Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

'Dân Lào, Campuchia coi ô tô chỉ là phương tiện, còn dân VN là cả tài sản'


"Ở các nước trong khu vực như Lào, Cam-pu-chia, người ta sắm 3-4 chiếc xe ô tô để phục vụ công việc làm ăn, ô tô chỉ là phương tiện. Còn ở Việt Nam thì để mua được một chiếc ô tô là điều không hề dễ dàng và ô tô là cả tài sản"...

Khi Việt Nam gia nhập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, theo lộ trình cam kết đến năm 2018, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ về mức 0%. Điều này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến nền công nghiệp ô tô còn non trẻ ở Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này,Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đặng Đình Đào - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội.
Công nghiệp ô tô của Việt Nam yếu kém nhất khu vực!
Công nghiệp ô tô là một trong những ngành đang được Nhà nước và người dân rất quan tâm. Theo đánh giá của ông, thực trạng nền công nghiệp ô tô của nước ta hiện nay như thế nào?
Sau một thời gian khá dài mà các mục tiêu, tham vọng ban đầu của chúng ta đề ra để phát triển ngành công nghiệp ô tô đã không thực hiện được. Nói thẳng ra là đã thất bại. Nền công nghiệp ô tô nước ta trở nên yếu kém nhất trong khu vực. 
Không nhìn đâu xa, ở các nước trong khu vực có nhà sắm 3-4 cái xe ô tô để phục vụ công việc làm ăn, còn ở ta thì để mua được một chiếc ô tô là điều không hề dễ dàng.
Sau nhiều năm thì chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở việc lắp ráp là chính. Tỉ lệ nội địa hóa các dòng xe ô tô quá thấp, đến nay mới chỉ đạt 2-6% so với mục tiêu 30-40%, trong khi các nước như Thái Lan đã lên tới 70-80%. Hơn nữa, dây chuyền lắp ráp ô tô nước ta hiệu quả không cao, sản lượng thấp, thị trường hẹp, cơ sở hạ tầng không nhiều thuận lợi… 
Đây cũng là lý do khiến cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô đẩy giá lên cao hơn so với khu vực, là lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngại tìm đến nước ta…
Vậy theo ông, nguyên nhân nào khiến cho ngành công nghiệp ô tô nước ta chậm phát triển?
Tôi cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do bảo hộ quá lâu và ưu đãi quá nhiều. Gần 15 năm nay, ngành công nghiệp ô tô luôn được coi là ngành trọng điểm và nhận được ưu đãi bậc nhất từ các chính sách của nhà nước để phát triển. 
"Nếu so với khu vực thì phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta nằm ở tốp thấp nhất. Chúng ta không thể so được với Thái Lan hay Malaysia. Thái Lan đã phát triển rất nhanh chóng ngành công nghiệp ô tô. Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô đóng góp cho đất nước họ mỗi năm khoảng 12% GDP. Thái Lan cũng là một quốc gia xuất khẩu ô tô..."
Đó là những chính sách thuế quan ưu đãi như miễn trừ tiền thuê đất, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu nhập vào để xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô, thuế ưu đãi về tỉ lệ nội địa hóa, thuế nhập khẩu linh kiện, thuế tiêu thụ doanh nghiệp…
Việt Nam lại chưa thực sự mạnh dạn mở cửa thị trường, điều này một phần do cách điều hành, quản lý mà trực tiếp là từ các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành công nghiệp ô tô. 
Người dân Việt Nam muốn mua sắm một chiếc ô tô để làm ăn cũng không phải dễ dàng. Không như ở các nước trong khu vực như Lào hay Cam pu chia. Với họ, để sở hữu một chiếc ô tô là một điều hết sức bình thường.
Công nghiệp phụ trợ của chúng ta thất bại, không đạt được mục tiêu. Ô tô trong nước chủ yếu là lắp ráp, vì thế các phụ tùng, linh kiện cũng được các doanh nghiệp nước ngoài đem đến luôn. 
Một mặt Nhà nước kêu gọi phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm giá xe, nhưng mặt khác lại đề ra các chính sách nhằm hạn chế sử dụng ô tô bằng cách áp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, GTGT và trước bạ. Lý do đưa ra là đường sá chật hẹp, gây ô nhiễm môi trường… Rõ ràng, lý do đó là không thuyết phục.
Những chính sách mới ban hành cũng gây ra những rào cản không nhỏ đối với ô tô. Ngay cả khi giá xăng dầu thế giới xuống mức thấp nhất là cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó tăng nguồn thu cho ngân sách trong nước thì mình lại tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, rất khác thường. 
Với các loại thuế, phí hiện nay làm giá cả chênh lệch nhau giữa trong nước và nhập khẩu, và sau gần 30 năm chuyển qua cơ chế thị trường mà ô tô ở Việt Nam vẫn chưa được xem như là "phương tiện" làm ăn mà vẫn quan niệm như "tài sản" nên chưa có các chính sách thật sự phù hợp.
Chất lượng xe trong nước lại không thể bằng nhập khẩu nên người dân vẫn sẽ có xu hướng tìm đến những chiếc xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài. Những quy định hạn chế xe cá nhân được ban hành, tiêu chuẩn lưu thông của xe ô tô khắt khe hơn thì chắc chắn số lượng xe ô tô lưu thông sẽ giảm. Điều này cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến lượng tiêu thụ của ô tô.
Nhiều người cũng đặt ra vấn đề lợi ích nhóm chi phối khá nhiều trong các ngành nên đây cũng là một cản trở rất lớn. Hạn chế được tình trạng lợi ích nhóm cũng giúp cho không riêng gì ngành công nghiệp ô tô mà rất nhiều ngành khác có cơ hội phát triển.
o to, Lao, Cam-pu-chia
 GS.TS Đặng Đình Đào - Nguyên Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội
Đã đến lúc coi ô tô chỉ là phương tiện làm ăn!
Theo thống kê thì năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 72.000 ô tô nguyên chiếc, chiếm khoảng một nửa lượng tiêu thụ trên thị trường. Theo ông, những con số này đang nói lên điều gì? 
Trong hoạt động thương mại, câu chuyện xuất nhập khẩu là bình thường, còn xuất nhập khẩu như thế nào, bao nhiêu thì các cơ quan hoạch định chính sách, Bộ Công thương cần phải tính toán, điều chỉnh và có chính sách phù hợp. 
Lộ trình đến năm 2018 sẽ đưa thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam bằng 0% sẽ khiến chúng ta nhập khẩu nhiều hơn nữa xe ô tô nguyên chiếc.
"Đã đến lúc nên coi ô tô là "phương tiện" để làm ăn của người dân thay vì "tài sản" như hiện nay..."
Giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chính sách và giải pháp thường chưa chú trọng nhiều vào nghiên cứu và phát triển, nâng cao trình độ khoa học công nghệ. Nếu sự quan tâm và ủng hộ đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển ở mức thấp, từ doanh nghiệp đến các ngành, địa phương thì chúng ta sẽ luôn lạc hậu, không thể bắt nhịp kịp với khu vực và thế giới, ngay cả ô tô Campuchia thiết kế, sản xuất sắp tới giá cũng chỉ 100 triệu đồng.
Vì vậy, doanh nghiệp phải đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Doanh nghiệp nên tập trung vào dòng xe chiến lược,tránh dàn trải. Bên cạnh đó phải quan tâm tới người tiêu dùng như cho vay để mua xe phục vụ sản xuất kinh doanh v.v… 
Đã đến lúc nên coi ô tô là "phương tiện" để làm ăn của người dân thay vì "tài sản" như hiện nay. Các chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp ô tô, đầu tư công nghệ cao cần sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.
Hiện nay, công nghiệp phụ trợ của chúng ta chưa có thành tựu, doanh nghiệp nên tập trung vào những sản phẩm mà mình có thế mạnh, không nên lao theo những linh kiện có hàm lượng công nghệ cao quá sức của chúng ta.
Ông vừa nhắc đến công nghiệp ô tô của Cam-pu-chia. Ông có thể nói cụ thể hơn sự khác biệt về nền công nghiệp ô tô ở Việt Nam và các nước trong khu vực? 
Nếu so với khu vực thì phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta nằm ở tốp thấp nhất. Chúng ta không thể so được với Thái Lan hay Malaysia. Thái Lan đã phát triển rất nhanh chóng ngành công nghiệp ô tô. Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô đóng góp cho đất nước họ mỗi năm khoảng 12% GDP. Thái Lan cũng là một quốc gia xuất khẩu ô tô. 
Còn với nền công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam thì tỉ lệ nội địa hóa còn quá thấp, cho nên có nhiều nhận định níu rằng chúng ta còn thua cả Cam-pu-chia. Nhận định đó không phải là không có lý, và điều đó rất đáng ngại đối với chúng ta. Còn tất nhiên, trên bản đồ công nghiệp ô tô khu vực thì chúng ta vẫn quá mờ nhạt. 
Có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên bỏ ngành công nghiệp ô tô vì sau nhiều năm với nhiều ưu đãi thì ngành này đã không thu được nhiều thành tựu. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Tôi không đồng tình với ý kiến này, dù sau nhiều năm, cụ thể là từ năm 1992 đến nay ngành công nghiệp tô tô không thu được thành tựu. Mặc dù chúng ta có những chủ trương, chính sách nhưng ngành công nghiệp tô tô thất bại thì cần phải rút kinh nghiệm và khắc phục chứ không nên xóa bỏ ngành công nghiệp này. 
Ngành công nghiệp ô tô là ngành cơ khí chính xác, độ an toàn, chất lượng và kỹ thuật cao, là ngành không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước mà còn tạo động lực cho thêm nhiều ngành sản xuất khác nữa. 
Năm 2018 thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN còn 0%, chúng ta sẽ chịu thêm rất nhiều thách thức, và những thách thức này khiến nhiều người nhận định như vậy cũng là điều dễ hiểu. Nói thẳng ra, 3 năm nữa để chúng ta có được thành tựu trong ngành công nghiệp ô tô, để ô tô trong nước có thể cạnh tranh với ô tô nước ngoài thì đó là điều gần như không tưởng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cố gắng.
Ông có nhận định gì về thị trường ô tô của Việt Nam trong thời gian tới?
Với xu hướng xăng dầu thế giới giảm thì thị trường ô tô cũng sẽ có phần khởi sắc, nhất là những dòng xe lớn, có lượng tiêu thụ xăng dầu lớn hơn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, đặc biệt cơ sở hạ tầng logistics được quan tâm hơn thì cũng tạo điều kiện cho ô tô phát triển. 
Ổn định và khởi sắc dần về kinh tế, thị trường lao động tốt hơn, tỷ lệ lãi suất thấp trong thời gian tới cũng là những thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này. 
Tôi nghĩ, phải tầm 10-15 năm nữa thì ngành công nghiệp ô tô của chúng ta mới có thể khá hơn được. Chứ mốc 2018 đang đến rất gần, chúng ta sẽ rất khó khăn để cạnh tranh với Khu vực mậu dịch tự do ASEAN mà ta tham gia. 
Xin cảm ơn ông!
Trí Lâm
http://motthegioi.vn/kinh-te/dan-lao-cam-pu-chia-coi-o-to-chi-la-phuong-tien-con-dan-viet-nam-la-ca-tai-san-145493.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: