được như thế. Lão Kiền nghĩ cũng phải. Lão từng đi nhiều nơi thấy ít có
nơi nào khí hậu trong lành, núi non quang quẻ như ở đây. Từ ngày lão ké Khuyên
bày cái trò đi săn này, lão Kiền thấy người như khỏe ra, như trẻ thêm cả chục
tuổi. Đúng là người già năng vận động vẫn hơn. Ngồi đánh cờ suốt ngày là rất
không nên..
Từ ngày “đi
mò” tức là đi săn tượng trưng như thế này, ăn tốt, ngủ tốt hơn. Con cháu có đứa
lúc đầu thấy thế con ngăn cản, có đứa còn cười.. Bây giờ chúng mới tin như vậy
là tốt, lại muốn động viên dù hai ông lão đi săn cả buổi chả được con thú nào.
Hai lão thợ
săn già đã đi gần hết khu rừng chò. Kể ra gọi bằng rừng chưa hẳn đúng. Nó chỉ
là một mảnh của rừng xưa, bây giờ xung quanh đã có nhà ở của một xóm định cư
hơn chục năm. Có lẽ gọi là vườn chò thì đúng hơn, nhưng lão Khuyên vẫn thích
gọi như thế. Mà quả thật ngày xưa nó là rừng chò thật. Hàng trăm cây, hàng ngàn
cây, hàng vạn cây không chừng. Không gọi bằng rừng thì gọi bằng gì?
Những cây
chò như không quan tâm gì đến tuổi tác. Cứ tháng giêng hai thì ra hoa. Tháng
năm âm thì rụng quả, quả rụng đầy gốc cây. Ngày xưa chả ai nhặt vì nó nhiều như
sỏi dưới dòng suối bên kia. Nhưng bây giờ thì hiếm rồi. Vụ quả vừa rồi, trong làng
bọn trẻ tranh nhau nhặt, bán được tiền lắm. Người ta mua cả trăm ngàn đồng cân
ký lô mang về trung tâm giống cây trồng. Nghe bảo giống chò này chưa thể chiết
ghép mô được, vẫn phải ươm bằng hạt, vì thế hạt nó mới đắt. Cả tỉnh nghe nói
chỉ còn vài nơi có được vườn chò giống như ở xã này. Giống cây quý bây giờ đã
vào sổ đỏ cả rồi, chứ trước đây bạt ngàn vùng này cây chò cũng như cây nứa, cây
mai, đâu có thiếu? Thế mới biết sự hủy hoại của con người thực là ghê gớm. Có
khi còn hơn cả thiên tai, địch họa. Có cháy rừng cũng chỉ cháy vài ba đám, chứ
đâu có mất nhiều rừng?
Cả vườn chò chỉ giờ còn đúng trăm cây, vừa bằng số tuổi của lão. Mấy mươi năm sống trên đời lão
mất rất nhiều công để giữ nó còn được đến giờ. Hễ có ai lăm le bén mảng đến là
lão ra ngăn cản. Con dao quắm trong tay, khẩu khai hậu sau lưng chả có thằng
lâm tặc nào dám đụng rìu, đụng dao vào cái đám chò này. Sức của lão có hạn, chỉ
giữ được bấy nhiêu thôi. Những chỗ khác lão không thể. Hoặc giữ được lúc này
lại mất lúc khác..
Ngày ấy,
buổi đi săn nào lão cũng đi vòng quanh khu vườn chò một lượt. Riết rồi quen
chân, thành lệ, thành thói quen không bỏ được.
Người trong
bản nhìn mãi cảnh ấy quen mắt. Chả biết ai gọi ra câu ấy đầu tiên, về sau cả
làng cả xã đều gọi tên vườn chò ấy là “Vườn chò ông ké Khuyên”. Chả thế có đận
lái buôn gỗ đến tận nhà gạ mua cây, lão giải thích mãi mà họ không chịu tin là
thật. Mà kể ra người ta gọi như thế cũng có cái lý đúng của nó. Dù sao thì lão
cũng là người có công bảo vệ nó, dù bây giờ nó có là tài sản quý quốc gia cũng
chẳng sao. Con cháu làm ăn khá cả, chả cần bán đến đám chò này mới có cái ăn.
Bây giờ chúng lại đang đua nhau trồng dó bầu, trồng cây sơn ta. Thấy bảo các
loại cây này là cây có giá trị, kiếm được tiền lắm. Nhưng lão nghĩ muốn trồng
gì thì trồng, rừng mà không có đinh lim sến táu, chò chỉ thì sao gọi là rừng có
giá trị? Hay là người thời bây giờ chỉ tính cái ăn ngay, trồng keo, trồng bạch
đàn cho chóng được thu? Lão mấy bận lên ủy ban xã gặp bí thư chủ tịch. Nghe lão
trình bày chả biết có thực tâm hay không, ông nào cũng gật gù, ra điều tán
thưởng. Nhưng mãi chả thấy làm? Hỏi thì bảo:”Khó cây giống ông ké ạ”! Cũng con
cháu trong nhà cả mà, nhắc thế chúng nghe được thì nghe, nói nhiều nó không
thích.
Trước mặt
hai thợ săn già là tảng đá xám, một góc có vết mòn lâu ngày do người ngồi nhẵn
thín. Không biết bao nhiêu lần rồi đây là chỗ nghỉ chân. Không phải ngẫu nhiên
mà hai người chọn chỗ này. Nó gần suối, dưới bóng cây mát đã đành, còn một
duyên cớ nữa. Đây chính là nơi lão Kiền chết hụt một lần.
Lần ấy
không gặp lão ké Khuyên đi họp ngang qua, lão Kiền và bà người yêu lúc bấy giờ
của lão chắc đã thành người thiên cổ lâu rồi. Có sống cũng thành tật, đâu còn
được nguyên ven đến bây giờ?
Sở dĩ lão
ké Khuyên hay ngồi chỗ này cũng có lý do nữa, riêng của lão. Ấy là hôm lão đang
lần theo dấu vết con hổ thọt chân, con hổ vồ trượt lão Kiền bây giờ. Lão đang
chăm chú để ý đám cây sậy ven suối bị vẹt đi, ngả nghiêng có dấu chân con mãnh
thú. Lão đoán hẳn là nó hay ra đây uống nước lúc chiều tối hay khi chạng vạng
sáng? Thì bỗng đâu tiếng gầm rú ngay trên đầu. Rồi một chiếc dù đỏ nom như đám lửa
bay ngay trên đầu. Lão lập tức hiểu chuyện gì đang xảy ra, vội rút chiếc tù và
bằng sừng trâu ngay bên sườn rúc lên một hồi. Chiếc tù và thường vẫn dùng khi
thợ săn cần ứng cứu, được dùng thời bấy giờ vào việc báo động phòng không. Ở
vùng rừng tiếng kẻng vang không được xa như tiếng tù và. Mang nó theo bên người
lại rất tiện. Kẻng còn cần có chỗ treo, khi dùng đến lại phải tất tả chạy đến
chứ tù và thì đeo ngay bên mình, tức khắc thổi chỗ nào cũng được. Lão là xã đội
trưởng, sáng kiến này là lão đi học tập huấn về, thấy tiện lợi bèn cho dân quân
trong làng áp dụng..
Chính ở nơi
có tảng đá xám này lão đã phát hiện tên phi công nhảy dù và rúc hồi tù và ấy.
Những người nghe chuyện của lão nhiều người đã sang thế giới khác. Lớp trẻ bây
giờ lại không mấy hào hứng nghe lại lần thứ hai. Chúng chỉ tỏ ra thích thú nghe
lần đầu thôi thế mới ghét chứ!
Chỉ riêng
chuyện con hổ thọt là vẫn nhiều người tò mò, hỏi đi hỏi lại mãi. Lão nghĩ sở dĩ
như vậy có nguyên nhân sâu xa của nó. Hình như trong dòng máu di truyền nhiều
thế hệ, thói quen săn bắn đã hằn sâu vào vào ký ức. Cho dù bây giờ nghề thợ săn
hầu như đã bị lãng quên. Lão và lão Kiền có mở cuộc săn cũng chỉ là để cho đỡ
nhớ. Cũng là cách luyện tập gân cốt có lợi cho người già. Những buổi trời mưa
không đi được, ngồi nhà nhìn ra ngoài rừng mà buồn nẫu ruột.
Hai thợ săn
già ngồi lặng im trên phiến đá, lặng im không nói gì. Thực ra đang có cuộc nói
chuyện thầm trong bụng.
“Ông còn
nhớ đêm hôm ấy vào mùa nào không?”
“Tôi làm
sao quên được..khi ấy vừa gặt xong, khoảng cuối tháng mười âm”
“ Thiếu gì
chỗ quang đãng mà lại đưa bà Éng ấy ra mãi tận đây, chỗ rậm rịt này”
“Ây dà..
chuyện dài lắm..Nếu mà nhà tôi khi đó có đủ bạc trắng, đủ trâu thì đâu đến nỗi?
Bà ấy thương tôi hai ba năm trời, thề sống thề chết với nhau, vậy mà phải đi
lấy người khác. Bà ấy hẹn tôi ra đây cho tôi cái quý nhất của đời mình, vì sang
đến hôm sau nhà trai đã đến đón dâu rồi, chả còn gặp nhau được nữa..”
“Thế đã kịp
gì chưa?”
“Tôi vừa
vòng tay sau lưng bà ấy. Người bà ta mềm đã hết cả.. Đang lúng túng không biết
như nào thì nghe thấy bô.. ộp. rô.. ộp, bô.. ộp ro.. ạt ngay phía sau lưng..”
“Lúc ấy có
biết là có hổ chưa?”
“Thợ săn ai
mà không biết vớ? Mùi nó hôi, tanh kinh lắm, xộc vào mũi tưởng chết ngất đi vớ!
Bà Éng vẫn như chưa biết gì, không biết vì khiếp quá ngất đi hay gái phải hơi
trai lần đầu không còn tỉnh. Tôi vội kéo bà ấy nhảy đại qua đám cây cả hai vừa
phát, nghĩ bụng thôi thế là xong! “
“ Chỉ nghe
thấy ào một tiếng, như gió mạnh thổi rồi tiếng hổ gầm gừ ngay sau lưng, cách
chỗ chúng tôi chưa đến ba gang tay. Tôi hoảng hồn nhìn lại, thật may quá, chính
đám cây chúng tôi phát quang cho đỡ muỗi đã cứu mạng cả hai. Con hổ nằm kẹt
giữa bốn cái gốc cây nhọn như bị đóng gông vào cổ và giữa bụng nó. Mà nó cũng
may, chỉ chệch một tý là nó bị gốc cây nhọn xuyên qua bụng đi đời rồi.. Dưới
ánh trăng mắt nó lòe lửa, tôi không dám nhìn lâu vội kêu cứu”..
Phần sau,
cụ ké Khuyên nhớ rõ:
“Tôi đi họp
về. Tình cờ ngang qua, vội nâng khẩu khai hậu bắn một phát. Lúc ấy nếu không sợ
đạn lạc trúng vào hai người, chắc chắn con hổ bị hạ rồi. Phải bắn chỉ chỉ thiên..tiếc
mãi..Chắc là hoảng chết, con hổ vùng mạnh một cái thoát ra được”
“Cái số
chúng mình beo không ăn thịt được, chả cứ lần ấy, sau này còn mấy lần nữa suýt
bị hổ bắt. Có lần dẫm phải đuôi nó, cu cậu sợ quá vọt lên chạy, như bây giờ đám
trẻ bảo là “chạy mất dép”.
Câu chuyện
này mấy năm trước cả hai thường hay lặp đi lặp lại. Từ năm ngoái đến năm nay
mới thôi không nói thành lời. Có thể là cả hai đã già, không thích nói nhiều.
Cũng có thể có những câu chuyện chỉ nói chuyện thầm còn hay hơn là nói ra lời.
Có đến nửa
giờ trôi qua. Đột nhiên lão ké Khuyên bảo:
- Lần này
nữa thôi đấy. Từ mai sẽ không có chuyện săn xiếc gì nữa đâu đấy. Lâu nay chả ai
nói gì, tôi với lão cứ rủ nhau đi săn như thế này mà không biết mình sai. Săn
bắt thú rừng giờ đã cấm rồi, không nên khuyến khích. Dù hai ta chỉ đi săn như
thế này theo thói quen, cho đỡ nhớ, chả hại đến con thú nào. Nhưng như thế là
vô tình làm gương xấu cho đám trẻ. Từ mai nếu còn khỏe ta sẽ chơi cờ tướng thôi
nhá?
Lão Kiền có
vẻ đồng tình:
- Nói thực
với cụ ké, từ lâu tôi đã định không đi nữa rồi. Nể cụ ké nên vẫn phải đi cùng
thôi. Cái vườn chò này ta cũng không phải lo nữa. Nhà nước đã lập hồ sơ rồi,
đánh số từng cây một chả ai dám động vào đâu!
Thì ra cái
lão Kiền này quái thật. Đi săn chẳng qua là cái cớ để trông vườn chò cụ không
tiện nói, thế mà lão ấy biết hết. Có ai phân công đâu? Ngày nào cụ cũng ra đây
nếu không nghi trang bằng cách đi “săn giả vờ” có khi người ta bảo cụ dở tính,
rỗi hơi. Cụ cũng không biết tại sao mình lại cứ vấn vương cái vườn chò này như
thế. Người ta nói mỗi sự việc, mỗi thân phận ở đời đều có duyên, có nghiệp.
Phải chăng điều này ứng với mình?
Hai người
thợ săn đứng dậy, chầm chậm đi về bản. Đến chỗ rẽ chia tay, cụ ké Khuyên nháy
mắt với lão Kiền:
- Thôi
không săn nữa cũng được. Nhưng nếu hôm nào mát trời nhớ chuyện xưa với bà Éng
cứ rủ, tôi sẽ đi cùng.
Lão Kiền
gật gù, không nói gì. Nhưng trong bụng lão lại nghĩ:” Bà Éng mất lâu lẩu lầu
lâu rồi mà”
“Ờ mà có
thế thực cũng nên. Con người già thì chết.. Nhưng những câu chuyện đời sẽ còn
mãi, chẳng chết bao giờ”
Lão rút sau
bọc ra đưa cho ké khuyên một ống nứa:
-Chút nữa
quên. Có cái món này biếu cụ?
- Gì thế?
- Cụ mang
về.. lúc buồn không đi săn nữa cho đỡ nhớ rừng, đến nhà hẵng mở ra. Có ai hỏi
bảo đây là con thú cuối cùng săn được. Thằng cháu thả trâu bắt được chiều hôm
qua biếu đấy..
Khi cụ ké
Khuyên mở ống nứa, thì ra đấy là con tắc kè hoa rất đẹp, to bằng cổ tay đứa
chắt nội. Cụ chưa biết xử trí như thế nào, thoắt một cái nó đã nhảy phắt lên
trần nhà. Con cháu bảo bắt lại, cụ xua tay..
Từ bữa đó,
đêm nào nó cũng kêu theo tiếng phổ thông:”Sắp về”, “sắp về”.
Cụ ké hơi
bàng hoàng, hay tổ tiên gọi?
Xong rồi cụ
lại trấn an, tự bằng lòng với mình: Trăm
tuổi, “về” cũng được rồi, có chi mà băn khoăn?
=============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét